"Sứ mệnh" của hoa hải đằng

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Nổi tiếng từ một sự nhầm lẫn hay sai sót trong khoa học, loài hoa hải đằng được ví như là thần hộ mệnh của những bệnh nhân ung thư máu và đem lại sức hồi sinh như sức sống của mùa xuân mới...

Loài hoa hải đằng:

Hoa hải đằng có tên gọi khác là cây dừa cạn, vì hoa của chúng không chỉ nở vào mùa xuân mà còn cả những mùa khác nữa nên người ta còn đem tặng nó nhiều cái tên mỹ miều khác như trường xuân hoa, tứ thời hoa, nhật nhật hoa, cây bông dừa, dương giác. Tên khoa học là Catharanthus roseus L. hay Vinca rosea L., thuộc họ trúc đào. Phần Catharanthus do chữ kartharos trong tiếng La-tinh mang ý nghĩa là tinh khiết mà thành. Còn chữ anthos có nghĩa là hoa đẹp đến độ tinh khiết của một thành viên họ trúc đào.

Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều ở các tỉnh gần biển nhưng khắp mọi nơi đều có thể trồng được loại cây này.

Ít ai ngờ rằng loài hoa đầy mong manh và mềm mại này lại chứa trong mình cả một kho hoạt chất sinh học. Nếu gọi là cây cảnh cũng đúng, nhưng gọi là thảo dược cũng chẳng sai vì ở trong cây luôn tồn tại hai đặc tính đẹp và dược tính. Từ hải đằng người ta đã chiết xuất được nhiều chất hoá học khác nhau có giá trị với các phòng nghiên cứu dược và với ngành khoa học vì con người. Một vài loại như axít pyrocatechic, sắc tố flavonoid, anthrocyanic từ thân và lá dừa cạn hoa đỏ, axít ursonic từ lá và cholin từ rễ. Hiện nay, người ta đã xác định hoạt chất chính của dừa cạn là các ankaloid có nhân idol có trong tất cả các bộ phận của cây, nhiều nhất trong rễ và lá.

Nếu tính tổng số các hợp chất hoá học trong cây hải đằng thì chúng ta có thể ghi được số 55 trong bảng tổng hợp. Tuy nhiên người ta cũng chưa khám phá hết được những tính năng dược lý của loại cây quý này. 55 hợp chất này bao gồm: các alkaloid monomer có nhân idol và các alkaloid dimer không đối xứng gần như là nhóm chất đặc thù của loại dừa cạn Catharanthus roseus. Tiêu biểu là vincaleucoblastin (vinblastin), leurocristin (vincristin). Đây là những alkaloid quan trọng nhất của cây này vì nó các tác dụng chống ung thư. Tuy nhiên hàm lượng những alcaloid trong loại thảo dược này rất thấp, phải cần đến 500kg dừa cạn, tức là nửa tạ dừa cạn chỉ để lấy 1g vincristin hoạt chất.

Cuộc thử nghiệm nhầm lẫn:

Cũng giống như sự phát hiện tình cờ ra iốt, một nhà khoa học đã hậu đậu tới mức lỡ tay gạt đổ cả một lọ iốt to tướng vào đĩa hồ tinh bột làm hồ tinh bột biến đổi thành màu xanh, sự phát hiện ra khả năng chống ung thư cũng hết sức tình cờ đến mức có thể gọi là may mắn.


Năm 1952, TS. Clark Noble, một nhà y học người Canada đã nhận được một gói chuyển phát bưu điện từ một bệnh nhân của ông. Gói bưu kiện mà ông nhận được chứa đầy lá và cây của một loại thân thảo mà ông cũng thấy lạ. Tác giả của gói bưu kiện cho biết: Hiện nay người dân vùng này đang sử dụng loại cây này để chữa tiểu đường. Thế là ông quyết định bắt tay vào nghiên cứu xem trong cái loại cây này có gì mà chúng lại có tác dụng trị bệnh hay vậy. Ông đã chuyển 25 lá của loại cây này cho anh trai của ông là Robert Noble, lúc bấy giờ là Phó giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu y học Collip của Đại học Western Ontario. Cuộc nghiên cứu cây dừa cạn hay hoa hải đằng bắt đầu.

Nhưng khoa học lần này lại không mỉm cười với ông, bởi kết quả tìm ra thật thất vọng. Ông  Robert Noble chẳng thể tìm ra được một chút nào về sự biến thiên nồng độ đường máu khi thử nghiệm với dịch chiết hải đằng. Đến con chuột cuối cùng và lần này ông lấy cả máu để “soi” thử cho bớt thất vọng thì một điều vô cùng lạ là: tế bào bạch cầu trong máu chuột lại bị suy giảm lớn, “có ý nghĩa thống kê”. Sự kiện này làm bộ óc ông loé sáng, ông không tiến hành thử nghiệm với đường máu nữa mà chuyển sang nghiên cứu các tế bào máu. Sau khi tiến hành trên hệ máu với nhiều con chuột khác nhau, ông nhận thấy rằng ở mọi con chuột đều có sự giảm không thể kiểm soát được các tế bào bạch cầu, không những ở các con chuột bình thường mà còn cả những con chuột bị ung thư hệ lympho, loại ung thư tạo ra rất nhiều bạch cầu vô dụng cần phải giảm số lượng chúng xuống (ung thư máu hay ung thư dòng bạch cầu). Chính kết quả này đã làm nảy sinh trong các bộ óc hàn lâm một logic vô cùng đơn giản: có thể có một cái gì đó trong cây này có tác dụng làm giảm bạch cầu. Và thế là bước ngoặt nghiên cứu bắt đầu được thực hiện, từ đái tháo đường sang ung thư hệ lympho. Vào năm 1954, nhà hoá sinh Beer vào làm trong phòng thí nghiệm của Robert Noble, vào năm 1958 ông đã tinh chế thành công một loại alkaloid từ lá của loại thảo dược kỳ bí này bằng công nghệ hoá phân tử. Ông đặt tên nó là vinblastine. Và từ đó vinblastine bắt đầu được vào bệnh viện với những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Bệnh viện Princess Margaret ở bang Toronto trên những bệnh nhân bị ung thư lympho.

Sự phát hiện ra vinblastine và đặc tính chống ung thư của loài dừa cạn hay hải đằng là hoàn toàn may mắn từ một cuộc thử nghiệm nhầm lẫn. Song nếu không có cuộc thử nghiệm nhầm lẫn này, không có lòng đam mê khoa học thì chắc là phải lâu lắm nữa chúng ta mới có một loại thuốc hữu hiệu trị ung thư. Mặc dù được phát hiện tình cờ nhưng sự xuất hiện của vinblastine được coi là một mốc lịch sử mang tính bước ngoặt trong điều trị căn bệnh vẫn đang làm đau đầu giới nghiên cứu y học này.

Và ngã rẽ lịch sử:

Hoạt động dược lý chính của vinblastine là ức chế hình thành thoi phân bào trong quá trình phân chia tế bào và được sử dụng trong lâm sàng để điều trị ung thư. Tế bào ung thư muốn phân chia và sinh sản nhân đôi được thì chúng cần phải có thoi phân bào để các nhiễm sắc thể chứa vật chất di truyền và các thành phần khác trượt về hai phía. Không có thoi phân bào, các nhiễm sắc thể không thể trượt được và tất nhiên phân bào không thể xảy ra. Vinblastine đã làm được điều này.

Hiện nay, vinblastine được sử dụng trong lâm sàng để điều trị bệnh Hodgkin giai đoạn III và IV, u lympho non-Hodgkin, ung thư lympho. Nó cũng được sử dụng điều trị các ung thư bàng quang, ung thư da, ung thư thận, ung thư tuyến, ung thư vú, ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên chính tác dụng này của nó lại ảnh hưởng không tốt đến sự dẫn truyền thần kinh vì sự liên kết các vi ống được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền thần kinh dọc các sợi trục. Khi sử dụng vinblastine diệt ung thư thì ngay lập tức quá trinh dẫn truyền thần kinh cũng bị ảnh hưởng. Chính vì thế mà nó cũng không phải là một chất tốt của thần kinh, thậm chí là gây độc thần kinh.

Nhưng dù như thế nào thì với sự phát hiện ra vinblastine, ngành ung thư học đã có thêm một chất vô cùng công hiệu trong điều trị ung thư máu. Bước ngoặt điều trị ung thư như được đi sang một trang mới nhiều thành công hơn. Và cũng vì thế mà cây dừa cạn hay loài hoa hải đằng đã có vai trò trong sứ mệnh “cứu giúp” loài người. 

(Theo SK&ĐS)

Dược liệu sấy lưu huỳnh có gây hại?

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Trên thực tế, khi sơ chế một số vị thuốc sau thu hoạch, người ta đã tiến hành sấy lưu huỳnh để làm chín dược liệu và diệt các nấm mốc. Việc sấy lưu huỳnh thường tiến hành với các vị thuốc mà trong thành phần chứa nhiều tinh bột như các vị hoài sơn, cát căn… hoặc làm mềm một số dược liệu như đương quy, bạch chỉ, ngưu tất… Ngoài ra, người ta còn tiến hành xông lưu huỳnh thường kỳ để bảo quản dược liệu.

Việc sơ chế một số dược liệu bằng cách sấy lưu huỳnh có gây hại cho người sử dụng hay không?.  Dược liệu được sơ chế khi còn tươi. Sau khi đốt lưu huỳnh để sấy, lưu huỳnh cháy và tạo thành khí SO2, khí này sẽ luồn lách theo các khe giữa các lớp dược liệu để tiếp xúc với phía bên ngoài của dược liệu. Mặt khác, do dược liệu tươi chứa nhiều nước nên khí SO2 lại tạo thành acid, có điều kiện ngấm vào bên trong dược liệu sấy. Phần lớn khí SO2 bay lên phía trên mặt lò sấy ra ngoài. Đồng thời với việc tạo thành khí SO2 khi sấy, một phần lưu huỳnh còn được thăng hoa dưới dạng bột mịn, bám vào bên ngoài dược liệu. Sau khi sấy, một ít lưu huỳnh thăng hoa và sản phẩm mang tính acid do SO2 tạo thành sẽ còn đọng lại ở dược liệu.

Lưu huỳnh thường dùng để sấy thuốc bắc chống mốc.
Để khắc phục các hiện tượng bất lợi do việc sơ chế bằng lưu huỳnh, cần phải đặt lò sấy ở xa khu dân cư, người trực tiếp sấy phải có dụng cụ bảo hộ như kính, khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động... để hạn chế sự tiếp xúc với khí SO2. Trước khi sử dụng các vị thuốc đã qua sấy lưu huỳnh, cần phải ngâm các vị thuốc đó vào nước sạch từ 3 - 6 giờ, thỉnh thoảng quấy đảo đều với mục đích để loại phần acid đã ngấm vào dược liệu, đồng thời tiến hành rửa sạch bên ngoài dược liệu để loại bỏ phần lưu huỳnh bám vào khi sấy, để ráo nước, phơi hoặc sấy khô, thái phiến. Tiếp tục sao chế để loại tiếp lưu huỳnh. Như vậy, nếu chế biến đúng cách thì lưu huỳnh sẽ được loại hết. Người sử dụng không còn điều gì phải băn khoăn, lo lắng nữa. Ngoài ra, cũng rất dễ nhận biết, nếu thuốc vẫn còn chứa lưu huỳnh thì chúng có mùi khét (như thuốc ghẻ) hoặc khi uống thấy có vị hơi chua của acid. Cũng cần phân biệt với vị chua của chính một số dược liệu mà bản thân chứa acid hữu cơ như: ngũ vị tử, sơn tra…

Tuy nhiên, lưu huỳnh cũng là vị thuốc của Đông y. Theo tài liệu cổ, lưu huỳnh có vị chua, tính ôn, quy hai kinh tâm, thận, có tác dụng bổ hỏa, tráng dương, lợi đại tràng, sát khuẩn ngoài da; dùng đối với trường hợp liệt dương, chân lạnh, suyễn lạnh, hư hàn tiện bí, lỵ lâu ngày. Phối hợp với bán hạ và nước gừng, làm hoàn, uống ngày 1,5 - 3g. Dùng ngoài trị mẩn ngứa, mụn nhọt. 

Theo SK&ĐS

BỤP GIẤM

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

BỤP GIẤM

Hoa và dược liệu Bụp giấm

Tên khoa học: Hibiscus subdariffla L., họ Bông (Malvaceae).
Mô tả: Cây sống một năm, cao 1,5 - 2m, phân nhánh gần gốc, mầu tím nhạt. Lá hình trứng, nguyên, mép lá có răng. Hoa đơn độc, mọc ở nách, gần như không có cuống. Tràng hoa màu vàng hồng hay tía, có khi trắng. Quả nang hình trứng, có lông thô mang đài mầu đỏ sáng tồn tại bao quanh quả. Cây ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10
Bộ phận dùng: Đài quả, lá.
Phân bố: Cây này có nguồn gốc ở Tây Phi và được dùng để lấy lá, đài hoa dùng làm rau chua. ở nước ta, từ lâu cây Bụp giấm được trồng làm cảnh khá phổ biến ở nước ta. Cây này trồng nhiều ở miền Trung, có đặc tính không kén đất, ưa đất đồi núi, khí hậu nóng ẩm ở Đông Nam bộ.ở miền Bắc, cây này được trồng thí điểm ở vùng Hà tây và Bắc thái. Từ đầu thập niên 90 đến nay, Bụp giấm (giống lấy từ Đức) được Công ty Dược liệu TW 2 trồng nhiều ở Bà Rịa, Đồng Nai, Sông Bé, Bình Thuận  (với diện tích khoảng 400 ha) để xuất khẩu. Năng xuất khoảng 400 -800kg đài khô/ha. Đài hoa phơi khô bảo quản được lâu, sau khi ngâm nước lại trở về  trạng thái tươi.
Thu hái: Vào mùa thu, lúc các lá đài còn mềm, không nhăn héo và có màu đỏ sẫm. Và cũng chỉ thu hái trong vòng 15-20 ngày sau khi hoa nở vì để lâu, dược liệu sẽ kém phẩm chất.
Tác dụng dược lý: Đài hoa Bụp giấm có tác dụng chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng.  Kinh nghiệm dân gian là nhai ngậm đài hoa bụp giấm để trị viêm họng, ho. 
Đài và lá cũng được dùng làm thuốc nhuận gan, lợi tiểu. Dịch chiết nước đài hoa Bụp giấm đem tiêm vào mèo thí nghiệm  (không gây mê) cho thấy có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng này bị ngăn cản bởi atropin Một chiết đoạn polysaccharit nụ hoa bụp giấm tan trong nước có tính chất như pectin polysacharit làm chậm sự phát triển của khối u sarcoma 180 cấy ghép trên chuột.
Dầu ép từ hạt bụp giấm và chất không xà phòng hoá có tác dụng kháng sinh trên một số chủng vi khuẩn  như Escherichia coli, Salmonella typhi, Bacillus subtilis, Coryne bacterium pyogenes, Staphylococcus aureus... và có tác dụng kháng nấm trên một vài loài nấm: aspergillus, trychophyton, cryptococcus...
Thành phần hoá học :
Cả lá, đài hoa Bụp giấm giầu về axit và protein. Các axit chính tan trong nước là acid citric, acid malic, acid tartric, acid hibiscus. Chúng cũng chứa gossypetin và clorid hibiscin là những chất có tính kháng sinh.
Hoa chứa một chất mầu vàng loại flavonol glucosid là Hibiscitrin; Hibiscetin; Gossypitrin và Sabdaritrin.  Quả khô chứa canxi oxalat, Gossypetin, Anthocyanin (có tác dụng kháng sinh) và Vitamin C.
Hột chứa 7,6% nước, 22,3% dầu, 24% protein, 13,5% chất xơ, 7% chất khoáng. Dầu hột bụp giấm tương tự như dầu hột  bông vải có tác dụng chống nấm và bệnh ngoài da. Dầu chứa vitamin và các chất béo không no, có tác dụng tốt đối với người cao tuổi và người kiêng ăn.
Công năng: Nước hãm đài hoa chứa nhiều acid hữu cơ có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, lọc máu, giảm áp suất mạch và kích thích nhu động ruột, lại có tác dụng kháng khuẩn và nhuận tràng. Lá cũng có tác dụng lợi tiểu, an thần và làm mát. Quả chống scorbut...
Công dụng:
Lá có vị chua chua, dùng làm rau ăn. Người ta thường dùng đài hoa có vị chua làm gia vị thay giấm, chế nước giải khát, làm mứt.Có nơi dùng chế xiro.  Người ta có thể cho xiro đó lên men. Lá dùng như chất thơm và cùng với đài hoa, quả để trị bệnh scorbut.  Toàn cây có thể chế rượu vang: rượu có mầu đỏ đẹp, vị chát, chua dịu, dáng dấp của vang Bordeaux.
Lá, đài của hoa bụp giấm chín rất nhanh và chỉ được thu hái trong vòng 15-20 ngày sau khi hoa nở khi chúng còn mềm, không nhăn héo và có mầu đỏ xẫm.  Lá đài để tươi, rửa sạch ép lấy nước, pha thêm đường và nước lọc làm đồ uống giải khát. 
Sắc đài hoa mọng nước lấy nước uống hay hãm uống giúp cho tiêu hoá và trị các bệnh về mắt; Nó cũng dùng để trị bệnh tim và thần kinh, huyết áp cao, xơ cứng động mạch. 
Gần đây, Rovesti và Griebel công bố tác dụng chữa xơ vữa động mạch và tính kháng khuẩn đường ruột cao của Bụp giấm. 
Các nhà nghiên cứu Malaixia cho biết nước ép từ lá đài tươi của Bụp giấm có tác dụng bổ dưỡng và phòng ngừa bệnh ung thư.
Ở Thái Lan, lá đài Bụp giấm phơi khô sắc uống là thuốc lợi tiểu mạnh chữa sỏi thận.  Lá và cành chữa ho, hạt bổ dạ dầy.
Ở Myanma, hạt Bụp giấm chữa suy nhược cơ thể, còn ở Đài loan, hạt được dùng để nhuận tràng nhẹ, bổ và lợi tiểu.
Ở Philippin, rễ Bụp giấm là thuốc bổ và kích thích tiêu hoá.
Trên thế giới hiện nay, người ta có xu hướng đi tìm và chiết xuất chất mầu từ cây cỏ để nhuộm mầu thức ăn và đồ uống thay thế cho các loại hoá chất. Nước ta cũng đã chiết mầu đỏ từ lá, đài Bụp giấm cho mục đích này.
 Cách dùng, liều lượng:  Sử dụng dưới dạng rượu vang, trà.
     Ghi chú: Lá cây Bụp giấm thường được sử dụng để nấu canh chua, chế nước giải khát. Nước ta có sản xuất rượu vang Hibiscus phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

BÔNG ỔI

BÔNG ỔI

Cây Bổng ổi

Tên khác: Cây Ngũ sắc.
Tên khoa học: Lantana camara L., họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Mô tả: Cây cao từ 1,5-2 m, hay có thể hơn một chút. Thân có gai, cành dài hình vuông có gai ngắn và lông ráp. Lá mọc đối, khía răng, mặt dưới có lông.
Cụm hoa là những bông co lại thành dầu giả mọc ở nách các lá ở ngọn. Hoa lưỡng tính, không đều, thoạt tiên vàng lợt rồi vàng kim, vàng tươi, sau cùng đỏ chói, ít khi toàn hoa trắng. Quả hạch hình cầu nằm trong lá dài, khi chín mầu đen, nhân gồm 1-2 hạt cứng, xù xì. Cây bụi, thân gỗ. Cành non dài, mềm - có lông và gai mềm, cong xuống. Lá hình trái xoan, nhọn đầu, gốc hình tim - dày, xanh nhạt, mặt trên phủ lông ngắn, mặt dưới có lông mềm. Cuống ngắn. Cụm hoa dạng tán hình cầu mang nhiều hoa sát nhau - hoa nở từ vòng ngoài lần lần vào trong. Hoa không có cuống, có cánh hoa dạng ống hẹp màu trắng, vàng cam và đỏ xen lẫn nhau. Quả hạch, vỏ nhẵn hình cầu màu xanh chuyển sang tím đậm. đài thường đều; tràng hơi không đều hoặc ít khi 2 môi với các thùy xếp lợp; nhị thường 4, đôi khi 5 hoặc 2,đỉnh trên ống tràng và xen kẽ với các thùy của tràng; lá noãn 2, hợp thành bầu thượng 2-4 ô; vòi thường dính ở đỉnh bầu. Quả thường là hạch, ít khi gồm 4 tiêu hạch khô hoặc quả nang chẻ ô (loculicide). Cây ưa sáng, chịu được khô hạn, đất xấu - cho hoa nở quanh năm, trồng bằng hạt hay giâm cành, chồi rễ.
Bộ phận dùng: Lá, hoa và rễ (Folium, Flos et Radix Lantanae).
Phân bố: Cây có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ, sau phổ biến khắp vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam cây được trồng làm cảnh hoặc mọc dại.
Thành phần hoá học : Tinh dầu (cameren, isocameren...), alcaloid (lantanin).
Công dụng, cách dùng: Rễ chữa sốt lâu không khỏi, phong thấp, đau xương, chấn thương, bầm dập, ngày dùng: 30-60g dưới dạng thuốc sắc. Hoa chữa ho lâu ngày, ho ra máu,
Cách dùng, liều lượng: ngày: 10-12g dạng thuốc sắc. Lá cây giã nát đắp lên vết thương, vết loét, xông chữa cảm mạo, sốt. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Ghi chú: Không nhầm với cây Hoa cứt lợn (Ageratum conyzoides L.) cũng gọi là Hoa ngũ sắc.

BỐI MẪU

BỐI MẪU (贝母)

Bulbus Fritillariae

Các loại Bối mẫu trên thị trường
Tên khác: Xuyên bối mẫu, Triết bối mẫu, Thổ bối mẫu.
Tên khoa học: Triết bối mẫu (Fritillaria thunbergii Miq.) cây Xuyên bối mẫu (Fritillaria cirrhosa D. Don), và một số loài Bối mẫu khác (Fritillaria spp.), họ Hành (Liliaceae)

Mô tả:

Cây:
1. Xuyên bối mẫu là loại cây mọc lâu năm, cao chừng 40-60cm. Lá gồm 3-6 lá mọc vòng, đầu lá cuộn lại. Hoa hình truông chúc xuống đất, dài 3,5 đến 5cm, ngoài màu vàng lục nhạt. Có ở Tứ xuyên, Trung Quốc, vì vậy gọi là Xuyên bối mẫu.
2. Triết Bối mẫu: Cây này khác Xuyên bối mẫu ở chỗ lá hẹp hơn, 3-4 lá mọc vòng và dài 2-3cm. Cây này có ở Triết giang nên gọi là Triết bối mẫu hoặc Tượng bối mẫu.

Dược liệu

1) Xuyên bối mẫu sản xuất ở Tứ xuyên, hình cầu dẹt hoặc gần hình cầu viên chùy, hợp thành bởi 2 phiến lá vảy dầy mập lớn nhỏ và 2 phiến vảy nhỏ bọc bên trong, dày khoảng 2-3 phân, vùng đầu nhọn, vùng dưới rộng, hai phiến lá bên ngoài thể hiện hình tròn trứng trong lõm ngoài lồi hơn, phẳng trơn màu trắng, 2-3 phiến cánh trong nhỏ dài hẹp màu vàng nhạt có chất bột có chất bột. Loại sản xuất ở huyện Tòng xuyên như dạng bồng con, hình tròn bóng trơn sạch sẽ, hơi ngọt, vị này tương đối tốt nên được gọi là Chân trâu Bối mẫu.
2) Triết bối mẫu sản xuất ở Tượng Sơn (Triết Giang) cho nên người ta gọi là Tượng Bối mẫu, hình tròn hơi giống bánh bao, họp thành 2 phiến lá vảy dầy mập và vài phiến lá vảy nhỏ bọc bên trong, lớp ngoài phiến vảy mọc dài như dạng nguyên bửu (vàng xưa) đường kính khoảng 2,5-3cm đến hơn 3cm, mặt ngoài màu trắng phấn, vùng vỏ tàng dư ghé màu vàng nhạt nâu. Triết bối mẫu nguyên vẹn chính giữa có 2-3 lá vẩy nhỏ héo teo, mặt bên ngoài màu xám trắng thường có vết đốm màu vàng nhạt. mặt bên trong màu nâu có chất bột giòn. Các loại Bối mẫu trắng nặng nhiều bột, khô, không đen không mốc mọt, hoặc vụn nát là tốt.
Bộ phận dùng: Thân hành đã phơi hay sấy khô của cây Triết bối mẫu (Fritillaria thunbergii Miq.) cây Xuyên bối mẫu (Fritillaria cirrhosa D. Don), và một số loài Bối mẫu khác (Fritillaria spp.), họ Hành (Liliaceae).
Phân bố: Cây ưa khí hậu mát, vùng ôn đới, vị thuốc nhập từ Trung Quốc.

Thu hái, sơ chế:

(1) Xuyên bối mẫu: đào dò về vào khoảng  giữa tháng 8-10, rửa sạch, phơi trong râm cho khô.
(2) Triết bối mẫu: đào dò về sau tiết lập hạ, rửa sạch, rồi lựa loạt lớn thì tách thành tép riêng, bỏ vỏ ngoài, cho vôi vào để hút chất nhựa, rồi phơi nắng hoặc sấy khô gọi là ‘Nguyên Bảo Bối’, loại nhỏ gọi là ‘Châu Bối’. Loại to thường tốt hơn loại nhỏ. Có nơi dùng thứ nhỏ màu trắng đầu nhọn là thứ tốt nhất gọi là Tiêm Bối.
Thành phần hóa học chính:  Các alcaloid, tinh bột
Công năng: Thanh nhiệt, nhuận phế, hoá đờm, tán kết.
Công dụng: Chữa ho, ung nhọt ở phổi, teo phổi, nhọt vú, tràng nhạc, bướu cổ, thổ huyết.
Cách dùng, liều lượng: 6 - 12 g mỗi ngày, dạng thuốc sắc.

Bào chế:

+ Bối mẫu bỏ lõi, sao với gạo nếp cho tới khi vàng, sàng bỏ gạo nếp, lấy bối mẫu cất dùng. Hoặc sau khi bỏ lõi, tẩm với nước gừng sao vàng (Lôi Công Bào Chích Luận).
+ Xuyên bối mẫu rút bỏ lõi, sấy khô tán bột dùng sống hoặc tẩm với nước gừng sao vàng tán bột, khi dùng hoà nước thuốc thang đã sắc mà uống (loại này không dùng sắc). Thổ bối mẫu loại củ tròn không nhọn đầu. Rửa sạch, ủ, bào mỏng, phơi khô hoặc tẩm nước gừng sao vàng (Loại này thường dùng sắc với thuốc) (Trung Dược Học).
Bài thuốc:
+ Trị thương hàn chứng Dương minh kinh: Bối mẫu, Tri mẫu, Tiền hồ, Cát căn, Mạch đông, Cam thảo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị sốt rét có đàm: Bối mẫu, Quất bì, Tiền hồ, Thạch cao, Tri mẫu, Mạch môn đông, Trúc lịch (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị ho do phế nhiệt trong ngực nóng nẩy bực tức, dùng Bối mẫu, Thiên môn, Mạch môn, Tang Bạch bì, Tỳ bà diệp, Bách bộ, Cát cánh, Cam thảo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị các loại nhiệt độc, đinh nhọt, ung thư: Bối mẫu, Cam cúc (sống), Tử hoa địa đinh, Kim ngân hoa, Bạch cập, Bạch liễm, Thử  niêm tử, Cam thảo, Hạ khô thảo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+Trị phong rút co giật: Bối mẫu, Thử niêm tử, Huyền sâm, Qua lâu căn, Bạch cương tàm, Cam thảo, Cát cánh (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị các loại lao, lao vú, lao hạch dùng Bối mẫu, Uất kim, Quất diệp, Liên kiều, Qua lâu căn, Thử niêm tử, Hạ khô thảo, Sơn từ cô, Sơn đậu căn, Huyền sâm (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị nôn ra mủ máu do phế nhiệt: Bối mẫu, Bách bộ, Bách hợp, Ý dĩ nhân, Mạch môn, Tô tử, Uất kim, Đồng tiện, Trúc nhự, Ngư tinh thảo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị phiền uất không thư thái, làm khoan khoái dễ chịu trong ngực: Bối mẫu bỏ lõi,  sao với nước gừng, tán bột, trộn với nước gừng làm thành viên. Mỗi lần uống 70 viên (Tập Hiệu Phương).
+ Hóa đàm giáng khí, cầm ho giải uất, tiêu thực trừ nê, ruột căng sình, dùng Bối mẫu (Bỏ tim) 40g, Hậu phác (chế gừng) 20g. tán bột, làm viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 50 viên với nước (Đặng Bút Phong Tạp Hứng Phương).
+ Trị ho gà, trẻ nhỏ có đàm nhớt: Bối mẫu 20g, Cam thảo sống 4g, Chích thảo 4g. Tán bột,  sao với đường làm viên to bằng hạt súng. Mỗi lần  uống 1 viên với nước cơm (Toàn Ấu Tâm Giản Phương).
+ Trị đàn bà có thai, ho: Bối mẫu (bỏ tim), Miến sao vàng, tán bột, sao với đường cát hồ làm viên to bằng hạt súng. Mỗi  lần ngậm nuốt 1 viên (Cấp Cứu Phương).
+ Trị có thai mà tiểu khó: Bối mẫu, Khổ sâm, Đương qui đều 160g, tán bột, làm viên với mật to bằng hạt đậu lớn. Mỗi lần uống 3 - 10 viên (Quỷ Di Phương).
+ Trị sữa không xuống: Bối mẫu, Tri mẫu, bột Mẫu lệ, đều bằng nhau, tán bột. Mỗi lần 4g, với nước hầm giò heo ngày 2 lần (Nhị Mẫu Tán - Thang Dịch Bản Thảo).
+ Trị nước mắt sống chảy làm mắt lem nhem: Bối mẫu 1 củ, Hồ tiêu 7 hạt, tán bột, điểm vào mắt (Nho Môn Sự Thân).
+ Trị mắt có mộng thịt:  Bối mẫu, Chân đơn hai vị bằng nhau, tán bột. Hàng ngày điểm vào mắt (Trửu Hậu Phương).
+ Trị mắt có mộng thịt:   Bối mẫu, Đinh hương, hai vị bằng nhau, tán bột, trộn với sữa điểm vào mắt (Trích Huyền Phương).
+ Trị nôn ra máu không cầm: Bối mẫu sao vàng, tán bột. Mỗi lần uống lần 8g với nước tương nóng, có thể trị được chứng chảy máu cam (Thánh Huệ Phương).
+ Trị  trẻ nhỏ bị Nga khẩu sang, miệng trắng lở: Bối mẫu (bỏ tim) tán bột 2g, 5 phân nước, 1 chút mật ong,  sắc lấy nước rơ vào miệng mỗi ngày 3 lần (Thánh Huệ Phương).
+ Trị vú sưng giai đoạn đầu: Bối mẫu uống 8g với rượu, bóp sữa ra thì thông (Dương Nhân Trai Trực Chỉ Phương).
+ Trị dịch hoàn đau nhức do sưng tấy: Bối mẫu, Bạch chỉ, hai vị bằng nhau, tán bột. Uống với rượu hoặc sắc với rượu uống, còn bã đắp lên nơi đau (Vĩnh Loại Kiềm Phương).
+ Trị bạch điến, tử điến: Bối mẫu, Nam tinh,  hai vị bằng nhau, tán bột, dùng Gừng sống gĩa nát lấy nước, trộn với thuốc bột bôi. Có thể dùng Bối mẫu, Gừng khô hai vị bằng nhau tán bột xong vào phòng kín tắmsạch, lấy thuốc sát vào chờ cho ra mồ hôi thì tốt (Đức Sinh Đường Phương)
+ Trị bạch điến, tử điến:  Gừng sống sát mạnh vào da xong,  mài Bối mẫu với giấm bôi vào (Đàm Dã Oâng Phương).
+ Trị bạch điến, tử điến:  Bối mẫu, Bách bộ hai vị bằng nhau, tán bột, uống với nước gừng (Thánh Huệ Phương).
+ Trị Nhện độc cắn: Buộc chặt gần chỗ bị cắn, đừng làm cho độc chạy đi, dùng Bối mẫu tán bột, uống 20g với rượu, khi say thì thôi, lát sau rượu hóa hơi nước tan ra khỏi nơi bị cắn. Khi nước chảy ra thì lấy bột thuốc rắc vào cho kín miệng. Bài này có thể trị được rắn rít cắn (Dương Nhân Trai Trực Chỉ Phương).
+ Trị lao hạch: Huyền sâm 16g, Bối mẫu 12g, Mẫu lệ 20g. Tán bột,  trộn với mật làm viên. Mỗi lần uống 12g với nước (Tiêu Loa Hoàn - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị vú mới bị sưng:  Bối mẫu, Thiên hoa phấn, mỗi thứ 12g, Bồ công anh 20g, Liên kiều 12g, Thanh bì 8g, Đương quy 12g, Lộc giáo 12g sắc uống (Tiêu Ung Tán Độc Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị phát sốt do âm hư, ho đàm ít: Tri mẫu 12g, Bối mẫu 12g, gia thêm vài lát gừng sắc uống (Nhị Mẫu Tán - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị ho lâu ngày, thở gấp: Bối mẫu 12g, Hạnh nhân 8g, Mạch đông, Tử uyển mỗi thứ 12g, sắc hoặc tán bột uống (Bối Mẫu Tán - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Kiêng kỵ: Không dùng phối hợp với Phụ tử, Ô đầu.
Ghi chú: Có tài liệu quy định cây Fritillaria verticillata Willd. - Triết bối mẫu; cây Fritillaria roylei Hook. - Xuyên bối mẫu.

BỔ CỐT CHI

BỔ CỐT CHI (补骨脂)

Semen Psoraleae

 Vị thuốc Bổ cốt chi

Tên khác: Bổ cốt chỉ, Hạt đậu miêu, Phá cố chỉ.
Tên khoa học: Psoralea corylifolia L., họ Đậu (Fabaceae).  
Mô tả: Quả hình thận, hơi dẹt, dài 3 – 5 mm, rộng 2 – 4 mm, dầy  khoảng 1,5 mm. Mặt ngoài màu đen, nâu đen hoặc nâu xám, có vết nhăn và vân hình mạng lưới nhỏ. Đỉnh tròn, tù, có núm nhỏ nhô lên; một bên mặt hơi lõm vào, có vết cuống quả ở một đầu. Vỏ quả mỏng, khó tách rời hạt. Hạt có hai lá mầm, cây mầm trắng hay hơi vàng, có chất dầu. Quả cứng chắc, mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.
Bộ phận dùng: Hạt đã phơi hay sấy khô của cây Phá cố chỉ (Psoralea corylifolia L.), họ Đậu (Fabaceae).
Phân bố: Nước ta có trồng cây này, dược liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Thu hái: vào mùa thu, hái lấy cụm quả  đã chín, phơi khô, tách lấy quả, loại bỏ cuộng và tạp chất, phơi hoặc sấy khô lại.
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng đối với hệ tim mạch: thuốc có tác dụng làm dãn động mạch vành rõ rệt, có tác dụng đối kháng với kích tố làm co động mạch vành của thùy sau tuyến yên, trên thực nghiệm tim cô lập chuột Hà lan và chuột to, thuốc làm tim co bóp mạnh hơn và tăng cường lưu lượng máu của động mạch vành.
+ Trên động vật thực nghiệm: thuốc có tác dụng kích thích sự sinh trưởng của tế bào bạch cầu hạt.
+ Tác dụng kháng khuẩn in vitro: thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, tụ cầu trắng, trực khuẩn lao.
+ Thuốc có tác dụng đối với cơ trơn: dịch chiết xuất Bổ cốt chi có tác dụng hưng phấn cơ trơn của ruột cô lập nhưng có tác dụng làm mềm dãn tử cung của chuột Hà lan cô lập.
+ Tác dụng chống lão suy: thuốc có tác dụng kéo dài kỳ ấu trùng của tằm nuôi, các học giả qua nghiên cứu cho rằng có thể do thuốc có khả năng điều tiết thần kinh và huyết dịch, kích thích tủy xương tạo máu, tăng cường miễn dịch và chức năng các hocmôn mà chống lão suy.
+ Chống ung thư: trên thực nghiệm sơ bộ có nhận xét là tinh dầu Bổ cốt chi có tác dụng chống ung thư. Bổ cốt chi tố B có tác dụng ức chế Sarcoma-180 và tế bào Hela.
+ Tác dụng tăng cường sắc tố da. Kết quả nghiên cứu cho thấy Bổ cốt chi tố B có tác dụng dãn mạch, cải thiện dinh dưỡng, tổ chức cục bộ làm tăng sắc tố ở da.
+ Tác dụng Oestrogen và chống thụ thai: Phenol Bổ cốt chi có tác dụng chống thụ thai (chống làm ổ), phenol Bổ cốt chi làm thay đổi kỳ động dục của chuột cái đã cắt buồng trứng, làm tăng trọng lượng tử cung rõ rệt.
Thành phần hoá học: Dầu béo, coumarin: Psoral, Isopsoralin, bavachin, bavachinin, Isobavachin, bavachalcone, Isobavachalcone, bakuchiol, raffinose.
Công năng: Bổ mệnh môn hoả, chỉ tả.
Công dụng:
- Thuốc bổ cho người già yếu, đau lưng, phụ nữ kinh nguyệt không đều, khí hư.
- Hạt ngâm rượu dùng ngoài chữa bệnh bạch biến (da bị trắng từng chỗ).
- Các nước châu Âu thường dùng để chiết xuất coumarin làm thuốc trị các bệnh ngoài da như nấm tóc.
Cách dùng, liều lượng: Ngày uống 6 - 15g, dùng dạng thuốc sắc, bột, viên.
Bào chế:
Bổ cốt chỉ sống: Loại bỏ tạp chất.
Diêm Bổ cốt chỉ (chế muối): Lấy Bổ cốt chỉ sạch trộn đều với nước muối 20% ủ cho thấm đều hết nước muối , cho vào chảo, sao nhỏ lửa đến khi khô phồng lên,  lấy ra để nguội. Dùng 2 kg muối cho 100 kg Bổ cốt chi.
Bài thuốc:
1. Trị tiêu chảy kéo dài do dương hư (thường tiêu chảy vào lúc sáng sớm nên gọi là Ngũ canh tả): dùng các bài:
+ Tứ thần hoàn (chứng trị chuẩn thằng) gồm: Bổ cốt chi 160g, Ngũ vị tử 80g, Nhục đậu khấu (sao) 80g, Ngô thù du 40g, Sinh khương 320g, Đại táo 240g, Khương Táo sắc lấy nước, các vị khác tán bột mịn trộn với nước sắc hồ làm hoàn, mỗi lần uống 8 - 16g với nước muối hoặc nước sôi ấm trước lúc ngủ.
+ Bổ cốt chi, Nhục đâïu khấu lượng bằng nhau, Khương, Táo sắc trộn hồ làm hoàn, uống mỗi lần 12g, ngày 2 lần.
2. Trị liệt dương, đái nhiều, đái dầm: Bổ cốt chi phối hợp với Ích trí nhân, Thỏ ty tử, dùng bài:
+ Bổ cốt chi hoàn: Bổ cốt chi, Thỏ ty tử, Hồ đào nhục, mỗi thứ 12g, ngày 2 lần với nước muối nhạt. Trị đái dầm có thể dùng độc vị Bổ cốt chi tán bột, mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần.
+ Bổ cốt chi (ngâm rượu sao) 100g, Tiểu hồi sao 100g, tán nhỏ trộn đều làm thành viên, mỗi tối dùng với nước ấm uống: Từ 3 - 9 tuổi:1,5g; từ 10 - 12 tuổi:2,5g. Trị 6 ca đều khỏi (Tân trung y 1976,1:57).
3. Trị ho lao (Đỗ tất Lợi): Bổ cốt chi 400g tẩm rượu 1 đêm phơi khô, lấy một nắm vừng trộn lẫn thuốc rang lên cho đến khi vùng hết nổ, lấy Phá cố chỉ tán bột làm viên bằng hạt ngô, ngày uống 30 viên, chia 2 - 3 lần.
4. Trị bệnh bạc đới, sói tóc: dùng Bổ cốt chi 40g ngâm với 100ml cồn 75%, 5 - 7 ngày bôi lên vùng bệnh và chích bắp dịch tiêm Bổ cốt chi ngày 1 lần 5 ml, gia chiếu tia tử ngoại trị bạch điến 49 ca, tỷ lệ kết quả 75,5%. Đối với sói tóc, chỉ dùng tiêm và chiếu tia tử ngoại trị 45 ca có kết quả 84,4% ( Tờ thông tin Trung thảo dược 1972,1:41).
5. Trị tử cung xuất huyết: Bổ cốt chi và Xích thạch chỉ lượng bằng nhau chế thành viên cầm máu . Trị 326 ca, có kết quả trên 90% ( Tạp chí Thiên tân Y dược 1973,1:36).
6. Trị chứng bạch cầu giảm: dùng bột thuốc luyện mật làm hoàn, mỗi hoàn nặng 6g, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 - 3 hoàn hoặc 3g bột, một liệu trình 4 tuần. Trị 19 ca, 14 ca khỏi, 4 ca tiến bộ ( Tân y học 1975,10:497).
Kiêng kỵ: Âm hư hỏa động, tiểu tiện ra máu, đại tiện táo bón, viêm đường tiết niệu không nên dùng.

BỒ CU VẼ

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

BỒ CU VẼ
Folium et Cortex Breyniae fruticosae

Cây Bồ cu vẽ
Tên khác: Sâu vẽ.
Tên khoa học: Breynia fruticosa Hool. F, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Mô tả :
Cây nhỏ, cao 3-6m. Thân hình trụ nhẵn, cành thường dẹt ở ngọn, đốm đỏ nhạt hoặc đen do sâu vẽ. Lá mọc so le, phiến dày và dai, hình bầu dục hoặc hình trứng, gốc tròn hoặc thuôn, đầu nhọn, dài 3-6cm, rộng 2-4 cm, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới rất nhạt, một số là thường bị sâu bò thành những đường ngoằn ngoèo; là kèm hình tam giác nhọn, mặt trong và mép mầu vàng.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm có 5-6 hoa đực và 1-3 hoa cái, mầu lục ; hoa đực có đài hình ống hoặc hình chuông, nhị 3 ; hoa cái hình chuông có lá đài bằng nhau xòe rộng, bầu hình trứng, 3 ô, mỗi ô chứa 2 noãn.
Quả nang hình cầu dẹt, mầu đen, đường kính : 5mm, có đài tồn tại ; hạt có 3 cạnh, mầu nâu nhạt.
Mùa hoa quả : tháng 6-8.
Bộ phận dùng: Lá (Folium Breyniae fruticosae), Vỏ thân (Cortex Breyniae fruticosae).
Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng làm thuốc nhiều nơi trong nước ta và nhiều nước khác.
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc, nước ép, cao nước bồ cu vẽ có tác dụng trên 6 trong 8 loại vi khuẩn thông thường.
+ Có tác dụng trên amip in vitro
+ Nước ép lá, cao lỏng lá, cao lỏng rễ có tác dụng chống viêm thực nghiệm.
+ Nâng cao được tỷ lệ chuột nhắt sống và kéo dài thời gian cầm cự trước khi chết, khi tiêm nọc rắn hổ mang vào tĩnh mạch.
+ LD50 thử trên chuột nhắt trắng dùng đường uống là 72g/kg (dạng cao lỏng toàn cây)
Thử lâm sàng cho thấy:
+ Điều trị 93 trường hợp mụn nhọt bằng cao dán, chế từ cao mềm bồ cu vẽ, nghệ và mật cóc thấy khỏi 48, đỡ 30 và không kết quả 15.
+ Điều trị 86 trường hợp viêm hắc võng mạc bằng cao Bồ cu vẽ 3:1 (cứ 3kg được 1 lít cao) ngày 50-100ml phối hợp với cao Hà thủ ô trắng 3:1 ngày 100ml. Kết quả tốt 30 (34,9%), khá 46 (53,5%), không kết quả 10 (11,6%).
+ Nước sắc Bồ cu vẽ để rửa vết thương bỏng, làm mát vết thương, tránh nhiễm khuẩn và mau thành hình tổ chức hạt.
+ Viện sốt rét, ký sinh trùng Việt Nam thí nghiệm sơ bộ thấy có tác dụng chữa bệnh giun kim.
Thành phần hoá học : Acid hữu cơ.
Công năng: Hạ sốt, giải độc, thông mạch, hóa ứ, tiêu viêm, giảm đau.
Công dụng: Chữa rắn cắn, chữa bệnh giun chỉ, làm thuốc cầm máu, chữa mụn nhọt, chữa các vết lở loét.
Cách dùng, liều lượng: 30-40g lá tươi, giã nát vắt lấy nước uống, bã đắp ngoài. Vỏ cây cạo lấy bột rắc lên mụn nhọt, vết lở loét.
Bài thuốc:
1. Chữa viêm họng, sưng amidan, viêm dạ dày, viêm ruột, kiết lỵ: Lá Bồ cu vẽ, Cỏ sữa lá to, Cỏ sữa lá nhỏ mỗi vị 10-15g, sắc uống.
2. Chữa mụn nhọt, lở loét, viêm da, chốc đầu: Lá Bồ cu vẽ tươi, rửa sạch, giã nát, đắp. Nếu lở loét chảy nước, có thể cạo vỏ cây, lấy bột rắc.
3. Chữa bỏng: Toàn bộ cây Bồ cu vẽ cả rễ, chặt nhỏ, sắc đặc, rửa vết bỏng, ngày nhiều lần.
4. Chữa rắn cắn
+ Lá Bồ cu vẽ tươi 30-40g, rửa sạch, nhai, nuốt nước, bã đắp vào vết cắn.
+ Lá Bồ cu vẽ tươi, lá Sòi tía, mỗi vị 20 g, giã nát, thêm nước, vắt lấy nước cốt, mài thêm 1-2 g Hùng hoàng vào rồi uống, bã đắp.

BỒ CÔNG ANH

BỒ CÔNG ANH (蒲公英)

 

Cây Bồ công anh


Tên khác: Rau bồ cóc, Diếp dại, Mũi mác.
Tên khoa học: Lactuca indica L., họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả: Lá mỏng nhăn nheo, nhiều hình dạng, thường có lá hình mũi mác, gần như không có cuống, mặt trên màu nâu sẫm, mặt dưới màu nâu nhạt, mép lá khía răng cưa, to nhỏ không đều. Có lá chỉ có răng thưa hay gần như nguyên. Gân giữa to và nổi nhiều. Vị hơi đắng. Đoạn thân dài 3 - 5 cm, tròn, thẳng, lõi xốp, đường kính khoảng 0,2 cm, mặt ngoài màu nâu nhạt, lốm đốm, có mấu mang lá hoặc vết tích của cuống lá.
Bộ phận dùng: Lá, cành.
Phân bố: Cây mọc hoang, phân bố chủ yếu ở các vùng ấm thuộc các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Inđônêxia, Philippin và các nước Đông Dương. Ở Việt Nam, Bồ công anh phân bố rải rác khắp mọi nơi (thường ở độ cao dưới 1000 mét) đến trung du và đồng bằng. Cây thường mọc ở nơi đất ẩm, trong vườn, ven đường đi, bãi sông hoặc trên các thửa ruộng, nương rẫy đã bỏ hoang.
Thu hái: vào khoảng tháng 5 - 7, lúc cây chưa ra hoa hoặc bắt đầu ra hoa, loại bỏ lá già, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.

Tác dụng dược lý

Bồ công anh (Đông y cho là thuộc về hàn lương) được áp dụng phương pháp lồng cử động đã thể hiện tác dụng an thần.
Flavonoid của Bồ công anh đã được nghiên cứu tác dụng sinh học thấy có tác dụng ức chế men Oxy hóa khử peroxydase và catalase máu chuột cống trắng. Những thí nghiệm tiến hành với huyết thanh người cũng cho những kết quả ức chế men oxy hóa khử rõ rệt.
Theo tài liệu nước ngoài, tại một số nước, người ta có sử dụng và nghiên cứu những loài Lactuca khác như L.virosa, L. sativa (rau diếp ăn của Việt Nam), thấy những cây này không độc và có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương gây ngủ nhẹ.
Thành phần hoá học : Flavonoid, chất nhựa.
Công năng: Thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm tán kết
Công dụng: Trị nhọt độc, sưng vú do tắc tia sữa, tràng nhạc.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 8 - 30g sắc uống. Lá tươi giã nát đắp ngoài.
Bào chế:
Rửa sạch lá, cắt đoạn 3 - 5 cm, phơi khô để dùng.Nấu cao: Rửa sạch, phơi khô, nấu thành cao đặc (1 ml cao tương đương 10 g dược liệu)
Bài thuốc:
+ Trị gai đâm hoặc bị nhằm nước đái của con cáo làm cho thịt sưng phù: Bồ công anh gĩa nát lấy nước cốt bôi vào nhiều lần thì khỏi (Đồ Kinh phương).
+ Trị sản hậu không cho con bú, sữa tích lại làm cho vú căng, sưng: Bồ công anh gĩa nát, đắp lên đó, ngày 3 đến 4 lần (Mai Sư phương).
+ Trị cam sang, đinh nhọt: Bồ công anh gĩa nát, lấy riêng một ít vắt nước trộn rượu sắc uống cho ra mồ hôi (Chứng Loại Bản Thảo).
+ Trị lở loét lâu ngày không khỏi, ong châm, rắn cắn, bọ cạp cắn: Bồ công anh gĩa nát,  đắp vào vết thương (Cấp Cứu phương).
+ Trị kết mạc viêm cấp tính, mắt đỏ sưng đau [do Can hỏa bốc lên]: Bồ công anh (tươi) 80g , Chi tử 7 trái, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị ung độc sưng tấy cấp tính: Bồ công anh 20g  đến 40g, sắc uống (Bồ Công Anh Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
1. Thuốc tiêu độc chữa sưng vú, mụn nhọt: Bồ công anh 12g, Ké đầu ngựa 12g, Vòi voi 12g, Liên kiều 12g, Kim ngân hoa 10g, Kinh giới l0g, Hạ khô thảo l0g, Cỏ mần trầu l0g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn l00ml, uống làm 2 lần trong ngày. (Kinh nghiệm của bệnh viện Hưng Yên - Hải Hưng).
2. Chữa đau dạ dày: Lá Bồ công anh khô 20g, lá Khôi 15g, lá Khổ sâm l0g, nước 300ml. Đun sôi trong vòng 15 phút, thêm đường, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong vòng 10 ngày. Nghỉ 3 ngày rồi lại tiếp tục cho đến khi khỏi (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
3. Chữa mụn nhọt, lành nhọt chóng chín và vỡ mủ: Lá Bồ công anh tươi phối hợp với lá Phù dung, rễ Vông vang hoặc rễ Gai, gĩa đắp (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Kiêng kỵ: Các chứng âm hư hoặc tràng nhạc, ung nhọt đã vỡ cấm dùng.
Ghi chú:  Rễ, lá Bồ công anh Trung Quốc (Taraxacum officinale Bigg), họ Cúc (Asteraceae) được dùng với công dụng tương tự Bồ công anh Việt nam.

BỌ MẨY

BỌ MẨY

Folium et  Radix Clerodendri

Cây Bọ mẩy
Tên khác: Đại thanh ( ).                      
Tên khoa học: Clerodendron cyrtophyllum Turcz, họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Mô tả: Cây bụi hay cây nhỏ cao khoảng 1-1,5m có các cành màu xanh, lúc đầu phủ lông, về sau nhẵn. Lá mọc đối, hình bầu dục- mũi mác hay hình trứng thuôn, dài 6-15cm, rộng 2-5,7cm đầu nhọn và thường có mũi, gốc tròn và hơi nhọn: phiến lá thường nguyên, ít khi có răng, gân nổi rõ ở mặt dưới. Hoa màu trắng ít khi đỏ, hợp thành ngù, hoa ở đầu các cành phía ngọn cây: nhị thò ra ngoài và dài gần gấp đôi ống tràng. Quả hạnh hình trứng tròn, có đài. Mùa hoa ra vào tháng 6, tháng 8.
Bộ phận dùng: lá (Folium Clerodendri - có nơi gọi là Đại thanh diệp), rễ tươi hoặc khô (Radix Clerodendri); Vỏ rễ được dùng dưới tên Địa cốt bì nam.
Phân bố: Phân bổ ở Triều tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Malaixia. Ở nước ta, thường gặp Bọ mẩy trên các đồi hoang vùng trung du.
Thu hái: Rễ và lá quanh năm. Rễ mang về rửa sạch, thái lát, phơi khô để dùng, lá dùng tươi hay sấy khô
Thành phần hoá học: Alcaloid.
Công năng: Thanh nhiệt, tả hoả, lương huyệt, giải độc, tán ứ, chỉ huyết.
Công dụng: Chữa sởi, viêm họng, chảy máu chân răng, trị lỵ cấp tính và viêm đại tràng mãn tính. Dùng uống sau khi đẻ để chữa ho, thông huyết.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Bệnh ôn nhiệt, sốt nóng mùa hè, chứng thực nhiệt, sốt cao, nhức đầu, tâm phiền khát nước, dùng 12-20g lá Bọ mẩy tươi nấu nước,hoà với đường cho uống.
2. Trẻ em sốt bại liệt, sốt viêm não, sốt phát ban, quai bị, sốt xuất huyết:
Bọ mẩy, Kim ngân, Thạch cao, Huyền sâm, mỗi vị 20g , Sắc uống.
3. Ngộ độc Nhân ngôn hay Bã đậu: Dùng rễ Bọ mẩy tươi giã nhỏ, chế nước và vắt lấy nước cốt, hoà đường cát vào uống càng nhiều càng tốt để giải độc.
4. Chữa lỵ trực trùng, dùng rễ Bọ mẩy, rễ Phèn đen, mỗi vị 15g sắc uống.
5. Đàn bà rong huyết: Ngó sen sấy khô, giã nát rồi trộn với rễ Bọ mẩy nấu nước uống với rượu, mỗi lần 1 muỗng canh.
6. Cầm máu khi băng huyết: Lá Bọ mẩy tươi giã ra, thêm nước gạn uống.
7. Viêm gan B truyền nhiễm: Dùng lá và rễ Bọ mẩy tươi giã ra từ 15-30g nấu nước uống, cách 4 giờ một lần.
Kinh nghiệm điều trị của tôi: tôi hái lá và rễ, phân loại để chữa cho người bệnh thì thấy có tác dụng hạ nhiệt rất tốt do ôn bệnh mùa hè.  Các bệnh thực nhiệt, lỵ, các bệnh đơn sưng, cảm sốt thể phong nhiệt, quai bị dùng chung hoặc phối hợp với các vị thuốc khác có kết quả rất tốt.
Ghi chú: Tránh nhầm lẫn lá cây Bọ mẩy với vị thuốc Đại thanh diệp (nhập từ Trung Quốc) là lá của cây Isatis tinctoria L.

BỒNG BỒNG

BỒNG BỒNG
Folium calotropis

Cây Bồng bồng

Tên khác: Nam tì bà, cây Lá hen, Bông bông, bàng biển, cốc may (Tày).
Tên khoa học: Calotropis gigantea R. Br., họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Mô tả:
Cây nhỏ, cao 2-3m. Thân đứng, phân nhiều cành. Vỏ thân lúc non khía rãnh, màu vàng nhạt, vỏ già màu xám trắng. Cảnh phủ lông dạng phấn, trắng như bông. Lá mọc đối có phiến dày, mép nguyên, cuống rất ngắn hoặc gần như không có cuống, gốc hình tim, đầu tù hơi nhọn, hai mặt đều có mầu lục xám, mặt dưới có lông trắng như phấn. Ở gốc lá mặt trên có tuyến và một hàng lông màu vàng nâu.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành xim gồm nhiều tán; hoa màu trắng; đài 5, thùy hình trứng, mặt ngoài có lông; tràng hợp hình bánh xe, thùy hình mũi mác, tràng phụ gồm 5 bộ phận có một cựa cuộn hình thoa ở gốc, chỉ nhị đính liền nhau thành một ống che chở cho nhụy.
Quả gồm hai đại, hình giáo, thuôn nhọn dần về phía đầu, chứa nhiều hạt có màng lông. Toàn cây có nhựa mủ.
Mùa hoa quả: tháng 5-8
Bộ phận dùng: Lá phơi hay sấy khô của cây Bồng bồng (Folium calotropis).
Phân bố: Loài của Ấn Độ, Xri Lanca, Mianma, Trung Quốc, Việt Nam, Inđônêxia, Malaixia. Ở nước ta cây mọc nhiều nơI từ bắc chí Nam. Thường mọc trên đất có cát ở các tỉnh ven biển, nhưng cũng gặp ở đồng bằng và cả ở vùng trung du. Cây cũng thường được trồng bằng những đoạn cành.
Thành phần hoá học : calotropin.
Công năng: Tiêu độc, tiêu đờm, giáng nghịch, trừ ho.
Công dụng:
Cây trồng làm cây cảnh, làm hàng rào. Lá thường dùng trị ho, hen suyễn, lở ngứa. Còn dùng chữa ngộ độc, rắn cắn, mụn mủ, bướu, đinh nhọt, đau răng, đau miệng, đau mắt, đau tim, bệnh hoa liễu, bệnh đậu mùa, bệnh ngoài da, vết cắn, vết đứt và các vết thương khác.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 6-12g dưới dạng nước sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Ghi chú:
- Loài Bồng bồng núi (Calotropis procera R. Br (Sodom apple)) cũng được dùng. Cây thấp hơn, hoa mầu trắng thơm, pha tím ở mặt trong,
- Không nhầm với cây Bồng bồng thuộc họ Hành (Liliaceae).
- Lá khô của cây Nhót tây hay Nhót Nhật Bản (Eryobotrya japonica Lindl.) gọi là Tỳ bà diệp, chú ý tránh nhầm lẫn.

BỎNG NỔ

BỎNG NỔ

Cây bỏng nổ
Tên khác: Cây nổ, Bỏng nẻ.

Tên khoa học: Fluggea virosa (Roxb. ex Willd) Voigt, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao 2-3m. Cành già màu nâu sẫm. Lá mỏng, nguyên, có kích thước và hình dạng thay đổi, thường hình bầu dục, thuôn đầu, nhọn gốc. Lá kèm hình tam giác. Cây đơn tính khác gốc. Cụm hoa ở nách. Hoa đực thành cụm nhiều hoa; hoa cái mọc riêng lẻ hoặc xếp 2-3 cái. Quả nang hình cầu, màu trắng nhạt, có 3 mảnh vỏ. Hạt hình 3 cạnh, màu đỏ nâu.
Cây ra hoa tháng 6-8, có quả tháng 9-11.
Bộ phận dùng: Lá, vỏ thân, rễ.
Phân bố: Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan, Philippin. Ở nước ta, cây mọc hoang trong rừng thưa, ở chỗ dãi nắng ven đường.
Thành phần hoá học : Alcaloid (securinin), tanin.
Công năng: Cành, lá có tác dụng thu liễm. Vỏ chát, có độc cũng có tác dụng thu liễm.
Công dụng: Cành lá sắc lấy nước có thể diệt trùng, rút mủ, trị mủ vàng, mụn bọc trắng. Nếu bị thương vì đồ sắt sét gỉ lưu lại ở trong vết thương thì dùng cành lá giã đắp có thể rút ra được.
Ở Ấn Độ, người ta dùng lá cùng với lá thuốc lá giã thành bột đắp trị sâu ở vết loét.
Rễ chứa sốt nóng, khát nước, chóng mặt, chân tay run; ở Ấn Độ, rễ được dùng làm thuốc trị bệnh lậu.
Vỏ thân và vỏ rễ được dùng làm thuốc trừ sâu và duốc cá.
Cách dùng, liều lượng: Rễ thái mỏng, phơi sấy khô sao vàng. Ngày uống 6-12g dạng nước sắc.

BÒNG BONG

BÒNG BONG
Herba Lygodii.


Tên khác: Thòng bong.      
Tên khoa học: Lygodium sp., họ Bòng bong (Schizaeaceae). Cây mọc hoang leo trên các cây khác ở bờ bụi.
Mô tả:
Thòng bong là một loại quyết có hiệp rất dài, mọc leo. Thân rễ bò, lá dài, có nhiều cặp lá chét, mỗi lá chét có nhiều lá chét con mang ổ tử nang ở mép. Bao tử hình 4 mặt trắng xám hơi vàng. Vòng đầy đủ nằm ngang gần đỉnh bảo tử nang.
Bộ phận dùng: Cả dây mang lá (Herba Lygodii.).
Phân bố: Mọc phổ biến ở các bụi rậm, bờ rào.
Thu hái: Gần như quanh năm, phơi khô mà dùng, không phải chế biến khác.
Thành phần hoá học : Flavonoid, acid hữu cơ.
Công dụng:  Chữa đái rắt, đái buốt, đái ra máu, đái ra sỏi. Trị chấn thương, ứ huyết, sưng đau.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6-12g dạng nước sắc (thường kết hợp với Thổ phục linh)
Bài thuốc:
Bài thuốc chữa vết thương phần mềm: Kinh nghiệm của cụ lang Long Hải Dương
(Hải Dương). Rửa vết thương bằng nước sau đây: Lá trầu không tươi 40g, Phèn phi 20g. Dùng 2 lít nước nấu lá Trầu không xong để nguội, gạn lấy nước trong cho Phèn phi vào, đánh cho tan, đem lọc để rửa vết thương.
Sau khi rửa vết thương, băng bằng thuốc sau đây: Lá mỏ quạ tươi (Cudrania cochinchinensis) rửa sạch bỏ cọng, giã nhỏ đắp lên vết thương. Nếu vết thương xuyên thủng thì đắp cả 2 bên: ngày rửa và thay băng 1 lần, sau 3-5 ngày thấy đỡ thì 2 ngày thay băng một lần. Nếu vết thương tiến triển tốt nhưng lâu đầy thịt thay thuốc gồm lá Mỏ quạ tươi và lá Thòng bong hai thứ bằng nhau: Giã nát đắp vào vết thương, ngày rửa thay băng một lần, 3-4 ngày sau lại thay bằng thuốc: Lá Mỏ quạ tươi, lá Thòng bong, lá Hàn the 3 vị bằng nhau giã nát, đắp lên vết thương nhưng  chỉ 2-3 ngày mới thay băng một lần (Tạp chí Đông y 4/1966).
     Chú ý: Người ta dùng bào tử ở phía sau lá của loài Lygodium japonicum (Thunb.) Sw. gọi là Hải kim sa (Spora Lygodii) trị đái buốt, đái rắt.