XUYÊN BỐI MẪU-(Thân hành)-Bulbus Fritillariae-(Fritillaria cirrhosa D. Don)

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

XUYÊN BỐI MẪU (Thân hành)

Bulbus Fritillariae

Thân hành đã phơi hay sấy khô của cây Xuyên bối mẫu (Fritillaria cirrhosa  D. Don), Ám tử bối mẫu (Fritillaria unibracteata Hsiao et K.C.Hsia), Cam túc bối mẫu (Fritillaria przewalskii Maxim.), hoặc Thoa sa bối mẫu (Fritillaria delavayi Franch.), họ Loa kèn trắng (Liliaceae).
Tuỳ theo đặc tính khác nhau của các loại Bối mẫu người ta chia ra 3 loại dược liệu: Tùng bối, Thanh bối, Lỗ bối tương ứng với 3 loài dược liệu ở trên.

Mô tả.

Tùng bối: Hình nón hoặc hình cầu, cao 0,3 - 0,8 cm, đường kính 0,3 - 0,9cm. Mặt ngoài màu trắng ngà, 2 vẩy ngoài kích thước rất khác nhau. Vẩy ngoài lớn hơn bao lấy vẩy trong, phần vẩy không bị bao bọc có hình trăng lưỡi liềm, phần này có tên là "hoài trung bảo nguyệt" (ôm trăng trong tay). Đỉnh thân hành kín, chồi hình cầu hơi thon, có 1 - 2 vẩy nhỏ; đỉnh tù hoặc hơi nhọn, gốc bằng, hơi lõm, ở giữa có chấm tròn màu nâu xám, thỉnh thoảng thấy vết tích rễ sợi. Chất cứng, giòn, vết bẻ trắng, có chất bột. Vị hơi đắng.
Thanh bối: Tròn dẹt, cao 0,4 - 1,4 cm, đường kính 0,4 - 1,6 cm. Có 2 vẩy ngoài đồng dạng, bọc lấy nhau. Đỉnh mở ra có chồi và 2 - 3 vẩy nhỏ bên trong, có vết tích của thân hình trụ, mảnh khảnh.
Lỗ bối: Hình nón dài, cao 0,7 - 2,5 cm, đường kính 0,5 - 2,5 cm. Mặt ngoài màu trắng ngà, hoặc vàng nâu, hơi lốm đốm nâu, 2 vẩy ngoài đồng dạng. Đỉnh mở ra và hơi thon, gốc hơi nhọn hoặc tương đối tù.

Soi bột

Bột màu trắng ngà. Soi kính hiển vi thấy:
Tùng bối và Thanh bối: Nhiều hạt tinh bột hình trứng rộng, hình cầu dài hoặc bất định hình, có một số hơi phân nhánh, đường kính 5 - 64  mm. Rốn hạt tinh bột hình khe  ngắn hay điểm, hoặc hình chữ V hay chữ U, có vân mờ. Tế bào biểu bì hình chữ nhật, thành lượn sóng nhất là ở bề mặt, đôi khi thấy lỗ khí tròn hay tròn dẹt, tế bào không đều. Mạch xoắn, đường kính 5 - 26  mm.
Lỗ bối: Hạt tinh bột hình trứng to, hình vỏ sò, hình thận hay hình bầu dục, đường kính tới 60 mm, rốn hình chữ V, hình sao hoặc hình điểm, thấy rõ vân. Mạch xoắn và mạch lưới, đường kính 64 mm.

Độ ẩm

Không quá 12 % (Phụ lục 5.16, 1 g, 1050C, 5 giờ).

Tạp chất

Không quá 0,5% (Phụ lục 9.4).

Tỷ lệ vụn nát

Qua rây có kích thước mắt rây là 3,150 mm: Không quá 5% (Phụ lục 9.5).

Chế biến

Thu hoạch vào mùa hè, thu, đào lấy thân hành, loại bỏ rễ con, vỏ thô, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.

Bảo quản

Để nơi khô, đựng trong thùng hoặc lọ kín, tránh mốc mọt.

Tính vị, quy kinh

Khổ, cam, vi hàn. Vào các kinh phế, tâm.

Công năng, chủ trị

Thanh nhiệt, nhuận phế, hoá đờm, chỉ khái. Chủ trị: Ho ráo do phế nhiệt, ho khan ít đờm, ho đờm có máu, ho do mệt mỏi (lao).

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 3 - 9 g, dạng thuốc sắc  hoặc dùng bột, hoà với nước thuốc thang đã sắc, uống mỗi lần 1 -2 g.

Kiêng kỵ

Không dùng phối hợp với dược liệu loại  Ô đầu, Phụ tử.

XẠ HƯƠNG-Moschus

XẠ HƯƠNG

Moschus

Chất tiết ra trong túi thơm đã khô của các loài Hươu xạ đực trưởng thành: Lâm xạ (Moschus berezovski Flerov), Mã xạ (Moschus sifanicus Przewalski), Nguyên xạ (Moschus moschiferus Linnaeus), họ Hươu (Moschidae).
Về mặt dược liệu, chia ra 2 loại:  Túi nguyên vẹn xạ hương (Mao xác xạ hương) và hạt, bột xạ hương (Xạ hương nhân).

Mô tả

Mao xác xạ hương: Túi hình tròn dẹt hay bầu dục, đường kính 3 - 7 cm, dày 2 - 4 cm. Da ở miệng túi màu nâu, hơi phẳng có lông nhỏ, mịn, màu nâu xám hoặc màu trắng mọc dày sít nhau vòng quanh từ 2 phía một cái lỗ nhỏ nằm ở trung tâm. Dưới lông là lớp da mỏng trong có các tuyến và sản phẩm tiết ra là xạ hương. Túi xạ nặng khoảng 15 - 45 g, có khi nặng tới 60 g, 60% là chất xạ hương. Mặt kia, có màng da màu nâu hơi pha màu tía, không có lông, hơi có vết nhăn, sợi cơ có tính đàn hồi. Dùng kéo cắt ra thấy lớp màng da giữa có màu nâu, hoặc nâu xám, trong suốt, lớp màng da trong cùng màu nâu, bên trong có chứa hạt hay bột xạ hương (xạ hương nhân) có lẫn một ít biểu mô bong ra (ngân bì). Chất tương đối mềm, mùi thơm đặc biệt.
Xạ hương nhân của Hươu xạ hoang dã: Chất mềm, có dầu, nhuận, xốp. Dạng hạt bên trong gọi là "Dương môn tử", hình cầu, không đều, đường kính 3 mm. Mặt ngoài màu đen tím, sáng bóng, dầu nhuận, hơi có vân. Mặt bẻ có màu nâu thẫm hay nâu vàng. Dạng bột thường có màu nâu hoặc nâu vàng, có lẫn ít biểu mô bong ra và lông nhỏ.
Xạ hương nhân của Hươu xạ nuôi: Hạt hình dải ngắn hoặc hình khối không đều. Mặt ngoài không phẳng, đen tím hay nâu thẫm, có dầu hơi sáng bóng, có lẫn một ít lông và biểu mô bong ra, hương thơm ngát khác thường. Vị hơi cay, hơi đắng pha mặn.

Định tính

A. Dùng kim đặc chế có rãnh máng gọi là " tào châm" cắm vào miệng lỗ túi mao xác xạ hương, quay kim một vòng, lấy xạ hương nhân ra để quan sát kiểm nghiệm ngay:  Xạ hương nhân nở dần lên trong máng tiêm, phồng lên trên mặt máng, gọi là "mao tào".  Xạ hương nhân nhuận dầu, mặt xốp, không có góc nhọn, hương thơm ngát, không lẫn vật lạ như sợi lông và không có mùi  khác thường.
B. Lấy một ít bột Xạ hương nhân, để trong lòng bàn tay, cho thêm nước cho mềm, vê thành khối rồi ấn nhẹ ngón tay  lên trên, xạ hương tan không dính ngón tay, không bám vào tay  hay kết lại thành khối.
C. Lấy một ít bột Xạ hương nhân, cho vào chén nung, đốt. Lúc đầu hạt nứt ra sau chảy và phồng lên tựa hạt châu, mùi thơm ngát toả ra, không khét như mùi thịt và lông cháy, không bốc lửa, hoặc không xuất hiện đốm lửa. Sau khi nung xong, cắn còn lại màu trắng hoặc màu trắng xám.
D. Bột Xạ hương nhân có màu nâu hoặc nâu vàng, soi kinh hiển vi thấy:  Nhiều hạt vô định hình  tập hợp thành khối trong suốt hoặc trong mờ, màu vàng nhạt hay nâu nhạt. Trong khối có tinh thể không đều, hình 8 cạnh hay hình trụ vuông, nằm rải rác hay tụ lại, có giọt dầu tròn, đôi khi thấy có sợi lông nhỏ và biểu mô bong ra.
E. Thả bột Xạ hương nhân vào nước sôi, bột tan ngay, mùi thơm toả mạnh, nước có màu hơi vàng, không có cặn.
F. Lấy 0,1 g Xạ hương nhân, thêm 10 ml ethanol loãng (3 phần ethanol (TT) với 5 phần nước), đun hồi lưu trong cách thuỷ 15 phút, lọc. Lấy 3 ml dịch lọc cho vào cốc cao 3 cm, đường kính 3 cm, trên miệng cốc treo một băng giấy lọc 20 mm x 300 mm, nhúng một đầu giấy lọc vào dịch lọc, để trong 1 giờ. Lấy giấy lọc ra, để khô ở nhiệt độ phòng, đem quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm, thấy phần trên của giấy lọc có huỳnh quang vàng sáng, phần giữa có huỳnh quang màu lơ tím, đôi khi cả 2 phần trên và giữa của giấy lọc đều có huỳnh quang màu vàng sáng đến vàng lục (xạ hương nhân của con Nguyên xạ).

Tạp chất

Xạ hương nhân: Không có lông hoặc có ít hoặc lẫn rất ít lông của mao xác xạ hương. Soi kính hiển vi: Không được lẫn tạp chất và biểu mô động vật khác hoặc thực vật.
Chất màu
Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại  ở bước sóng 365 nm không được có dải huỳnh quang  nâu đỏ và tối hoặc các dải huỳnh quang sáng bóng khác.

Độ ẩm

Lấy 0,3 g dược liệu, làm khô 24 giờ trong bình hút ẩm bằng phospho pentoxyd (có hút chân không), độ ẩm không được quá 35%.
Tro toàn phần 
Không được quá 6,5% (Phụ lục 7.6). Dùng 0,2 g Xạ hương nhân. 

Chế biến 

Xạ hương của hươu xạ hoang dã thường thu hoạch vào mùa đông và mùa xuân. Sau khi săn được hươu xạ, cắt lấy túi thơm, phơi âm can gọi là Mao xác xạ hương. Mổ túi thơm, trừ bỏ da bìu được Xạ hương nhân.
Xạ hương của hươu xạ nuôi: Lấy Xạ hương trực tiếp từ trong túi thơm ra phơi âm can hoặc để trong dụng cụ làm khô thích hợp đến khô được Xạ hương nhân.

Bảo quản

Để nơi khô, mát, trong bao bì  kín, tránh ánh sáng, tránh sâu mọt.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào các kinh tâm, tỳ.

Công năng, chủ trị

Khai khiếu, tỉnh thần, hoạt huyết, thông kinh, tiêu thũng, chỉ thống. Chủ trị: Nhiệt bệnh, tinh thần hôn ám, trúng phong, đàm quyết  khí uất bạo quyết, trúng ác hôn mê (chân tay lạnh ngắt, mê man đột ngột), kinh nguyệt bế tắc, hòn cục, khó đẻ, tử thai, thượng vị đau dữ dội, ung thũng, tràng nhạc, họng sưng đau, sưng đau do sang chấn, đau tê bại liệt.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 0,03 - 0,1 g, dạng  hoàn tán. Có khi dùng bôi ngoài da với lượng thích hợp

Kiêng kỵ

Phụ nữ có thai không được dùng.

VỎ QUẢ LỰU-Pericarpium Granati-Thạch lựu bì (Punica granatum L.)

VỎ QUẢ LỰU
Pericarpium Granati
Thạch lựu bì
Vỏ quả phơi hay sấy khô của cây Lựu (Punica granatumL.), họ Lựu (Punicaceae).

Mô tả

Vỏ hình phiến hoặc hình quả bầu không đều, lớn nhỏ không đồng nhất, dày 1,5 - 3 mm. Mặt ngoài màu nâu đỏ, màu vàng nâu hoặc màu nâu tối, hơi sáng bóng, thô, có nhiều núm nhô lên, đôi khi có đài không rụng hình ống nhô lên và cuống quả ngắn, thô hoặc vết cuống quả. Mặt trong màu vàng hoặc màu nâu đỏ, có vết còn sót lại của cuống quả dạng lưới nhô lên. Chất cứng, giòn, mặt bẻ màu vàng hơi có dạng hạt nhỏ. Không mùi, vị đắng, se.

Soi bột

Màu nâu đỏ, tế bào đá hình gần tròn, hình chữ nhật, ít khi có dạng phân nhánh, đường kính 27 - 102 mm, thành tế bào tương đối dày, khoang bào lớn, một số chứa chất màu nâu. Tế bào biểu bì hình vuông hoặc hình gần vuông, thành tương đối dày. Tinh thể calci oxalat hình lăng trụ có đường kính 10 - 25 mm. Mạch xoắn và mạch lưới, đường kính 12 - 18 mm. Hạt tinh bột gần tròn, đường kính 2-10 mm.

Định tính

Lấy khoảng 1 g bột dược liệu, thêm 10 ml nước, đun cách thuỷ khoảng 10 phút ở 60oC. Lọc nóng, lấy 1 ml dịch lọc, nhỏ 1 giọt dung dịch sắt (III) clorid 1% trong ethanol (TT), sẽ hiện màu lục thẫm.

Độ ẩm

Không quá 12% (Phụ lục 5.16, 1 g, 1050C, 5 giờ).

Tạp chất

Không quá 6% (Phụ lục 9.4).

Chế biến

Thu hoạch vào mùa  thu, khi quả chín, thu thập vỏ quả, rửa sạch, bóc bỏ màng sót lại, phơi khô. 

Bào chế

Thạch lựu bì: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái miếng, phơi hoặc sấy khô.
Thạch lựu bì thán: Lấy Thạch lựu bì, sao to lửa đến khi mặt ngoài dược liệu đen xém, bên trong có màu nâu, để nguội.

Bảo quản

Để nơi khô.

Tính vị, quy kinh

Toan, sáp, ôn. Vào kinh  đại trường.

Công năng, chủ trị

Sáp tràng, chỉ tả, chỉ huyết, khu trùng. Chủ trị: Đau bụng tiêu chảy lâu ngày, lỵ lâu ngày, đại và tiểu tiện ra máu, sa trực tràng, sa dạ con, băng huyết, dong huyết, bạch đới, trùng tích (giun, sán).

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 3 - 9 g, dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ

Mới bị đi lỵ thì không nên dùng. 

TRƯ LINH-Polyporus-(Polyporus umbellatus (Pers.) Fries) họ Nấm lỗ (Polyporaceae)

TRƯ LINH

Polyporus

Hạch nấm phơi hay sấy khô của nấm Trư Linh (Polyporus umbellatus (Pers.) Fries) họ Nấm lỗ (Polyporaceae).

Mô tả

Dược liệu hình dải, gần hình cầu, hoặc khối dẹt, có khi phân nhánh, dài 5 - 25 cm, đường kính 2 - 6 cm. Mặt ngoài màu đen, xám đen hoặc nâu đen, nhăn nheo hoặc có mấu, bướu nhô lên. Thể nhẹ, chất cứng, mặt gãy màu trắng hoặc vàng nhạt, hơi có dạng hạt. Mùi nhẹ, vị nhạt.

Vi phẫu

Mặt cắt: Có các sợi nấm dày đặc, xen lẫn nhau. Lớp ngoài dày 27 - 54 mm, có các sợi nấm màu nâu, khó tách ra, các sợi nấm lớp trong không màu, ngoằn ngoèo, đường kính 2 - 10 mm; đôi khi có vách ngăn rõ, có các nhánh hoặc hạch phồng lên. Có nhiều tinh thể calci oxalat hình lăng trụ trong các sợi nấm, đa số có hình khối 8 mặt, hình nón kép tám mặt hoặc hình khối đa diện không đều, đường kính 3 - 60 mm, có khi tới  68 mm, đôi khi có những tinh thể hợp nhất lại.

Định tính

A. Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 10 ml dung dịch acid hydrocloric loãng (TT), đun sôi trong cách thuỷ khoảng 15 phút, khuấy đều, sẽ sinh ra chất nhớt.
B. Lấy một ít bột dược liệu, thêm một lượng vừa đủ dung dịch natri hydroxyd 20% (TT) khuấy đều sẽ có một thể vẩn, huyền phù.

Độ ẩm

Không quá 13% (Phụ lục 5.16, 1 g, 85oC, 4 giờ)

Tro toàn phần

Không quá 12% (Phụ lục 7.6).

Chế biến

Thu hoạch vào mùa xuân thu. Lấy dược liệu về, loại bỏ đất cát, phơi khô.

Bào chế

Dược liệu đã loại tạp chất, ngâm tẩm với nước, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi khô.

Bảo quản

Để nơi khô, thoáng mát.

Tính vị, quy kinh

Cam, đạm, bình. Vào các kinh thận, bàng quang.

Công năng, chủ trị

Lợi thuỷ, thấm thấp. Chủ trị: Tiểu tiện không thông lợi, phù thũng, tiêu chảy, đái rắt, tiểu đục, đới hạ.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 6 - 12 g.

Kiêng kỵ

Bệnh nhân đau thận, phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận.
Tỳ vị hư nhược mà không có thấp nhiệt thì kiêng dùng.

TRIẾT BỐI MẪU-Bulbus Fritillariae thunbergii-(Fritillaria thunbergii Miq.), họ Loa kèn trắng (Liliaceae)

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

TRIẾT BỐI MẪU

Bulbus Fritillariae thunbergii

Lá dự trữ đã phơi hay sấy khô của cây Triết bối mẫu (Fritillaria thunbergii Miq.), họ Loa kèn trắng (Liliaceae). Có 3 loại dược liệu Triết bối mẫu: Đại bối, Chu bối, Triết bối phiến.

Mô tả

Đại bối: Lá dự trữ bên ngoài của hành đặc hình bán nguyệt, cao 1 - 2 cm, đường kính 2 - 3,5 cm. Mặt ngoài  màu trắng đến vàng nhạt, phủ bột trắng, mặt trong màu trắng đến nâu nhạt. Chất cứng, giòn, dễ gẫy, mặt gẫy có màu trắng đến trắng ngà, nhiều tinh bột. Mùi nhẹ, vị hơi đắng.Chu bối: Thân hành hình cầu dẹt, cao 1 - 1,5 cm, đường kính 1 - 2,5 cm. Bên ngoài hơi trắng, hai vẩy ngoài dày, hình thận, dính vào nhau có chứa 2 - 3 vẩy nhỏ và có vết rõ của thân khô còn lại.Triết bối phiến: Những lát thái từ lá dự trữ ngoài vào trong của Triết bối mẫu có hình bầu dục hoặc hơi tròn, đường kính 1 - 2 cm, mặt cạnh có màu vàng nhạt, mặt bẻ có màu trắng hồng, nhiều tinh bột.

Soi bột

Màu trắng ngà. Soi kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột đơn, hình trái xoan hoặc bầu dục, đường kính 6 - 56 mm, rốn dạng điểm hoặc hình khe ngắn, hình chữ V hoặc chữ U ở đầu nhỏ hơn, đa số có vân rõ, đôi khi thấy có hạt kép đôi. Tế bào biểu bì hình nhiều cạnh hoặc hình chữ nhật, vách hơi lồi, đôi khi trông rõ lỗ khí với 4 - 5 tế bào kèm. Tinh thể calci oxalat nhỏ, đa số dạng hạt, một số ít hình thoi, hình vuông hoặc hình que. Nhiều mạch xoắn, đường kính tới 18 mm.
Định tính
A. Nhỏ 2 - 3 giọt dung dịch iod (TT) lên mặt cắt ngang dược liệu sẽ có màu tía lam, viền trắng ở cạnh.B. Lấy 1 g bột dược liệu thô, thêm vào 20 ml ethanol 70% (TT), đun hồi lưu trong cách thuỷ 30 phút, lọc, bốc hơi dịch lọc đến cắn. Hoà tan cắn trong 5 ml dung dịch acid hydrocloric 1% (TT), lọc, cho  dịch lọc vào 2 ống nghiệm. Nhỏ vào ống nghiệm thứ nhất 3 giọt  thuốc thử Dragendorff (TT) sẽ có tủa màu da cam. Nhỏ vào ống nghiệm thứ hai 1-3 giọt acid silicotungstic (TT), sẽ có tủa bông trắng.C. Quan sát bột dược liệu dưới ánh sáng tử ngoại  ở bước sóng 365 nm, có huỳnh quang màu lục nhạt.
D. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 4.4).
Bản mỏng: Silicagel  có chứa  natri carboxymethyl celulose.
Dung môi khai triển: ethylacetat - methanol - amoniac đậm đặc (17: 2:1).
Dung dịch thử: Lấy 5 g bột dược liệu, cho thêm 2 ml dung dịch amoniac đậm đặc (TT) và 20 ml benzen (TT). Ngâm qua đêm, lọc, bốc hơi 8 ml dịch lọc đến khô. Hoà tan cắn trong 1ml cloroform (TT).
Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g bột Triết bối mẫu, tiến hành chiết như đối với dung dịch thử.
ch tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng  20 ml mỗi dung dịch chuẩn và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng rồi phun thuốc thử Dragendorff (TT). Sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 12 % (Phụ lục 5.16, 1 g, 1050C, 5 giờ).

Tạp chất

Không quá 0,5% (Phụ lục 9.4).

Tỷ lệ vụn nát

Qua rây có kích thước mắt ray 3,150 mm:  Không quá 5%  (Phụ lục 9.5).

Chế biến 

Thu hoạch vào đầu mùa hạ, khi cây héo, đào lấy dược liệu, rửa sạch, loại bỏ tạp chất, phân loại  theo kích thước. Loại to đem loại bỏ mầm chồi giữa gọi là Đại bối. Loại nhỏ không loại chồi giữa gọi là Chu bối. Cả hai loại  này, đều được trà sát để loại bỏ vỏ ngoài, rồi trộn với bột vỏ sò đã nung khô, để hút dịch nước củ chảy ra sau đó đem phơi hoặc sấy khô.Lấy triết bối mẫu (không kể to hay nhỏ), đem loại bỏ chồi giữa, thái lát dày khi còn tươi, rửa sạch, phơi khô, gọi là Triết bối phiến.

Bào chế 

Lấy Triết bối mẫu, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái phiến, phơi khô hoặc đập thành vụn nhỏ.

Bảo quản

Để nơi khô, tránh mốc, mọt.

Tính vị, quy kinh

Khổ, hàn. Vào các kinh phế, tâm.

Công năng, chủ trị

Thanh nhiệt hoá đàm, thông uất khí, tán kết tụ. Chủ trị: Phong nhiệt, đàm nhiệt, ho phế ung, tràng nhạc, nhũ ung (viêm vú), nhọt độc.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 4,5 - 9 g, dạng thuốc bột, hoà bột vào nước sắc của thuốc thang để uống hoặc dùng dưới dạng  thuốc hoàn.

Kiêng kỵ

Không nên dùng chung với dược liệu loại Ô đầu.

TRẦM HƯƠNG (Gỗ) Lignum Aquilariae resinatum-(Trầm dó) (Aquilaria agallocha Roxb.)

TRẦM HƯƠNG (Gỗ)

Lignum Aquilariae resinatum

Gỗ có nhựa của cây Trầm hương (Trầm dó) (Aquilaria agallocha Roxb.) hay (Aquilaria crassna Pierre ex Lec.), hoặc của cây Bạch mộc hương (Aquilaria sinensis (Lour.) Gilg), họ Trầm (Thymelaeaceae).

Mô tả

Gỗ của cây Trầm dó: Dược liệu là những thanh hoặc mảnh, hình dạng không cố định, dài 10 - 20 cm, rộng 3 - 5 cm, có khi như thanh gỗ mục, rải rác có lỗ của sâu đục. Mặt ngoài lồi lõm, màu xám đất. Vết chẻ dọc màu nâu xám, thớ gỗ rõ. Chất rắn chắc, nặng, thả vào nước sẽ chìm hoặc nửa chìm nửa nổi. Đốt cháy có dầu chảy sùi ra, mùi thơm.
Gỗ của cây Bạch mộc hương: Dược liệu hình khối không đều, hình phiến hoặc hình mũ, có gỗ vụn, mặt ngoài lồi lõm, không phẳng, có vết dao chặt đẽo, có khi có lỗ hổng, có thể thấy nhựa màu nâu đen và bộ phận gỗ màu vàng nhạt, ở giữa có vân. Bề mặt xung quanh lỗ hổng  và những chỗ lõm xuống thường có vụn gỗ mục nát. Chất tương đối bền chắc, mặt bẻ gẫy như gai, phần lớn không chìm xuống nước. Thứ nặng chắc chứa nhiều dầu, có thể chìm xuống nước, mùi thơm sực nức, vị đắng.

Vi phẫu 

Gỗ của cây Trầm dó: Mạch gỗ rất to, thưa, đứng riêng lẻ hoặc dính liền 2 -3 mạch. Mô mềm gỗ tế bào nhỏ, xếp đều đặn, hoá gỗ nhiều. Tia ruột hẹp, gồm 1 -2 dãy tế bào. Sợi khó phân biệt với gỗ hoá mô cứng.
Gỗ của cây Bạch mộc hương: Tia gỗ có 1 - 2 hàng tế bào chứa đầy nhựa màu nâu. Mạch hình đa giác tròn, đường kính 42 - 128 mm, một số chứa nhựa màu nâu. Sợi gỗ hình đa giác, đường kính 20 - 45 mm, thành hơi dày và hoá gỗ. Libe ở giữa khoảng gỗ, dạng bầu dục dài, dẹt, hoặc dạng dây đai, thường giao nhau với tia gỗ, tế bào màng mỏng không hoá gỗ, bên trong chứa nhựa màu nâu;  rải rác có một ít sợi, một số tế bào mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ.

Bột

Gỗ của cây Trầm dó: Màu nâu bẩn, mùi thơm. Soi kính hiển vi thấy: Tế bào mô mềm gỗ màng không dày lắm, có lỗ trao đổi. Mảnh sợi to nhỏ không đều, riêng lẻ hoặc từng đám. Mảnh mạch đồng tiền.

Định tính

Tiến hành vi thăng hoa cao trầm hương chiết xuất bằng ethanol sẽ có chất dạng dầu màu nâu vàng, hương thơm ngát. Nhỏ vào 1 giọt acid hydrocloric (TT) với một ít vanilin và 1 -2 giọt  ethanol (TT), sẽ dần dần  hiện ra màu đỏ anh đào, màu này sẽ thẫm lại sau khi để yên.

Độ ẩm

Không quá 14 % (Phụ lục 9.6).

Tạp chất

Phần gỗ mục và các  tạp chất khác: Không quá 4 % (Phụ lục 9.4).

Chất chiết được trong dược liệu bằng ethanol

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng trong chuyên luận xác định chất chiết được trong dược liệu (Phụ lục 9.3). Dược liệu phải chứa không được ít hơn 15% chất chiết được bằng ethanol.

Chế biến 

Có thể thu hoạch Trầm hương quanh năm, chặt lấy gỗ có chứa nhựa cây, loại bỏ tạp chất và phần gốc không chứa nhựa, phơi âm can đến khô.

Bào chế 

Loại bỏ phần gỗ trắng khô, mục nát, chải rửa sạch, chẻ thành mảnh nhỏ, khi dùng giã vụn hoặc nghiền thành bột mịn, hoặc mài với nước, lấy bột phơi khô để dùng. Cũng có thể lấy Trầm hương đồ nóng cho mềm, thái lát mỏng cho vào thuốc sắc  hoặc nghiền nhỏ để dùng.

Bảo quản

Để nơi khô, mát, trong bao bì kín, tránh nóng.

Tính vị, quy kinh

Tân, khổ, vi ôn. Vào các kinh tỳ, vị, thận.

Công năng, chủ trị

Hành khí, chỉ thống, ôn trung ngừng nôn, thu nạp khí, bình xuyễn. Chủ trị: Ngực bụng trướng tức đau, vị hàn, nấc, thận hư, khí nghịch phát suyễn.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 1,5 - 4,5 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Dùng thuốc sắc nên cho vào sau. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Âm hư, hoả vượng không nên dùng.

THƯỜNG SƠN (Rễ) Radix Dichroae-(Dichroa febrifuga Lour.), họ Tú cầu (Hydrangeaceae)

THƯỜNG SƠN (Rễ)

Radix Dichroae

Rễ phơi hay sấy khô của cây Thường sơn  (Dichroa febrifuga Lour.), họ Tú cầu (Hydrangeaceae).

Mô tả

Rễ hình trụ, thường cong queo hoặc phân nhánh, dài 9 - 15 cm, đường kính 0,5 -2 cm. Mặt ngoài có màu vàng nâu, có sọc dọc nhỏ. Vỏ ngoài dễ bóc, chỗ bóc để lộ ra phần gỗ màu vàng nhạt. Chất cứng, khó bẻ gẫy, khi bẻ gẫy có bột bay ra. Mặt cắt ngang có màu trắng vàng, tia có màu trắng, xắp xếp theo hướng xuyên tâm. Không mùi, vị đắng.

Vi phẫu 

Lớp bần gồm vài hàng tế bào. Vỏ mỏng, có vài tế bào chứa khối nhựa hoặc tinh thể calci oxalat hình kim. Dải libe hẹp, có nhiều tinh thể calci oxalat hình kim. Tầng phát sinh libe - gỗ thành vòng lượn sóng không đều, gỗ chiếm phần chủ yếu (tất cả đều hoá gỗ). Tia gỗ rộng, hẹp khác nhau. Mạch hình nhiều cạnh, rải rác, đơn lẻ hay tập hợp lại, một số có chứa thể nút màu vàng. Tế bào mô mềm chứa hạt tinh bột.

Định tính

Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 10 ml ethanol 70% (TT), đun hồi lưu trong cách thuỷ 15 phút, để nguội, lọc. Bốc hơi dịch lọc đến khô, cho thêm 2 ml dung dịch acid hydrocloric 1% (TT) vào cắn, khuấy và lọc. Nhỏ 2 giọt  thuốc thử  Dragendorff (TT) vào dịch lọc, sẽ có tủa màu đỏ nâu.    

Độ ẩm

Không quá 12% (Phụ lục 5.16, 1 g, 1050C, 5 giờ).

Chế biến 

Thu hoạch vào mùa thu, đào lấy rễ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

Bào chế 

Bỏ tạp chất, phân loại rễ to, nhỏ, ngâm nước, ủ mềm, thái lát mỏng phơi hoặc sấy khô.
Sao tửu Thường sơn (chế rượu): Rễ thái lát tẩm rượu cho ướt đều, ủ cho ngấm, sao nhỏ lửa đến khi rễ có màu vàng thẫm, lấy ra để nguội. 100 kg rễ Thường  sơn cần 10 lít rượu.

Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng.

Tính vị, quy kinh

Khổ, tân, hàn, có độc. Vào các kinh phế, can, tâm.

Công năng, chủ trị

Triệt ngược, trừ đàm. Chủ trị: Sốt rét.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 5 - 9 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Chú ý

Dược liệu có tác dụng phụ là gây nôn, không dùng quá liều, có thai phải dùng thận trọng.

THUỶ XƯƠNG BỒ-(Thân rễ)-Rhizoma-Acori calami-(Acorus calamus L. var. angustatus Bess), họ Ráy (Araceae)

THUỶ XƯƠNG BỒ (Thân rễ)

Rhizoma Acori calami

Thân rễ đã phơi khô được chế biến của cây Thuỷ xương bồ (Acorus calamus L. var. angustatus Bess), họ Ráy (Araceae).

Mô tả

Thân rễ hình trụ hơi dẹt, cong queo, có khi dài tới 1 m, phân nhánh ở phần đầu thân rễ, mỗi nhánh dài 5-8 cm. Bề dày thân rễ 0,5 - 2 cm. Mặt ngoài màu vàng nâu, mặt cắt ngang có lớp bần màu nâu, vòng nội bì rõ màu nâu nhạt nhiều chấm vàng (bó libe -gỗ) và lỗ khuyết nhỏ.

Vi phẫu

Vi phẫu cắt ngang có hình tròn hơi dẹt. Tỷ lệ giữa phần từ lớp bần đến vòng nội bì và từ nội bì vào trung tâm là 0,7: 1. Lớp bần có những tế bào hình chữ nhật màu hơi nâu, dễ bong ra. Phần mô mềm vỏ có nhiều khuyết, đường kính khuyết trung bình 102 mm, có nhiều bó sợi hình tròn, đường kính 102 mm. Nhiều tế bào chứa tinh dầu màu vàng nhạt. Nhiều hạt tinh bột đơn hoặc kép trong tế bào mô mềm. Sát vòng nội bì có một lớp bó libe - gỗ xếp thưa, mỗi bó đường kính trung bình 306 mm, ở giữa có các tế bào chứa các tinh thể calci oxalat bám sát ở bên ngoài các bó sợi. Vòng nội bì có một lớp tế bào hình chữ nhật.
Phần mô ruột: Sát vòng nội bì có một lớp bó libe-gỗ, kích thước tương tự nhau (306 mm) xếp đều đặn. Bên trong ruột cũng có các bó libe-gỗ sắp xếp không có quy luật.

Bột

Màu nâu nhạt, mùi thơm đặc trưng của Xương bồ. Soi kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột đơn hoặc kép, đường kính 3-5 mm. Mảnh mô mềm gồm nhiều tế bào màng mỏng. Rải rác có sợi và một ít tinh thể calci oxalat hình nhiều cạnh. Tế bào chứa tinh dầu màu nâu nhạt. Mảnh bần gồm tế bào nhiều cạnh, màu nâu.

Độ ẩm

Không quá 12% (Phụ lục 9.6).

Tạp chất

Không quá 1% (Phụ lục 9.4).

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 4.4).
Bản mỏng: Silicagel G đã hoạt hoá ở 1050C trong 1 giờ.
Dung môi khai triển: n-hexan- ethylacetat (85:15).
Dung dịch thử: Lấy phần tinh dầu sau khi định lượng (xem mục định lượng) hoà tan trong methanol (TT) thành dung dịch 5% (tt/tt).
Dung dịch đối chiếu: Lấy thân rễ Xương bồ, cất lấy tinh dầu,  hoà tan trong methanol để được dung dịch 5% (tt/tt).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, để khô bản mỏng ngoài không khí, phun dung dịch  vanilin 2% trong methanol có acid sulfuric đặc.  Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
(Ghi chú: Sắc ký cho 14 vết. Vết số 6 cho màu tím đậm, và diện tích lớn nhất, Rf = 0,44 tương ứng với hợp chất asaron).

Định lượng

Định lượng tinh dầu theo phương pháp "Định lượng tinh dầu trong dược liệu"  đối với tinh dầu nặng hơn nước (Phụ lục 9.2).
Dược liệu phải chứa ít nhất 2% tinh dầu.

Chế biến

Thu hái vào mùa xuân, thu. Đào lấy rễ già, rửa sạch, cho lên giàn và đốt lửa ở dưới để cháy hết các bẹ, rễ con và giảm thủy phần. Sau đó cắt thành từng đoạn dài 8 - 15 cm, cắt bỏ rễ con còn sót lại, phơi nắng hay sấy ở 50 - 60oC đến khô.

Bào chế

Lấy dược liệu khô, rửa sạch, ngâm qua, ủ mềm, bào hay thái lát, phơi khô hoặc sao khô.

Bảo quản

Để ở nơi khô, trong bao bì kín, tránh mốc, tránh ẩm, nóng.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào các kinh tâm, can, đởm.

Công năng, chủ trị

Khai khiếu, hóa đàm, giải độc, sát trùng, tán phong trừ thấp, khai vị. Chủ trị: Đàm nghịch, kinh giản, phong hàn tê thấp, viêm dạ dày mạn, chán ăn.
Dùng ngoài: Trị nhọt, lở ngứa, đắp nơi đau.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 3 - 8 g, dạng nước sắc hoặc hoàn tán.
Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Dùng ngoài: Lượng thích hợp.

Kiêng kỵ

Âm hư, hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi không nên dùng.

THIÊN NAM TINH (Thân rễ)-Rhizoma Arisaematis-(Arisaema erubescens (Wall.) Schott.)

THIÊN NAM TINH (Thân rễ)

Rhizoma Arisaematis

 Thân rễ khô đã cạo vỏ ngoài của cây Thiên nam tinh (Arisaema erubescens (Wall.) Schott.), cây Dị diệp thiên nam tinh (Arisaema heterophyllum Bl.), hoặc cây Đông bắc Thiên nam tinh (Arisaema amurense Maxim.), họ Ráy (Araceae).

Mô tả

Thân rễ dạng củ hình cầu dẹt, dày 1 - 2 cm, đường kính 1,5 - 6,5cm. Mặt ngoài màu trắng hoặc nâu nhạt, tương đối nhẵn, bóng, một số củ lại nhăn nheo. Đỉnh còn vết lõm của gốc thân. Xung quanh có những chấm nhỏ là vết của rễ con. Có khi quanh vết lõm gốc thân có các chồi thân rễ nhỏ hình cầu dẹt. Chất cứng rắn, khó bẻ, mặt bẻ phẳng, màu trắng, có tinh bột, hơi có mùi cay nhẹ, vị cay tê.

Bột

Màu trắng, hạt tinh bột chủ yếu là hạt đơn, hình cầu hoặc hình trứng, đường kính 2 - 17 mm, rốn có dạng điểm, dạng kẽ nứt, có thể trông thấy lờ mờ đường vân tăng trưởng ở  các hạt lớn. Có ít hạt tinh bột kép do 2 - 12 hạt đơn hợp thành. Tinh thể calci oxalat hình kim dài 63 - 131 mm nằm rải rác hoặc thành bó trong tế bào chứa dịch nhày. Tinh thể calci oxalat hình lăng trụ có trong tế bào mô mềm, kèm theo những ống mạch đường kính  3 - 20 mm.

Độ ẩm

Không quá 14 % (Phụ lục 5.16, 1 g, 1050C, 5 giờ).

Tạp chất

Không quá 1 % (Phụ lục 9.4).

Chế biến

Thu hoạch vào mùa thu, mùa đông, khi thân, lá khô héo, đào lấy thân rễ, loại bỏ rễ con, cạo vỏ ngoài, rửa sạch, phơi hay sấy khô.

Bào chế

Sinh thiên nam tinh: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch làm khô.
Chế thiên nam tinh: Lấy Thiên nam tinh sạch, phân loại lớn, nhỏ, ngâm nước lạnh, mỗi ngày thay nước 2 - 3 lần. Số ngày ngâm căn cứ vào chất lượng dược liệu và cỡ củ to nhỏ. Ngâm đến khi nổi bọt trắng. Sau khi thay nước, cho thêm bạch phàn, cứ 100 kg thiên nam tinh cần 2 kg Bạch phàn. Sau khi ngâm 1 ngày lại thay nước, cho đến khi bổ ra, nhấm, lưỡi hơi có cảm giác tê thì lấy ra. Xếp đều củ vào nồi thành từng lớp cùng với các lát Sinh khương và Bạch phàn lót trong nồi, cho thêm nước (lượng thích hợp), đun sôi cho đến khi củ mềm (trong củ không còn lõi trắng). Nhặt bỏ gừng, phơi khô đến không dính tay (khô 4 hoặc 6 phần 10), thái lát mỏng, phơi hoặc sấy khô. Cứ 100 kg Thiên nam tinh cần 125 kg Sinh khương, 12,5 kg Bạch phàn.

Bảo quản

Để nơi khô, thoáng, tránh sâu, mọt.

Tính vị, quy kinh

Khổ, tân, ôn, có độc. Vào các kinh phế, can, tỳ.

Công năng, chủ trị

Táo thấp, hoá đờm, khu phong, ngừng co cứng, tán kết, tiêu thũng. Chủ trị: Ngoan đàm ho, phong tật chóng mặt, trúng phong đờm nghẽn, liệt mặt, bại liệt nửa người, động kinh, co giật, phá thương vong (uốn ván).
Dược liệu sống chỉ dùng ngoài trị ung thũng, rắn cắn, côn trùng cắn gây thương tổn.

Cách dùng, liều lượng

Thiên nam tinh chế: Ngày dùng 3 - 9 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Dùng ngoài: Tán bột, hoà với giấm hoặc rượu đắp nơi đau, lượng thích hợp.

Kiêng kỵ

Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận.

THẦN KHÚC-Massa medicata fermentata-Lục thần khúc

THẦN KHÚC

Massa medicata fermentata

Lục thần khúc

Thần khúc thường được chế biến từ một số vị thuốc đông y phối hợp với bột mỳ hoặc bột gạo, trộn đều, ủ kín cho lên mốc vàng rồi phơi khô thành bánh thuốc.

Công thức

Công thức Lục thần khúc thường có: Bột mỳ, bột Hạnh nhân, bột Xích tiểu đậu, nước ép cây Thanh hao, cây Thương nhĩ (ké), cây Dã liệu (nghể) tươi. Trộn đều, ủ kín cho lên mốc vàng, đem phơi khô. Thần khúc thường đóng thành bánh hoặc nắm thành từng thỏi, thời gian chế biến, sản xuất thần khúc tốt nhất vào mùa hè. Số vị thuốc chế thần khúc, lúc đầu chỉ có 6 vị, sau tăng dần lên tới 30 - 50 vị. 

Tính vị, quy kinh

Tân, cam, ôn. Vào các kinh tỳ, vị.

Công năng, chủ trị

Tiêu thực, hoà vị, hành khí, kiện tỳ, dưỡng vị, phát biểu, hoà lý. Chủ trị: Chữa ăn uống tích trệ, đầy trướng, nôn, ỉa chảy, đi lỵ phát nhiệt, cảm lạnh, cảm nắng. Ngoài ra còn làm lợi sữa

Cách dùng liều lượng

Ngày dùng 4 - 12 g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột, thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

THẠCH XƯƠNG BỒ LÁ TO-(Thân rễ)-Rhizoma Acori graminei macrospadici-(Acorus gramineus Soland. var. macrospadiceus Yamamoto Contr.), họ Ráy (Araceae)

THẠCH XƯƠNG BỒ LÁ TO (Thân rễ)

Rhizoma Acori graminei macrospadici

Thân rễ đã phơi khô của cây Thạch xương bồ lá to (Acorus gramineus Soland. var. macrospadiceus Yamamoto Contr.), họ Ráy (Araceae).

Mô tả

Thân rễ hình trụ dẹt, dài 20 - 35 cm, dầy 5 - 7 mm, đốt dài 7 - 8 mm, hoặc 1 cm về phía ngọn. Phía ngọn đôi khi phân 2 - 3 nhánh phụ, mỗi nhánh dài khoảng 5 cm, ở mỗi đốt có các rễ thưa và cứng. Khi khô vỏ thân rễ có màu nâu gỉ sắt. Thể chất cứng, vết bẻ có nhiều xơ. Thân rễ có mùi thơm đặc trưng của Xương bồ.

Vi phẫu

Thiết diện của thân rễ hình trái xoan. Tỷ lệ giữa phần từ lớp bần đến vòng nội bì và từ nội bì vào trung tâm là 2: 1.
Lớp bần gồm những tế bào màu hơi nâu. Phần mô mềm vỏ có nhiều bó sợi hình tròn, đường kính khoảng 102 mm. Nhiều bó sợi bên ngoài có tinh thể calci oxalat. Có nhiều tế bào chứa tinh dầu, kích thước khoảng 50 mm, Nhiều hạt tinh bột đơn hoặc kép. Sát vòng nội bì có một lớp bó libe gỗ xếp thưa. Mỗi bó có đường kính khoảng 336 mm. Libe ở hai đầu, gỗ ở giữa.
Vòng nội bì có một lớp tế bào hình chữ nhật. Phần mô ruột có nhiều bó libe gỗ. Gỗ ở ngoài, libe ở trong, có một vòng bó libe - gỗ thưa xếp sát vòng nội bì. Bên trong vòng nội bì có nhiều bó libe - gỗ xếp không có quy luật.

Soi bột

Bột hơi màu vàng, mùi thơm đặc trưng của Thạch xương bồ. Mảnh mô mềm gồm tế bào màng mỏng có nhiều hạt tinh bột đơn hoặc kép. Các tế bào chứa tinh dầu màu nâu nhạt. Nhiều đám sợi có tinh thể calci oxalat hình khối lăng trụ.

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 4.4)
Bản mỏng: Silicagel G.
Hệ dung môi khai triển: n - hexan - ethyl acetat (85:15).
Dung dịch thử: Lấy phần tinh dầu sau khi định lượng (xem mục định lượng) hoà tan trong methanol (TT) thành dung dịch 5% (tt/tt).
Cách tiến hành: Chấm lên bản mỏng khoảng 20 ml dung dịch thử. Sau khi triển khai sắc ký, để khô bản mỏng ngoài không khí, phun dung dịch vanilin 2% trong methanol có acid sulfuric đặc (TT). Sắc ký đồ cho 15 vết. Vết số 7 cho màu tím đậm và diện tích lớn nhất và có giá trị Rf= 0,44 (tương ứng với hợp chất asaron).

Độ ẩm

Không quá 12% (Phụ lục 9.6)

Tạp chất

Không quá 1% (Phụ lục 9.4)

Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu, đối với tinh dầu nặng hơn nước (Phụ lục 9.2). Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 1,5%.

Chế biến

Thu hoạch vào mùa thu, đào lấy thân rễ, rửa sạch, loại bỏ rễ con, phơi khô.

Bào chế

Loại bỏ tạp chất, ngâm dược liệu trong nước cho mềm, cắt thành miếng, phơi khô.

Bảo quản

Để nơi khô, mát, tránh mốc mọt.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào các kinh tâm, can, tỳ.

Công năng, chủ trị

Thông khiếu, trục đờm, thêm trí nhớ, tán phong, khoan trung khử thấp, giải độc, sát trùng. Chủ trị: Bệnh phong điên giản, đởm tắc hôn mê, hay quên, mộng nhiều, phong hàn tê thấp, khí tắ, tai điếc, đi lỵ đau bụng không ăn được, sưng đau do sang chấn. Dùng ngoài, trị mụn nhọt, ghẻ lở chảy nước.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 2,5 - 5 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Âm hư, hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi, không nên dùng.

THANH BÌ-Pericarpium Citri reticulatae viride-Citrus reticulata Blanco), họ Cam (Rutaceae)

THANH BÌ

Pericarpium Citri reticulatae viride

Vỏ quả non rụng hoặc vỏ quả chưa chín, phơi hay sấy khô của cây Quýt (Citrus reticulata Blanco), họ Cam (Rutaceae). Có 2 loại vỏ: Tứ hoa thanh bì và Cá thanh bì.

Mô tả

Tứ hoa thanh bì: Vỏ quả được bổ thành 4 miếng đến đáy gốc, 4 mảnh này hình thái không giống nhau, phần lớn cong vào phía trong, vỏ mỏng, hình bầu dục dài, chiều dài miếng 4-6 cm, dày 0,1-0,2 cm. Mặt ngoài màu lục xám hoặc màu lục đen, hơi ráp, có nhiều túi tiết, mặt trong màu trắng hoặc trắng vàng, ráp, có các gân trắng ngà hoặc nâu vàng nhạt. Chất hơi cứng, dễ bẻ gẫy, mặt cắt có 1-2 hàng túi tiết ở phần ngoài. Mùi thơm ngát, vị đắng, cay. Vỏ màu lục đen, mặt trong trắng nhiều tinh dầu là tốt.
Cá thanh bì: Gần hình cầu, đường kính 0,5-2 cm. Mặt ngoài lục xám hay lục đen, hơi ráp, có nhiều túi tiết nhỏ và chìm. Ở đỉnh quả có vòi nhụy hơi nhô lên, ở gốc quả có vết sẹo tròn của cuống quả. Chất cứng, mặt cắt màu trắng ngà hoặc màu nâu vàng nhạt, dày 1-2 mm, có 1-2 hàng túi tiết ở phần ngoài. Mùi thơm ngát, vị đắng cay.

Bột

Tứ hoa thanh bì: Bột màu lục xám hoặc nâu xám, nhiều tế bào mô mềm không đều nhau, thành hơi dày, một số dạng chuỗi hạt. Tế bào biểu bì vỏ quả hình đa giác hoặc hình gần vuông khi nhìn trên bề mặt, thành dày lồi lên. Tinh thể calci oxalat hình lăng trụ có trong tế bào mô mềm gần biểu bì, tế bào hình nhiều cạnh, hình thoi, hoặc vuông, đường kính 8-28 mm, dài 24-32 mm. Tinh thể hesperidin vàng nâu nhạt, hình bán cầu, tròn hoặc khối không đều. Mạch xoắn và mạch lưới nhỏ.
Cá thanh bì: Tế bào biểu bì của múi  cơm quả dài, hẹp, thành mỏng, một số hơi uốn lượn, có chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ kích thước tương tự như ở vỏ quả; cũng có tinh thể hesperidin.

Độ ẩm

Không qúa 12% (Phụ lục 9.6).

Định tính

A. Lấy 0,3 g bột dược liệu, thêm 10 ml methanol (TT), đun hồi lưu trên cách thuỷ 20 phút, lọc. Lấy 1 ml dịch lọc, thêm một ít bột magnesi (TT) và vài giọt acid hydrocloric (TT), màu đỏ anh đào sẽ hiện dần ra.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 4.4)
Bản mỏng: Silicagel G đã hoạt hoá ở 110 0C trong 30 phút.
Dung môi khai triển: Cloroform - methanol - acid acetic băng - butanol (13:0,4:0,1:0,1).
Dung dịch thử: Dùng 5 ml dịch lọc ở phản ứng A, cô trên cách thuỷ còn 1 ml.
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch hesperidin bão hoà methanol. Nếu không có hesperidin, lấy 0,3 g bột Thanh bì rồi tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký xong, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch nhôm clorid 1% trong methanol (TT), quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc đồ của dung dịch đối chiếu.

Chế biến

Thu hoạch vào tháng 5-6, thu thập các quả quít non tự rơi rụng, rửa sạch, phơi khô (thường gọi là Cá thanh bì). Tháng 7-8 thu hái quả chưa chín rửa sạch, bổ dọc thành 4 mảnh vỏ dính nhau ở đáy quả, loại bỏ hoàn toàn ruột, phơi khô (thường gọi là Tứ hoa thanh bì).

Bào chế

Lấy thanh bì, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày hoặc thành sợi, phơi khô.
Thố thanh bì (chế giấm): Trộn đều miếng hoặc sợi Thanh bì với giấm, cho vào nồi, sao nhỏ lửa đến có màu hơi vàng, lấy ra phơi khô. Cứ 100 kg Thanh bì dùng 15 lít giấm.

Bảo quản

Để nơi khô.

Tính vị, quy kinh

Khổ, tân, ôn. Vào các kinh can, đởm, vị.

Công năng, chủ trị

Sơ can, phá khí, tiêu tích, hoá trệ. Chủ trị: Ngực sườn đau trướng, sán khí, hạch vú, nhọt vú, thực tích đau bụng.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 6 - 9 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Người can huyết hư không có khí trệ thì kiêng dùng.

TAM LĂNG-Rhizoma Sparganii Sparganium stoloniferum Buch.- Ham.)

TAM LĂNG

Rhizoma Sparganii

Thân rễ phơi hay sấy khô của cây Hắc Tam lăng (Sparganium stoloniferum Buch.- Ham.), họ Hắc Tam lăng (Sparganiaceae).

Mô tả

Dược liệu hình nón, hơi dẹt, dài 2 - 6 cm, đường kính 2 - 4 cm. Mặt ngoài màu trắng ngà hoặc vàng xám, nhăn, sần sùi, có vết dao cắt và những đốm sợi, sẹo của rễ sợi nhỏ xếp theo vòng ngang. Chất rắn chắc, nặng. Không mùi, vị nhạt, nhấm hơi có cảm giác tê lưỡi.

Vi phẫu

Mô khí của vỏ gồm những tế bào mô mềm có nhánh, các đầu nhánh nối liền với nhau tạo thành những khoảng gian bào. Tế bào nội bì sắp xếp dày đặc. Tế bào mô mềm ở trụ tròn, thành hơi dày, chứa những hạt tinh bột, rải rác có những bó mạch đôi ở bên, mạch không bị hoá gỗ. Tế bào tiết rải rác trong vỏ và trụ chứa chất tiết màu đỏ nâu nhạt.

Độ ẩm

Không quá 12 % (Phụ lục 5.16, 1 g, 1050C, 5 giờ).

Chế biến

Thu hoạch vào mùa đông đến mùa xuân, đào lấy rễ, rửa sạch, cạo lớp vỏ ngoài, phơi khô.

Bào chế

Loại bỏ tạp chất, ngâm, ủ mềm, thái lát mỏng, phơi khô.
Thố Tam lăng (chế giấm): Lấy Tam lăng phiến, tẩm giấm, ủ mềm, sao đến khi màu biến thành thâm. Hoặc lấy Tam lăng sạch, luộc chín đến 5/10 đến 6/10, thêm giấm vào lại đun chín 8/10, ngừng cho nước (lúc này không nên còn nhiều nước), ngừng đun, đậy kín vung và ủ cho mềm. Ngâm xong, lấy ra phơi nắng cho vỏ ngoài ráo nước, thái thành phiến, phơi khô. Cứ 10 kg Tam lăng cần 1,5 lít giấm.

Bảo quản

Để nơi khô, tránh mọt.

Tính vị, quy kinh

Tân, khổ, bình. Vào các kinh can, tỳ.

Công năng, chủ trị

Phá huyết, hành khí, tiêu tích, chỉ thống. Chủ trị: Trưng hà bĩ khối, ngực bụng đầy, ứ huyết, kinh nguyệt bế tắc sau khi đẻ, đau bụng do thực tích.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 4,5 - 9 g, dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ

Phụ nữ có thai cấm dùng.

SƠN ĐẬU CĂN-Radix Sophorae tonkinensis (Sophora tonkinensis Gagnep.)

SƠN ĐẬU CĂN

Radix Sophorae tonkinensis

Rễ phơi hay sấy khô của cây Sơn đậu hay "Hoè Bắc bộ" (Sophora tonkinensis Gagnep.), họ Đậu (Fabaceae).

Mô tả

Rễ có hình trụ, dài, thường chia nhánh, dài, ngắn khác nhau, đường kính 0,7 - 1,5 cm. Mặt ngoài có màu nâu đến màu nâu xỉn, có nếp nhăn dọc không đều và những lỗ bì nổi lên theo chiều ngang. Chất cứng, bền, dai, khó bẻ gẫy. Mặt gẫy màu nâu nhạt, gỗ màu vàng nhạt. Mùi đặc biệt (mùi đậu). Vị hơi đắng.

Vi phẫu

Lớp bần có vài hàng đến 10 hàng tế bào, có khi hơn. Phía ngoài của lớp vỏ, có 1 - 2 hàng tế bào hoá gỗ thành dày chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ, tạo thành một vòng không liên tục. Mô mềm vỏ và libe rải rác có các bó sợi. Tầng sinh libe - gỗ thành vòng tròn. Phần gỗ phát triển. Tia gỗ rộng, có 1 - 8 tế bào; mạch hình tròn, thường rải rác đơn lẻ, 2 hoặc nhiều mạch hơn họp thành đám, một số chứa chất màu nâu. Sợi gỗ xếp thành đám rải rác. Tế bào mô mềm chứa đầy hạt tinh bột. Một số chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ.

Bột

Hạt tinh bột to nhỏ không đều, đơn hoặc kép 2 - 6 hạt. Mảnh mạch điểm, mạch vạch, tinh thể calci oxalat hình lăng trụ, mảnh bần, mảnh mô mềm có chứa hạt tinh bột.

Định tính

A. Nhỏ 1 giọt dung dịch natri hydroxyd (TT) vào bên ngoài rễ, sẽ hiện màu đỏ cam đến đỏ huyết để lâu không phai.
B. Lấy khoảng 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol 70 % (TT), đun hồi lưu trong cách thuỷ 30 phút, lọc, bốc hơi dịch lọc đến cắn, thêm 5 ml dung dịch acid hydrocloric 1% (TT) để hoà tan cắn, lọc. Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 1 giọt thuốc thử Mayer (TT), sẽ có tủa màu vàng nhạt.
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 4.4.).
Bản mỏng: Silicagel G, đã hoạt hoá ở 1100C trong 30 phút.
Dung môi khai triển: Cloroform - methanol - amoniac đậm đặc (8: 2: 0,2).
Dung dịch thử: Lấy khoảng 0,5 g bột thô dược liệu, thêm 5 ml cloroform (TT) và 0,2 ml amoniac đặc trong khoảng 15 phút, lọc. Bốc hơi dịch lọc tới cắn. Hoà tan cắn trong 0,5 ml cloroform.
Dung dịch đối chiếu: Lấy khoảng 1 g bột Sơn đậu căn, chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 2 ml mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch thuốc thử Dragendorf (TT). Trên sắc ký đồ, dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu và giá trị Rfvới các vết của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 13% (Phụ lục 5.16, 1 g, 1050C, 5 giờ).

Tạp chất (Phụ lục 9.4)

Cổ rễ và mảnh thân còn sót lại:  Không quá 2%.
Tạp chất khác: Không quá 1 %.

Chế biến

Thu hoạch vào mùa thu, đào lấy rễ, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi hay sấy khô.

Bào chế

Loại bỏ thân còn sót lại và các tạp chất khác, ngâm nước, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi hay sấy khô.

Bảo quản

Để nơi khô.

Tính vị, quy kinh

Khổ, hàn, có độc. Vào các kinh phế, vị.

Công năng, chủ trị

Thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng thông lợi yết hầu (họng). Chủ trị: Hoả độc uất kết, họng và lợi răng sưng đau.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 3 - 9 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

Kiêng kỵ

Tỳ vị hư hàn không dùng.

SÀ SÀNG (Quả)-Fructus Cnidii-Giần sàng-(Cnidium monnieri (L.) Cuss.)

SÀ SÀNG (Quả)

Fructus Cnidii

Giần sàng

Quả chín đã phơi khô của cây Sà sàng, còn gọi là Giần sàng (Cnidium monnieri (L.) Cuss.), họ Hoa tán (Apiaceae).

Mô tả

Quả đóng đôi, hình trứng tròn, dài 2 - 4 mm, đường kính 1 - 2 mm. Mặt ngoài nhẵn, màu vàng sẫm hoặc nâu. Đỉnh có 2 vòi mảnh, gốc quả đôi khi mang cuống quả nhỏ. Mỗi phần quả có 5 sườn lồi nhỏ, ngăn cách bởi 4 rãnh nhỏ. Mặt tiếp hợp phẳng, ở giữa có một vết lõm. Cắt ngang thấy có 6 ống tiết và 1 hạt hình thận. Mùi thơm, vị cay.

Vi phẫu

Vỏ quả ngoài và vỏ quả trong cấu tạo bởi một lớp tế bào dẹt. Vỏ quả giữa có 6 ống tiết: 4 ống tiết ở dưới các rãnh nhỏ và 2 ống tiết ở mặt tiếp hợp. Trong mỗi sườn lồi có một bó libe - gỗ. Vỏ hạt gồm một lớp tế bào màu nâu nhạt, có một bó libe - gỗ (sống noãn) trên mặt tiếp hợp. Nội nhũ cấu tạo bởi tế bào hình nhiều cạnh chứa nhiều hạt alơron, trong có tinh thể calci oxalat nhỏ.

Soi bột

Màu nâu sẫm. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh vỏ quả ngoài tế bào hình đa giác, mảnh vỏ quả giữa tế bào hình chữ nhật có những chấm màu vàng, ống tiết tròn màu nâu, mảnh mạch vạch.

Định tính

A. Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol, đun trong cách thuỷ dưới ống sinh hàn ngược trong 30 phút, lọc bằng phễu sứ, lấy dịch lọc làm các thí nghiệm sau:
Dịch lọc đem quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở 365 nm, có huỳnh quang màu đỏ tía - xanh.
Lấy 2 ml dịch lọc, thêm đồng thể tích dung dịch natri carbonat 3% (TT), đun trong 5 phút. Để nguội, thêm 1 - 2 giọt dung dịch diazo p - nitroanilin, màu đỏ anh đào xuất hiện.
Cách pha hỗn hợp diazo p - nitroanilin: Hoà tan 0,4 g p - nitroanilin trong một hỗn hợp gồm 20 ml dung dịch acid hydrocloric loãng và 40 ml nước, làm lạnh ở 15oC (TT) và thêm dung dịch acid nitric 10% (TT) cho đến khi một giọt dung dịch làm giấy hồ tinh bột có iodid chuyển thành màu xanh.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 4.4):
Bản mỏng: Silicagel G có chứa natri carboxy-methylcelulose
Hệ dung môi khai triển: Benzen - ethyl acetat (30: 1).
Dung dịch thử: Lấy khoảng 0,3 g bột dược liệu thô, thêm 5 ml ethanol, lắc siêu âm trong 5 phút, lấy phần dịch trong ở trên làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Hoà tan osthol trong ethanol để thu được dung dịch có chứa 1 mg osthol/ml. Nếu không có chất đối chiếu osthol thì dùng 0,3 g bột Sà sàng, tiến hành chiết như với dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra để khô ngoài không khí. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở 365 nm. Trên sắc ký đồ dung dịch thử phải có vết cùng giá trị Rf và màu sắc với vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 13% (Phụ lục 9.6).

Tạp chất

Không quá 1% (Phụ lục 9.4).

Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 9.2). Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 1% tính theo dược liệu khô.

Chế biến

Nhổ hay cắt cả cây, phơi khô, đập lấy quả, loại bỏ tạp chất, phơi khô.

Bảo quản

Để nơi khô mát, tránh làm mất tinh dầu.

Tính vị, quy kinh

Khổ, vi tân, mùi thơm hắc, ôn, hơi có độc. Vào hai kinh thận, tam tiêu.

Công năng, chủ trị

Cường dương, ôn thận, sát trùng, tán hàn. Chủ trị: Liệt dương, di tinh, mộng tinh, hoạt tinh, viêm loét âm đạo, âm hộ ngứa, ra khí hư đỏ lẫn trắng, phong thấp, đau khớp, nhiễm trùng ngoài da.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 3 - 9 g, dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài: Nấu nước xông, rửa, lượng thích hợp.

Kiêng kỵ

Người thận suy, hoả bốc hay cường dương không nên dùng.