Bào chế HỔ PHÁCH-Succinum ex carbone

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

HỔ PHÁCH


Tên khoa học: Succinum ex carbone
Bộ phận dùng: Nhựa cây thông (Pinus sp.) lâu năm, kết tinh lại thành từng cục ở dưới đất. Hổ phách trong suốt, đỏ vàng là tốt, sẫm đen là xấu. Người ta làm giả hổ phách để làm tràng hạt, cúc áo.
Hổ phách cứng và giòn, nghiền ra bột ngay, rất nhẹ, đốt ra khói trắng thơm, nếu khói đen là nhựa thông.
Thành phần hóa học: Chất nhựa và tinh dầu.
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, tính bình. Vào bốn kinh tâm, can, phế và bàng quang.
Tác dụng: an thần, thông lâm lậu, hóa tan ứ đọng.
Công dụng: Trị kinh giản, mất ngủ, trị lâm lậu, đái ra huyết, đau bụng máu: nhì chẩm thống.
Liều dùng: Ngày dùng 1 - 3g.
Kiêng kỵ: âm hư, nhiệt trong nội tạng mà không có ứ thì kiêng dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Dùng hổ phách làm thuốc thì lấy nước hòa với bột nhân hột trắc bá, cho vào trong nồi đất, bỏ hổ phách vào mà nấu độ 2 giờ thì có ánh sáng lạ thường rồi nghiền thành bột dùng (Lôi Công). Nay chỉ chế với sữa người rồi tán bột dùng (Lý Thời Trân).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Nghiền thanh bột mịn dùng.
Bảo quản: Dễ bảo quản, để nơi khô ráo, tránh làm nát vụn.

Bào chế HẬU PHÁC-Magnolia officinalis Rehd et Wils.

HẬU PHÁC


Tên khoa học: Magnolia officinalis Rehd et Wils.; Họ mộc lan (Magnoliaceae)
Bộ phận dùng: Vỏ cây (hậu phác)
- Thứ vỏ dày mềm, sắc nâu tía, thơm và có nhiều dầu là tốt, đặc biệt thứ có đốm sáng (kim tinh hậu phác) là tốt hơn cả.
- Trước kia chỉ dùng thứ vỏ dày sắc tím, thơm hắc (của Phú Quốc đưa ra).
- Nay ta chỉ có thứ vỏ dày, sắc nâu, không thơm, hắc gọi là "vỏ de" Cinnamonuu sp, họ long não (Lauraceae) hoặc thứ vỏ gọi là "vôi rừng” Eugenia jambolana Lamk, họ Myrtaceae đều chưa đúng phẩm chất.
Thành phần hóa học: có magnolola.
Tính vị - quy kinh: Vị cay, đắng, tính ôn. Vào ba kinh tỳ, vị và đại trường.
Tác dụng: Hạ khí, tiêu đờm, tiêu hóa, lợi thủy.
Công dụng: trị hoắc loạn, kiết lỵ, bụng đầy trướng, thổ tả, trị ngoại cảm, nóng sốt.
Liều dùng: Ngày dùng 4 - 20g.
Kiêng kỵ: Tỳ vị hư yếu, nguyên khí kém, đàn bà có thai không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa sạch nhanh, cạo bỏ thô bì, thái lát mỏng 2 - 3 ly tẩm nước gừng, sao qua.
Bảo quản: Đậy kín, để nơi khô ráo vì dễ mốc, tránh nóng vì mất dầu thơm.

Bào chế HẠNH NHÂN MƠ-Prunus armeniaca L.

HẠNH NHÂN MƠ


Tên khoa học: Prunus armeniaca L.; Họ hoa hồng (Rosaceae)
Bộ phận dùng: Nhân của hạt quả hạnh.
Hạt cứng có nhân nguyên vẹn, chắc, nhiều dầu, màng nhân mỏng, nhân màu vàng đất, không mốc mọt là tốt.
Có hai thứ nhân: nhân đắng (khổ hạnh nhân Prunus armeniaca L. var ansu Maxim) Tây y hay dùng; nhân ngọt (điềm hạnh nhân) Đông y hay dùng.
Thành phần hóa học: Chất dầu 50 - 60%, amygdalin, albuminoid và các men (emunsin). Sau khi thủy giải thành một phân tử acid cyanhydric và hai phân tử glucose.
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, tính bình. Vào hai kinh phế và đại trường.
Tác dụng: Tả phế, giải biểu, hạ khí, nhuận táo, tiêu đờm.
Công dụng: Trị ho suyễn, ngoại cảm, chữa họng tê đau, đại tiện bế.
Liều dùng: Ngày dùng 4 - 12g.
Kiêng kỵ: Hư nhược không cảm tà khí mà ho thì không nên dùng
Cách bào chế:
Theo Trung y:
- Tẩm nước nóng, chà sạch vỏ, ngắt bỏ đầu nhọn, sao vàng hoặc trộn lẫn với cám sao qua (Đào Hoàng Cảnh)
- Có thể để nguyên vỏ và đầu nhọn là để phát tán (Lý Thời Trân)
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Dùng cả vỏ giã dập cho vào thuốc thang (để giải biểu)
- Ủ mềm, rót nước sôi vào để 5-10 phút, xát tróc vỏ, bỏ cây mầm. Khi bốc thuốc thang giã dập.
- Giã dập, bọc trong giấy bản ép bỏ dầu (trị hư lao, ho lâu năm).
Bảo quản: Dễ bị mốc mọt, cần để nơi khô ráo, kín, mát. Không nên sấy hơi than, lửa sẽ mất dầu và nhân sẽ biến thành màu vàng.
Mùa hạ có thể phơi nắng.

Bào chế HẢI TẢO (rong biển)-Sargassum sp

HẢI TẢO (rong biển)

Tên khoa học: Sargassum sp.; Họ rong mơ (Sargassaceae)
Bộ phận dùng: cả cây. Lá dày dài có hột (khí bào) tròn, to, mềm mại, màu nâu hồng có sợi dai, khô.
Thành phần hóa học: Iod, albumin, chất asen, chất béo, chất nhầy, đường
Tính vị - quy kinh: Vị đắng mặn, tính hàn. Vào ba kinh vị, can và thận.
Tác dụng: Tiêu đờm, làm mềm chất rắn, lợi thủy, hạ khí.
Công dụng: Trị bướu cổ, tràng nhạc, thủy thũng.
Liều dùng Ngày dùng 8 - 12g.
Kiêng kỵ: Tỳ vị hư hàn, có thấp trệ không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
- Trộn với đậu đen, đồ lên một lúc, phơi khô dùng (Lôi Công).
- Rửa cho hết vị mặn, sấy khô dùng (Lý Thời Trân).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa sạch, bỏ hết tạp chất, thái nhỏ phơi khô dùng.

Chiết xuất, phân lập và tinh chế Conessin từ Mức hoa trắng

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

1. Chiết xuất, phân lập và tinh chế Conessin từ Mức hoa trắng
Tên khoa học của cây mực hoa trắng: Holarrhena antidysenterica Wall., họ Trúc đào-Apocynaceae.
Tên khác: Mộc hoa trắng, thừng mực lá to, sừng trâu, míc lông, mộc vài (Tày), xi chào (K’ho), hồ liên.
Đặc điểm thực vật
Cây gỗ cao chừng 3 – 12 m. Cành non nhẵn hoặc mang lông màu nâu đỏ, trên mặt có nhiều khổng bì trắng, rõ. Lá mọc đối gần như không cuống, nguyên hình bầu dục đầu tù hoặc nhọn, gốc tròn hay nhọn, dài 12 – 15 cm, rộng 4 – 8 cm, mặt lá bóng, màu xanh lục nhạt. Hoa màu trắng, mọc thành ngù xim ở kẽ lá hoặc ở đầu cành. Quả đại, mọc từng đôi thành cung trông như sừng trâu. Mỗi đại màu nâu có vân dọc, dài 15 – 30cm, rộng 0,2 – 0,25cm, màu nâu nhạt, đáy tròn, đầu hơi hẹp, lõm một mặt, trên mặt có đường mặt có đường màu trắng nhạt, chùm lông của hạt màu hơi hung hung dài 2 – 4,5cm. Toàn cây có nhựa mủ.

1.1. Chiết xuất alcaloid toàn phần từ vỏ thân Mức hoa trắng

Qui trình chiết xuất alcaloid toàn phần từ vỏ thân cây Mức hoa trắng: Cân khoảng 400 g bột dược liệu, làm ẩm bằng 100 ml dung dịch HCl 10%, bổ sung 1600 ml dung dịch HCl 10% đến ngập hết dược liệu và ngâm trong 24 giờ. Rút dịch chiết và lọc. Tiếp tục chiết thêm bột dược liệu 2 lần nữa bằng cách bổ sung 600 ml dung dịch HCl 10% đến ngập dược liệu, mỗi lần ngâm lạnh trong 6 - 8 giờ. Gạn để thu dịch chiết và lọc. Gộp các dịch chiết acid thu được, kiềm hóa dịch chiết acid bằng amoniac đặc đến pH = 9-10. Để lắng và gạn bỏ phần dịch ở trên bằng cách lọc qua giấy lọc. Hút kiệt nước. Có thể tiến hành li tâm rồi gạn bỏ dịch nước ở trên, thu được cắn. Chiết alcaloid base trong cắn và giấy lọc nhiều lần bằng cloroform, mỗi lần 300 ml, cho đến khi thử bằng thuốc thử Dragendorff không cho tủa vàng. Gộp dịch chiết, cất thu hồi cloroform dưới áp suất giảm. Chuyển cắn thu được ra cốc có mỏ, cô cách thủy tới cạn, sấy ở 600C trong 3 giờ, thu được 12,0 g alcaloid toàn phần.

1.2. Phân lập Conessin từ alcaloid toàn phần của vỏ thân Mức hoa trắng

Qui trình phân lập Conessin từ alcoloid toàn phần của vỏ thân cây Mức hoa trắng: 12,0 g cắn alcaloid toàn phần được hòa tan trong 300 ml ether dầu hỏa, rửa giấy lọc và tủa bằng 50 ml ether dầu hỏa. Lắc 3 lần dịch chiết ether dầu hỏa với dung dịch HCl 10%, mỗi lần 150 ml. Gộp các dịch chiết nước acid và kiềm hóa dịch chiết nước acid bằng Na2CO3 đến pH = 9-10 bằng cách cho từ từ Na2CO3 vào dung dịch, đồng thời khuấy đều đến khi dung dịch trong và không có bọt. Chiết bằng ether dầu hỏa 3 lần, mỗi lần 300 ml. Gộp các dịch chiết ether dầu hỏa và làm khan dịch chiết bằng cách lọc dịch chiết ether dầu hỏa qua giấy lọc khô, cất thu hồi ether dầu hỏa, cắn thu được hòa tan trong 50 ml dung dịch acid oxalic 17,5% trong ethanol. Để yên ở nhiệt độ phòng để thu được tinh thể Conessin hydrooxalat, lọc lấy tinh thể. Hòa tan tinh thể thu được trong 300 ml nước. Kiềm hóa dung dịch đến pH = 9-10 bằng cách cho từ từ Na2CO3 đến khi hết bọt để tạo tủa Conessin base. Chiết Conessin base 4 lần bằng ether dầu hỏa, mỗi lần 50 ml. Gộp các dịch chiết ether dầu hỏa và làm khan dịch chiết bằng cách lọc dịch chiết ether dầu hỏa qua giấy lọc khô, cất thu hồi ether dầu hỏa, thu được sản phẩm PL1. Đem kết tinh sản phẩm PL1 trong aceton, để yên ở nhiệt độ phòng thu được Conessin tương đối tinh khiết. Lọc lấy tinh thể, sấy dưới áp suất giảm ở 600C trong 4 giờ, sử dụng chất hút ẩm là phosphor pentoxyd (P2O5) thu được 2,55 g sản phẩm PL2.
Xác định hàm lượng Conessin bằng sắc kí lớp mỏng hiệu năng cao (HPTLC) cho thấy sản phẩm phân lập được đạt độ tinh khiết khoảng 82,50%.
3.1.1.3.  Tinh chế Conessin
* Bước 1: Tinh chế bằng sắc kí cột
+ Chuẩn bị cột sắc kí: Dùng cột thủy tinh trung tính có đường kính 3 cm, chiều dài 50 cm, được lắp thẳng đứng trên giá, phía dưới cột có van để điều chỉnh tốc độ dung môi. Khóa van, cho một ít dung môi rửa giải vào cột. Lót một lớp bông mỏng ở phía đáy cột, ngay trên van để chất nhồi sau khi được nhồi vào cột không gây tắc cột.
+ Nhồi cột: Cân 50 g chất nhồi cột silica gel 60 (0,04 – 0,063 mm), được hoạt hóa ở 1000C trong 3 giờ, sau đó ngâm trong toluen 1 giờ, khuấy đều rồi đổ từ từ lên cột. Mở khóa cột để dung môi chảy từ từ, để các hạt chất nhồi cột lắng xuống (có thể dùng đũa thủy tinh có bọc cao su gõ nhẹ vào cột, để tránh cột bị khô). Ổn định trong khoảng 3 giờ. Đến khi khoảng cách từ mặt trên lớp chất nhồi đến mặt trên dung môi rửa giải còn khoảng 1 cm thì đóng khóa cột.
+ Đưa mẫu lên cột: Hòa 2,55 g PL2 trong 5 ml benzen, đổ từ từ vào cột để tránh xáo động lớp chất nhồi trong cột, dùng pipet tráng vòng quanh bên trong cột trước khi thêm dung môi rửa giải.
+ Dùng lần lượt các hỗn hợp dung môi sau để rửa giải: 100 ml hỗn hợp toluen : ethyl acetat (98 : 2); 150 ml hỗn hợp toluen : ethyl acetat (95 : 5); 50 ml hỗn hợp toluen : ethyl acetat (93 : 7). Tốc độ rửa giải 2 ml/phút (khoảng 40 giọt/phút). Bỏ khoảng 100 ml dịch rửa giải đầu tiên, lấy 180 ml dịch rửa giải tiếp theo (xác định sự có mặt của hoạt chất bằng TLC trong các phân đoạn), cất thu hồi dung môi được sản phẩm TC1.
* Bước 2: Kết tinh lại trong dung môi
Kết tinh 3 lần sản phẩm TC1 trong aceton, lọc lấy tinh thể, sấy dưới áp suất giảm ở 600C trong 4 giờ, sử dụng chất hút ẩm là phosphor pentaoxyd (P2O5) thu được 2 g sản phẩm có hàm lượng Conessin khoảng 99%. 

Bào chế HẢI SÂM-Stichopus japonicus Selenka

HẢI SÂM

Tên khoa học: Stichopus japonicus Selenka; Họ Holothuridae
Bộ phận dùng: Nguyên cả con.
Dùng thứ to lớn, mình có gai gọi là hải sâm tử, sắc xanh đen, mềm là tốt.
Thành phần hóa học: Chất mỡ, chất đường, albumin.
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, mặn, tính ôn, Vào kinh thận.
Tác dụng: Bổ thận, thêm tinh tủy, tráng dương, sát trùng.
Chủ trị: Trừ mọi chứng hư lao, giáng hỏa, trị sưng lở, trị lỵ kinh niên.
Liều dùng: Ngày dùng 12 - 20g có thể đến 40g.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
- Bắt được hải sâm, rửa sạch phơi, sấy giòn.
- Khi dùng ngâm nước cho vừa mềm, thái lát, phơi giòn, tán bột.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Bắt về cạo rửa sạch bằng nước muối, lộn trong ra ngoài, lại rửa sạch, phơi khô sấy giòn. Khi dùng ngâm nước cho mềm thấu, thái lát mỏng 3 – 5mm, sao với gạo nếp cho phồng vàng đều. Tán bột phối hợp với thuốc khác làm hoàn hoặc nấu cháo ăn dần.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, trong lọ hay hộp sắt kín có lót vôi sống, tránh ẩm mốc, sâu bọ, thỉnh thoảng phơi sấy nhẹ.

Bào chế HẢI SÀI (cây lức)-Pluchea pteropoda Hemslly

HẢI SÀI (cây lức)


Tên khoa học: Pluchea pteropoda Hemslly; Họ cúc (Asteraceae)
Thường mọc ở miền duyên hải.
Lá hơi giống lá cúc tần (Pluchea indicum, họ cúc (Asteraceae)) nhưng ngắn hơn.
Bộ phận dùng: Rễ cây lức dùng thay thế rễ sài hồ bắc (Bupleurum falcatum L, họ hoa tán Apiaceae).
Rễ mọc cong queo thành chùm, có nhiều rễ con hơn rễ sài hồ, vỏ đen sẫm, ruột vàng ngà.
Ít rễ con, khô chắc, thơm, ruột trắng ngà là tốt.
Thứ mọc ở bãi biển (hải hà) tốt hơn thứ mọc ở đồi bãi.
Rễ cây này cứng giòn và có mùi thơm đặc biệt.
Tính vị - quy kinh: Vị đắng, mùi thơm nhẹ, tính hàn. Vào hai kinh can và đởm.
Tác dụng: Thuốc hòa giải biểu lý.
Công dụng:
- Dùng sống: trị can uất, phát biểu, trị ngoại cảm.
- Tẩm sao: bô trung ích khí.
Liều dùng: Ngày dùng 12 - 20g.
Kiêng kỵ: hư hỏa không nên dùng
Cách bào chế:
- Rễ chùm bám nhiều đất bùn, chẻ ra rửa sạch đất, thái nhỏ 2 - 3mm phơi hoặc sấy nhẹ lửa (500 - 600C) cho khô, dùng sống, cách này thường dùng.
- Sau khi thái và làm khô, có thể tẩm rượu hay mật 2 giờ rồi sao thơm (tùy theo đơn của lương y). Mỗi 1kg rễ lức thì tẩm 100 - 150ml rượu hoặc mật.
Bảo quản: không nên để lâu quá 3 tháng, mất hương vị. Đậy kín, để nơi khô ráo.
Ghi chú:
- Không dùng rễ cây cúc tần hay rễ cây đại bi (Blumea baisamifera, họ cúc) để thay thế rễ cây sài hồ vì hai rễ này chỉ phát hãn mà không lợi tiểu.
- Theo kinh nghiệm dân gian thì dùng rễ cây lức hay sài hồ thì có công hiệu hơn, vừa phát hãn, vừa lợi tiểu.

Bào chế HẢI MÃ (cá ngựa)-Hippocampus sp.

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

HẢI MÃ (cá ngựa)

Tên khoa học: Hippocampus sp.; Họ hải long (Syngnathidae)
Bộ phận dùng: Cả con. To, sắc trắng, khô, chắc, hơi mặn, nguyên con, không sâu mọt, còn đuôi là tốt.
Ven biển ta có nhiều hải mã. Loại có gai (thích hải mã), loại có 3 khoang (tam ban hải mã), loại to (đại hải mã). Thứ to là thứ tốt hơn cả.
Thành phần hóa học: Protid, lipid.
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, tính ôn. Vào kinh thận.
Tác dụng: Tráng dương, ấm thủy tạng, trị đau bụng do khí huyết.
Công dụng: Bổ ích phòng sự, cường dương, làm dễ đẻ.
Kiêng kỵ: Đàn bà có thai kiêng dùng
Cách bào chế:
Theo Trung y: Cạo sạch bụi cát bên ngoài, tấn nhỏ dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Vặt bỏ lông trên đầu.
- Tẩm rượu sao qua (hay hơ) tán nhỏ để dùng, thường dùng vào hoàn tán, không mấy khi sắc.
- Ngâm rượu với các thuốc khác (dâm dương hoắc, câu kỷ..) để uống cho cường dương.
Bảo quản: Để cho vào chỗ khô ráo, mát, kín trong lọ hay hộp để lẫn ít hoa tiêu, hay bột long não để phòng sâu mọt.

Bào chế HÀ THỦ Ô ĐỎ-Polygonum multiflorum Thunb

HÀ THỦ Ô

Tên khoa học: Polygonum multiflorum Thunb; Họ rau răm (Polygonaceae)
Bộ phận dùng: Thân rễ (rễ củ). Rễ củ to đường kính trên 4cm, khô vỏ nâu sậm cứng đỏ, chắc, nhiều bột, ít xơ, không mốc mọt là tốt.
Thành phần hóa học: Chất đạm, tinh bột 45,2%, chất béo 3,1%, Oxymethy - anthraquinon, lecitin.
Tính vị - quy kinh: Vị đắng, ngọt, tính ấm, chát. Vào hai kinh can và thận.
Tác dụng: Ích khí, trừ phong, mạnh gân cốt, bổ can thận.
Công dụng: Di tinh, đối hạ, huyết hư, ỉa ra máu, suy nhược.
Liều dùng: Ngày dùng 12 - 20g.
Kiêng kỵ: Kiêng dùng hành, táo bón nhiều không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Lấy hà thủ ô đã cắt miếng cho vào chậu, đổ rượu ngon vào tẩm 1 đêm, cứ 10kg hà thủ ô thì dùng 2,5 kg rượu. Ngày hôm sau bỏ vào chõ đồ 4 giờ, lấy ra phơi râm cho khô, lại tẩm lại đồ hai lần nữa là được. Miếng hà thủ ô sẽ thành sắc đen nâu.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Rửa sạch, ngâm nước vo gạo 2 ngày đêm, ngày thay nước 1 lần; rửa lại, đổ nước đậu đen vào cho ngập (1kg hà thủ ô 100g đậu nấu với 2 lít nước cho nhừ nát) nấu cho đến khi gần cạn (nên đảo luôn cho được chín đều), củ trở nên mềm lấy ra bỏ lõi (nếu có), thái hoặc bào mỏng rồi phơi cho khô, nếu còn nước đậu đen thì tẩm phơi cho đến hết (cách này thường dùng).
Muốn làm kỹ nữa thì trước khi thái miếng làm cửu chưng cửu sái.
Khi đun nấu, đặt một cái vỉ ở đáy dụng cụ để khỏi cháy khét.
- Hà thủ ô đỏ, có thể thêm hà thủ ô trắng Tylophora juventas Woodson, họ thiên lý, mỗi thứ đều nhau, ngâm nước vo gạo 4 ngày đêm, ngày thay nước gạo một lần. Cạo bỏ vỏ hà thủ ô, lấy đậu đen đãi sạch rồi cho dược liệu vào chõ, cứ một lượt hà thủ ô thì một lượt đậu đen; đổ cho chín nhừ đậu đen, bỏ đậu đen lấy hà thủ ô phơi khô, rồi lại đồ; làm như vậy (phơi, đồ) 9 lần. Cuối cùng lấy hà thủ ô thái hay bào phiến hoặc sấy khô và tán bột.
Rượu hà thủ ô sau khi bào chế rồi, tán bột, bỏ vào trong túi vải, ngâm rượu 400trong 10 ngày với tỷ lệ 1/4. Lọc pha thêm sirô đơn càng tốt (nửa rượu hà thủ ô với 1 sirô). Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 - 60ml trước bữa ăn.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, năng đem phơi vì dễ bị mọt.

Bào chế HẠ KHÔ THẢO-Prunella vulgaris L.

HẠ KHÔ THẢO

Tên khoa học: Prunella vulgaris L.; Họ hoa môi (Lamiaceae)
Bộ phận dùng: Lấy toàn hoa không lấy cuống và cành. Hoa tự mọc ở đầu cánh, màu nâu tía, khô, thơm, không sâu, mốc, vụn nát là tốt.
Quy cách mới: cành có hoa, lá từ đầu hoa trở xuống dài không quá 15cm bỏ gốc rễ. Thứ bị mất bông hoa thì không dùng,
Không nên nhầm với cây cải trời tên khoa học là Blumea subcapitate DC, họ cúc, hoa đầu trạng, trắng, trị bệnh vẩy nến ngoài da (psoriasis)
Thành phần hóa học: nhiều muối vô cơ (chủ yếu là muối kali clorua) acid (ursolic).
Tính vị - quy kinh: Vị đắng, cay, tính hàn. Vào hai kinh can và đởm.
Tác dụng: Giải độc, thanh can hỏa, tán uất kết.
Công dụng: trị tràng nhạc, áp xe vú, trị cước khí, phù thũng, đau nhức mắt.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: Âm hư, ăn uống kém không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:  Sau khi thu hái, phơi âm can lấy lá, cành, hoa dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, thái ngắn, phơi khô
Bảo quản: Dễ hút ẩm, mốc biến màu đen; có thể phơi nhưng không nên lúa nắng, mất mùi thơm, để nơi khô ráo.

Bào chế ĐỘC HOẠT-Angenica laxiflora Diels.

ĐỘC HOẠT

Tên khoa học: Angenica laxiflora Diels.; Họ hoa tán (Apiaceae)
Bộ phận dùng: Thân rễ (rễ củ). Củ mềm, vỏ hơi vàng đen trong vàng nhợt, có nhiều tinh dầu, mùi thơm hắc, vị cay. Hay nhầm với tiền hồ (Peucedanum praeruptorum Dunn) xốp, ít hăng, không có dầu. Thứ to, chắc, thơm nồng không mốc mọt là tốt.
Thành phần hóa học: Tinh dầu.
Tính vị - quy kinh: Vị cay, tính ôn. Vào hai kinh can, thận.
Tác dụng: trừ tà phong, táo hàn thấp, chuyên chữa phong, khí
Công dụng:
Trị nhức đầu, lưng gối nặng và đau nhức; trị phong hàn, thấp tê, tay chân co mỏi.
Liều dùng: Ngày dùng 3 - 6g.
Kiêng kỵ: Huyết hư hỏa vượng, sốt cao không sợ rét thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
- Hái được thái nhỏ, lấy dâm dương hoắc trộn lẫn, ủ kín trong 2 ngày, phơi khô, bỏ dâm dương mà dùng cho khỏi xót ruột (Lôi Công)
- Cạo vỏ sấy khô dùng (Lý Thời Trân)
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa sạch, để thật ráo nước, thái mỏng, phơi râm. Không có tẩm sao.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, trong lọ kín có lót vôi sống.
Ghi chú: Nhiều người thay độc hoạt bằng rễ lốt (Piper lolot L.), rễ vòi voi (Heliotropium indicum Lin.) đế trị phong thấp.

Bào chế ĐỖ TRỌNG-Eucommia ulmoides Oliv

ĐỖ TRỌNG


Tên khoa học: Eucommia ulmoides Oliv.; Họ đỗ trọng (Eucommiaceae)
Bộ phận dùng: Vỏ cây. Vỏ dày, ít xù xì, sắc nâu đen, bẻ ra thấy nhiều tơ trắng, dai, óng ánh là tốt.
Thành phần hóa học: Chất nhầy 23,5%; nhựa 70%; độ tro 2,5% còn nữa chưa rõ.
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, hơi cay, tính ấm. Vào kinh can, thận.
Công dụng:
- Dùng sống: bổ can, hạ huyết áp.
- Tẩm muối sao: bổ thận, trị đau lưng, đái són.
- Tẩm rượu sao: bổ và trị phong thấp, tê ngứa.
- Sao đen: trị động thai và rong huyết.
Liều dùng: Ngày dùng 8 - 12g, có khi đến 28g.
Kiêng kỵ: Mệnh môn hỏa vượng không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
- Gọt bỏ bì thô. Cứ 600g đỗ trọng thì dùng 40g mỡ, 120g mật, phết vào đem nướng, thái nhỏ ra dùng.
- Sau khi bỏ thô bì, tẩm nước muối, sao vàng
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Rửa sạch,-cạo bỏ vỏ thô ở ngoài, cắt từng lát nhỏ 3 - 5 ly (không thể cắt đứt tơ). Phơi khô (dùng sống)
- Sau khi phơi khô, tẩm nước muối trong 2 giờ (1kg đỗ trọng dùng 30g muối trong 200ml nước), sao vàng, đứt tơ là được (thường dùng)
- Sao đến khi đen đều thì thôi.
- Hoặc tẩm với 200 ml rượu 400 trong 2 giờ, sao vàng đứt tơ là được.
Ghi chú: Ngoài ra còn dùng vỏ cây trôm càng tức đỗ trọng nam (Pamaria glandulifera Benth, họ trúc đào) bẻ ra cũng có nhiều tơ nhưng không dai và óng ánh như tơ đỗ trọng. Dùng trị cao huyết áp gây dãn mạch.

Bào chế ĐINH HƯƠNG-Eugenia caryophyllata Thunb

ĐINH HƯƠNG


Tên khoa học: Eugenia caryophyllata Thunb.; Họ sim (Myrtaceae)
Bộ phận dùng: Nụ hoa. Nụ thơm, nhiều tinh dầu, hơi vàng nâu, rắn là tốt;
Thứ để lâu, đen, mọt, hết dầu là kém. Thứ đã cất lấy dầu rồi, sắc đen kém thơm là xấu. Không nên nhầm nụ đinh hương với hoa cây nụ đinh (Ludwigia prostrata Roxb) bé hơn, không thơm, khi khô đầu nụ teo lại.
Thành phần hóa học: Tinh dầu (14 - 21%) chủ yếu là eugenol, ngoài ra còn có caryophyllin… pyrogallotanin.
Tính vị - quy kinh: Vị cay, tính ôn. Vào bốn kinh phế, tỳ, vị và thận.
Tác dụng: Giáng nghịch, ấm trung tiêu.
Công dụng - liều dùng:
- Đông y: trị nấc cụt, hoắc loạn, thổ tả, đau bụng
+ Ngày dùng: 1 - 4g.
+ Dùng chín: chỉ huyết
- Tây y: làm gia vị, kích thích tiêu hóa, sát trùng mạnh (nhai đinh hương để phòng dịch); tinh dầu đinh hương dùng trong nha khoa.
Kiêng kỵ: Kỵ lửa, chứng bệnh không thuộc hư hàn thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Dùng hoa đực (công đinh hương) thì bỏ đầu nụ. Dùng hoa cái (mẫu đinh hương) thì bỏ thô bì.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Giã dập, khi thuốc sắc được rồi thì mới bỏ vào sau.
- Giã dập, ngâm rượu 60% để xoa bóp
- Mài với nước trong bát nhám để uống,
- Tán bột để làm hoàn tán.
- Có thế sao cháy (dùng chín)
Bảo quản: Tránh nóng bay mất tinh dẫu, để chỗ khô ráo, mát đậy kín.

Bào chế ĐỊA PHU TỬ-Kochia scoparia Schrader.

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

ĐỊA PHU TỬ


Tên khoa học: Kochia scoparia Schrader.; Họ rau muối (Chenopodiaceae)
Bộ phận dùng: Hạt. Hạt quả khô, nhỏ như hạt mè nhưng đẹp, sắc đen nâu, mùi đặc biệt, không mọt là tốt.
Lấy hột cây chổi xể (Baeckea frutescensL. Họ sim (Myrtaceae)) rang vàng để tiêu thũng thay địa phu tử là không đúng.
Thành phần hóa học: chứa saponin v.v…
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, đắng, tính hàn. Vào kinh bàng quang.
Tác dụng: Lợi tiểu tiện, thông lâm lậu, trừ thấp nhiệt.
Công dụng: Trị lâm lậu, trừ khử nhiệt, bổ trung tiêu, ích tinh khí (dùng sống). Trị viêm bàng quang, lợi tiểu, tiêu thũng (dùng chín).
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: Bệnh hư không thấp nhiệt không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Thanh nhiệt thì dùng sống. Nếu muốn khởi âm đạt dương thì tẩm rượu một ngày đêm, hấp cơm chín, phơi khô để trừ bớt tính hàn.
Rửa sạch đất cốt, tẩm rượu sấy khô.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa, đãi sạch, phơi khô, khi dùng tán dập (dùng sống)
Có thể sao thơm, tán dập (dùng chín)
Bảo quản: Dễ mọt, đậy kín, để nơi cao ráo. Tránh ẩm vì dễ bị vón và mất mùi.

Bào chế ĐỊA LONG (giun đất)-Pheretima asiatica Michaelsen

ĐỊA LONG (giun đất)


Tên khoa học: Pheretima asiatica Michaelsen; Họ cự dẫn (Megascolecidae)
Bộ phận dùng: Cả con. Đào lấy thứ khoang cổ, tức là giun già, hay ở chỗ mô đất hoặc nền đình chùa, nhiều nhất ở gốc bụi chuôi lâu năm. Muốn dễ bắt giã lá nghệ răm ngâm nước đổ lên, có giun thì nó trườn lên. Không dùng thứ giun tự bò lên mặt đất vì đó là giun có bệnh.
Thành phần hóa học: có lumbritin (tác dụng dung huyết). Terrestro-lumbrilysin (có độc). Lumbrifebrin và tyrosin (giải nhiệt).
Tính vị - quy kinh: Vị mặn, tính hàn. Vào ba kinh vị, thận và đại trường.
Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi thủy.
Công dụng: Trị thương hàn phục nhiệt điên cuồng, to bụng, hoàng đản, trị ác sang, sốt rét (cấp, mạn), kinh phong, tràng nhạc v.v…
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: Người hư hàn mà không thực nhiệt thì kiêng dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
- Lấy 16 lạng giun đất, ngâm nước vo gạo nếp một đêm, vớt ra tẩm rượu một ngày, sấy khô, cho lẫn xuyên tiêu, gạo nếp mỗi thứ 2 đồng rưỡi rồi sao chung. Hễ gạo nếp chín vàng là được (Lôi Công).
- Nay dùng nướng khô tán bột, hoặc lẫn muối vào cho hóa ra nước, hoặc đốt tồn tính, hoặc để sông giã nát, tùy theo trường hợp mà dùng (Lý Thời Trân).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Bắt lấy giun khoang cổ, rửa sạch, dùng dao tre xâu vào đầu nó, lách dọc một đường, rửa sạch trong ruột, nhúng vào nước ấm cho nó hơi cứng và bớt nhớt, phanh nó trải lên giữa nong hoặc nia mà phơi, thấy hơi se thì mang vào sấy khô, giòn, cất kín, hoặc mang bán cho hiệu thuốc. Khi dùng lấy giun khô tẩm rượu hoặc tẩm gừng sáo qua dùng hoặc tán bột.
Cũng bắt giun khoang cổ, ngâm nước vo gạo một đêm, rửa sạch, lại nhúng vào nước ấm cho nó hơi săn lại, rồi mang phơi khô nửa chừng, lấy vào bắt vuốt từng con cho nó đẹp và thẳng ra rồi sấy nhẹ cho khô giòn.
Khi dùng cũng tẩm rượu hoặc gừng sao qua như trên.
Bảo quản: Dễ bị sâu, cần để nơi kín, khô ráo.

Bào chế ĐẠI SÚ-Sanguisorba officinalis L

ĐẠI SÚ


Tên khoa học: Sanguisorba officinalis L.; Họ hoa hồng (Rosaceae)
Bộ phận dùng: Rễ. Rễ hình viên trụ, bên ngoài sắc thâm, hoặc nâu tía, cứng rắn, bên trong ít xơ, ít rễ con, sắc vàng nâu hoặc vàng đỏ nhạt, là tốt.
Thứ nhỏ, mục nốt, nhiều xơ là xấu.
Thành phần hóa học:sanguisorbin, tanin, đường v.v…
Tính vị - quy kinh: Vị đắng, tính hơi hàn. Vào bốn kinh can, thận, đại trường và vị.
Tác dụng: mát huyết, chỉ huyết, thu liễm.
Công dụng:
- Dùng sống: trị băng huyết, trị lỵ ra máu, trị mạch lươn, giải độc.
- Dùng chín: chỉ huyết.
Liều dùng Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: Người khí huyết hư hàn và bệnh mới phát kiêng dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Chọn thứ thái nhỏ sợi bóng là tốt, bỏ đầu cuống, rửa qua rượu.
Nếu trị chứng đái ra máu, ỉa ra máu mà muốn chỉ huyết thì dùng đoạn trên, thái lát sao qua, nửa đoạn dưới thì lại hành huyết.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Chọn thứ khô tốt, rửa sạch đất bẩn, ủ mềm một đêm. Thái lát, phơi khô (dùng sống, cách này thường dùng).
Có thể sao cháy (dùng chín).
Bảo quản: Đậy kín.
Ghi chú: Rễ tươi giã đắp trị rắn cắn.

Bào chế-ĐỊA CỐT BÌ (vỏ rễ câu kỷ)- Lycium sinense Mill.

ĐỊA CỐT BÌ (vỏ rễ câu kỷ)


Tên khoa học: Lycium sinense Mill.; Họ cà (Solanaceae)
Bộ phận dùng: Vỏ rễ. Vỏ mỏng mềm, thường cuốn lại như cái ống, sắc vàng, hơi thơm, phiến to không có lõi là tốt.
Vỏ to dày, sắc vàng lại có đốm trắng nhiều lõi là xấu.
Không lầm với rễ cây đại thanh (cây sung ma, cây đơm, mọc ở Sơn Tây) vẫn dùng làm nam địa cốt bì.
Thành phần hóa học: Có chất đắng, còn chưa nghiên cứu rõ.
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, tính hàn. Vào ba kinh phế, can, thận và tam tiêu.
Tác dụng: Mát huyết, tả hỏa, thanh phế nhiệt.
Chủ trị : Trị ho thổ huyết, tiêu khát, bệnh lao nhiệt có mồ hôi.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ:Pphần vinh không nhiệt và nội tạng hàn kiêng dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Đào được rễ cây câu kỷ, rửa sạch, rút bỏ lõi, sắc lấy nước cam thảo ngâm một đêm rồi vớt ra, sấy khô (Lôi Công)
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Chọn thứ vỏ không còn lõi, rửa sạch, bẻ hoặc thái nhỏ phơi khô (dùng sống, cách này thường dùng). Có khi tẩm rượu sấy qua (ít dùng).
Bảo quản: Cần để nơi khô ráo, không nên đè nặng lên trên sợ bẹp nát.

Chất độc trong mầm khoai tây

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Mầm khoai tây có chứa solanin, một loại glycoalkaloid đắng và độc - C45H73NO15. Ngoài ra chất này còn có ở cà chua và các cây khác trong họ Solanaceae. Solanincó tính gây mê và trước đây được dùng để chữa chứng động kinh. Solanin là dạng glycosid được tạo thành từ alkaloid solanidin và mạch đường. Solanin có thể xuất hiện một cách tự nhiên trong bất cứ bộ phận nào của cây, bao gồm cả lá, quả và củ. Nó rất độc, thậm chí ở hàm lượng rất nhỏ. Solanin có cả tính diệt nấm và trừ sâu và nó là một trong những chất tự nhiên bảo vệ cây. Khoai tây sản xuất solanin và chaconin, một chất glycoalkaloid cùng họ, một cách tự nhiên như cơ chế bảo vệ chống lại côn trùng và các tác nhân gây bệnh. Lá và thân cây khoai tây có hàm lượng glycoalkaloid tự nhiên cao.

Solasonin
Solasonin
Để củ khoai tây tiếp xúc với ánh sáng, dù ở trên cánh đồng, trong quá trình bảo quản, trong kho bảo quản hay tại nhà sẽ sản sinh quá trình tạo sắc tố xanh trên bề mặt củ. Quá trình này được gọi là táo lục và biểu thị sự hình thành sắc tố chlorophyll. Sắc tố này hoàn toàn vô hại và được tìm thấy ở tất cả các loại cây xanh, rau rậm lá, rau cải bắp....

Khoai tây mọc mầm
Khoai tây mọc mầm
Thế nhưng, ở củ khoai tây, điều này giống như một "dấu hiệu nhận biết". Khi khoai tây có màu xanh tức là hàm lượng solanin đạt mức có nguy cơ gây nguy hiểm. Vì vậy, không nên tiêu thụ những phần củ có màu xanh.
Các loại khoai tây thương mại được chiếu để kiểm tra hàm lượng của solanin và thường có mức solanin dưới 0,2mg/g. Tuy nhiên, khi khoai tây tiếp xúc với ánh sáng và bắt đầu có màu xanh có nghĩa là hàm lượng này có thể đã đạt đến mức 1mg/g hay thậm chí hơn. Khi đó, một củ khoai tây chưa gọt có thể chứa một liều lượng đủ gây nguy hiểm.
Khi mức solanin tăng, nó cũng đồng thời tạo vị đắng cho khoai tây sau khi nấu chín. Sự sinh tổng hợp solanin xuất hiện đồng thời nhưng độc lập với sự sinh tổng hợp chlorophyll; quá trình này có thể diễn ra không cần quá trình kia. Khác với chlorophyll, sự hình thành solanin không cần ánh sáng nhưng ánh sáng có thể thúc đẩy nó diễn ra nhanh hơn. Sự hình thành solanine ở khoai tây diễn ra trên bề mặt vỏ, thường không sâu hơn 3mm. Trong khoai tây chế biến như khoai tây sấy khô và khoai tây chiên, phần vỏ có nguy cơ gây nguy hiểm này bị loại bỏ.
Ngộ độc solanin:
Ngộ độc solanin chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh.
Triệu chứng bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau rút ở dạ dày, khô rát cổ họng, đau đầu và chóng mặt. Ảo giác, mất cảm giảc, tình trạng tê liệt, sốt, bệnh vàng da, giãn đồng tử và giảm thân nhiệt cũng được đề cập trong các ca nguy cấp.
Ở hàm lượng lớn, ngộ độc solanin có thể gây tử vong. Có nghiên cứu cho rằng liều lượng từ 2- 5mg/kg thể trọng có thể gây triệu chứng ngộ độc và liều lượng từ 3-6mg/kg thể trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 8-12 giờ sau khi ăn, nhưng cũng có thể diễn ra trong vòng 30 phút khi ăn thức ăn có hàm lượng solanin cao.
Phần lớn solanin xuất hiện ở vỏ hay ngay dưới lớp vỏ của khoai tây. Khoai tây đã gọt vỏ chứa ít solanin hơn khoai tây chưa gọt vỏ. Khoai tây có màu xanh lục cần phải được gọt vỏ nếu có ý định chế biến. Solanin và chaconin cũng có mặt trong chồi khoai tây.

Khoai tây chiên ngập dầu ở 1700C không có tác dụng làm giảm mức glycoalkaloid cũng như luộc. Sử dụng lò vi sóng cũng chỉ có tác dụng làm giảm chút ít.

Phân biệt khái niệm ma túy, heroin, cần sa và cocain

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Trước khi nói tới điểm khác nhau thì có hai điểm giống nhau ở các loại ma túy này là chúng đều được chiết xuất từ các loại cây tự nhiên và có khả năng gây nghiện cao. Xin giới thiệu với các bạn một số cách phân biệt các loại thuốc gây nghiện, với mục đích chung tay đẩy lùi ma túy và giảm thiểu tác hại do các chất gây nghiện gây ra.
Sau đây là cách phân biệt một số loại ma tuý thường gặp

Thuốc phiện (Anh túc)

Cây thuốc phiện (cây Anh túc) có tên khoa học (Papaver somniferum L.) là loại cây thân cỏ, thân thẳng đứng, cao từ 1 - 1,5m, mọc ở nơi khí hậu mát, thích hợp với đất sét vôi. Cây có từ 8 - 12 nhánh phụ, mỗi nhánh có 1 bông hoa nhiều màu sắc, từ hoa sinh ra quả. Nhựa từ quả gọi là thuốc phiện sống.
Nhựa thuốc phiện thường dùng để hút. Lúc đầu hút vào thấy có sự khoái lạc, tạo cảm giác hưng phấn, làm giảm đau nhức, mệt mỏi. Nhưng càng hút thì càng ngày càng phải tăng liều mới đạt được cảm giác như lần trước. Dần dần người hút bị suy sụp, mất hết nghị lực, ý chí và cả cảm giác không còn. Hơn thế, ở người sử dụng ma tuý hút thuốc phiện còn xuất hiện các biến chứng như: viêm dạ dày, viêm ruột mãn tính, táo bón dai dẳng, phát ban ngoài da, tiểu tiện ra albumin, thường hay bị sưng phổi, mạch đập chậm và không đều. Nguy hiểm hơn là khi không có thuốc, người sử dụng ma tuý phải nạo xái trong ống thuốc ra để hút, hút xái độc hơn vì nó có khoảng 80 - 90% chất morphin.

Morphin

Là chất được dùng làm chất giảm đau và nguyên liệu bán tổng hợp để sản xuất thuốc trị ho, giảm đau, ỉa chảy... trong y học. Morphin có tác dụng chọn lọc và trực tiếp tới tế bào thần kinh trung ương, nhất là vỏ não làm cho thần kinh trung ương bị ức chế (như trung tâm đau, trung tâm hô hấp, trung tâm gây ho) và mốt số trung tâm bị kích thích gây nôn, co đồng tử, chậm nhịp tim...
Với liều điều trị Morphin làm tăng trí tưởng tượng, mất buồn rầu, mất sợ hãi, tạo trạng thái lạc quan, nhìn màu sắc thấy đẹp, nghe tiếng động thấy dễ chịu, mất cảm giác đói. Liều cao Morphin làm hạ huyết áp, làm giảm dịch tiết, lại ra mồ hôi nhiều.
Phụ nữ có thai dùng Morphin rất nguy hiểm, gây tác hại lâu dài đến sự trưởng thành của trẻ như đẻ non, suy dinh dưỡng, rối loạn hành vi, nôn, mất ngủ, đi lỏng... Morphin rất nguy hiểm với trẻ em dưới 5 tuổi. Nó có thể dẫn đến trẻ bị gù, vẹo, thương tổn đầu sọ, hen phế quản, bệnh và thận mãn tính...
Người sử dụng Morphin có mắt bị phù, móng tay và môi thâm tím; bị rối loạn tâm lý, nói không thật, lười biếng, ít chú ý đến vệ sinh thân thể, thường hay ngáp vặt, co đồng tử, thiếu máu, chán ăn nên sút cân, mất ngủ, già trước tuổi, nôn, vã mồ hôi, chảy nước mắt, đau thắt ngực, trầm cảm, thầm kinh bị kích thích. Sau khi tiêm vào cơ thể khoảng 24 giờ thì 85 - 90% lượng Morphin được thải ra từ cơ thể theo nước tiểu.

Heroin

Thường được chế biến thành 02 loại: Loại bột trắng hồng, xốp như bông gọi là "Heroin4" (còn gọi là bạch phiến) dùng để chích vào tĩnh mạch. Loại bột màu nâu hồng gọi là "Heroin 3" dùng để hút, hít.

Công thức hóa học Heroin
Công thức hóa học Heroin
Heroin được bán tổng hợp từ morphine chiết xuất từ cây thuốc phiện bằng cách chế thuốc phiện với các hóa chất để tạo ra morphin và sau đó kết tủa ra Heroin dạng thô. Hiện tại trên thế giới có hơn 100 loài cây thuộc họ Papaver nhưng chỉ có 2 loại cây thuốc phiện là có khả năng sản xuất ra morphin. Người ta lấy nhựa loãng từ quả thuốc phiện rồi sấy khô để tạo ra nhựa thuốc phiện thô, sau đó mới dùng nhựa này chế tạo tiếp. Ngay từ thời xưa, các vua quan Việt Nam đã biết tác hại của thuốc phiện và ra lệnh cấm từ thế kỷ XVII (năm Cảnh Trị 3 – 1665). Càng về sau, việc chống thuốc phiện càng hà khắc hơn, sát sao hơn, đặc biệt là dưới thời nhà Nguyễn (nhất là ở thời vua Minh Mạng và Tự Đức).
Dùng Heroin lần đầu sẽ có cảm giác mơ màng, khoan khoái, quên mọi khổ đau, sầu não, bi thương... Nhưng khi cơn nghiện đến mà không có Heroin người sẽ bị đau co thắt. Nếu dùng quá liều Heroin thì người sẽ bị tê liệt thần kinh, hôn mê và có thể chết sau vài phút. Nghiện Heroin làm cho con người thay đổi về tính cách, trở nên cô độc, thù ghét đồng loại, mất khả năng sinh dục; dễ gây ra các hành vi vi phạm pháp luật.

Cocain

Cocain là một chất tự nhiên được chiết xuất từ lá cây coca ở Nam Mỹ. Từ xa xưa, thổ dân các nước này đã dùng lá coca để làm thức ăn và được xem như một loại thực phẩm cứu đói và chữa bệnh mệt mỏi. Cho tới thế kỷ XIX, Cocain mới được chiết xuất dưới dạng tinh khiết dùng để làm thuốc tê trong các ca mổ. Ban đầu nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud đã coi Cocain như một loại thuốc đặc biệt để sử dụng phối hợp với các loại thuốc khác nhằm điều trị các bệnh thần kinh nhưng sau này ông đã từ bỏ ý kiến nói trên vì biết tới khả năng gây nghiện tiềm tàng của Cocain.Cocain là một chất tự nhiên được chiết xuất từ lá cây coca ở Nam Mỹ. Từ xa xưa, thổ dân các nước này đã dùng lá coca để làm thức ăn và được xem như một loại thực phẩm cứu đói và chữa bệnh mệt mỏi. Cho tới thế kỷ XIX, Cocain mới được chiết xuất dưới dạng tinh khiết dùng để làm thuốc tê trong các ca mổ. Ban đầu nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud đã coi Cocain như một loại thuốc đặc biệt để sử dụng phối hợp với các loại thuốc khác nhằm điều trị các bệnh thần kinh nhưng sau này ông đã từ bỏ ý kiến nói trên vì biết tới khả năng gây nghiện tiềm tàng của Cocain.

Cần sa

Cần sa là loại thực vật có tên khoa học là Cannabis sativaL. Còn gọi là cây Gai dầu, cây Gai mèo, cây Đai ma, Bồ đà. Cây cần sa được trồng ở các vùng có nhiệt dộ cao như các vùng nhiệt đới gió mùa Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á. Từ cây cần sa người ta có thể chế tạo ra cần sa thảo mộc, cần sa nhựa và cần sa tinh dầu. Cần sa trong lịch sử đã từng được sử dụng để chữa các bệnh quáng gà, thiên đầu thống. Cho tới năm 1830 người ta mới phát hiện được các tính chất gây nghiện của cần sa. Ở các nước Đông Nam Á, việc trồng, vận chuyển và tàng trữ cần sa đứng thứ 2 sau thuốc phiện. Trong y hoc, Cần sa còn có tác dụng chữa bệnh mất ngủ. Người ta sau khi hút cần sa thường có những thay đổi tâm lý đột ngột như: cười to lên hoặc khóc than vãn, hoặc có nhiều hành vi vô nghĩa khác. Cần sa còn làm cho con người ta có những ảo giác khác thường và cả những cơn ác mộng. Sau những ảo giác, ác mộng đó là sự mệt mỏi, buồn ngủ nhưng giấc ngủ chập chờn và cũng đầy ác mộng. Do vậy nếu sử dụng lâu, người sẽ trở nên gầy gò ốm yếu, ủ dột, có thể loạn thần kinh...

Ma tuý tổng hợp

Là chất ma tuý được điều chế bằng phương pháp tổng hợp hoá học toàn phần từ các hoá chất (được gọi là tiền chất). Điển hình là amphetamin. Nhìn chung, các chất ma tuý tổng hợp có tác dụng kích thích mạnh và nhanh hơn các chất ma tuý tự nhiên và bán tổng hợp. Chúng có tác dụng kích thích nhất thời hệ thống thần kinh trung ương gây hưng phấn và ảo giác hoang tưởng. Do vậy chúng còn gọi là "các chất loạn thần", "ma tuý điên", " ma tuý bạo lực". Hiện nay các chất ma tuý này được coi là những chất ma tuý nguy hiểm nhất.
Những năm gần đây nước ta đã xuât hiện các chất ma tuý tổng hợp rất nguy hiểm, đặc biệt là các chất ma tuý kích thích dạng amphetamin (viết tắt là ATS-amphetamine-type- stimulans) có xu hướng gia tăng rất mạnh. Các chất ma tuý thuộc nhóm ATS như amphetamine, methamphetamine, MDMA (3, 4 methylenedioxymethaphetamin, còn gọi là Ecstasy) đều có thể được hấp thụ qua đường tiêu hoá, sau 24 giờ thì khoảng 70 - 90% được bài tiết qua nước tiểu và được bài tiết gần hết sau 2 - 3 ngày.
Nếu dùng ATS thời gian dài sẽ gây nghiện. Người sử dụng ATS thường thiếu ngủ, chán ăn, đánh trống ngực, chóng mặt và các dấu hiệu cường giao cảm như: tăng huyết áp, tăng thân nhiệt và rối loạn tâm thần, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm sinh lý và nhiều chức năng khác của cơ thể. Dùng ATS liều cao có thể sử dụng bằng nhiều hình thức như tiêm chích, hút, hít... Nhưng hiện nay, hình thức sử dụng ATS phổ biến nhất là dạng thuốc viên (như viên nhộng, viên nén) có kích thước, màu sắc, kí hiệu khác nhau.
Như vậy, các loại ma túy gây hại này được xuất phát từ các loại thực vật tự nhiên khác nhau và cần quá trình chế biến khác nhau. Ngày nay, tác hại của việc sử dụng ma túy đã được nêu rõ, Nhà nước cũng đã và đang sử dụng mọi biện pháp khác nhau để ngăn trừ ma túy và đưa những người nghiện ma túy trở lại với cộng đồng.

Bào chế ĐÀO NHÂN-Prunus persica (L.) Batsch.

ĐÀO NHÂN

Tên khoa học vị thuốc: Semen perricae
Tên khoa học cây Đào: (Prunus persica (L.) Batsch.), họ Hoa hồng (Rosaceae).
Bộ phận dùng: Nhân hạt đào. Nhân hạt đào cũng giống hạnh nhân nhưng rộng và đẹp hơn, thứ nhân vỏ mỏng sắc vàng nâu, nhân trong sắc trắng, có nhiều dầu là tốt.
Thứ vỡ nát, mọt, đen là kém, không dùng. Trung Quốc dùng cây Prunus persica Batsch, cùng họ.
Thành phần hóa học: Nhân chứa tinh dầu, amygdalin, colin và acetylcolin…
Tính vị - quy kinh: Vị đắng, ngọt, tính bình. Vào hai kinh tâm và can.
Tác dụng: phá huyết, trục ứ, nhuận táo.
Chủ trị:
- Dùng sống: trị kinh nguyệt bế tắc sinh vón cục, bụng dưới đầy đau, vấp ngã ứ huyết.
- Dùng chín: đại tiện khó, hoạt huyết.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: không có ứ huyết, đàn bà có thai không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Đào nhân hành huyết nên để cả vỏ và đầu nhọn mà dùng sống. Dùng để nhuận táo hoạt huyết, nên tẩm nước nóng, bóc vỏ, để đầu nhọn, sao vàng hoặc sao với cám, hoặc đốt tồn tính, tùy từng trường hợp.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Đào nhân chê làm hai loại: một loại để nguyên vỏ và đầu nhọn, tẩm rượu, sao qua, khi dùng giã dập; một loại tẩm nước nóng bóc vỏ, bỏ đầu nhọn sao qua, khi bốc thuốc giã dập.
Có trường hợp tùy theo đơn, có khử dầu (giã dập, bọc giấy bản, ép hoặc lèn để dầu thấm ra, bỏ giấy bản), để bớt tính mạnh của đào nhân (cơ thể hư).

Bảo quản: Đào nhân khó bảo quản, rất chóng bị mọt. Cần để nơi khô, ráo, mát, trong lọ đậy kín, có lót chất hút ẩm (như vôi sống…).

Bào chế ĐẢNG SÂM (phòng đảng sâm)-Codonopsis sp

ĐẢNG SÂM (phòng đảng sâm)

Tên khoa học: Codonopsis sp.; Họ hoa chuông (Campanulaceae)
Bộ phận dùng: Rễ (vẫn gọi là củ). Thứ to (đường kính trên lem), khô nhuận, thịt trắng ngà, vị dịu ngọt, không sâu, không mốc mọt là tốt.
Mọt, xốp xơ, nhăn nheo là xấu.
Thành phần hóa học: Có saponin, chất đường, chất béo v.v…
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, tính bình. Vào hai kinh phế và tỳ.
Tác dụng: Bổ phế tỳ, ích khí, sinh tân dịch, chỉ khát.
Chủ trị: Trị tỳ hư, ăn vào trướng đầy, tay chân mỏi mệt, phế hư sinh ho. Dùng thay nhân sâm với liều cao.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g đến 40 g.
Kiêng kỵ: Bệnh thuộc thực thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Hái được thì phơi âm can, lăn se cho vỏ và thịt dính với nhau, bó từng bó nhỏ, cất kín, để nơi cao ráo. Khi dùng sao với đất hoặc với gạo.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa sạch bụi bẩn, ủ một đêm (đồ được càng tốt, thấy bốc hơi lên là được) chờ mềm, thái mỏng 1 - 2 ly, tẩm nước gừng để bớt hàn sao qua(thường dùng).
Bảo quản: đậy kín, tránh ẩm, cần để nơi thoáng gió, khô ráo đề phòng sâu mốc vì đảng sâm rất dễ bị mọt.
Có thể sấy hơi diêm sinh.
Ghi chú: Đảng sâm là rễ phơi khô của nhiều loại Codonopsis: lộ đảng sâm, xuyên đảng sâm, đại đảng sâm, phòng đảng sâm…
Ở Việt Nam: hồng sâm hay phòng đảng sâm người thổ miền núi gọi là cỏ rầy cáy, mầm cáy… ta thường dùng tên phòng đảng sâm.
Đặc điểm của những loại đảng sâm này là khi thái ra trong có mắt ngỗng.

Bào chế ĐAN SÂM-Salvia multiorrhiza Bunge

ĐAN SÂM

Tên khoa học: Salvia multiorrhiza Bunge.; Họ hoa môi (Lamiaceae)
Bộ phận dùng: Rễ (vẫn gọi là củ). Rễ to chắc, khô, mềm. Ngoài sắc đỏ tía, trong vàng thâm mịn, không có xơ, không có rễ con là tốt. Củ cứng giòn, gầy, đen, có xơ là xấu.
Thành phần hóa học: Có 3 loại xeton kết tinh được: tansinon I, tansinon II, tansinon III.
Tính vị - quy kinh: Vị đắng, tính hơi hàn. Vào hai kinh can và tâm.
Tác dụng: Trục ứ huyết, hoạt huyết, rút mủ, lên da non, làm thuốc thông kinh, cường tráng.
Chủ trị:
- Dùng sống: bổ huyết nhiệt, trị mụn nhọt, sang lở.
- Dùng chín: kinh nguyệt không đều.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: Không có ứ trệ thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Tẩm nước, ủ mềm, thái lát dùng sống hoặc sao qua, hoặc tẩm rượu sao qua (tùy theo đơn).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa sạch, để ráo nước, ủ mềm một đêm, thái lát mỏng, phơi khô (dùng sống, cách này thường dùng).
Tẩm rượu để một giờ sao qua.
Bảo quản: Hay hút ẩm, dễ mốc mọt, cần phơi khô, cất kín, có thể sấy hơi diêm sinh.

Bào chế ĐẠM TRÚC DIỆP-Lophatherum gracile Brongn

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

ĐẠM TRÚC DIỆP

Tên khoa học: Lophatherum gracile Brongn; Họ lúa (Poaceae)
Bộ phận dùng: Lá. Lá nhỏ dài hình mũi mác, màu vàng lục. Dùng thứ lá bánh tẻ (không già, không non). Hay nhầm với lá trúc, lá tre.
Thành phần hóa học: salcolin A, salcolin B, tricin, luteolin, afzelin, tricin 7-O-β-D-glucopyranosid (5), swertiajaponin (6), isoorientin (7), tricin 7-O-neohesperidosid (8), vitexin (9), isovitexin (10), β-(p-methoxyphenyl) acrylic acid (11), β-sitosterol (12) và daucosterol (13).
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, tính hàn. Vào hai kinh tâm và tiểu trường.
Tác dụng: lợi tiểu tiện, thanh tâm hỏa.
Công dụng: Đi đái đỏ, đái ít, thanh tâm giải nhiệt.
Liều dùng: Ngày dùng 8 - 16g.
Kiêng kỵ: Người không thấp nhiệt và đàn bà có thai không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Nhặt bỏ tạp chất, tẩm nước ướt, cắt bỏ rễ thái từng đoạn, phơi khô dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Dùng tươi: rửa sạch, sắc uống.
- Dùng khô: rửa sạch, thái ngắn 2 - 3 cm, phơi khô.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, thoáng, tránh ánh sáng, tránh ẩm nóng. Bào chế rồi đậy kín.