PHƯƠNG PHÁP PHỔ HỌC

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

PHƯƠNG PHÁP PHỔ HỌC

Phương pháp phổ học ngày nay được sử dụng rất nhiều trong phân tích và xác định các chất. Các loại phổ thường được sử dụng trong phân tích dược liệu là: Phổ tử ngoại-khả kiến (ultra violet – visible,UV-Vis), Phổ hồng ngoại (infra red, IR), Phổ khối lượng (mass spectrometry,MS) và Phổ cộng hưởng từ hạt nhân (nuclear magnetic resonance, NMR). Ngoài ra, các phổ khác trong những chừng mực nhất định cũng được sử dụng (phổ nhiễu xạ đơn tinh thể tia X, phổ huỳnh quang, phổ cận hồng ngoại (near IR, NIR) và Raman, phổ lưỡng cực vòng và tán sắc quay...).
Ưu điểm của các phương pháp phổ là cho biết các đặc điểm cấu trúc của các chất, giúp cho việc xác định cấu trúc các chất chưa biết hay định danh các chất đã biết bằng cách so sánh với phổ chất chuẩn. Chúng cũng được dùng trong xác định hàm lượng các chất khi so sánh độ hấp thu/cộng hưởng của mẫu định lượng với độ hấp thu/cộng hưởng của mẫu chuẩn. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, các phương pháp phổ chỉ ứng dụng được cho các chất tinh khiết. Khi thực hiện trên các hỗn hợp, phổ thu được không thể biện giải được nên ít có ý nghĩa thực tế. Để khắc phục nhược điểm này, việc kết hợp giữa một phương pháp phân tách (thường là sắc ký) với phương pháp phổ là hiệu quả nhất hiện nay trong phân tích, đặc biệt là trong phân tích các hợp chất tự nhiên. Các hệ thống sắc ký hiện đại (như sắc ký lỏng cao áp, sắc ký khí, điện di mao quản...) tách các chất trong một hỗn hợp phức tạp thành các chất tinh khiêt, các máy quang phổ (UV, IR, MS, NMR) nhận biết và cung cấp các thông tin cấu trúc của các chất được tách ra. Việc ghép nối sắc ký – quang phổ phát huy được thế mạnh và khắc phục được nhược điểm của cả 2 loại thiết bị.

Các loại phổ khác

5. Các loại phổ khác

 

Ngoài các loại phổ trên, phổ nhiễu xạ đơn tinh thể tia X (single cristal X-ray diffraction), phổ tán sắc quay quang (optical rotatory dispersion, ORD) và phổ lưỡng cực vòng (circular dichroism, CD) cũng được dùng trong xác định cấu trúc các chất.
Khi chiếu xạ một chùm tia X vào một lát cắt mỏng của tinh thể, các nguyên tử của phân tử các chất nằm trên các điểm nút của mạng tinh thể sẽ gây ra sự nhiễu xạ của chùm tia X tạo nên các vân giao thoa. Giải các kết quả này bằng thuật toán thích hợp sẽ thu được các số liệu về chiều dài và góc liên kết của từng nguyên tử trong phân tử. Từ đó có thể dựng lại cấu trúc không gian của phân tử. Với phổ nhiễu xạ đơn tinh thể tia X, người ta có thể biết được cấu trúc lập thể của các chất.  

Phổ cộng hưởng từ hạt nhân

4. Phổ cộng hưởng từ hạt nhân

 

Phổ cộng hưởng từ hạt nhân cùng với phổ khối và nhiễu xạ đơn tinh thể tia X hiện là những công cụ mạnh và thường được sử dụng nhất hiện nay trong xác định cấu trúc các hợp chất hữu cơ.
Khi đặt một chất có hật nhân có số spin (I) lẻ (1H, 13C...) được đặt trong một từ trường ngoài (B0), các spin hạt nhân sẽ được sắp xếp lại theo hai hướng: thuận và ngược chiều với từ trường và đạt tới trạng thái cân bằng giữa hai trạng thái này với một tỉ lệ xác định của 2 trạng thái. Nếu dùng một bức xạ điện từ có tần số thích hợp chiếu xạ lên chất đó, các spin sẽ hấp thu năng lượng (cộng hưởng) và chuyển lên mức năng lượng cao (sắp xếp ngược chiều với từ trường). Khi ngưng chiếu xa, các spin hạt nhân sẽ giải phóng năng lượng để trở về trạng thái cân bằng. Xác định năng lượng mà các hạt nhân cùng một loại nguyên tố trong phân tử hấp thu (hay giải phóng) sẽ thu được phổ cộng hưởng từ hạt nhân của các chất đó. Có 2 cách xác định năng lượng cộng hưởng này. Cách thứ nhất là xác định tần số cộng hưởng theo từng tần số trong suốt dải tần số cộng hưởng, cách này được gọi là cộng hưởng từ hạt nhân quét. Cách thứ 2 là ghi nhận đồng thời mọi tần số cộng hưởng rồi sử dụng biến đổi Fourier để tách riêng tần số cộng hưởng của từng hạt nhận. Kỹ thuật này được gọi là cộng hưởng từ hạt nhân biến đổi Fourier (Fourier transform - NMR, FT - NMR) và là kỹ thuật sử dụng chủ yếu hiện nay.
Nguyên thuỷ, phổ cộng hưởng từ hạt nhân là tần số cộng hưởng của các hạt nhân trong phân tử. Tuy nhiên, tần số hấp thu của hạt nhân thay đổi theo từ trường ngoài B0. Để thuận tiện và loại bỏ ảnh hưởng của B0 trong số liệu phổ, người ta chia sự chênh lệch tần số cộng hưởng của hạt nhân so với một chất chuẩn (thường dùng nhất là trimethyl silan, TMS) cho tần số cộng hưởng của chất chuẩn đó. Vì kết quả thu được (Hz/MHz) là rất nhỏ (phần triệu) nên người ta dùng ppm để thể hiện giá trị cộng hưởng của các hạt nhân. Giá trị này thường được gọi là chuyển dịch hoá học. Giá trị chuyển dịch hoá học của các proton thường nằm trong khoảng 0 - 14 ppm, còn của carbon-13 là từ 0 - 240 ppm.
Như đã trình bày ở trên, tần số cộng hưởng của hạt nhân phụ thuộc vào từ trường của máy. Từ trường càng cao, dải tần số dùng để kích thích các hạt nhân càng rộng, phép đo càng nhạy và chính xác, độ phân giải ngày càng cao. Do vậy, ta thường gọi phổ kế cộng hưởng từ hạt nhân 200 MHz, 300 MHz hay 500 MHz... là theo tần số dùng để kích thích các proton.
Có nhiều kỹ thuật xác định phổ cộng hưởng từ hạt nhân khác nhau được áp dụng. Mỗi kỹ thuật dùng để xác định những đặc tính cộng hưởng từ nhất định của hạt nhân. Tuỳ vào mục đích và mức độ phức tạp của cấu trúc, người ta có thể đo 1 hay nhiều loại phổ khác nhau. Người ta có thể xác định phổ của cùng một loại hạt nhân (1H hay 13C) như trong các phổ một chiều (1H-NMR,  13C-NMR, DEPT), hay các mối tương quan giữa các loại hạt nhân trong các phổ 2 chiều (COSY, HETCOR, Long-range HETCOR, NOESY...).
4.1. Phổ cộng hưởng từ hạt nhân một chiều
Phổ proton (1H-NMR hay proton NMR) cho biết môi trường hoá học của proton trong phân tử. Các proton có môi trường hoá học khác nhau sẽ có chuyển dịch hoá học khác nhau. Ví dụ, các proton của liên kết với carbon thơm hay liên hợp thường chuyển dịch trong vùng 6 - 8 ppm; các proton trong alkan thường chuyển dịch trong vùng 0 - 2 ppm... Phổ proton của 1 proton hay 1 nhóm proton có cùng môi trường hoá học (như 3 proton của nhóm CH3) thể hiện trên phổ có thể là 1 đỉnh. Đỉnh này có thể là đỉnh đơn, đôi, ba... tới 7 đỉnh thành phần (đỉnh 7). Diện tích của mỗi đỉnh tỉ lệ với số lượng proton của đỉnh. Dựa vào diện tích đỉnh có thể biết số proton của đỉnh đó. Một thông số quan trọng khác của phổ proton là hằng số ghép (J) tính bằng Hz, cho biết tương tác của proton với các proton kế cận.
Phổ cộng hưởng từ hạt nhân carbon-13 (13C-NMR) cung các cấp thông tin về môi trường hoá học của carbon. Carbon lai hoá sp3không liên kết với dị tố chuyển dịch trong khoảng 0 - 60 ppm. Carbon liên kết đơn với oxy (alcol, ether) chuyển dịch trong khoảng 45 - 85 ppm. Carbon lai hoá sp2 chuyển dịch trong khoảng 100 - 150 ppm; nếu có liên kết (đôi) với oxy có thể chuyển dịch tới 240 ppm. Với kỹ thuật đo phổ hiện tại, phổ NMR của carbon là những vạch đơn, mỗi vạch ứng với một carbon (hơn 1 carbon nếu chúng có chung môi trường hoá học) của phân tử.
Các kỹ thuật xác định số lượng proton trên carbon cho biết số lượng proton liên kết trên mỗi carbon. Nói cách khác, nó cho biết carbon đó là C, CH, CH2 hay CH3, gián tiếp cho biết số C và H trong phân tử. Kỹ thuật hiện thường được sử dụng hiện nay là DEPT (detortionless enhancement by polarization transfer). Trong phổ DEPT-153, carbon bậc IV không xuất hiện, carbon bậc II là các đỉnh âm, C bậc III và bậc I là các đỉnh dương, ở phổ DEPT-90, chỉ còn các C bậc III là các đỉnh dương trong phổ.
4.2. Phổ cộng hưởng từ hạt nhân hai chiều
Ngoài các kỹ thuật phổ một chiều, các kỹ thuật phổ hai chiều còn cho thêm các thông tin về tương tác giữa C và H gắn trực tiếp trên nó (thường dùng hiện nay là HSQC), giữa proton của các carbon kế cận nhau (phổ COSY) hay phổ tương tác dị nhân (HETCOR) giữa proton và các carbon kế cận (thường dùng hiện nay là kỹ thuật HSQC) hay xa hơn (long-range HETCOR, thường dùng hiện nay là HMBC); hoặc giữa các proton gần nhau trong không gian (NOESY, ROESY); hay giữa các carbon kế cận nhau (incredible natural abundance double quantum transfer experiment, NADEQUATE).
Vai trò của các phổ thu được từ các kỹ thuật phổ cộng hưởng từ hạt nhân khác nhau trong xác định cấu trúc có thể tóm tắt như sau:

Với các kỹ thuật phổ NMR, người ta có thể biết được mối liên hệ giữa các proton và carbon trong phân tử. Kết hợp với phổ khối và các thông tin khác người ta có thể xây dựng được cấu trúc phân tử của hợp chất. Trong khá nhiều trường hợp, chỉ bằng NMR người ta cũng có thể xác định được cấu trúc và cấu hình lập thể của chất cần phân tích.
Do có rất nhiều thông tin đặc trưng về cấu trúc phân tử, việc sô sánh phổ proton hay carbon một chiều của một chất với một chất đã biết cho phép xác định một chất một cách tin cậy.
Ngày nay, chỉ cần lượng mẫu ở mức mg hay thấp hơn đã có thể xác định cấu trúc của một chất. Khả năng này giúp ích rất nhiều trong nghiên cức các tự nhiên, khi mà cá chất rất khó phân lập và thường chỉ thu được với một lượng nhỏ.
Ngoài việc xác định cấu trúc, phổ cộng hưởng từ hạt nhân còn được dùng trong định lượng các chất trong phân tích định lượng như các phương pháp phổ khác. Tuy  nhiên, do thiết bị đắt tiền nên cách thức này ít được sử dụng. Việc kết nối cộng hưởng từ hạt hân với các thiết bị sắc ký lỏng có nhiều khó khăn. Tuy vậy, hiện đã có những hệ thống ghép nối HPLC-NMR để phân tích và xác định các chất chiết từ dược liệu.
Ngoài các phổ kế cộng hưởng từ hạt nhân dùng trong phân tích cấu trúc, kỹ thuật xác định hình ảnh cộng hưởng từ hạt nhân cũng được sử dụng trong chẩn đoán y khoa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

Phổ khối lượng

3. Phổ khối lượng

 

Một trong những phổ có ứng dụng nhiều nhất hiện nay trong phân tích và xác định các chất tự nhiên là phổ khối lượng (mass spectrometry, MS, thường được gọi là phổ khối). Phổ khối cung cấp những thông tin về khối lượng của các ion sinh ra từ phân tử.
Phổ khối không xác định trực tiếp khối lượng của ion mà xác định tỉ lệ giữa khối lượng (m) và điện tích (z) của ion (m/z). Ở các phân tử nhỏ, điện tích của ion thường là 1 nên giá trị m/z của phổ khối liên quan trực tiếp tới khối lượng của ion. Với các đại phân tử, điện tích của ion có thể lớn hơn 1. Khi đó, để xác định khối lượng phân tử (M) cấn phải biết số điện tích của ion.
Dưới những điều kiện nhất định, phân tử các chất bị mất đi electron tạo nên ion phân tử (hay còn gọi la ion mẹ) M+. Ion mẹ này có thể tiếp tục “vỡ” ra thành các mảnh nhỏ hơn là các ion con và các mảnh trung hòa. Vì khối lượng của các electron rất nhỏ, có thể bỏ qua, nên khối lượng của M+chính là khối lượng của phân tử.
Trong cùng một điều kiện ion hóa, sự phân mảnh tạo thành các ion con từ ion mẹ sẽ tuân theo những quy định nhất định. Các chất có cấu trúc tương tự nhau sẽ tạo ra những phân mảnh giống nhau. Từ khối lượng phân tử và các mảnh của phân tử, cùng với các phương pháp phổ khác người ta có thể xác định được cấu trúc của một chất chưa biết. So sánh phổ khối của một chất với phổ khối của một chất đã biết có thể giúp định danh chất đó dễ dàng và chính xác.
Khối phổ kế có thể hoạt động độc lập như một thiết bị đo phổ các chất tinh khiết hay ghép nối với các thiết bị sắc ký như sắc ký lỏng cao áp, sắc ký khí, điện di mao quản… như một detector và đồng thời cung cấp các thông tin cấu trúc.
Cấu tạo của một khối phổ kế gồm có các bộ phận chính sau: (a) Đầu vào, (b) buồng ion hóa, (c) bộ phận phân tích khối, (d) detector và (e) máy tính ghi nhậ xử lý, lưu trữ kết quả và điều khiển hệ thống. Các bộ phận từ (b)  - (d) được đặt trong một buồng chân không sâu. Tùy theo từng kỹ thuật phối khổ mà cấu tạo và nguyên lý hoạt động của từng bộ phận có thể khác nhau.
3.1.Đầu vào

Sơ đồ của một khối phổ kế
 Sơ đồ của một khối phổ kế
Đầu vào là nơi mẫu được đưa vào máy phổ khối. Mẫu có thể được đưa vào trực tiếp hay được ghép nối với đầu ra của một hệ thống sắc ký. Mẫu có thể được đưa vào dưới dạng rắn, lỏng hay khí nhưng được ion hóa trong buồng ion hóa. Cổ điển nhất là mẫu được hóa hơi. Với các kỹ thuật ion hóa mới, mẫu có thể được ion hóa trực tiếp từ dạng lỏng hay dạng rắn. Ngày nay, việc ghép nối đã trở nên dễ dàng và khối phổ đang dần trở thành một detector phổ thông cho các hệ thống sắc ký.
3.2.Buồng ion hóa
Buồng ion hóa là nơi mẫu thử được biến thành các ion để đi vào hệ thống phân tích. Hiện nay, có nhiều kỹ thuật để biến các phân tử trung hòa thành ion. Tùy từng kỹ thuật, mức độ bị ion hóa của các phân tử có thể khác nhau, từ ion hóa mạnh cho các chất dễ bay hơi và bền tới ion hóa nhẹ nhàng cho các phân tử lớn, khó bay hơi.
Cách cổ điển nhất để ion hóa các chất là kỹ thuật bắn phá electron hay sau này còn được gọi là ion hóa bằng electron (electron impact hay electron ionization, EI). Người ta dùng một chùm electron để “bắn phá” phân tử mẫu ở trạng thái hơi. Điều kiện chuẩn để thực hiện EI là 70 eV. Phổ EI thu được ở điều kiện này có thể dùng để so sánh với phổ chuẩn để xác định các chất.
EI là phương pháp ion hóa mạnh, nhiều chất trong điều kiện này bị phân mảnh đến mức không còn nhậ thấy ion M+ nữa. Để có thể phát hiện được M+, nhiều kỹ thuật ion hóa nhẹ nhàng hơn đã được áp dụng. Ion hóa hóa học (chemical ionization, CI) là một trong những kỹ thuật sớm nhất được sử dụng. Nguyên tắc của phương pháp là trong buồng ion hóa, người ta đưa vào một chất khí khác (được gọi là khí thử). Chất này sẽ bị ion hóa và các ion này sẽ tác động lên mẫu để ion hóa mẫu tạo ra M+ hay các ion cộng tương ứng. Các khí thử thường dùng trong CI là methan, isobutan hay ammonia. Quá trình ion hóa mẫu thử M với khí thử là ammonia xảy ra như sau:
NH3   +   e-     →   NH4+  +  2 e-
NH4++   M   →    NH3   +  [M+H]+               Phân tử proton hóa
NH4+ +   M   →   [M+NH4]+                          Ion cộng amoni
Với CI, phổ MS thu được có số lượng các ion ít hơn và cường độ các ion cao hơn nên dễ xác định được phân tử lượng của mẫu.
EI và CI chỉ thích hợp với kỹ thuật đưa mẫu rắn (phân tích trực tiếp các mẫu tinh khiết) và khí (như GC-MS). Với dạng mẫu lỏng như trong HPLC–MS, CE-MS…các kỹ thuật ion hóa nhẹ nhàng ở áp suất thường như ion hóa phun điện (electrospray ionization, ESI), ion hóa hóa học ở áp suất thường (atmospheric pressure chemical ionization, APCI), ion hóa phun nhiệt (thermospray ionization, TS hay TSP) thường được sử dụng. Các chất dễ bị phân hủy nhiệt, khó hay không bay hơi cũng có thể áp dụng tốt bởi các kỹ thuật ion hóa này.
Với ESI, dung dịch mẫu được phun thành những hạt nhỏ vào một buồng chân không dưới một điện trường mạnh. Các giọt dung dịch bị tích điện và bay hoiw dung môi sẽ vỡ giọt thành các hạt nhỏ hơn và cuối cùng thành các ion. Các ion (dương hay âm) cần được phân tích sẽ được đẩy vào bộ phận phân tích khối. Các phân tử bị ‘vỡ’ nhẹ nhàng hơn tạo ra ít phân mảnh và có cường độ lớn hơn. Với các polymer (với M tới vài chục ngàn đơn vị khối), điện tích của các ion (z) sẽ >1 (có thể tới 20 hay hơn) do vậy vẫn có thể được phân tích trong thiết bị phổ với m/z 1000-2000.
APCI tạo ra các ion dương được proton hóa hay ion âm do loại bỏ khỏi phân tử. Dung dịch mẫu được hóa hơi bởi nhiệt độ dưới dạng phun mù và đi vào trong vùng plasma của các ion dung môi tạo bởi hồ quang ở áp suất khí quyển. Sự cho nhận proton xảy ra giữa mẫu và dung môi tạo nên các ion của mẫu thử.
Trong TSP, dung dịch mẫu được bơm dưới áp suất tương đối cao qua 1 mao quản được nung nóng bởi bằng nhiệt điện. Khi ra khỏi ống mao quản, dung môi được hóa hơi hỗ trợ cho việc phun dung dịch thành các hạt mù rồi thành các ion đẩy vào bộ phận phân tích khối. TSP có thể áp dụng cho những hệ thống có tốc độ dòng cao (HPLC). Tuy nhiên, ngày nay kỹ thuật này phần lớn được thay thế bằng ESI.
Ngoài những phương pháp ion hóa trên được sử dụng nhiều trong phân tích các hợp chất phân tử nhỏ còn có nhiều kỹ thuật ion hóa khác sử dụng cho các đại phân tử. Ví dụ, kỹ thuật bắn phá nhanh bằng nguyên tử (fast atom bombardment, FAB), các kỹ thuật giải hấp trường (field desorption, FD), giải hấp laser (laser desorption, LD) và một trong những kỹ thuật đang được sử dụng nhiều là kỹ thuật giải hấp laser hỗ trợ bởi chất nền (matrix – assisted laser desorption ionization, MALDI). Với MALDI, mẫu được trộn với dung dịch chất nền và được làm khô dung môi trên phiến kim loại rồi đưa vào buồng ion hóa của máy phổ khối chứ không kêt nối trực tiếp được với hệ thống sắc ký.
3.3. Bộ phận phân tích khối
Nhiệm vụ của bộ phận phân tích khối là phân tách hỗn hợp các ion sinh ra bởi bộ phận ion hóa thành từng loại riêng biệt theo m/z để đưa các ion này tới detector để ghi nhận phổ. Có nhiều cơ chế để tách riêng các ion như sử dụng từ trường, điện trường và vận tốc của các ion…Các bộ phận phân tích khối đang được sử dụng trong phổ khối gồm có các loại sau: cung từ (magnetic sector), tứ cực (quadrupole), bẫy ion (ion trap), thời gian bay (time of flight) và cộng hưởng bằng gia tốc ion – biến đổi Fourier (Fourier transform ion cyclotron resonance, FT-ICR).
Kinh điển nhất trong các bộ phân tích khối là thiết bị sử dụng từ trường. Dưới một từ trường mạnh, quỹ đạo các ion sẽ thay đổi và khác nhau phụ thuộc vào điện tích và khối lượng ion. Thay đổi từ trường sẽ thay đổi quỹ đạo các ion, lần lượt đưa chúng đi vào detector. Đây cũng là 1 trong 2 loại phân tích ion mạnh và có độ chính xác cao nhất được dùng trong các máy khối phổ phân giải cao (HR-MS).
Bộ phân tích tứ cực gồm 4 thanh kim loại có tiết diện tròn hay hyperbol đặt song song với nhau dài khoảng 100 - 200 mm. Một điện thế một chiều không đổi được điều biến bởi điện thế tần số radio được áp lên tứ cực tạo nên một điện trường trong tứ cực. Dưới tác động của điện trường, chỉ có những ion nhất định bay dọc theo tứ cực đi tới detector. Các ion khác quỹ đạo bị lệch và va vào các thanh tứ cực hoặc bay ra ngoài. Thay đổi dòng điện tần số radio trên tứ cực sẽ lần lượt cho phép các ion khác nhau bay vào detector và được ghi nhận thành phổ.
Bẫy ion có cấu tạo gồm một điện cực vòng với mặt trong có dạng hyperbol và hai điện cực chỏm nằm ở hai đầu trống của điện cực vòng cũng có dạng hyperbol. Bằng cách thay đổi điện thế các điện cực, người ta có thể điều khiển được quỹ đạo của các ion trong bẫy. Tuy nhiên, khác với tứ cực, các ion khi đi vào bẫy ion sẽ bị giữ tại đó bởi điện trường nếu điện thế của điện cực vòng và 2 điện cực chỏm không khác nhau. Thay đổi điện thế và tần số của điện cực vòng sẽ lần lượt quét các ion ra khỏi bẫy đi tới detector để ghi nhận thành phổ. Thay đổi thế của hai điện cực chỏm sẽ giữ lại một hay một vài ion nhất định trong bẫy (trong chế độ chọn lọc ion) hay gia tốc các ion (trong chế độ MS nhiều lần).
Tứ cực và bẫy ion cho phép phân tích các chất có m/z tới 5000. Độ chính xác khối của tứ cực và bẫy ion không cao (0,1 đơn vị khối) nhưng nhỏ gọn, đơn giản, dễ sử dụng và rẻ tiền hơn nên được áp dụng nhiều trong các hệ LC-MS.
Một cách khác để tách các ion ra khỏi hỗn hợp là dựa vào vận tốc của các ion. Ở cùng một mức năng lượng, vận tốc của ion phụ thuộc vào khối lượng của ion. Phân tử càng nhẹ vận tốc càng lớn. Đo lường thời gian để ion từ điểm xuất phát bay tới detector sẽ tính ra được khối lượng của ion. Do vậy, kỹ thuật này được gọi là xác định thời gian bay của ion (TOF). TOF có độ phân giải tương đối cao (tới 20.000), với số khối chính xác hơn (tới 0,0001). Khoảng phân tích khối của TOF là không giới hạn, rất hữu dụng cho việc phân tích các đại phân tử.
Một kỹ thuật mới để phân tích khối là cộng hưởng bằng gia tốc ion - biến đổi Fourier (FT-ICR). Các ion được giữ trong một buồng cộng hưởng dưới một từ trường mạnh ở bên và một điện trường theo hướng trục. Giống như trong cộng hưởng từ hạt nhân, tất cả các ion trong buồn được kích thích bởi một xung tần số radio băng rộng (10 KHz - 1 MHz). Các ion sẽ hấp thu năng lượng phù hợp để cộng hưởng. Các ion cùng loại khi hấp thu năng lượng (cộng hưởng) chuyển động đồng nhất tạo ra một tần số nhất định phụ thuộc vào m/z. Tất cả các tần số của các ion tạo ra sẽ được ghi nhận dưới dạng các dao động cảm ứng tự do tắt dần theo thời gian và sau đó được biến đổi Fourier để trở thành dạng phổ khối truyền thống. FT-ICR có độ phân giải và độ chính xác khối rất cao (tới 1 ppm), khoảng phân tích khối rộng (hiện nay là m/z tới 10.000). Độ nhạy của FT-ICR cũng rất cao, giới hạn phát hiện có thể đạt tới mức attomole. Khi phối hợp với ESI, FT-ICR có thể phân tích các protein tới 15.000 đơn vị khối.
Ngoài các kỹ thuật phân tích khối đã nêu trên, còn có các loại khác đã hoặc đang được phát triển như bẫy quỹ đạo (orbital trap)hay dựa trên tính linh động của ion (ion mobility) và các kỹ thuật lai hay kết hợp giữa các loại trên.
3.4. Detector                                     
Là nơi tiếp nhận các ion và biến thành các tín hiện điện để được ghi nhận thành các tín hiệu phổ khối. Có nhiều loại detector khác nhau nhưng thường là loại ống nhân điện, ống nhân quang... các tín hiện điện thu được từ detector sẽ được số hoá và lưu trữ dưới dang các tập tin kỹ thuật số.
Trong phân tích khổ phối, việc xác định chính xác một ion (M+ hay các phân mảnh) rất quan trọng cho việc xác định chất được phân tích. Một hợp chất xác định, trong những điều kiện xác định sẽ cho các ion xác định trên phổ khối. Tuy nhiên, một ion có số khối xác định trên phổ khối lại có thể xuất phát từ nhiều chất khác nhau. Trong phân tích một hỗn hợp bằng sắc ký - khối phổ, nếu điều kiện sắc ký không đảm bảo, các chất tách ra không hoàn toàn dẫn tới phổ khối thu được sẽ có các ion của các phân tử khác làm ảnh hưởng tới việc nhận định kết quả. Trong các trường hợp này, việc xác định MS thông thường (một lần) khong cho được kết quả chính xác. Để khắc phục, người ta sử dụng các kỹ thuật khối phổ n lần với n thường là 2 hay đôi khi hơn. Kỹ thuật này được gọi là MS/MS hay MSn.
Nguyên tắc của các kỹ thuật này là lực chọn một ion xác định (thường là M+ nhưng cũng có thể là các ion con) trong các ion của lần ion hoá thứ nhất và loại bỏ tất cả các ion khác trong bộ phận phân tích ion. Các ion này sau đó được cho tiếp xúc với 1 lượng nhỏ các khí (thường là argon). Với vận tốc cao, các ion này sẽ va đập vào các phân tử khí và phân thành các mảnh nhỏ hơn. Các ion sinh ra trong lần phân mảnh thứ 2 này sẽ được phân tích và ghi nhận phổ MS. Vì phổ khối ghi nhận được chỉ từ 1 loại ion duy nhất nên không còn bị ảnh hưởng của các tạp chất trong mẫu nữa. Việc nhận định kết quả trên phổ MS/MS sẽ chính xác hơn, đặc biệt khih hàm lượng chất phân tích thấp và năm trong hỗn hợp phức tạp.
Các thiết bị để thực hiện MS/MS có 2 loại chính là: loại phổ khối nối tiếp và bẫy ion.
Loại cổ điển nhất của phổ khối nối tiếp gồm 3 tứ cực ghép nối tiếp với nhau. Tứ cực thứ nhất làm nhiệm vụ chọn lọc ion. Các ion được chọn sẽ bay vào tứ cực thứ 2 và va đập với khí argon để phân mảnh ion lần 2. Tất cả các ion tạo ra sẽ bay vào tứ cực thứ 3 và được quét lần lượt bởi điện trường để đi tới detector và ghi nhận thành phổ. Do cấu tạo bởi 3 tứ cực nên loại này thường được gọi là triplequad (triple quadrupoles).
Với bẫy ion, cả 3 giai đoạn trên đều xảy tra trong bẫy theo trình tự thời gian. Vì các ion được giữ lại trong bẫy nên việc phân mảnh có thể được thực hiện thêm nhiều lần nữa (MSn). Tuy nhiên, độ nhạy của kỹ thuật này ở các lần sau giảm đi nhanh chóng do số ion giảm. Trên thực tế, người ta thường chỉ sử dụng MS2.
Ngoài hai thiết kế cơ bản trên, còn có các loại lai khác như: Q-Trap (kết hợp giữa tứ cực và bẫy ion), Q-Tof (kết hợp giữa tứ cực và TOF), IT-Tof (kết hợp giữa bẫy ion và TOF)... Các loại thiết bị này kết nối với GC, HPLC... hiện có mặt trên thị trường.
Một phương tiện rất hữu hiệu trong phân tích các chất, đặc biệt là trong phân tích các chất có nguồn gốc tự nhiên. Phổ khối cho nhiều thông tin về các trúc để xác định cấu trúc một chất mới hay định danh một chất đã biết. Phổ khối có độ nhạy cao, khoảng tuyến tính động học rộng rất thích hợp cho phân tích định lượng, đặc biệt là trong phân tích vết. Khi kết hợp với hệ thống sắc ký, phổ khối có thể sử dụng như một detector phổ thông, phát hiện hầu hết các chất nhưng với chế độ chọn lọc ion nó lại là detector chọn lọc cho những chất xác định rất có ích trong việc định lượng các chất trong một hỗn hợp phức tạp. Các thiết bị phổ khối ngày càng nhạy và tin cậy hơn; giới hạn phân tích khối ngày càng mở rộng; việc sử dụng ngày càng dễ dang và giá thành ngày càng hạ. Điều này làm cho thiết bị khổ phối dần trở thành các phương tiện phân tích thường quy trong phân tích dược liệu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

Phổ hồng ngoại

1. Phổ hồng ngoại

 

Sự hấp thu hồng ngoại (IR) trong vùng hồng ngoại giữa (mid IR, MIR, 400 – 400 cm-1) là do các dao động ( co giãn, cắt kéo hay đối xứng) của các liên kết trong phân tử.
Các loại liên kết khác nhau, trong mối liên hệ khác nhau với các phần còn lại của cấu trúc sẽ hấp thu ở các số sóng khác nhau. Ví dụ, liên kết -C=C- có hấp thu trong vùng 2260–2100 cm-1, nhóm OH có hấp thu trong vùng 3650-3200 cm-1, nhóm carbonyl có cộng hưởng trong vùng 1765-1645 cm-1... giúp cho sự nhận định các đặc điểm cấu trúc này.
Phổ hồng ngoại thường được biểu diễn bằng độ truyền qua (T%) của bức xạ hồng ngoại theo số sóng (cm-1).
So với phổ UV – Vis, phổ hồng ngoại cho nhiều thông tin cấu trúc hơn, như các thông tin về liên kết đôi, liên kết ba, liên kết với các dị tố, các nhóm thế... có ích cho việc xác định cấu trúc các chất. Phổ IR cũng có nhiều băng hấp thu đặc trưng cho từng chất hơn, đặc biệt ở vùng điểm chỉ. Vì thế, việc so sánh phổ IR của các chất với chất chuẩn có thể giúp định danh các chất.
Trước đây, phổ kế hồng ngoại được dùng ghép nối với hệ thống sắc ký khí để định danh các chất nhưng hiện nay ít còn được dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

Phổ tử ngoại và khả kiến


1.     Phổ tử ngoại và khả kiến

 

Sự hấp thu năng lượng điện từ trong vùng sóng ánh sáng tử ngoại gần (190 – 400 nm) và khả kiến (400 – 780 nm) của các chất gây ra sự chuyển dịch của các điện tử từ trạng thái cơ bản lên trạng thái kích thích. Biểu đồ biểu diễn sự tuơng quan giữa cường độ hấp thu theo bước sóng của một chất được gọi là phổ UV – Vis của chất ấy trong những điều kiện xác định.
Các chất có các điện tử linh động như л, p có khả năng hấp thu tử ngoại trong vùng tử ngoại gần, các điện tử càng linh động có năng lượng kích thích càng thấp có bước sóng hấp thu chuyển về phía bước sóng dài hơn, về phía ánh sáng khả kiến. Các chất có ít nối đôi có hấp thu ở bước sóng ngắn dưới 220nm có ít giá trị trong việc so sánh phổ. Các chất có phổ UV – Vis có giá trị so sánh là các chất có nối đôi, hệ thống nối đôi liên hợp hay các nối đôi trong hệ thơm và các nối 3. Các nhóm hợp chất khác nhau có thể phân biệt đuợc bởi dạng phổ, các giá trị cực lại (λmax), cực tiểu (λmin) hấp thu và cường độ hấp thu của chúng (biểu thị bằng độ hấp thu phân tử ε hay độ hấp thu của dung dịch 1% với bề dày lớp dung dịch là 1cm E1cm1%). Tuy nhiên, các chất có khung cơ bản ít có sự khác biệt về dạng phổ và λmax, λmin nên khó phân biệt với nhau.
Trong dược liệu, các nhóm chất có cấu trúc thơm như anthraquinon, flavonoid, coumarin, tanin và các hợp chất có nối đôi như alkaloid, nối đôi liên hợp như các carotennoid... có các dạng phổ tử ngoại – khả kiến đặc trưng, có thể giúp xác định các nhóm chất, hay trong một số trường hợp, để so sánh phổ định danh các chất. Các nhóm hợp chất như saponin, chất béo hấp thu tử ngoại ở vùng gần 200 nm thường chỉ được dùng như một detector để phát hiện các chất trong hệ thống sắc ký.
Do cấu trúc đơn giản, rẻ tiền nên hiện nay các quang phổ kế UV – Vis vẫn còn được dùng là detector thông dụng nhất cho sắc ký lỏng cao áp hay điện di mao quản để phát hiện, định tính và định lượng các chất trong dược liệu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

BÀO CHẾ BẠCH CƯƠNG TÀM (tằm vôi)-Bombyx mori

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

BẠCH CƯƠNG TÀM (tằm vôi)

 

Tên khoa học: Bombyx mori L.; Họ tằm (Bombycidae)
Bộ phận dùng: cả con tằm vôi
Dùng con tằm ăn lá dâu, lúc gần chín thì bị bệnh chết cứng thẳng do trùng Batrytis bassiana Bals gây ra. Hiện nay sản xuất bạch cương tàm bằng cách phun khuẩn này lên mình tằm đủ tuổi (4 - 5cm). Trong ngoài đều trắng là tốt; nếu mình cong queo, ruột ướt đen thì không nên dùng (đó là tằm chết tẩm vôi để làm giả).
Thành phần hóa học: Độ tro 6,34%, chất protid 67%, chất béo 4,5%.
Tính vị - quy kinh: Vị mặn cay, tính bình. Vào bốn kinh tâm, can, tỳ, phế.
Tác dụng: Khu phong hóa đờm.
Công dụng: Trị kinh giản, trị trúng phong, mất tiếng, đau cổ họng, trị sang lở.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Cách bào chế:
Theo Trung y: ngâm vào nước vo gạo một ngày đêm cho nhớt dầu nổi lên mặt nước, sấy khô nhỏ lửa, chùi sạch lông vàng và miệng đen rồi tán bột (Lôi Công).
Theo kinh nghiệm Việt Nam: ngâm vào nước vo gạo một đêm, quấy nhẹ tay cho tơ và nhớt ra hết, vớt ra, đem phơi hoặc sấy khô. Dùng vào thuốc thang hay tán bột làm hoàn tán.
Bảo quản: dùng vôi để bảo quản, để nơi khô ráo, chú ý tránh ẩm thấp, bụi bẩn.

BÀO CHẾ BẠCH CHỈ-Angelica dahurica Benth et Hook.

BẠCH CHỈ

 

Tên khoa học: Angelica dahurica Benth et Hook.; Họ hoa tán (Umbelliferae)
Bộ phận dùng: rễ. Rễ hình dùi tròn, có từng vành, phía dưới chia rễ nhánh cứng, ngoài vỏ vàng nâu nhợt, trong trắng ngà, có từng đường vạch dọc, thơm, cay, to, dày, không mốc mọt là tốt.
Thành phần hóa học: Có tinh dầu.
Tính vị - quy kinh: Vị cay, tính ôn.
Vào phần khí của kinh phế, vị và đại tràng, cũng vào phần huyết.
Tác dụng: Phát biểu giải cơ, tán phong, táo thấp, hưng phấn thần kinh trung khu, hành huyết.
Công dụng:
Dùng sống: trị nóng rét, nhức đầu, cảm mạo; bôi chữa lở sơn (nước sắc 50%).
Tẩm giấm sao: trị lâm lậu.
Sao cháy: trị đại tiện ra máu.
Liều dùng: Ngày dùng 4 - 8g.
Kiêng kỵ: âm hư và hỏa uất không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Người xưa hái bạch chỉ về, cạo sạch vỏ, thái nhỏ, lấy hoàng tinh (số lượng bằng nhau) cùng bỏ vào nồi đồ một lúc lấy bạch chỉ phơi khô dùng.
Ngày nay khi lấy về, rửa sạch, cắt ra từng khúc trộn vào vôi (để cho sắc trắng và khỏi mọt) phơi khô. Khi dùng cho vào thuốc thì sao qua. Có thể sao cháy, hoặc tâm giấm sao.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa qua cho sạch, ủ 3 giờ cho mềm. Thái nhỏ phơi âm can cho khô. Không sao tẩm gì.
Bảo quản: để nơi khô ráo, đậy kín, bảo quản bằng vôi sống, tránh nóng.
Ghi chú: Thứ bạch chỉ ta di được của Trung Quốc có vỏ màu nâu ruột thì gần giống độc hoạt, dẻo và xốp.
Bạch chỉ nam: có nhiều bột trắng, vị hơi the, chỉ dùng thay được bạch chỉ trong bệnh lở ngứa.

CHÈ-Camellia sinensis-Thea chinensis

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

CHÈ

 

Tên khoa học của cây chè: Camellia sinensis(L.) D. Kuntze. (Thea chinensis Seem) họ Chè – Theaceae.

Đặc điểm thực vật

Chè là một cây gỗ, mọc hoang và không xén có thể cao tới 20m, cây có thân to tới một người ôm không xuể. Đôi khi mọc thành rừng trên núi đá cao. Nhưng trong khi trồng người ta thường cắt xén cho tiện hái nên cây chỉ cao 1,5 – 2m. Cây có nhiều cành ngay từ gốc. Lá mọc so le, không rụng. Hoa to và trắng, có mùi thơm, mọc ở kẽ lá, nhiều nhị. Quả là một nang, thường có 3 ngăn. Quả mở bằng lối cắt ngăn, hạt không có phôi nhũ, lá mầm lớn, có chứa dầu.

Cây chè
 Cây chè

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây chè có nguồn gốc ở Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc đã biết dùng chè từ 2500 năm trước công nguyên, sau tới Ấn Độ và nhiều nước châu Á khác. Hiện nay cây chè được trồng ở nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Xrilanca…
Tại nước ta, chè được trồng ở nhiều tỉnh: Thái nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng…
Chè dùng làm thuốc thường hái vào mùa xuân. Lấy búp lá non, vò rồi sao cho khô giống như cách chế chè hương pha nước uống của nhân dân, cho nên có thể dùng chè hương (hay chè xanh) làm thuốc.

Bộ phận dùng

Lá và nụ hoa

Vi phẫu lá

Biểu bì trên không mang lỗ khí và thường không có lông, tế bào nhỏ, nhiều cạnh không đều. Biểu bì dưới nang lông và lỗ khí. Lông đơn tế bào, dài, thành dày, đầu nhọn. Mô giậu có hai hàng tế bào. Tromg mô mềm có rất nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai, có thể cứng thành dầy. Gân giữa có những thể cứng, nhiều tình thể calci oxalat, bó libe gỗ có một vòng sợi trụ bì bao bọc.

Thành phần hóa học

Người ta thường dùng búp chè (tôm + 3 lá) để sản xuất chè xanh và chè đen. Thành phần hóa học của chè phụ thuộc vào giống, tuổi chè, điều kiện đất đai, địa hình, kỹ thuật canh tác và thu hoạch … Trong búp chè gồm:
- Nước: 75 – 82%
- Tanin: Là hỗn hợp catechin (30 – 35%). Theo kết quả nghiên cứu chè ở nước ta: Ở tôm có 36,75%, lá thứ nhất có 37,77%, lá thứ hai: 34,74%, lá thứ ba: 30,77%, cuộng: 25,56% tanin.
- Alcaloid: Cafein là alcaloid chính (2,5 – 4,5%. Trong lá thứ nhất: 3,39% lá thứ hai: 4,20%, lá thứ ba: 3,40% lá thứ tư: 2,10%, cuộng chè: 0,36%. Ngoài ra còn có lượng rất nhỏ theophyllin (0,02 – 0,04%), theobromin (0,05%) adenin và xanthin.
- Protenin và acid amin: Protein thường kết hợp với tanin. Trong chè người ta đã tìm thấy có 17 acid amin. Các acid amin này kết hợp với đường và tanin tạo ra aldehyd có mùi thơm của chè đen và làm cho chè xanh có dư vị tốt.
- Glucid và pectin.
- Flavonoid: Camferol, quexitrin, mirxetin…
- Dầu thơm: 0, 007% - 0,009% trong lá tươi.
- Vitamin A, B1, B2, PP và nhiều nhất là vitamin C.
- Ngoài ra còn có men (amilase, glucoxidase, protease, perotease, peroxidase và poly-phenoloxidase…) và các muối vô cơ.
Trong nụ chè có cafein (2 – 2,5%), nước (10%), muối vô cơ và các men…

cafein

Công dụng

Chè được dùng pha nước uống, làm kích thích thần kinh trung ương, lợi tiểu, cầm ỉa chảy nhẹ, chữa lỵ. Dùng riêng hoặc kết hợp với một số vị khác. Gần đây các nhà khoa học Nhật Bản cho biết chè có tác dụng chống được phóng xạ Stronti (Sr)90.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

LẠC TIÊN-Passiflora foetida, Passiflora incarnata, Passiflora edulis

LẠC TIÊN


Tên khoa học:

Có nhiều loại lạc tiên như: Passiflora foetida L. (=P. hispida DC.); Passiflora incarnata L.; Passiflora edulis Sims.
Thuộc họ Lạc tiên – Passifloraceae.

Tên khác:

Cây lạc tiên còn gọi là: Hồng tiên, dây nhãn lồng, lồng đèn.

Đặc điểm thực vật và phân bố:

1. Passiflora foetida

Cây mọc leo, thân mềm mang nhiều lông thưa và mềm. Lá mọc cách có nhiều lông dính. Phiến lá có ba thùy, thùy giữa lớn hơn thùy hai bên, mép có răng cưa nhỏ. Cuống lá không có tuyến mật. Có lá kèm nhỏ. Tua cuốn và hoa mọc ở kẽ lá. Hoa mọc riêng lẻ, to, đều, lưỡng tính. Có tổng bao gồm 3 lá bắc dời nhau chia thành những sợi nhỏ như sợi tóc về sau tồn tại ở gốc quả. Ở gốc tràng có hai vòng phần phụ hình sợi mầu tím, 5 nhị. Đài hợp, 5 răng, 5 cánh, bầu thượng, nhẵn, một ô, dính noãn bên mang 3 vòi, nhị và nhụy đặt ở trên một cuống nhị nhụy. Quả mọng, hình trứng, khi chín có mầu vàng, nhiều hạt và có áo hạt, thơm, ăn được.

2. Passiflora incarnata L.

Cũng là cây mọc leo không có lông, (cây non có ít lông) thân cây có vân dọc, mầu lục xám. La mọc cách, không có lông hoặc hơi có lông. Lá xẻ thành 3 thùy hình bầu dục nhọn. Cuống lá có 2 tuyến mật. Hoa mọc riêng lẻ, to, có 3 lá bắc hình bướm, một đài hoa hình chậu, có 5 lá đài mầu xanh lục và tràng có 5 cánh hoa sen kẽ nhau, tràng mầu tím hoặc đỏ, có tràng phụ cấu tạo bởi những dải nhỏ xếp thành nhiều hàng. Quả hình trứng, khi chín có mầu vàng, ăn được.

3. Passiflora edulis Sims.

Dây leo thân hình trụ, có vách dọc. Lá mọc so le, chia 3 thùy, mép kía răng cưa, gốc lá có 2 tuyến nhỏ. Phiến lá nhẵn bóng. Lá kèm hình sợi, tua cuốn mọc ở kẽ lá. Hoa mầu trắng mọc đơn độc ở kẽ lá, có vòng tua phần phụ loăn xoăn mầu tím và trắng. Quả hình trứng, dài khoảng 6 cm. Khi chín mầu da cam hay tím, ăn được.
Cây Passiflora foetida L. mọc hoang khắp nơi ở nước ta, nhất là các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cây Passiflora incarnata L. có nguồn gốc Nam Mỹ, được trồng ở nhiều nước Nam Mỹ và miền nam châu Âu. Cây Passiflora edulis Sims. Có nhiều ở Trung Quốc.

Bộ phận dùng và chế biến

- Quả chín dùng để ăn và làm nước giải khát.
- Phần trên mặt đất của cây (Herba Passiflorae)
Thu hái quanh năm, hái về phơi hay sấy khô. Có thể nấu cao hay pha cồn thuốc (1/5) với cồn 600.

Thành phần hóa học

Trong Passiflora incarnata L. có tới 0,09% alcaloid toàn phần (tính theo harman) gồm harman, harmin, harmol và harmalol, harmalin.

harman, harmin, harmol và harmalol, harmalin
Ở lá và hoa có 1,5 – 2,1%, ở cây có 0,2 – 0,85% flavonoid, trong đó có saponarin, saponaretin và vitexin.
saponarin, saponaretin và vitexin
Ngoài ra, còn có dẫn chất coumarin, saponin, các acid amin, các chất đường…

Tác dụng và công dụng

Lutomsky cho rằng các alcaloid có nhân harman có tác dụng an thần gây ngủ. Hoàng Tích Huyền và cộng sự thử tác dụng của dung dịch alcaloid toàn phần dịch chiết từ cây lạc tiên được dùng làm thuốc ở Việt Nam cho thấy chúng có tác dụng ngăn cản hoạt động do cafein và kéo dài thời gian gây ngủ do hexobacbital trên chuột.
Lạc tiên được dùng làm thuốc an thần chữa bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh, co giật.
Dùng dưới dạng cao hay siro và thường phối hợp với các vị thuốc khác như lá vông, tâm sen, lá dâu, long nhãn…

BÀO CHẾ BẠCH CẬP-Bletilla striata (Thunb) Reichb

BẠCH CẬP


Tên khoa học: Bletilla striata (Thunb) Reichb.; Họ lan (Orchidaceae)
Bộ phận dùng: Củ sắc vàng, trắng hình như con ốc xoắn, đẹp, chắc cứng là tốt.
Thành phần hóa học: có chất nhầy và tinh dầu.
Tính vị - quy kinh: Vị đắng, tính bình. Vào kinh phế .
Tác dụng: thuốc bổ phế, trục ứ, sinh huyết.
Công dụng: Trị lở, ung nhọt, trị thổ huyết.
Liều dùng: Ngày dùng 3 - 6g.
Kiêng kỵ: phế, vị có thực hỏa thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y: Rửa sạch, ủ mềm, thái lát sấy nhỏ lửa cho khô.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: rửa sạch, ủ mềm, thái lát mỏng, sấy nhẹ lửa cho khô, tán bột, dùng làm thuốc tán hoặc thuốc hoàn.
Bảo quản: để nơi khô ráo, chú ý tránh ẩm thấp, mùa hè nên năng phơi sấy.

BÀO CHẾ BÁCH BỘ-Stemona tuberosa

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

BÁCH BỘ


Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour.; Họ bách bộ (Stemonaceae)
Bộ phận dùng: Rễ. Rễ béo chắc, ít ngọt, đắng nhiều, mùi thơm mát, vỏ ngoài đỏ hay nâu sẫm là tốt.
Thành phần hóa học: Có các alcaloid như stemomin, stemonidin v.v… cồn có chất đường 2,3%, chất béo 0,8%, chất đạm 9%, các acid hữu cơ.
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, đắng, tính hơi ôn. Vào kinh phế.
Tác dụng: ôn phế, sát trùng.
Công dụng:
-   Dùng sống: trị lở ghẻ, giun sán.
-   Dùng chín: trị ho hàn, ho lao.
Liều dùng: Ngày dùng 4 - 12g, có thể đến 30 - 40g
Kiêng kỵ: Tỳ vị hư nhược không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Lấy rễ bách bộ rửa sạch bỏ vỏ, tước nhỏ, bỏ lõi, phơi âm can cho khô (Lôi Công).
Tẩm rượu một đêm, sấy khô.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa sạch, ủ mềm rút lõi, thái mỏng, phơi khô (dùng sống). Tẩm mật một đêm rồi sao vàng (dùng chín).
Rễ nấu thành cao lỏng (1ml = 5 hay 10g dược liệu).
Bảo quản: đậy kín để nơi khô ráo, thoáng gió vì dễ bị mốc. Nếu bị mốc, rửa sạch bằng nước lã, phơi hoặc sấy cho khô.

BÀO CHẾ BẠCH BIỂN ĐẬU (đậu ván trắng)-Lablab purpureus

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

BẠCH BIỂN ĐẬU (đậu ván trắng)


Tên khoa học: Lablab purpureus (syn. Dolichos lablab L.) Họ đậu (Fabaceae)
Bộ phận dùng: Hạt. Dùng thứ hạt già, mập, chắc chắn, màu trắng ngà, nhẵn, không mốc mọt, không lép là tốt. Thứ hạt đen không dùng.
Thành phần hóa học: hạt chứa tinh bột, chất béo, chất đạm, các sinh tố A, B, C, acid cyanhydric.
Tính vị - quy kinh: ngọt, hơi ôn. Vào hai kinh tỳ và vị.
Tác dụng: Kiện tỳ, chỉ tả, hóa thấp, giải độc.
Công dụng: thường ngày dùng chữa hoắc loạn do khí nắng, khí thấp, trị thổ tả, phiền khát, giải độc rượu.
Liều dùng: 6 - 16g.
Kiêng kỵ: người bị bệnh thương hàn thì kiêng dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Lấy hạt bạch biển đậu có vỏ cứng, để nguyên cả vỏ, sao chín dùng, có khi tẩm vào nước sôi cho tróc vỏ, bỏ hết vỏ dùng, Cũng có khi để sống dùng, tùy từng trường hợp (Lý Thời Trân).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Thường dùng thứ hạt nguyên còn sống, khi bốc thuốc thang thì giã dập.
- Dùng chín: rửa, để ráo nước rồi sao qua cát để khỏi cháy, khi bốc thuốc thang thì giã dập.
Nên dự trữ cả 2 thứ sông và chín.
Bảo quản: dễ mốc mọt nên cần để vào lọ đậy kín, để nơi khô ráo, tránh ẩm.

BÀO CHẾ BẠC HÀ-Mentha arvensis L.

BẠC HÀ

 

Tên khoa học: Mentha arvensis L.; Họ hoa môi (Lamiaceae)
Bộ phận dùng: Cả cây (cành lá), hái lúc cây chưa ra hoa về cuối xuân hay sang thu. Cành phải có nhiều lá, thơm; ít lá là xấu. Không dùng lá úa có sâu, không nhầm với lá bạc hà dại (Mentha sp.) lá dày, có lông và hôi.
Thành phần hóa học: Có tinh dầu (chủ yếu là mentol).
Tính vị - quy kinh: Vị cay, tính lương (mát). Vào hai kinh phế và can.
Tác dụng: Phát hãn, tán phong nhiệt.
Chủ trị: Cảm nóng, nhức đầu, cổ họng sưng, mắt đỏ, ngoài da nổi mày đay.
Liều dùng: Ngày 2 - 6g.
Kiêng kỵ: khí hư huyết ráo, can dương thịnh quá thì kiêng dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Đem lá bạc hà khô tẩm nước, để vào chỗ mát thấy cây và lá mềm thì cắt từng đoạn, âm can cho khô để dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa qua, để ráo nước, thái ngắn độ 2 cm, phơi âm can cho khô.
Bảo quản: tránh nóng ẩm, đậy kín.

BÀO CHẾ-BÁ TỬ NHÂN-Thuja orientalis L. Họ trắc bá (Cupressaceae)

BÁ TỬ NHÂN

 

Tên khoa học: Thuja orientalis L. = Biota orientalis  Endl.; Họ trắc bá (Cupressaceae)
Bộ phận dùng: nhân trong hột quả cây trắc bá. Thứ toàn nhân sắc vỏ vàng đỏ hơi nâu, không lẫn vỏ hột, không thối, không lép, không mốc, không mọt là tốt.
Thành phần hóa học: có chất dầu, mỡ.
Tính vị - quy kinh: vị ngọt, tính bình. Vào hai kinh tâm và tỳ.
Tác dụng: bổ tâm tỳ, nhuận huyết mạch. Thuốc tư dưỡng cường tráng.
Chủ trị - liều dùng: trị hồi hộp, hoảng hốt (an tâm), trị đau khớp xương đau lưng, trị phong thấp, trị ra mồ hôi; ích khí bổ huyết.
Ngày dùng: 4 - 12g.
Kiêng kỵ: ỉa chảy, ho ít đờm thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
a. Tẩm rượu một đêm, lấy ra phơi khô, dùng nước cốt hoàng tinh đổ ngập, đun nhỏ lửa mà nấu thành cao (Lôi Công).
b. Lấy hột trắc bá cho vào chõ đồ chín, phơi khô, giã bỏ vỏ, lấy toàn nhân, sao khô, nghiền nát cho vào thuốc.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Dùng toàn nhân, rửa sạch, phơi khô (thường dùng). Nếu đã để lâu thì sao qua để bỏ dầu.
Muốn tán bột thì phải tán chung với các vị khác để không dính mà dễ tán.
Bảo quản: để nơi khô ráo, trong khạp, hũ có lót và vôi sống; đề phòng mốc, mọt.

SÂM NGỌC LINH-sâm Việt Nam-Panax vietnamensis

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

SÂM NGỌC LINH

 

Tên khoa học: Panax vietnamensis Ha et Grushv-họ Nhân sâm Araliaceae

Tên thường gọi: Sâm Ngọc Linh, sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm)

1.   Lịch sử phát hiện

Trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc thiểu số Trung Trung bộ Việt Nam, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng, sử dụng như một loại củ rừng, mà họ gọi là củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền. Dựa trên những thông tin lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Quảng Nam, Kon Tum về một loại củ quý hiếm trên núi Ngọc Linh có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, và do nhu cầu của kháng chiến đã khiến ngành dược khu Trung Trung Bộ quyết phải tìm ra cây sâm chi Panax tại miền Trung, mặc dù trước đó nhiều nhà khoa học cho rằng chi Panax chỉ có ở miền Bắc.

Năm 1973, khu Y tế Trung Trung bộ cử một tổ 4 cán bộ do dược sĩ Đào Kim Long làm trưởng đoàn, kỹ sư Nguyễn Bá Hoạt, dược sĩ Nguyễn Châu Giang, dược sĩ Trần Thanh Dân là thành viên, đi điều tra phát hiện cây sâm theo hướng chân núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắc Tô tỉnh Kon Tum. Khi đoàn lên tỉnh Kon Tum, Ban Dân y Kon Tum cử thêm dược tá Nguyễn Thị Lê trợ giúp cho đoàn, dẫn đường lên núi Ngọc Linh. Sau nhiều ngày vượt suối băng rừng, đến 9 giờ sáng ngày 19 tháng 03 năm 1973, ở độ cao 1.800 mét so với mặt biển, đoàn đã phát hiện hai cây sâm đầu tiên và ngay buổi chiều cùng ngày đã phát hiện được một vùng sâm rộng lớn thuộc phía Tây núi Ngọc Linh. Sau 15 ngày nghiên cứu toàn diện về hình thái, sinh thái, quần thể, quần lạc, phân bố, di cư và phát tán, dược sĩ Đào Kim Long đã xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới, đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam: đây là cống hiến quan trọng cho khoa học, bổ sung tri thức mới về vùng phân bố chi Panax xuống tới vĩ tuyến 15 và bổ sung cho chi Panax họ Araliaceae một loài mới. Sau khi sâm được phát hiện, Khu uỷ Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung Bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu.

Những năm sau khi hòa bình lập lại, tháng 10 năm 1978 một tổ công tác thứ hai lên vùng núi Ngọc Linh với nhiệm vụ ước lượng sơ bộ diện tích sâm mọc. Kết quả chuyến đi là việc tìm ra được một vùng dài hàng chục kilômét, có trữ lượng khoảng 6.000-7.000 cây sâm mọc dày đặc với mật độ từ 1 mét vuông một cây đến 7,8 mét vuông một cây.

Nǎm 1979, Trung tâm Y tế Quảng Nam tổ chức điều tra ở 5 xã của huyện Trà My với sự giúp đỡ của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả đợt điều tra là việc tìm thấy 1.337 cây trong 211 ô tiêu chuẩn. Trọng lượng trung bình thân rễ sâm là 5,26 gam; số thân có trọng lượng trên 25 gam là 7,39% và số thân rễ có trên 10 sẹo (ước tính trên 8 năm tuổi) là 36,9%. Đợt điều tra này đã thu được 1 thân rễ có tới 52 sẹo (ước tính cây trên 50 năm tuổi), đường kính 1,2 cm, tuy đây chưa phải là thân rễ sống lâu nhất. Trong những đợt tìm kiếm, điều tra về sau còn phát hiện ra cây khoảng 82 năm tuổi có rễ, củ và thân rễ dài hơn nửa mét.

2.   Đặc điểm thực vật

Sâm Ngọc Linh có dạng thân khí sinh thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, nhỏ, có đường kính thân độ 4-8mm, thường tàn lụi hàng năm tuy thỉnh thoảng cũng tồn tại một vài thân trong vài năm. Thân rễ nhiều đốt mang sẹo của những gốc thân mọc hàng năm lụi đi. Chiều dài và đường kính thân rễ thay đổi tùy theo độ tuổi của cây, thường dài 25cm, đường kính 1 – 3,5cm với cây khoảng 20 năm tuổi. Thân rễ cũng mang nhiều rễ nhánh và củ. Các thân mang và tương ứng với mỗi thân mang lá là một đốt dài khoảng 0,5-0,7 cm, tuy sâm chỉ có một lá duy nhất không rụng suốt từ năm thứ 1 đến năm thứ 3 và chỉ từ năm thứ 4 trở đi mới có thêm 2 đến 3 lá. Trên đỉnh của thân mang lá là lá kép hình chân vịt mọc vòng với 3-5 nhánh lá. Cuống lá kép dài 6-12mm, mang 5 lá chét, lá chét ở chính giữa lớn hơn cả với độ dài 12–15 cm, rộng 3–4 cm. Lá chét phiến hình bầu dục, mép khía răng cưa, chóp nhọn, lá có lông ở cả hai mặt. Cây 4-5 năm tuổi có hoa hình tán đơn mọc dưới các lá thẳng với thân, cuống tán hoa dài 10–20 cm có thể kèm 1-4 tán phụ hay một hoa riêng lẻ ở phía dưới tán chính. Mỗi tán có 60-100 hoa, cuống hoa ngắn 1-1.5 cm, lá đài 5, cánh hoa 5, màu vàng nhạt, nhị 5, bầu 1 ô với 1 vòi nhụy. Quả mọc tập trung ở trung tâm của tán lá, dài độ 0,8 cm-1 cm và rộng khoảng 0,5 cm-0,6 cm, sau hai tháng bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm, vàng lục, khi chín ngả màu đỏ cam với một chấm đen không đều ở đỉnh quả. Quả hình thận và phần lớn chỉ chứa một hạt, và số quả trên cây bình quân khoảng 10 đến 30 quả.
Đặc điểm về mặt thực vật được phân biệt với các loại Panax khác ở chỗ loài này phần lớn là bầu 1 ô, một vòi nhụy, thỉnh thoảng cũng có trường hợp 2 ô nhưng không có 3 ô hoặc hơn. Trái hình thận và phần lớn chỉ chứa một hạt trong lúc các loài khác thường có 2 hạt hoặc hơn.

3.   Địa lý và trồng trọt

Phân bố: là loại sâm quý được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum, huyện Trà My tỉnh Quảng Nam. Ngoài Ngọc Linh, sâm còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và còn có thể có ở đỉnh Ngọc Am tỉnh Quảng Nam theo những kết quả điều tra mới nhất. Trên độ cao 1.200 đến 2.100m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn.
Trồng trọt: Mọc dưới tán rừng ẩm, nhiều mùn, thích hợp với nhiệt độ ban ngày từ 20°C-25°C, ban đêm 15°C-18°C, sâm Ngọc Linh có thể sống rất lâu, sinh trưởng khá chậm. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là thân rễ, củ và ngoài ra cũng có thể dùng lá và rễ con. Vào đầu tháng 1 hàng năm, sâm xuất hiện chồi mới sau mùa ngủ đông, thân khí sinh lớn dần lên thành cây sâm trưởng thành có 1 tán hoa. Từ tháng 4 đến tháng 6, cây nở hoa và kết quả. Tháng 7 bắt đầu có quả chín và kéo dài đến tháng 9. Cuối tháng 10, phần thân khí sinh tàn lụi dần, lá rụng, để lại một vết sẹo ở đầu củ sâm và cây bắt đầu giai đoạn ngủ đông hết tháng 12. Chính căn cứ vào vết sẹo trên đầu củ mỗi mùa đông đến mà người ta có thể nhận biết cây sâm bao nhiêu tuổi, phải ít nhất 3 năm tuổi tức trên củ có một sẹo (sau 3 năm đầu sâm chỉ rụng một lá) mới có thể khai thác.

4.   Thành phần hóa học

Từ năm 1973 đến nay, đã có nhiều cơ quan, nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, và gần 50 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ từ các công trình nghiên cứu về loài cây quý hiếm này, tiêu biểu gồm có:
- 1990: Nguyễn minh Đức, Yamasaki K. (Viện nghiên cứu khoa học Dược, Trường đại học YHiroshima - Nhật). Phân lập và xác định cấu trúc 49 saponin trong Sâm Việt Nam, phát hiện 24 saponin mới, đặt tên VG.R1-R24.
- 1999-2001: Võ duy Huấn, Yamasaki,  K. (Viện nghiên cứu khoa học Dược, Trường đại học Y Hiroshima – Nhật ). Phân lập và xác định cấu trúc 19 saponin trong lá Sâm Việt Nam, phát hiện 8 saponin mới đặt tên VG.L1-L8.
- 1999-2001: Trung tâm Sâm và Dược liệu Tp. HCM và Sở Y tế Quảng Nam. Tiêu chuẩn hóa nguyên liệu: phần thân rễ và rễ củ (đã đưa vào Dược điển Việt nam tập 3) và phần lá (dự thảo).
- 2001-2002: Trần lê Quan, Kadota, S.( Viện nghiên cứu Y học phương đông, Trường đại học Y Dược Toyama, Nhật bản.). Phát hiên thêm 3 saponin và 1 genin trong Sâm Việt Nam, 2 saponin mới là 20-O-Me-G.Rh1 và VG-R25.
Hợp chất saponin được xem là thành phần hoạt chất chủ yếu của cây Sâm Việt Nam cũng như của các loài sâm khác trên thế giới. Từ phần dưới mặt đất của Sâm Việt Nam hoang dại đã phân lập và xác định được cấu trúc protopanaxadiol oxid II và 52 hợp chất saponin bao gồm  26 saponin đã biết và 26 saponin có cấu trúc mới được đặt tên là vina-ginsenoside-R1-R24 và 20- O-Me-G.Rh. Các saponin dammaran được xem là hoạt chất quyết định cho các tác dụng sinh học có gía trị của Sâm Triều tiên cũng chiếm một tỉ lệ rất cao về hàm lượng và số lượng trong thành phần hợp chất saponin của Sâm Việt Nam (50/52saponin được phân lập). Trong đó các saponin dẫn chất của 20(S)-protopanaxadiol gồm 22 hợp chất với các đại diện chính là: ginsenoside-Rb1, -Rb3, -Rd. Các saponin dẫn chất của 20(S)-protopanaxatriol gồm 17 hợp chất với các đại diện chính là: ginsenoside- Re, -Rg1, notoginsenoside –R1. Các saponin có cấu trúc ocotillol gồm 11 hợp chất với các đại diện chính là: majonoside –R1 và –R2. Đặc biệt M-R2 chiếm gần 50% hàm lượng saponin toàn phần từ phần dưới mặt đất của Sâm Việt Nam và trở thành một hợp chất chủ yếu của Sâm Việt Nam so với thành phần saponin trong các loài sâm khác trên thế giới và gấp 48 lần hiệu suất chiết được từ Đại diệp tam thất (Panax japonicum C.A. Mey. Var. major (Burk.) C.Y.Wu et K.M.Feng. Hai saponin dẫn chất của acid oleanolic chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp với hemsloside –Ma3 được phát hiện đầu tiên trong một loài Panax thuộc họ Nhân sâm. Hợp chất này trước đây đã được phân lập từ Hemsleya macrosperma C.Y.Wu họ Bầu bí Cucurbitaceae.
Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới… Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá càng ngày càng cao, thậm chí còn cao hơn sâm Triều Tiên nhiều lần.
Ngoài ra trong sâm Ngọc Linh còn có 17 acid béo, 17 acid amin (bảng 1) trong đó có 8 acid amin không thay thế được và 20 nguyên tố đa lượng, vi lượng.
Bảng 1: Thành phần acid amin :
STT
Acid amin
Acid amin tự do(%)
Axit amin thủy giải (%)
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17

Tryptophan
Lysin
Histidin
Arginin
Axit Aspartic
Threonin
Serin
Axit Glutamic
Prolin
Glycin
Alanin
Cystin
Valin
Methionin
Isoleucin
Tyrosin
Phenylanin
10,20
17,9
1,02
46,66
7,60
1,20
5,12
2,05
3,07
4,10
-
1,53
0,51
0,51
1,02
0,51
0,51
-
5,29
2,59
12,90
10,38
5,19
5,19
6,49
15,58
5,19
5,19
vết
1,29
vết
2,59
5,19
6,49

5.         Công dụng

Trước khi có những nghiên cứu kỹ lưỡng về tác dụng đối với sức khỏe của sâm Ngọc Linh, sâm đã được các dân tộc thiểu số Việt Nam, như người Xê Đăng, dùng như một loại thuốc trong những bài thuốc cổ truyền cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, sốt rét, đau bụng, phù thũng.
Công bố của Viện Dược liệu Việt Nam, cho thấy sâm Ngọc Linh có tác tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Bên cạnh đó, sâm Ngọc Linh cũng có tác dụng giúp người bệnh ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan.

Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Ngoài những tác dụng như trên, theo dược sĩ Đào Kim Long, sâm Ngọc Linh có những tính năng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống oxy hóa.

6.   Nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh

Từ các kinh nghiệm dân gian và các công trình nghiên cứu, Trạm nghiên cứu dược liệu Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (trước đây) và Xí nghiệp dược phẩm Đà Nẵng đã chế các dược phẩm như tinh sâm quy Ngọc Linh, sâm quy mật ong... có chứa sâm Ngọc Linh.
Trung tâm Khoa học sản xuất Sâm Việt Nam thuộc Bộ Y tế đã nghiên cứu và đưa ra thị trường các chế phẩm từ cây sâm này, như Vinaginseng pastilles, mỗi viên chứa 12mg saponin Sâm Việt Nam; Vinapanax viên (viên ngậm) chứa 10mg saponin Sâm Việt Nam, mỗi viên và sâm quy dưỡng lực với một số dược liệu khác (bạch truật, đương quy, thục địa, cam thảo…); thuốc Vina-ginseng extractum có nhiều công dụng quý như bổ toàn thân, trị suy nhược cơ thể, bổ thần kinh và sinh dục, tǎng sức, trí nhớ...
Ngoài ra còn có các chế phẩm khác từ Sâm Ngọc Linh như: rượu sâm, sâm ngâm mật ong, sâm khô cắt lát, sâm tươi…

7.   Bảo tồn và nhân giống

Sau khi dược tính và tác dụng đối với sức khỏe của sâm Ngọc Linh được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, những năm 80 của thế kỷ 20, trên thị trường tự do giá sâm Ngọc Linh tương đương giá sâm Triều Tiên và vào những năm 90, giá sâm Ngọc Linh còn đắt hơn sâm Triều Tiên nhiều lần. Theo dược sĩ Đào Kim Long thì ngay cả dân Hàn Quốc, Nhật Bản, xứ sở của sâm, cũng qua đây tìm cho được sâm Ngọc Linh để chữa bệnh. Việc khai thác, mua bán và sử dụng tràn lan chưa có quy định quản lý, bảo vệ cùng các chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch phát triển khiến trên 108 vùng sâm mọc tự nhiên giữa Quảng Nam và Kon Tum dần cạn kiệt, kéo theo hàng ngàn hecta rừng nguyên sinh bị tàn phá nặng nề.
Trước nguy cơ tuyệt chủng của giống sâm quý, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập vùng cấm quốc gia ở khu vực có sâm mọc tập trung tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đồng thời xếp sâm Ngọc Linh vào danh sách các loại cây cấm khai thác, mua bán bất hợp pháp.
Nhận thức đúng đắn về giá trị kinh tế, xã hội, khoa học và môi trường của cây sâm Ngọc Linh, cách đây gần 30 năm tỉnh Kon Tum đã xác định đây là cây hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh Ủy, HĐND-UBND tỉnh, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp các ngành liên quan, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Năm 2001, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Viện D­ược liệu (Bộ Y tế), Trung tâm Nghiên cứu trồng và Chế biến cây thuốc (Hà Nội), Lâm tr­ường Ngọc Linh ( nay là Công ty TNHH MTV Đăk Tô) triển khai thực hiện dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, kỹ thuật trồng và quy hoạch phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Kon Tum”. Dự án đã tập trung xây dựng vườn sâm giống (ở độ cao 1.900 - 2.000 m) trên diện tích gần 1,12ha với hơn 60.000 cây sâm giống để phát triển vùng sâm trồng của tỉnh. Đồng thời, đã chuyển giao trên 13.550 cây sâm giống cho 24 hộ gia đình tại xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) trồng thử nghiệm để triển khai nhân rộng. Thông qua dự án cũng đã xây dựng được quy trình nhân giống bằng hạt và quy trình kỹ thuật trồng sâm bán tự nhiên, phát triển mô hình đến các hộ nông dân vùng sâu, vùng xa, từng b­ước nghiên cứu trồng sâm ở mô hình trang trại để phát triển nhanh diện tích trồng sâm Ngọc Linh và đề xuất quy hoạch phát triển. Đã tiến hành quy hoạch sơ bộ tại các xã  Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Đăk Na, Mường Hoong, Ngọc Linh với diện tích 66.830 ha, ở nhiệt độ trung bình năm 180C ; ẩm độ từ 82 - 87% và độ cao trung bình từ 2.100 - 2.800m, tại các tọa độ địa lý : 16o38’ - 16o85’ độ vĩ Bắc và 107o99’ - 108o40’ độ kinh Đông. Kết quả của dự án bư­ớc đầu đã khôi phục vư­ờn sâm giống có khả năng cung cấp giống mở rộng qui mô trong thời gian tới. Mô hình trồng sâm trên vùng sinh trư­ởng tự nhiên và bán tự nhiên cho thấy cây sâm sinh trưởng và phát triển tốt, đầu tư­ ít, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sâm giống được giao cho từng hộ gia đình trồng, chăm sóc và quản lý đã phát huy đ­ược ý thức trách nhiệm của từng hộ. Đây là mô hình nếu được đầu t­ư thỏa đáng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ gia đình sống ở vùng núi Ngọc Linh.
Năm 2006, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề tài: Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh, với tổng kinh phí đầu tư 1,7 tỷ đồng. Viện Sinh học Tây nguyên đã phối hợp với Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ tỉnh Kon Tum đã nghiên cứu nhân giống in vitro cây Sâm Ngọc Linh và trồng thử nghiệm cây Sâm nuôi cấy mô ra tại xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) và Bidunop Núi Bà (Lâm Đồng). Kết quả đề tài bước đầu cho thấy cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô đã sinh trưởng và phát triển  tốt trên những vùng có hệ sinh thái đặc trưng tương đồng với các điều kiện sinh thái của cây sâm Ngọc Linh sống ngoài tự nhiên không những ở quanh đỉnh Ngọc Linh mà được di thực trồng tại Bidunop Núi Bà ( Lâm Đồng) cũng cho kết quả khả quan. Trong thời gian không xa nữa đề tài hoàn tất tháng 7/2011, chúng ta có thể chủ động được nguồn giống sâm Ngọc Linh với qui mô lớn và chọn được cây giống tiêu chuẩn. Đồng thời công nghệ sản xuất sinh khối rễ sâm bằng hệ thống Bioractor được triển khai nhân rộng mô hình thành sản phẩm hàng hóa.