LỨC (Rễ)-Radix Plucheae pteropodae-Hải sài, Sài hồ nam

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

LỨC (Rễ)
Radix Plucheae pteropodae
Hải sài, Sài hồ nam

Rễ phơi hay sấy khô của cây Lức (Pluchea pteropoda Hemsl.), họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả
Rễ nguyên hay đã chặt thành đoạn, đường kính 0,5 - 2 cm, dài 1-3 cm (nếu còn nguyên có thể dài đến 20 cm). Vỏ ngoài màu nâu xám, có nhiều nếp nhăn dọc và có vết tích của rễ con hay đoạn rễ con còn sót lại. Mặt cắt ngang có màu trắng đến trắng ngà. Chất giòn, dễ bẻ gẫy.
Vi phẫu
Lớp bần tương đối mỏng, tế bào xếp khá đều đặn. Mô mềm vỏ gồm tế bào hình nhiều cạnh, rải rác có nhiều chất tiết. Trụ bì hoá mô cứng nằm rải rác sát nội bì. Nội bì rõ. Libe I thường nằm tương ứng với đám mô cứng. Libe II khá liên tục nhưng không nhìn rõ được tế bào. Tầng phát sinh libe-gỗ khá liên tục. Gỗ II gồm mạch gỗ to và mô mềm gỗ chiếm tâm, có những tia ruột chạy qua vùng gỗ và loe rộng ra ở vùng libe.
Soi bột
Bột có màu vàng nâu nhạt, mùi thơm, vị nhạt. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần gồm các tế bào xếp đồng tâm và xuyên tâm khá đều đặn, đôi khi không đều. Mảnh mô mềm có chứa ống tiết (đôi khi còn chất tiết). Tế bào mô cứng có thành mỏng thường tập trung thành đám. Mảnh mạch điểm rất nhiều, mạch mạng.
Độ ẩm
Không quá 12% (Phụ luc 9.6)
Tạp chất (Phụ lục 12.11)
Thân còn sót lại: không quá 2%
Tạp chất khác: không quá 1%
Chế biến
Đào lấy rễ, bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, phơi hoặc sấy khô
Bảo quản
Để nơi khô, tránh mốc
Tính vị, quy kinh
Khổ, vị hàn. Vào các kinh can, đởm
Công năng, chủ trị
Phát tán phong nhiệt, giải uất. Chủ trị: ngoại cảm phong nhiệt phát sốt, hơi rét, nhức đầu, khát nước, tức ngực, khó chịu.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 8 - 20 g, dạng thuốc sắc hay hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác
Kiêng kỵ
Hư hoả không nên dùng.

www.duoclieu.org

LỘC NHUNG-Cornu Cervi Pantotrichum-Nhung hươu

LỘC NHUNG
Cornu Cervi Pantotrichum
Nhung hươu

Sừng non có lông nhung và chưa bị xương hóa của Hươu sao đực (Cervus nippon Temminck), họ Hươu (Cervidae).
Mô tả
Nhung hươu sao (còn gọi là Hoa lộc nhung): Có hình trụ, phân nhánh. Loại có 1 nhánh phụ thường được gọi là “nhánh đôi”, nhánh chính (nhánh lớn) dài khoảng 17 - 20 cm, đường kính mặt cắt ngang từ 4 - 5 cm; nhánh mọc ra cao hơn mặt cắt khoảng 1cm được gọi là “nhánh phụ” dài từ 9 - 15 cm, đường kính hơi nhỏ hơn nhánh chính. Lớp da mặt ngoài có màu đỏ nâu hoặc màu nâu, thường bóng, được phủ một lớp lông dày, mềm, có màu vàng đỏ hoặc vàng nâu, phần đầu trên lông dày hơn phần phía dưới, có một gân màu đen xám ở đế giữa nhánh chính và nhánh phụ, da và lông dính sát vào nhau. Mặt cắt có màu trắng hơi vàng, phía ngoài không có xương, phần giữa có nhiều lỗ nhỏ dày đặc. Thể chất nhẹ. Có mùi hơi tanh, vị hơi mặn.
Loại sừng có 2 nhánh phụ thường được gọi là “nhánh ba”, nhánh chính dài 23 - 33 cm và có đường kính nhỏ hơn nhánh chính của loại nhánh đôi, hình hơi cong và dẹt, đỉnh hơi nhọn, phần dưới thường có các gân dọc nổi và các u lồi lên. Da có màu vàng hơi đỏ, lông mềm hơi thưa và mập.
Lộc nhung vào mùa thu cũng tương tự như mùa hè, nhưng nhánh lớn dài hơn và không tròn hoặc phần dưới dày hơn phần trên và có nhiều gân dọc. Da màu vàng xám, lông mềm tương đối thô. Phần ngoài của mặt cắt thường bị xương hóa. Thể chất tương đối nặng. Không có mùi tanh.
Định tính
A. Lấy khoảng  0,1 g bột dược liệu, thêm 4 ml nước, đun nóng 15 phút, để nguội, lọc. Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 3 giọt thuốc thử ninhydrin (TT), trộn đều, đun sôi vài phút, màu tím hơi xanh xuất hiện. Lấy 1 ml dịch lọc khác, thêm 2 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), trộn đều, thêm từng giọt dung dịch đồng sulfat 0,5% (TT), xuất hiện màu tím hơi xanh.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G trộn với natri carboxymethylcellulose (dung dịch 0,2 - 0,5%)
Dung môi khai triển:  Hỗn hợp dung môi n-butanol - acid acetic băng - nước (3 : 1 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 0,4 g bột dược liệu, thêm 5 ml ethanol 70% (TT), lắc siêu âm 15 phút, lọc, dịch lọc để chấm sắc ký.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,4 g bột Lộc nhung (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử được dung dịch đối chiếu Lộc nhung. Hòa tan glycin chuẩn trong ethanol 70% (TT) để được dung dịch có nồng độ 2 mg/ml làm dung dịch đối chiếu glycin.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 8 ml mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu Lộc nhung và 1 ml dung dịch đối chiếu glycin, triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 12- 13 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch ninhydrin 2% trong aceton (TT), sấy ở 105 °C cho đến khi hiện rõ vết.
Trên sắc ký đồ của dung dịch mẫu thử phải có vết cùng màu, cùng Rf với vết trên sắc ký đồ mẫu đối chiếu lộc nhung và mẫu đối chiếu glycin.
Chế biến
Thu hoạch vào mùa xuân, cưa lấy Lộc nhung, cưa xong khâu mép mặt cắt lại, treo trên bếp than hồng, vẩy nước nóng vừa phải, quay trở luôn, để khô dần, nhung sẽ không bị nứt. Sấy liên tục 3 - 4 ngày đêm đến khi khô hẳn, cũng có thể sấy nhung đến khô dẻo, lấy dao sắc thái ra từng miếng, tiếp tục sao nhỏ lửa cho khô hẳn.
Bào chế
Lộc nhung phiến: Lấy lộc nhung khô, đốt cháy hết lông, cạo sạch, lấy băng vải cuốn quanh thân nhung. Đổ rượu trắng đã đun nóng vào các lỗ nhỏ mặt miệng nhung đã cưa đến khi nhung mềm hoặc tẩm rượu rồi đồ cho mềm, đem thái ngang thành lát tròn, mỏng, ép phẳng, sấy khô.
Bột lộc nhung: Lấy Lộc nhung hươu, đốt bỏ lông, cạo sạch, cắt thành mảnh nhỏ, nghiền thành bột mịn.
Bảo quản
Để nơi khô, trong bao bì kín, có kèm chất hút ẩm, tránh mọt.
Tính vị, quy kinh
Cam, hàm, ôn. Vào các kinh thận, can.
Công năng, chủ trị
Bổ thận dương, ích tinh huyết, mạnh gân cốt, trừ nhọt độc. Chủ trị: Liệt dương, hoạt tinh, tử cung lạnh, khó thụ thai, tinh thần mệt mỏi, sợ lạnh, chóng mặt, tai ù, tai điếc (cơ năng), trẻ chậm liền thóp, lưng gối đau lạnh, gân xương mềm yếu, rong huyết, nhọt lâu ngày không liền miệng.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 1 - 2 g, tán bột hoà vào nước thuốc uống. Đầu tiên uống liều nhỏ rồi sau đó tăng dần, không nên uống ngay liều lớn.
Kiêng kỵ
Thực nhiệt âm hư dương thịnh không nên dùng.

www.duoclieu.org

LÔ HỘI (Nhựa)-Aloe vera L. và Aloe ferox Mill., họ Lô hội (Asphodelaceae).

LÔ HỘI (Nhựa)
Aloe

Chất dịch đã cô đặc và sấy khô, lấy từ lá cây Lô hội (chủ yếu từ Aloe vera L. và Aloe feroxMill.), họ Lô hội (Asphodelaceae).
Mô tả
Khối nhựa có kích thước không đồng đều, màu nâu đen bóng, dễ vỡ vụn, chỗ vỡ óng ánh như thuỷ tinh. Mùi hơi khó chịu, vị đắng nồng.
Định tính
A. Lấy 0,5 g bột dược liệu cho vào bình nón 250 ml, thêm 50 ml nước, lắc kỹ trong 5 phút. Lọc (dung dịch A).
Lấy 5 ml dung dịch A cho vào ống nghiệm và thêm 0,2 g dinatri tetraborat (TT), đun nóng đến tan. Lấy 1 ml dịch trong ống nghiệm pha loãng với 30 ml nước cất, lắc kỹ. Quan sát dưới ánh sáng đèn tử ngoại ở bước sóng 365 nm sẽ có huỳnh quang màu vàng sáng xuất hiện.
Lấy 2 ml dung dịch A cho vào ống nghiệm, thêm 2 ml nước bão hoà brom (TT), xuất hiện tủa màu vàng.
B. Lấy 0,1 g bột dược liệu cho vào bình nón dung tích 100 ml. Thêm 5 ml dung dịch sắt (III) clorid 3% (TT) và 5 ml dung dịch acid hydrocloric 10% (TT). Lắc đều rồi đun trên cách thuỷ 10 phút, để nguội, thêm 15 ml ether ethylic (TT), lắc kỹ trong 1 phút. Gạn lấy lớp ether và lắc dịch chiết ether với 5 ml dung dịch amoniac 10% (TT). Lớp amoniac có màu hồng tím.
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G, dày 0,25 mm đã hoạt hoá ở 110 oC trong 1 giờ.
Hệ dung môi khai triển: Nước : ethyl acetat : methanol(13 : 100 : 17).
Dung dịch thử:Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 20 ml methanol (TT), đun sôi trong cách thuỷ, lọc. Lắc trong vài phút, lọc.
Dung dịch đối chiếu:Lấy 25 mg barbaloin, hòa tan trongmethanol (TT) và pha loãng đến 10 ml với cùng dung môi.
Cách tiến hành:Chấm riêng rẽ 10 ml mỗi dung dịch trên lên bản mỏng. Khai triển sắc ký khoảng 10 cm, lấy bản mỏng ra để khô trong không khí. Phun dung dịch kali hydroxyd 10% trong methanol (TT). Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm, trên sắc ký đồ: dung dịch thử phải không có vết có huỳnh quang màu tím, phải cho vết có huỳnh quang và giá trị Rf tương ứng với vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 12,0% ( Phụ lục 9.6, 1,000 g, 105 oC, 4 giờ).
Tro toàn phần
Không quá 2,0% (Phụ lục 9.8)
Định lượng
Cân chính xác khoảng 0,4 g bột dược liệu đã qua rây có kích thước mắt rây 0,18 mm vào một bình nón dung tích 250 ml. Làm ẩm dược liệu với 2 ml methanol (TT) và thêm 5 ml nước cất đã đun nóng 60 oC, lắc đều. Thêm 75 ml nước và đun trong cách thuỷ 60 oC trong 30 phút, thỉnh thoảng lắc. Để nguội, lọc vào bình định mức có dung tích 1000 ml, tráng bình nón và rửa giấy lọc với 20 ml nước và hứng vào bình định mức trên. Thêm nước tới vạch. Trộn đều. Lấy chính xác 10 ml dịch chiết trên cho vào một bình cầu có dung tích 100 ml. Thêm 1 ml dung dịch sắt (III) clorid 60% (TT) và 6 ml acid hydrocloric (TT). Đun hồi lưu trong cách thuỷ 4 giờ. Để nguội, rồi chuyển toàn bộ dung dịch vào một bình gạn, rửa bình cầu lần lượt bằng 4 ml nước, 4 ml dung dịch natri hydroxyd 1 N (TT) và 4 ml nước. Gộp tất cả dịch các lần rửa vào bình gạn trên. Chiết hỗn hợp trên với ether ethylic (TT) ba lần, mỗi lần 20 ml. Gộp tất cả dịch chiết ether vào một bình gạn khác và rửa 2 lần với nước, mỗi lần 10 ml. Gạn lớp ether vào một bình định mức có dung tích 100 ml. Thêm ether ethylic (TT) tới vạch. Lấy chính xác 20 ml dung dịch ether ethylic cho bốc hơi tới cắn trên cách thuỷ. Hoà tan cắn bằng 10 ml dung dịch magnesi acetat 0,5 % trong methanol (TT). Đo độ hấp thụ ở bước sóng 512 nm (Phụ lục 4.1), dùng methanol (TT)  làm mẫu trắng.
X%=Ax19,6/m
A: Độ hấp thụ đo được ở bước sóng 512 nm.
m: Lượng bột dược liệu đã trừ độ ẩm tính theo (g).
X: Hàm lượng dẫn chất hydroxyanthracen tính theo barbaloin.
Nhựa của loài Aloe có hàm lượng dẫn chất hydroxyanthracen không dưới 18% tính theo barbaloin (C21H22O9) đối với dược liệu khô kiệt.
Chế biến
Cắt lá cây, ép lấy chất dịch ở trong, đem cô khô.
Bảo quản
Để nơi khô mát, trong lọ kín.
Tính vị, quy kinh
Khổ, hàn. Vào các kinh can, vị, đại trường.
Công năng, chủ trị
Thanh can nhiệt, thông tiện. Chủ trị: Can có thực nhiệt, đại tiện bí, tiểu nhi cam tích kinh phong, can nhiệt, bế kinh, làm giảm độc ba đậu.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 0,06 - 0,20 g. Dùng để tẩy, mỗi lần 1 - 2 g. Dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Kiêng kỵ
Tỳ vị suy yếu, đang ỉa lỏng hoặc phụ nữ có thai không dùng.

www.duoclieu.org

LONG NHÃN-Arillus Longan-Dimocarpus longan Lour.

LONG NHÃN
Arillus Longan

Áo hạt (cùi) đã phơi hay sấy  khô của cây Nhãn (Dimocarpuslongan Lour.), họ Bồ hòn (Sapindaceae).
Mô tả
Cùi quả nhãn dày mỏng không đều, rách nứt theo thớ dọc, màu vàng cánh gián hay màu nâu, trong mờ, một mặt nhăn không phẳng, một mặt sáng bóng, có vân dọc nhỏ, dài 1,5 cm, rộng 2 - 4 cm, dầy chừng 0,1 cm, thường thấy cùi kết dính. Thể chất mềm nhuận, dẻo dai, sờ không dính tay. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt đậm.
Vi phẫu
Mặt cắt ngang: Một hàng tế bào biểu bì ngoài gồm những tế bào hình gần vuông. Một hàng tế bào biểu bì trong gồm những tế bào thành hơi dày và được phủ một lớp cutin hơi dày. Giữa biểu bì ngoài và biểu bì trong là những tế bào mô mềm lớn, hình trụ, đường kính 148 µm, xếp thành nhiều hàng. Một số tế bào mô mềm có chứa khối chất màu vàng nhạt và những giọt dầu.
Độ ẩm
Không quá 15,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 100 0C, 4 giờ).
Tạp chất
Tỷ lệ màu nâu sẫm không quá 5% (Phụ lục 12.11).
Tro toàn phần
Không quá  4,0% (Phụ lục 9.8).
Chất chiết được trong dược liệu
Không ít hơn 70,0% (Phụ lục 12.10).
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng nước (TT)làm dung môi.
Chế biến
Mùa hạ và mùa thu, hái quả nhãn đã chín, đem phơi nắng to hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ 40 - 50 oC đến khi lắc quả có tiếng kêu lóc cóc, bóc bỏ vỏ cứng và hạt, lấy cùi đã nhăn vàng sấy ở 50 - 60 oC đến khi sờ không dính tay (độ ẩm dược liệu dưới 15,0%) thì bỏ ra. Chú ý giữ vệ sinh khi bóc cùi và khi sấy, phơi.
Chùm quả trước khi phơi hoặc sấy có thể nhúng nước sôi 1 - 2 phút.
Bảo quản
Đóng gói trong các thùng, hòm kín, có lót thêm chất chống ẩm. Để nơi khô, mát, thoáng, tránh mốc, mọt, đề phòng dược liệu bị ẩm ướt, chua và biến màu.
Tính vị, quy kinh
Cam, ôn. Vào các kinh tâm, tỳ.
Công năng, chủ trị
Bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết, an thần. Chủ trị: Khí huyết bất túc, hồi hộp, tim đập mạnh, hay quên, mất ngủ, huyết hư.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 9 - 15 g.
Kiêng kỵ
Không dùng cho người ở trong có đờm hoả, thấp trệ, đờm ẩm.

www.duoclieu.org

LONG ĐỞM (Rễ, Thân rễ)-Radix et Rhizoma Gentianae

LONG ĐỞM (Rễ, Thân rễ)
Radix et Rhizoma Gentianae

Rễ và thân rễ của cây Long đởm (Gentiana scabraBunge), cây Điều diệp long đởm (Gentiana manshurica Kitag.), cây Tam hoa long đởm (Gentiana triflora Pall.) hoặc cây Kiên long đởm (Gentiana rigescens Franch.); họ Long đởm (Gentianaceae). Ba loại đầu gọi là Long đởm, loại cuối cùng gọi là Kiên long đởm.
Mô tả
Long đởm: Thân rễ có đường kính 0,3 – 1 cm, được cột thành từng bó không đều, xén thành từng đoạn dài 1 – 3 cm, mặt ngoài của thân rễ màu xám thẫm hoặc nâu thẫm, phần trên có những vết sẹo thân hoặc phần sót lại của thân cây, phần xung quanh và phía dưới mang nhiều rễ mảnh.
Rễ hình trụ hơi vặn, dài 10-20 cm, đường kính 0,2-0,5 cm, mặt ngoài màu vàng nhạt hay nâu vàng, phần nhiều phía trên có những nếp nhăn ngang rõ rệt, phía dưới hẹp hơn, có những nếp nhăn dọc và vết sẹo của rễ con. Chất giòn, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy hơi bằng phẳng, vỏ trắng vàng hay nâu vàng, gỗ màu nhạt hơn và có vòng chấm chấm. Mùi nhẹ,vị hơi đắng.
Kiên long đởm: Lớp bên ngoài dạng màng, dễ bong, không thấy nếp nhăn ngang. Gỗ màu trắng vàng, dễ tách khỏi vỏ.
Vi phẫu
Long đởm: Đôi khi thấy tế bào biểu bì, thành phía ngoài hơi dày. Vỏ rễ mỏng; tế bào biểu bì  hơi vuông, thành tương đối dày, đôi khi hoá bần. Tế bào nội bì kéo dài theo hướng tiếp tuyến. Libe rộng và có khe. Tầng phát sinh không rõ. Mạch được xếp thành 3 - 10 nhóm. Tuỷ rõ rệt. Tế bào mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình kim nhỏ.
Kiên long đởm: Các mô ngoài nội bì phần lớn rơi rụng. Các mạch trong gỗ được phân bố đều đặn và dày đặc. Không có tủy.
Bột
Màu nâu vàng. Soi kính hiển vi thấy:
Bột Long đởm: Tế bào biểu bì hình thoi khi nhìn trên bề mặt. Tế bào nội bì hình chữ nhật khá rộng khi nhìn trên bề mặt, trên thành tế bào có các nếp nhăn ngang nhỏ, mỗi tế bào bị chia bởi các vách ngăn kéo dài tạo thành những tế bào nhỏ, hầu hết những vách ngăn kéo dài dày lên tạo thành hình chuỗi hạt. Tế bào mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình kim nhỏ. Mạch mạng và mạch hình thang, đường kính khoảng 45 μm.
Bột Kiên long đởm: Không có biểu bì. Tế bào nội bì hình gần vuông hoặc hình chữ nhật, trên thành tế bào có các nếp nhăn ngang tương đối dày và sít nhau, có khi dày tới 3 µm, mỗi tế bào được chia thành vài tế bào nhỏ xếp song song với nhau, vách ngăn hơi dày hoặc dạng chuỗi hạt.
Định tính
A. Lấy 0,5 g bột dược liệu thêm 5 ml ethanol 96% (TT), đun trên cách thủy 15 phút, lọc lấy dịch lọc. Trên một tờ giấy lọc, chấm dịch lọc này thành 3 vết riêng biệt rối sấy khô giấy lọc. Vết thứ nhất dùng làm vết đối chứng; vết thứ hai được nhỏ chồng thêm 1 giọt dung dịch kali hydroxyd 5% (TT); vết thứ ba được nhỏ chồng thêm 1 giọt dung dịch nhôm clorid 1% trong methanol (TT). Quan sát màu các vết dưới ánh sáng tử ngoại 365 nm. Kết quả: vết đối chứng có màu xanh lơ nhạt; vết thứ hai có màu nâu tím; vết thứ ba có màu xanh lơ nhạt, sáng hơn vết chứng.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel GF254, hoạt hóa ở 110 oC trong 1 giờ.
Dung môi khai triển: Ethyl acetat – methanol – nước (8 : 2 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 10 ml methanol (TT), đun trên cách thủy trong khoảng 15 phút, lọc, cô dịch lọc trên cách thủy còn khoảng 2 ml thu được dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,5 g bột Long đởm (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 μl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng rồi quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm. Các vết trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có cùng màu sắc và cùng giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 12% (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 oC, 5 giờ)
Tro toàn phần
Không quá 7% (Phụ lục 9.8).
Tạp chất
Không quá 1% (Phụ lục 12.11).
Chế biến
Thu hoạch vào mùa xuân và  mùa thu, đào lấy thân rễ và rễ, rửa sạch và phơi âm can.
Bào chế
Loại bỏ tạp chất, rửa sạch ủ mềm, cắt đoạn 2 – 3 cm  phơi hoặc sấy khô .
Bảo quản
Nơi khô, thoáng.
Tính vị, qui kinh
Khổ, hàn. Vào các kinh can, đởm, bàng quang.
Công năng, chủ trị
Thanh thấp nhiệt, tả can đởm hoả. Chủ trị: Hoàng đản thấp nhịêt, âm hộ sưng ngứa kèm đới hạ, thấp chẩn, mắt đỏ, tai nghễnh ngãng, sườn đau, miệng đắng, kinh phong co giật.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 8 – 12 g, phối ngũ trong các bài thuốc.
Kiêng kỵ
Tỳ vị hư hàn.

www.duoclieu.org

LIÊN KIỀU (Quả)-Fructus Forsythiae suspensae

LIÊN KIỀU (Quả)
Fructus Forsythiae suspensae

Quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Liên kiều (Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl.), họ Nhài (Oleaceae).
Mô tả
Quả hình trứng đến hình trứng hẹp, hơi dẹt, dài 1,5 - 2,5 cm, đường kính 0,5-1,3 cm. Mặt ngoài có vết nhăn dọc không đều và nhiều chấm nhỏ nhô lên. Mỗi mặt có một rãnh dọc.
Đỉnh nhỏ, nhọn, đáy có cuống quả nhỏ hoặc vết cuống đã rụng. Có 2 loại quả Liên kiều là Thanh kiều và Lão kiều. Thanh kiều thường không nứt ra, màu nâu lục, chấm nhỏ màu trắng sáng nhô lên ít, chất cứng, hạt nhiều, màu vàng lục, nhỏ dài, một bên có cánh. Lão kiều nứt ra từ đỉnh hoặc nứt thành 2 mảnh, mặt ngoài màu nâu vàng hoặc nâu đỏ, mặt trong màu vàng nâu nhạt, trơn phẳng, có 1 vách ngăn dọc. Chất giòn dễ vỡ. Hạt màu nâu,  dài 5-7mm, một bên có cánh, phần lớn đã rụng. Mùi thơm nhẹ, vị đắng.
Vi phẫu
Mặt cắt ngang vỏ quả: Vỏ ngoài là một hàng tế bào biểu bì có phủ một lớp cutin, thành phía ngoài và bên dày dần lên. Vỏ quả giữa gồm tế bào mô mềm ở phía ngoài với các bó mạch rãi rác và nhiều hàng tế bào đá ở phía trong, tế bào hình dây dài, hình gần tròn hoặc hình bầu dục, thành dày mỏng không đều, thường xếp theo dạng tiếp tuyến xen kẽ,  kéo dài tới vách ngăn dọc.
Bột
Bột có màu vàng nâu nhạt, mùi rất thơm, vị hơi chát. Dưới kính hiển vi thấy: Mảnh tế bào mô cứng hoặc tế bào mô cứng riêng lẽ gồm các tế bào hình bầu dục, thuôn dài hoặc gần tròn, thành dầy, ống trao đổi có thể nhìn thấy rõ hoặc không rõ. Mảnh tế bào vỏ quả màu vàng nhạt (vỏ quả giữa) hoặc vàng nâu (vỏ quả ngoài) gồm các tế bào hình đa giác, thành mỏng. Mảnh mạch vạch có kích thước nhỏ và ít thấy. Khối nhựa màu nâu đỏ. Mảnh nội nhũ gồm tế bào hình đa giác thành mỏng, trong suốt không màu, chứa nhiều giọt dầu béo. Tế bào vỏ hạt màu nâu đen nằm rải rác trong các tế bào vỏ quả ngoài hay trong tế bào nội nhũ.
Định tính
A. Lấy 1g bột dược liệu, thêm vào 15ml methanol(TT), đun cách thủy 2 phút, lọc, dịch lọc được làm các phản ứng sau:
Lấy 5 ml dịch lọc, cô đến cắn, hòa tan cắn trong 1 ml anhydrid acetic (TT) và 1 ml cloroform (TT), khuấy kỹ cho tan, lọc, cho dịch lọc vào ống nghiệm khô rồi cẩn thận thêm từ từ 0,5 ml acid sulfuric (TT). Màu tím đỏ xuất hiện giữa 2 lớp dung dịch.
Lấy 5ml dịch lọc cho vào ống nghiệm, cho thêm 0,1 g bột magnesi (TT) và 1 ml acid hydrocloric (TT), để yên, sẽ xuất hiện màu từ đỏ nhạt đến đỏ vàng.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silicagel G đã hoạt hoá ở 110OC trong khoảng 1 giờ.
Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethylacetat - acid formic   ( 8,5 : 1,5 : 0,5)
Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 30 ml ethanol (TT), siêu âm 15 phút 3 ở 40 oC. Lọc, bốc hơi dịch chiết tới cắn. Hoà cắn trong 1 ml ethanol (TT) làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g bột Liên kiều (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt đô phòng rồi phun dung dịch vanilin 2% trong acid sulfuric (TT). Sấy khô bản mỏng ở 100 oC tới khi các vết xuất hiện rõ. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf, với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 10% ( phụ lục 9.6, 1 g, 105 oC, 4 giờ).
Tạp chất
Không quá 3% ( đối với Thanh kiều), không quá 9% (đối với Lão kiều) (Phụ lục 12.11).
Tro toàn phần
Không được quá 4.0% ( Phụ lục 9.8)
Chất chiết được trong dược liệu
Dược liệu phải chứa không dưới 30% (đối với Thanh kiều) và không dưới 16% (đối với Lão kiều) tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh (Phụ lục 12.10). Dùng  ethanol 65%  làm dung môi.
Chế biến
Thu hoạch vào mùa thu, nếu hái những quả gần chín và hơi xanh lục, loại bỏ tạp chất, đồ chín và phơi khô gọi là thanh kiều, nếu hái những quả đã chín nục, phơi khô và loại bỏ tạp chất gọi là lão kiều.
Bào chế
Loại bỏ tạp chất, loại bỏ cuống, sát cho nứt quả, sàng bỏ hạt, lõi, phơi hoặc sấy khô.
Bảo quản
Nơi khô ráo.
Tính vị, qui kinh
Khổ, vi hàn. Quy vào kinh tâm, đởm, tam tiêu, đại tràng.
Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt giải độc, tiêu sưng tán kết. Chủ trị: Đinh nhọt, tràng nhạc, đờm hạch, nhũ ung, đan độc (viêm quầng đỏ); cảm mạo phong nhiệt, ôn bệnh vào tâm bào sốt cao gây háo khát, tinh thần hôn ám (mê sảng), phát ban; lâm lậu kèm bí tiểu tiện.
Cách dùng, liều lượng
Ngày 6 – 15 g, phối ngũ trong các bài thuốc.
Kiêng kỵ
Không dùng cho người tỳ vị hư hàn, âm hư nội nhiệt, nhọt đã vỡ song mủ loãng

www.duoclieu.org

MÃ TIỀN-Strychnos nux – vomica L.thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae)

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

MÃ TIỀN

Có nhiều loại mã tiền, trong đó có cây mã tiền: Strychnos nux – vomica L. và một số loài mã tiền khác có chứa strychnin, thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây gỗ, thân đứng cao 5 – 12 m. Vỏ màu xám có lỗ bì, cành non có gai. Lá mọc đối, hình trứng đầu nhọn, mặt trên xanh bóng, có 5 gân hình cung nổi rõ ở mặt dưới. Cụm hoa hình ngù mọc ở đầu cành. Hoa nhỏ hình ống màu vàng nhạt. Có 5 cánh hoa hàn liền thành 1 ống dài 1- 1,2 cm, nhị 5, dính ở trên ống tràng. Bầu hình trứng, nhẵn. Quả thịt, hình cầu, đường kính 3 – 5 cm, vỏ nhẵn bóng, khi chín có màu vàng cam, chứa 1 – 5 hạt hình đĩa dẹt như chiếc khuy áo, đường kính 2 – 2,5 cm, dày 4 – 5 mm, một mặt lồi, một mặt lõm, có lông mượt màu xám bạc.
Mùa hoa tháng 3-4, mùa quả tháng 5-8.
Ngoài Strychnos nux- vomica còn có các loài mã tiền dây leo, thân gỗ khác.
* Strychnos vanprukii Craib. (= S. quadrangularis Hill., S. nitida Gagnep) Mã tiền cành vuông.
Dây leo, thân gỗ dài 5-20 m, có móc xếp từng đôi một, vỏ thân màu nâu. Cành non có 4 cạnh nhẵn. Lá hình mác, mọc đối, màu xanh bóng, có 3 gân. Cụm hoa hình chuỳ mọc ở kẽ lá. Hoa mẫu 5, tràng màu vàng nhạt. Quả thịt hình cầu, có đường kính 4- 5 cm, khi chín có màu vàng cam, có 1- 6 hạt.
* Strychnos ignatii Berginus (= S. hainanensis Merr et Chun): Cây đậu gió.
Dây leo, thân gỗ dài 5- 20m, dựa vào cây khác bằng móc đơn ở kẽ lá. Vỏ thân màu nâu hoặc xám nhạt, có nhiều lỗ bì. Cành tròn nhẵn, lá hình trứng hoặc thuôn, dài 6- 17 cm, rộng 3,5 – 7 cm, đầu nhọn, hai mặt lá nhẵn và có 3 gân toả ra từ gốc. Cụm hoa hình chuỳ mọc ở kẽ lá (thường ở những lá đã rụng), cuống hoa có lông. Hoa mẫu 5, tràng màu trắng hoặc vàng nhạt. Quả hình cầu, khi chín có màu vàng nâu, có 4- 10 hạt.
* Strychnos axillaris Colebr. Mã tiền hoa nách.
Cây nhỏ mọc đứng hoặc leo cao 5- 20 m, có móc đơn ở kẽ lá. Lá có phiến đa dạng từ tròn đến thon, dài 3-9 cm, không lông trừ ở mặt dưới, có 3 gân chính. Cuống dài 2- 10 mm. Hoa mọc ở nách lá, cuống hoa ngắn, đài cao 1 mm. Tràng có ống cao 3,5 mm, nhị 5 bầu không lông. Quả hình cầu, đường kính 2 cm, khi chín có màu đỏ cam, có 1-2 hạt không lông
* Strychnos umbellata (Lour.) Merr: Mã tiền hoa tán
Cây nhỡ mọc đứng hoặc leo, thân gai, cành tròn, không lông. Lá có phiến nhỏ dài 2,5- 8 cm, rộng 2 – 4,5 cm, tròn, hình tim hay thon ở gốc, gân gốc 5-7, đầu nhị không lông, cuống dài 1- 5 mm, không lông. Chuỳ hoa ở nách lá và ngọn cành, dài 3- 7 cm, hoa mẫu 4- 5, đài nhỏ, tràng trắng nhỏ, cao 4- 5 mm. Quả hình cầu, đường kính 1- 2 cm, có 1- 3 hạt.
* Strychnos cathayensis Merr. (Mã tiền Trung quốc, mã tiền Cát Hải)   
Cây nhỡ, leo. Cành màu nâu có lông mịn; phiến lá thon dài 6- 10 cm, rông 2- 4 cm, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới mờ, có ít lông hay không lông. Có 3gân từ gốc, cuống có lông mịn. Chùy hoa ở nách lá và ở đầu cành cao 3-4 cm, trục có lông, hoa mẫu 5. Quả mọng tròn. đường kính 1,5 – 3 cm, có 3- 7 hạt.
Chú thích: Theo Trần Công Khánh chi Strychnos ở nước ta có tới 15 loài.
Phân bố, thu hái, chế biến
* Phân bố
Cây mã tiền Strychnos nux- vomica L. có nhiều ở Ấn Độ, Sri lanka, Malaysia, Thái Lan, Bắc Australia, ở nước ta hiện nay mới thấy mọc hoang ở vùng rừng núi các tỉnh phía nam
Các loài mã tiền khác được phân bố ở hầu khắp các tỉnh vùng núi nước ta: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hoà Bình, Bắc Giang, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... đặc biệt có nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang. Riêng loài Strychnos cathayensis Merr. mới gặp ở tỉnh Quảng Ninh.
* Thu hái
Người ta thường thu hái hạt mã tiền từ những quả chín gặp gió rụng xuống làm hạt tung ra hoặc hạt do chim ăn quả bị bỏ lại hạt ngay dưới gốc cây. Hạt nhặt về được rửa sạch phơi khô.
* Chế biến
Trong y học cổ truyền chỉ sử dụng hạt mã tiền đã được chế biến (gọi là mã tiền chế). Có nhiều cách chế biến:
- Ngâm hạt mã tiền trong nước vo gạo khoảng 36 giờ cho tới khi mềm, lấy ra cạo bỏ vỏ ngoài và mầm, thái mỏng, sấy khô, tẩm dầu vừng một đêm, sao vàng đậm, cho vào lọ kín.
- Cho hạt mã tiền vào dầu vừng đun sôi cho đến khi hạt nổi lên thì vớt ngay. Thái nhỏ, sấy khô
- Ngâm hạt mã tiền vào nước vo gạo một ngày đêm, vớt ra rửa sạch cho vào nồi nấu với cam thảo trong 3 giờ (cứ 100g hạt cho 400ml nước và 20g cam thảo). Lấy dần ra bóc vỏ khi còn nóng và bỏ mầm, đun dầu vừng (300g) cho sôi, bỏ nhân vào khi thấy nổi lên thì vớt ra ngay, thái nhỏ 2-3 mm, sấy khô cho vào lọ kín.
Bộ phận dùng
Hạt (Semen Strychni) đã phơi hoặc sấy khô.
Hạt hình đĩa dẹt, mép hơi lồi lên, đường kính 1,2-2,5 cm, dày 4-8 mm. Một số hạt hơi méo mó, hơi cong, không đều. Mặt xám nhạt, màu xám do có một lớp lông tơ mượt từ giữa mọc toả ra xung quanh. Giữa một mặt có một lỗ lồi nhỏ (rốn). Từ rốn có một đường hơi lồi (sống noãn) chạy đến một chỗ nhô lên ở mép hạt (lỗ noãn). Hạt gần như chỉ cấu tạo bởi nội nhũ sừng, rất cứng. Cây mầm rất nhỏ nằm trong khoang giữa nội nhũ. Không mùi, vị rất đắng.
Vi phẫu:
Biểu bì có tế bào biến đổi thành lông dài. Lông nằm ngang, gốc phình to, rất dày. Nội nhũ gồm tế bào hình nhiều cạnh, thành càng dày khi tế bào càng ở sâu. Trong tế bào có giọt dầu nhỏ và hạt aloron. Cây mầm cấu tạo bởi tế bào nhỏ thành mỏng.
Bột:
Màu xám vàng nhạt, không mùi, vị rất đắng. Soi kính hiển vi thấy: nhiều đoạn lông gẫy và chân lông hình nậm. Mảnh nội nhũ gồm tế bào bong, thành dày, một vài tế bào chứa dầu và alơron. Tế bào cứng của lớp trong vỏ, thành uốn lượn, có nhiều ống nhỏ.
Thành phần hóa học:
1.  Hoạt chất trong hạt mã tiền Strychnos nux – vomica L. là alcaloid (2 – 5 %),. Trong đó gần 50% là strychnin, phần còn lại là brucin, còn khoảng 2 – 3% là các alcaloid phụ khác như α – colubrin, β – colubrin, vomicin, novacin, pseudostrychin….    

Ngoài alcaloid, trong hạt còn chất béo (4 – 5%), acid igasuric (= acid clorogenic), acid loganic, stigmasterin, cycloarterol và một glycosid là loganin (= loganosid) (loganin có nhiều trong cơm quả).

Trong lá có khoảng 2% và trong vỏ thân có trên 8% alcaloid nhưng chủ yếu là brucin.
2. Các loài mã tiền khác hiện đang khai thác có tỷ lệ alcaloid toàn phần cũng như tỷ lệ strychnine khác nhau. Hạt mã tiền dùng làm thuốc phải chứa 1,2% strychnin (DĐVN II).
 Kiểm nghiệm
a, Trên vi phẫu:
- Lấy một lát  cắt dược liệu, loại bỏ chất béo bằng ete dầu hỏa, nhỏ lên 1 giọt acid nitric bốc khói, sẽ nhuộm màu đỏ vùng nội nhũ (brucin).
- Trên một lá cắt khác, nhỏ một giọt thuốc thử sulfovanadic, tế bào nội nhũ sẽ nhuộm màu tím (strychnin).
b, Định tính strychnin và brucin trong bột dược liệu
Lấy 0,10 g bột dược liệu, làm ẩm bằng 2 giọt dung dịch ammoniac 6N rồi lắc với 10 ml chloroform trong 15 phút. Lọc. Bốc hơi dịch lọc tới khô. Hòa tan cắn còn lại trong 2 ml acid HCl 3N.
 Trộn phần dịch chiết còn lại trên với 5 ml nước và 2 ml NaOH 6N trong một ống nghiêm rồi lắc với 5 ml benzen, gạn lấy lớp benzen, lọc qua bông rồi bốc hơi cách thủy tới khô. Cắn còn lại hòa với 10 giọt H2SOđặc, rồi trộn với 0,020 g MnO2. Nếu có mặt strychnin sẽ xuất hiện màu xanh, màu này chuyển nhanh sang tím rồi sang đỏ.
Sắc ký lớp mỏng
-      Bản mỏng dung chất hấp phụ là silicagel G.
-            Hệ dung môi khai triển: toluen – aceton – ethanol – ammoniac đậm đặc (4 : 5 : 0,6 : 0,4) hoặc chloroform – methanol – ammoniac đậm đặc (50 : 9 :1).
-            Dung dịch chấm sắc kí: cho vào bình nón có nút mài 0,5 g bột dược liệu, thêm 5 ml hỗn hợp chloroform – ethanol (10 : 1) và 0,5ml ammoniac đậm đặc, đậy chặt nút và lắc trong 5 phút. Để yên 2 giờ, lọc. Lấy dịch lọc làm dung dịch chấm sắc ký.
-                  Dung dịch đối chứng: pha 2 mg strychnin vào 1 ml chloroform và 2 mg brucin vào 1 ml chloroform. Chấm riêng rẽ trên bản dung dịch thử và dung dịch chuẩn, mỗi dung dịch 10μl. Sau khi chạy qua hệ dung môi, lấy bản mỏng ra để khô rồi phun bằng thuốc thử hiện màu bằng T.T Dragendorff. Các vết thu được trong sắc kí đồ của dung dịch thử có vết tương ứng về màu sắc và vị trí của vết strychnin và brucin chuẩn.
2. Định lượng
Dược điển Việt Nam II định lượng  strychnine trong hạt mã tiền bằng phương pháp đo quang. Cân chính xác khoảng 0,4 g dược liệu khô (qua rây có lỗ mắt rây 0,35 mm) vào một bình nón nút mài 100 ml, thêm chính xác 20 ml chloroform và 0,3 ml ammoniac đậm đặc, đậy chặt bình, cân. Đun hồi lưu trên cách thủy 3 giờ hoặc đặt vào một máy siêu âm (công suất 350W, tần số 35 kHz), chiết trong 40 phút. Cân, bổ sung khối lượng mất đi bằng cách thêm cloroform, trộn kĩ, lọc. Lấy chính xác 10 ml dịch lọc, cho vào 1 bình gạn, chiết 4 lần, mỗi lần với 10 ml dung dịch H2SO4 0,5M, lọc qua giấy lọc đã thấm ướt bằng dung dịch H2SO4 0,5M vào 1 bình định mức 50 ml và rửa giấy lọc với 1 lượng vừa đủ H2SO40,5M. Gộp các nước rửa vào bình định mức. Thêm dung dịch H2SO40,5M tới đủ thể tích, trộn kĩ. Tiến hành xác định độ hấp thụ của dung dịch ở bước sóng 262 nm và 300 nm. Tính hàm lượng strychnin theo công thức:
                  %X = {5(0,321a – 0,467b)/[w.(1-c)]}
a: độ hấp thu ở 262 nm                   b: độ hấp thụ ở 300 nm
w: khối lượng mẫu thử                   c: độ ẩm của dược liệu(g)
Theo qui định của DĐVN II, hàm lượng strychnin (C21H22N3O2) không được ít hơn 1,2% tính theo dược liệu khô kiệt.
 Ngoài ra có thể định lương strychnin theo phương pháp acid – base hoặc phương pháp so màu.
Tác dụng dược lý:
 Người ta cho tác dụng của mã tiền là do tác dung của strychnin.
 - Đối với hệ thần kinh trung ương và ngoại vi: có tác dụng kích thích với liều nhỏ và liều cao thì gây co giật.
Strychin có tác dụng kích thích thần kinh tương đối mạnh hơn trên tế bào vận động của hệ thần kinh trung ương, đặc biệt trên tủy sống. Nó kích thích những khả năng về trí não, làm tăng cảm giác về xúc giác, thính giác, khứu giác, vị giác và cơn đau.
- Đối với tim và hệ tuần hoàn: có tác dụng làm tăng huyết áp do làm co mạch máu ngoại vi. Strychnin là chất kích thích tim.
- Đối với dạ dày và bộ máy tiêu hóa: Tăng bài tiết dịch vị, kích thích tiêu hóa. Tuy nhiên nếu dùng luôn sẽ gây rối loạn tiêu hóa, rối loạn co bóp dạ dày.
Độc tính:
Mã tiền rất độc. Khi bị ngộ độc có hiện tượng : ngáp, tăng bài tiết nước bọt, nôn mửa, sợ ánh sáng, mạch nhanh và yếu, chân tay cứng đờ,co giật nhẹ rồi đột nhiên có triệu chứng uốn ván nặng với hiện tượng co cứng hàm, lồi mắt, đồng tử mở rộng, bắp thịt co thắt gây khó thở, sau chết vì liệt hô hấp.
Với liều cao 60 – 90 mg strychin có thể gây chết người vì liệt hô hấp.
Điều trị ngộ độc mã tiền:
Chủ yếu do phòng tránh co giật và trợ giúp hô hấp. Nhiều thuốc có thể dung để chống co giật như hít cloroform, uống cloral hydrat, nhưng tốt nhất là tiêm tĩnh mạch một barbituret như phenolbarbiturat hoặc Na amytal.
Ngoài ra,lượng nhỏ thuốc kiểu cura có thể dùng để giảm cường độ co giật. Đồng thời thực hiện hô hấp nhân tạo hoặc thở oxy. Rửa dạ dày bằng dung dịch KMnO4  1/10000 hoặc dung dịch acid tanic 2% hoặc nước chè đặc.
* Mã tiền được dùng làm nguyên liệu chiết xuất strychnin
Strychnin thường dung dưới dạng muối sulfat và nitrat để chữa tê liệt dây thần kinh, suy nhược cơ năng, liệt dương, dùng làm thuốc kích thích hành tuỷ trong các trường hợp giải phẫu não, giải độc thuốc ngủ barbituric. Liều dùng: uống 0,001 g/lần, 0,003g /24 giờ dưới dạng dung dịch, siro, potio. Hoặc tiêm dưới da 0,001g/ lần, 0,002g/giờ
* Mã tiền chưa chế biến thường chỉ dùng ngoài làm thuốc xoa bóp chữa nhức mỏi chân tay do thấp khớp, đau dây thần kinh, dùng dạng cồn thuốc, dùng riêng hoặc chế với ô đầu, phụ tử.
Mã tiền đã chế biến theo y học cổ truyền được dùng để chữa tiêu hóa kém, nhức mỏi tay chân,  đau dây thần kinh, bại liệt, liệt nửa người, chó dại cắn.
Liều dùng trung bình của người lớn là 0,05 g 1 lần 0,015g: 24 giờ. Liều dùng tối đa người lớn là 0,10 g 1ần 0,3g: 24giờ. Trẻ em dưới 3 tuổi không được dùng, từ 3 tuổi trở lên 0,005g. Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột, không dung quá liều qui định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

VÔNG NEM- Erythrina oriantalis (L.) Murr., Họ đậu (Fabaceae)

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

VÔNG NEM

Tên khoa học của Vông nem – Erythrina oriantalis (L.) Murr., Họ đậu (Fabaceae). Cây vông nem còn gọi là hải đồng, thích đồng.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây thân gỗ cao tới 10m, thân và cành có gai ngắn hình nón, cây phân nhánh nhiều. Lá mọc so le có 3 chét hình tam giác, mép lá nguyên, lá chét ở giữa to hơn lá chét hai bên và có chiều rộng lớn hơn chiều dài, lá thường rụng vào mùa khô. Hoa màu đỏ tươi mọc thành chùm dày. Đài hình mo rách dọc tới gốc, ở đỉnh có 5 răng không rõ lắm, tràng hoa xếp theo kiểu tiền khai cờ, cánh cờ to dài 4 – 9cm, rộng 2 -3cm; cánh thìa tự do dài 1 – 1,5cm, rộng 0,4 – 0,6cm. Có 10 nhị, 9 nhị hàn liền, 1 nhị rời, xếp thành 2 vòng. Chỉ nhị màu tím đỏ. Bao phấn màu vàng, đính lưng có xẻ rãnh. Nhụy dài hơn nhị và có núm nhụy. Cây có rất ít quả mặc dù có rất nhiều hoa. Quả loại đậu, thắt lại giữa các hạt. Mỗi quả có 4 – 8 hạt. Hạt hình thận màu nâu hay đỏ.
Cây vông nem mọc hoang và được trồng phổ biến khắp nơi ở nước ta. Cây còn mọc nhiều ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Mỹ và chây Phi. Cây có nhiều ở Ấn Độ, Myanma, Xrilanca, Indonesia, Campuchia và Lào.
Cây mọc tự nhiên hay được trồng bằng cách dâm cành, cây phát triển tốt ở ven biển và ven sông.
Bộ phận dùng, trồng, thu hái và chế biến
Thường dùng lá tươi hay phơi hoặc sấy khô (Folium erythrinae), vỏ thân phơi hay sấy khô (Cortex erythrinae).
 Vông nem được nhân giống dễ dàng bằng giâm cành. Chọn cành bánh từng đoạn 30-40 cm, đặt nghiêng thành hàng dọc,lấp đất gần kín hom giống. Có thể trồng quanh năm trừ thời kì mưa quá nhiều. Vào các tháng mùa khô, cần tười ẩm. Cây không cần chăm sóc, ít sâu bệnh. Lá thu hoạch quanh năm, mùa đông cây ngừng sinh trưởng.
Lá thu hái vào mùa xuân, dùng tươi hay sấy khô. Vỏ thân, cạo sạch lớp bần khô bên ngoài, rửa sạch, thái mỏng.
Vi phẫu lá:
Phần gân giữa:Biểu bì trên và dưới gồm 1 lớp tế bào xếp đều đặn, riêng biểu bì dưới có mang lỗ khí và long tiết hình trứng, đầu đa bào chân đơn bào rất ngắn. Sát lớp biểu bì trên và dưới có mô dày. Trong mô rải rác có calci oxalat hình thoi và hình đa giác. Các bó libe gỗ xếp thành một vòng chính giữa gân lá. Vòng mô cứng bao bọc bên ngoài các bó libe gỗ. Mô mềm vỏ gồm những tế bào to, màng mỏng.
Phần phiến lá: Dưới biểu bì trên là mô mềm giậu gồm hai lớp tế bào dài chạy sâu vào gân giữa, dưới là mô mềm khuyết. Từng quãng có những bó libe gỗ của gân bên nối liền biểu bì trên và biểu bì dưới, cắt ngang mô mềm giậu và mô mềm khuyết. Rải rác có calci oxalat hình thoi và hình đa giác.
Vi phẫu vỏ thân:
- Lớp bần là một lớp tế bào dễ bong.
- Tế bào mô  mềm vỏ gồm các tế bào màng mỏng, trong mô mềm rải rác có những đám tế bào mô cứng.
- Tế bào chứa chất nhày
- Bó libe-gỗ.
- Tinh thể calci oxalat hình thoi hay hình khối nằm rải rác trong tế bào.
- Tia tủy.
Bột lá
- Bột màu lục xám, quan sát dưới kính hiển vi thấy:
  + Mảnh biểu bì trên có tế bào nhiều cạnh, ngoằn nghèo, màng mỏng.
  + Mảnh biểu bì dưới có lỗ khí kiểu cà phê và long tiết hình trứng đầu đa bào chân đơn bào rất ngắn.
  + Mảnh gân lá tế bào hình chữ nhật, màng mỏng có chứa calci oxalate hình thoi và hình đa giác.
  + Mảnh mô mềm giậu.
  + Bó sợi màng hơi dày.
  + Mảnh mạch mạng, mạch xoắn.
Bột vỏ thân:
- Màu vàng lục, soi kính hiển vi thấy:
  + Mảnh bần là những tế bào đều đặn xếp thành dày.
  + Mảnh tế bào mô mềm.
  + Tinh thể calci oxalat hình thoi và hình khối.
  + Các bó sợi mang tinh thể calci oxalat hình khối.
  +  Đám tế bào mô cứng.
  + Mảnh mạch.
Thành phần hóa học
Lá, vỏ thân và hạt đều chứa alcaloid. Hàm lượng alcaloid toàn phần trong lá: 0,1-0,16%, vỏ thân là: 0,06 – 0,09%, hạt: 2%
Trong lá và thân alcaloid là erysotrin, erysodin, erysovin, erysonin, erythranin, erysopin, erythrinin, erythralin. Trong hạt có erythralin và hypaphorin.

Ngoài ra trong lá vả vỏ thân còn có saponin như mygarin; tanin, flavonoid. Trong hạt có chất béo, protein và các chất vô cơ.
6.Kiểm nghiệm
a. Định tính
- Lấy 2g bột dược liệu cho vào bình nón,thấm ẩm bằng amoniac đặc rồi cho vào bình 15-20ml chloroform, lắc nhẹ, đặt trên nồi cách thủy sôi trong 2 - 3 phút, lọc qua giấy lọc vào bình gạn, lắc 2 lần, mỗi lần 5ml dung dịch acid hydrochloric 0,1N, để yên cho dung dịch tách thành 2 lớp,gạn lấy lớp acid, gộp dịch chiêt acid rồi chia vào 3 ống nghiệm
Ống 1 cho them 2 giọt TT Bourchardat sẽ xuất hiện tủa nâu
Ống 2 cho them 2 giọt Tt Mayer sẽ xuất hiện tủa vàng nhạt
Ống 3 cho them 2 giọt TT Dragendorff sẽ xuất hiện tủa vàng cam.
- Định tính bằng sắc kí lớp mỏng
Chấm dịch chiết lên bản mỏng đã tráng chất hấp phụ silicagel G, khai triển bằng hệ dung môi: CHCl3-MeOH-NH4OH (50:9:1) phun hiện màu bằng thuốc thử Dragendorff.
b . Định lượng
Cân chính xác khoảng 3g bột lá khô,làm ẩm bằng amoniac đặc. Sau 30 phút cho dược liệu vào bình Soxhlet chiết bằng chloroform trên cách thủy cho đến kiệt alcaloid. Cất thu hồi bình dung môi rồi bốc hơi tới khô. Hòa tan cắn trong HCl 2% (5 lần x 5ml). Lọc vào bình gạn, kiềm hóa dịch lọc bằng amoniac tới pH 8-9. Lắc với CHCl3 (5 lần x 10ml). Gộp dịch chiết, cất thu hồi dung môi. Hòa tan cắn bằng dung dịch HCl 2%. Lọc vào bình gạn rồi lại kiềm hóa bằng amoniac tới pH 8-9. Chiết bằng chloroform cho hết alcaloid. Lọc dịch chiết qua giấy lọc có Na2SO4 khan vào cốc đã sấy khô và cân từ trước. Sau khi rửa giấy lọc và Na2SO4 khan bằng 5ml CHCl3. Bốc hơi dung môi trên cách thủy rồi sấy cắn ở 800C tới khối lượng không đổi rồi đem cân.
  Tính hàm lượng alcaloid toàn phần trong dược liệu theo công thức sau:
                            X%=(a-b)/(m-c).100
     a: khối lượng bì và cắn alcaloid (g)
     b: khối lượng bì (g)
     m: khối lượng dược liệu đem chiết (g)
     c: độ ẩm của dược liệu
Dược liệu phải chứa ít nhất 0,12% alcaloid toàn phần.
Tác dụng và sử dụng
Alcaloid toàn phần chứa trong lá vông nem ít độc, có tác dụng:
- Bằng đường uống cả hai liều 75mg và 125mg/kg cân nặng thỏ, có tác dụng ức chế hoạt tính điện của vùng vỏ não và cấu trúc dưới vỏ, thể hiện song chậm chiếm ưu thế trên hình ảnh điện não đồ và biên độ điện não giảm.
- Có tác dụng kéo dài giấc ngủ của hexobarbital đối với chuột thí nghiệm.
- Có tác dụng gây hiện tượng gục đầu thỏ điển hình với liều 15mg/kg súc vật sau khi tiêm vào tĩnh mạch vành tai thỏ 3-5 phút, kéo dài 10 phút.
- Có tác dụng giãn cơ làm chuột mất khả năng bám dây gần giống D-tubocurarin
- Làm ếch mất hoàn toàn phản xạ lật sấp. Với nồng độ 0,01% có tác dụng ức chế co cơ hoành của chuột cống trắng cô lập và ở nồng độ 0,03% thì làm mất khả năng co cơ ở ruột chuột lang cô lập.
- Dung dịch alcaloid toàn phần 2% có tác dụng ức chế một số vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Bacillus puminus, Bacillus cereus, E. coli.
Nhân dân ta dùng lá vông sắc uống hoặc luộc ăn chữa mất ngủ, dịu thần kinh hay thần kinh suy nhược kém ăn, kém ngủ. Ngày dùng 8 – 16g
Một số cơ sở y tế dùng cao lá vông kết hợp với một số vị dược liệu khác (cao lá sen, rotundin hoặc củ bình vôi, lạc tiên, lá dâu, long nhãn…) làm thuốc an thần, trấn kinh, chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược.
Ngoài ra còn dùng lá giã nát hơ nóng đắp chữa trĩ ngoại, bột lá rắc lên vết thương chống nhiễm khuẩn.
Nhân dân Trung Quốc dùng vỏ cây làm thuốc chữa bệnh đau khớp, chữa sốt, sát khuẩn, an thần, gây ngủ, chữa lỵ. Dùng 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.