Bào chế dược liệu BẠCH VI-Cynanchum atratum Bunge.

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

BẠCH VI


Tên khoa học: Cynanchum atratum Bunge.; Họ thiên lý (Asclepiadaceae)
Bộ phận dùng: Rễ. Rễ thành chùm nhỏ, sắc trắng ngà. Không nhầm rễ bạch vi với rễ bạch tiền. Rễ bạch vi màu nâu, hơi mềm, hơi đắng và mặn; rễ bạch tiên ngọt hơn, màu trắng hơn, bẻ giòn hơn.
Thành phần hóa học: chứa chất dầu.
Tính vị - quy kinh: Vị đắng, mặn, tính bình. Vào kinh vị.
Tác dụng: Thanh huyết nhiệt
Chủ trị: Trị lậu huyết, âm hư phát nhiệt, chứng phong ôn mà sốt nóng (dùng sống); sản hậu hư nhược, buồn nôn (dùng chín)
Liều dùng:  Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: hay ỉa chảy thì không nên dùng
Cách bào chế:
Theo Trung y:
-   Ngâm nước vo gạo nếp một đêm lấy ra bỏ hết râu ria, giã nốt, đồ lên 3 giờ, phơi khô (Lôi Công)
-   Rửa rượu rồi dùng (Lý Thời Trân)
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa sạch, để ráo, cắt ngắn 1 - 2 cm, phơi khô dùng sống (cách này thường dùng)
Có trường hợp tẩm qua rượu (để hành chân huyết)
Bảo quản: đậy kín.

Bào chế dược liệu BẠCH TRUẬT-Atractylodes macrocephata Koidz.

BẠCH TRUẬT

Tên khoa học: Atractylodes macrocephata Koidz.; Họ cúc (Asteraceae)
Bộ phận dùng: thân rễ (vẫn gọi là củ).
Củ cứng nhắc, có dầu thơm nhẹ, giữa trắng ngà là tốt. Ngoài ra còn có thứ ứ truật, cống truật là thứ truật tốt hơn. Bạch truật không phải ủ hay đồ hoặc tẩm sao. Không nên nhầm với nam bạch truật (Gynurasinensis, họ cúc).
Thành phần hóa học: Có tinh dầu 1,4% (chủ yếu là atractylola và atractylon), có sinh tố A.
Tính vị - quy kinh: Vị đắng, ngọt, tính ôn. Vào hai kinh tỳ và vị.
Tác dụng: hòa trung tiêu, ích khí, kiện tỳ, trừ thấp nhiệt, sinh tân dịch.
Chủ trị:
-   Dùng sống: trị thấp nhiệt
-   Tẩm hoàng thổ sao: bổ tỳ, trị nôn mửa, bụng trướng đau, an thai.
-   Tẩm mật sao: bổ tỳ, nhuận phế.
-   Sao cháy: cầm huyết, ấm trung tiêu.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: Thận, tỳ hư không có thấp tà không nên dùng .
Cách bào chế:
Theo Trung y:
-   Rửa sạch, ngâm rượu 16 giờ, ủ độ 12 giờ (mùa đông 24 giò) thái lát dày độ 3 ly, phơi khô.
-   Bỏ cám vào nồi sao cho khói lên, cho bạch truật vào sao vàng nhạt, lấy ra sàng bỏ cám (mỗi kg bạch truật dùng 100g cám).
-   Lấy đất lòng bếp tốn bột sao cho nóng rồi cho bạch truật vào, đảo đều cho đất dính vào miếng bạch truật, lấy ra sàng bỏ đất thừa (mỗi kg bạch truật dùng 200g đất).
-   Lấy bạch truật sao cháy đen, bắc chảo ra phun nước vào cho tắt hết đốm lửa
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
-   Chải, rửa sạch, ủ kín cho đến mềm, thái hay bào mỏng 1-2 ly phơi khô (dùng sống)
-   Sau khi bào, phơi tái, tẩm nước hoàng thổ(thường dùng ) hoặc tẩm mật sao vàng.
-   Sau khi thái mỏng, sao cháy.
Bảo quản: để nơi khô ráo, đậy kín vì rất dễ bị mốc, mọt. Nếu thấy mốc thì phơi sấy ngay, nếu phải sấy diêm sinh thì không nên sấy lâu mà bị chua.

Bào chế dược liệu BẠCH THƯỢC- Paeonia lactiflora Pall.

BẠCH THƯỢC


Tên khoa học: Paeonia lactiflora Pall.; Họ mao lương (Ranunculaceae)
Bộ phận dùng: Thân rễ. Dùng thứ to bằng đầu ngón tay hay ngón chân cái và dài 10 - 15cm, thịt trắng hồng, ít xơ. Thứ nhỏ, lõi đen sẫm là xấu. Hiện nay ta chỉ có thứ nhỏ, xơ nhiều, vỏ ngoài nhăn nheo (mua của Triều Tiên)
Không nhầm với xích thược: bên ngoài đỏ đen, nhiều xơ.
Thành phần hóa học: Có acid benzoic, tanin, tinh bột, đường; còn có paconon và paconon acetat.
Tính vị - quy kinh: Vị hơi đắng, chát, chua nhiều. Vào bốn kinh tâm, tỳ, phế và can.
Tác dụng: Thanh can, tư âm, liễm âm khí.
Chủ trị:
-   Dùng sống: trị đau nhức, trị các chứng tả lỵ, giải nhiệt, nên dùng để trị cảm mạo do chứng hư gây nên.
-   Sao tẩm: trị các chứng bệnh về huyết, thông kinh.
-   Sao cháy cạnh: trị băng huyết.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: Trúng hàn, đau bụng đi tả thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Dùng bạch thược nên lấy dao tre cạo sạch vỏ ngoài, tẩm mật loãng độ 3 giờ, phơi khô (Lôi Công).
Lý Thời Trân nói: "Phần nhiều dùng sống, muốn tránh hàn thì tẩm sao". Nếu chữa bệnh huyết tháng của phụ nữ thì tẩm giấm sao.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Có nhiều cách bào chế:
Dùng sống: rửa sạch, phơi khô, dùng đến đâu đập dập.
-   Rửa sạch, ngâm nước 2 - 3 giờ vớt ra ủ một đêm, hôm sau đem đồ mềm, ủ bao tải lại cho nóng, bào mỏng, sấy hay phơi khô. Không nên ngâm lâu mất chất (ra nước trắng).
-   Rửa sạch, ngâm qua 2 - 3 giờ, đồ qua, mỏ vung cho bay hơi, đậy vung lại để giữ nóng. Lấy dần ra bào mỏng, nếu nguội thì rắn khó bào. Làm ngày nào hết ngày hôm đó, không để sang ngày hôm khác (thường dùng).
Theo kinh nghiệm Viện Đông y:
Rửa sạch, ngâm nước thường 1 - 2 giờ (với thời gian ngâm này, chưa tiết ra nước trắng), ủ 1 - 2 đêm. Bào mỏng (thái thì đẹp nhưng lâu công) 1 - 2 ly, sao qua.
Nếu không ngâm chỉ ủ thôi thì 4 - 5 đêm mới mềm và sau mỗi đêm phải rửa nếu không thì mốc, và mỗi lần rửa như vậy thì nước rửa hóa ra nước trắng.
Dùng chín: có thể tùy theo đơn:
Tẩm giấm sao qua hoặc sao cháy cạnh.
Tẩm rượu sao qua.
Bảo quản: chưa bào chế thì thường phải sấy diêm sinh. Đã bào chế rồi thì để nơi khô ráo, tránh ẩm.

Bào chế dược liệu BẠCH TIỀN- Cynanchum strauntoni (Denc) Hand - Mazz

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

BẠCH TIỀN


Tên khoa học: Cynanchum strauntoni (Denc) Hand - Mazz.; Họ thiên lý (Asclepiadeceae)
Bộ phận dùng: Rễ. Rễ bạch tiền trắng, đặc, mềm, khô, không mọt là tốt (xem thêm bạch vi để phân biệt).
Thành phần hóa học: Có saponin, dược liệu chưa được nghiên cứu nhiều.
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, tính hơi ôn. Vào kinh phế.
Tác dụng: Giáng khí, hạ đờm, chỉ ho.
Chủ trị: Trị ho lâu có đờm.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 8g.
Cách bào chế:
Theo Trung y: Đào lên bỏ thân và rễ con, rửa sạch đất cát, tước bỏ lõi, phơi khô thái nhỏ, hoặc để nguyên rễ, không bỏ lõi, chỉ cạo sạch vỏ đen ngoài phơi khô dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, thái khúc ngắn 2 - 3 cm, phơi khô
Bảo quản: Để nơi khô ráo.

Bào chế vị thuốc BÁCH THẢO SƯƠNG (nhọ nồi)-Pulvis fumicarbonisatus

BÁCH THẢO SƯƠNG (nhọ nồi)


Tên khoa học: Pulvis fumicarbonisatus
Bộ phận dùng: Muội đen cạo ở đáy nồi. Muội nồi do rơm rạ, các cây cỏ đốt cháy thành khói lâu ngày hợp thành. Được muội nồi cạo ở nồi đất thổi cơm là tốt nhất.
Muội nồi đen nhánh không lẫn tạp chất là tốt. Can thận không nhầm với bồ hóng (ô long vĩ) đen, nâu, không nhánh, không mịn.
Thành phần hóa học: Than bột (carbon).
Tính vị - quy kinh: Vị cạy, tính ôn. Vào hai kinh tâm và phế.
Tác dụng: Chỉ huyết, tiêu tích, giải độc.
Chủ trị: Thổ huyết, nục huyết, băng huyết, bạch đới, tích trệ, đi tả, đi lỵ, đau yết hầu, lở miệng lưỡi.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: Không có ứ trệ kiêng dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y: sàng bỏ tạp chất, thủy phi, đùng vào thuốc thang, cho vào túi vải mà sắc, dùng làm thuốc hoàn tán thì phối hợp vào các thuốc mà tán bột.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Khi lấy, chú ý cho sạch sẽ tránh lẫn tạp chất, tán nhỏ, rây mịn.
Bảo quản: Dễ bảo quản. Để nơi khô ráo, đậy kín.

Bào chế dược liệu BẠCH TẬT LÊ (gai trống)-Tribulus terrestris L.

BẠCH TẬT LÊ (gai trống)

Tên khoa học: Tribulus terrestris L.; Họ tật lê (Zygophyllaceae)
Bộ phận dùng: quả. Quả đến lúc khô tách ra thành những quả con. Quả con hình tam giác, màu trắng vàng ngà, vỏ cứng dày có gai. Thứ khô, to chắc, không lẫn tạp chất là tốt.
Thành phần hóa học: Quả chứa dầu béo (độ 3,5%), tinh dầu, chất nhựa, saponin, phylloerythrin.
Tính vị - quy kinh: Vị đắng, tính ôn. Vào hai kinh phế và can.
Tác dụng: Bình can giải uất, hoạthuyết, khu phong, sáng mắt, ngừng ngứa,
Chủ trị: Chữa các chứng nhức mắt, mát đỏ, nhiều nước mắt, phong ngứa, tích tụ, tắc sữa.
Liều dùng: Ngày dùng: 12 - 16g.
Kiêng kỵ: Người huyết hư, khí yếu không nên dùng
Cách bào chế:
Theo Trung y:
-   Bỏ vào nồi chõ, đồ trong 3 tiếng, phơi khô, xay qua cho hết gai, lại tẩm rượu, đồ 3 tiếng, phơi khô dùng (Lôi Công).
-   Bất cứ vào thang thuốc hay hoàn tán đều sao giã vụn nát rồi sàng sẩy bỏ gai dùng (Đại Minh)
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
a. Sao cháy gai rồi giã, sàng sẩy bỏ hết gai dùng.
b. Bỏ vào nước rửa sạch, vót bỏ tạp chất và hột lép nổi lên, mang vào sao vàng cho gai giòn rồi bỏ vào cối, chà xát vào lòng cối cho hết gai. Khi dùng giã dập hoặc tán bột dùng.
Bảo quản: phơi khô bỏ vào bình đậy kín để giữ hương vị, để nơi khô ráo.

Các phương pháp chiết xuất dược liệu

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

4. Các phương pháp chiết xuất


4.1. Phân loại

Có nhiều cách phân loại, dựa vào những yếu tố khác nhau.
Dựa vào nhiệt độ, có các phương pháp chiết sau:
- Chiết nóng.
- Chiết nguội (ở nhiệt độ thường).
Dựa vào chế độ làm việc có các phương pháp chiết sau:
- Gián đoạn.
- Bán liên tục.
- Liên tục.
Dựa vào chiều chuyển động tương hỗ giữa hai pha, có các phương pháp:
- Ngược dòng.
- Xuôi dòng.
- Chéo dòng.
Dựa vào áp suất làm việc, có các phương pháp chiết ở:
- Áp suất thường (áp suất khí quyển).
- Áp suất giảm (áp suất chân không).
- Áp suất cao (làm việc có áp lực).
Dựa vào trạng thái làm việc của hai pha, có các phương pháp chiết sau:
- Ngâm.
- Ngấm kiệt.
Dựa vào những biện pháp kỹ thuật đặc biệt
Có thể làm rút ngắn được thời gian chiết bằng các phương pháp chiết sau:
- Phương pháp siêu âm.
- Phương pháp tạo dòng xoáy.
- Phương pháp mạch nhịp...

4.2. Một số phương pháp chiết xuất

Khi chiết xuất, quá trình chiết xuất xảy ra chủ yếu ở hai khu vực: bên trong nguyên liệu và giữa các lớp dung môi. Trong đó, quá trình xảy ra bên trong nguyên liệu có ảnh hưởng quyết định và phụ thuộc vào bản chất nguyên liệu (cấu trúc, tính chất lý hoá...). Các phương pháp chiết xuất thường chỉ tác động đến các yếu tố bên ngoài, nhằm đạt được hiệu quả chiết xuất cao trong thời gian ngắn đối với mỗi loại nguyên liệu. Dưới đây là một số phương pháp thường gặp.

4.2.1. Phương pháp chiết xuất gián đoạn

a. Phương pháp ngâm
Phương pháp ngâm là phương pháp đơn giản nhất và đã có từ thời cổ xưa.
• Tiến hành:
Sau khi chuẩn bị dược liệu, người ta đổ dung môi cho ngập dược liệu trong bình chiết xuất, sau một thời gian ngâm nhất định (qui định riêng cho từng loại dược liệu), rút lấy dịch chiết (lọc hoặc gạn) và rửa dược liệu bằng một lượng dung môi thích hợp. Để tăng cường hiệu quả chiết xuất, có thể tiến hành khuấy trộn bằng cánh khuấy hoặc rút dịch chiết ở dưới rồi lại đổ lên trên (tuần hoàn cưỡng bức dung môi).
Có nhiều cách ngâm: Có thể ngâm tĩnh hoặc ngâm động, ngâm nóng hoặc ngâm lạnh, ngâm một lần hoặc nhiều lần (còn gọi là ngâm phân đoạn hay ngâm nhiều mẻ).
• Ưu điểm:
Đây là phương pháp đơn giản nhất, dễ thực hiện, thiết bị đơn giản, rẻ tiền.
• Nhược điểm:
- Nhược điểm chung của phương pháp chiết xuất gián đoạn: năng suất thấp, thao tác thủ công (giai đoạn tháo bã và nạp liệu).
- Nếu chỉ chiết một lần thì không chiết kiệt được hoạt chất trong dược liệu.
- Nếu chiết nhiều lần thì dịch chiết loãng, tốn dung môi, tốn thời gian chiết.
b. Phương pháp ngấm kiệt
• Tiến hành:
Sau khi chuẩn bị dược liệu, ngâm dược liệu vào dung môi trong bình ngấm kiệt. Sau một khoảng thời gian xác định (tuỳ từng loại dược liệu), rút nhỏ giọt dịch chiết ở phía dưới, đồng thời bổ sung thêm dung môi ở phía trên bằng cách cho dung môi chảy rất chậm và liên tục qua lớp dược liệu nằm yên (không được khuấy trộn). Lớp dung môi trong bình chiết thường được để ngập bề mặt dược liệu khoảng 3 - 4 cm.
- Ngấm kiệt đơn giản: Là phương pháp ngấm kiệt luôn sử dụng dung môi mới để chiết đến kiệt hoạt chất trong dược liệu.
- Ngấm kiệt phân đoạn (tái ngấm kiệt): Là phương pháp ngấm kiệt có sử dụng dịch chiết loãng để chiết mẻ mới (dược liệu mới) hoặc để chiết các mẻ có mức độ chiết kiệt khác nhau.
• Ưu điểm:
- Dược liệu được chiết kiệt.
- Tiết kiệm được dung môi (tái ngấm kiệt).
• Nhược điểm:
- Có nhược điểm chung của phương pháp chiết xuất gián đoạn: năng suất thấp, lao động thủ công.
- Cách tiến hành phức tạp hơn so với phương pháp ngâm.
- Tốn dung môi (ngấm kiệt đơn giản).

4.2.2. Phương pháp chiết xuất bán liên tục

(Còn gọi là phương pháp chiết xuất nhiều bậc, phương pháp chiết ngược dòng tương đối hay phương pháp chiết ngược dòng gián đoạn).
Sơ đồ (xem hình 14.3a)
Phương pháp này có sử dụng một hệ thống thiết bị gồm nhiều bình chiết khác nhau, có thể mắc thành một dãy từ 4-16 bình chiết nối tiếp nhau. ở đây, quá trình coi như là ngược chiều tương đối vì thực tế dược liệu không chuyển động.
Tiến hành:
Lúc đầu, dược liệu và dung môi được nạp vào trong tất cả các thiết bị, dược liệu được ngâm vào dung môi trong một khoảng thời gian xác định (tuỳ thuộc vào dược liệu và dung môi). Lúc này dược liệu và dung môi đều không chuyển động. Sau đó dịch chiết được chuyển tuần tự từ thiết bị này sang thiết bị khác. Hệ thống tổ hợp kín các bình chiết này cho phép đóng ngắt một cách có chu kỳ một trong những thiết bị ra khỏi hệ thống tuần hoàn, cho phép tháo bã dược liệu ở bình đã được chiết kiệt rồi nạp dược liệu mới. Sau đó, thiết bị này lại được đưa vào hệ thống tuần hoàn và dịch chiết đậm đặc nhất được dẫn qua nó mà dịch chiết này vừa đi qua tất cả các thiết bị còn lại. Tiếp theo, lại đóng ngắt một thiết bị kế tiếp mà trước đó dung môi mới vừa được dẫn qua. Số thiết bị càng nhiều thì quá trình xảy ra càng gần với quá trình liên tục. ở đây, bã dược liệu trước khi ra khỏi hệ thống thiết bị sẽ được tiếp xúc với dung môi mới nên dược liệu sẽ được chiết kiệt. Dịch chiết trước khi ra khỏi hệ thống sẽ được tiếp xúc với dược liệu mới nên dịch chiết thu được sẽ đậm đặc nhất. Như vậy có thể nói quá trình xảy ra theo nguyên tắc: "dung môi mới tiếp xúc với dược liệu cũ và dược liệu mới tiếp xúc với dung môi cũ". Trong phương pháp này, quá trình xảy ra gần với quá trình ngược chiều, do đó phương pháp này còn được gọi là phương pháp chiết ngược chiều tương đối.
Ưu điểm (so với phương pháp chiết gián đoạn)
- Dịch chiết đậm đặc.
- Dược liệu được chiết kiệt.
Nhược điểm:
- Hệ thống thiết bị cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích lắp đặt.
- Vận hành phức tạp.
- Thao tác thủ công.
- Không tự động hoá quá trình được.

4.2.3. Phương pháp chiết xuất liên tục

Tiến hành:
Phương pháp này được thực hiện trong những thiết bị làm việc liên tục. ở đây dược liệuvà dung môi liên tục được đưa vào và chuyển động ngược chiều nhau trong thiết bị. Dược liệu di chuyển được trong thiết bị là nhờ những cơ cấu vận chuyển chuyên dùng khác nhau. Dịch chiết trước khi ra khỏi thiết bị được tiếp xúc với dược liệu mới nên dịch chiết thu được đậm đặc. Bã dược liệu trước khi ra khỏi thiết bị được tiếp xúc với dung môi mới nên bã dược liệu được chiết kiệt.
So với phương pháp chiết gián đoạn thì phương pháp chiết liên tục có những ưu nhược điểm sau:
Ưu điểm:
- Năng suất làm việc cao, tiết kiệm thời gian chiết.
- Không phải lao động thủ công (tháo bã, nạp liệu).
- Dịch chiết thu được đậm đặc.
- Dược liệu được chiết kiệt.
- Dung môi ít tốn kém.
- Có thể tự động hoá, cơ giới hoá được quá trình.
Nhược điểm:
- Thiết bị có cấu tạo phức tạp, đắt tiền.
- Vận hành phức tạp.

Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chiết xuất dược liệu

3. Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chiết xuất dược liệu


3.1. Những yếu tố thuộc về thành phần, cấu tạo của dược liệu

3.1.1. Màng tế bào dược liệu

Màng tế bào dược liệu có ảnh hưởng nhiều đến quá trình khuếch tán. Khi còn sống, đó là nơi xảy ra quá trình trao đổi chất có tính chất chọn lọc. Khi chết, đó là nơi xảy ra các hiện tượng khuếch tán, thẩm thấu, thẩm tích, ...
Màng tế bào có cấu tạo không ổn định, có thể bị thay đổi tính chất vật lý và thành phần hoá học để đáp ứng với những chức phận sinh lý đặc biệt mà nó đảm nhiệm (hoá gỗ, hoá khoáng, phủ sáp...). Những sự thay đổi này có thể xảy ra từng phần hoặc toàn phần ở màng tế bào và thường thay đổi nhiều ở thực vật đã già.
- Đối với thực vật còn non hay mỏng mềm như cỏ cây, hoa lá, thành phần của màng tế bào chủ yếu là cellulose. Cellulose có tính chất không tan trong nước và không tan trong các dung môi khác, bền vững ở nhiệt độ cao, có tính mềm dẻo đàn hồi. Đối với dược liệu loại này, dung môi dễ thấm vào dược liệu, do đó chỉ cần xay thô dược liệu. Nếu xay mịn, dễ kéo theo nhiều tạp vào dịch chiết.
- Đối với dược liệu đã già, rắn chắc như hạt, gỗ, rễ, vỏ thân... thì màng tế bào trở nên dày và có thể xảy ra những biến đổi sau:
+ Màng tế bào có thể bị hoá bần, hoá cutin, hoặc có thể bị phủ thêm một lớp sáp,... đó là những chất có bản chất lipid, có tính chất không thấm nước và khí, do đó dung môi khó thấm vào dược liệu.
+ Màng tế bào có thể bị hoá gỗ, hoá khoáng, bị phủ thêm lớp dioxyd silic hoặc calci carbonat, màng tế bào trở nên dày, rắn chắc, nên dung môi khó thấm vào dược liệu.
+ Màng tế bào có thể bị phủ thêm lớp chất nhầy. Chất nhầy tan được trong nước, nhưng khi hút nước nó bị trương nở và trở nên nhớt, làm bít kín các ống mao quản trên màng tế bào, gây cản trở sự thấm của dung môi, cản trở quá trình khuếch tán.
Do đó với những dược liệu đã già, rắn chắc, nên xay nhỏ dược liệu, tạo điều kiện cho dung môi dễ thấm ướt dược liệu, chất tan dễ khuếch tán vào dung môi.

3.1.2. Chất nguyên sinh

Chất nguyên sinh có thành phần hoá học rất phức tạp và không ổn định.
Chất nguyên sinh có tính nhớt, tính đàn hồi, không tan trong nước, không màu và không bền đối với nhiệt. ở nhiệt độ 50 - 600C, chúng bị mất hoạt tính sinh học (trừ trường hợp ở những hạt khô, quả khô, chất nguyên sinh có thể chịu được tới 80 - 1050C). Có thể nói chất nguyên sinh là một môi trường dị thể phức tạp, có thể coi đó là một hệ keo nhiều pha, tạo thành từ những hợp chất cao phân tử, phân tán trong môi trường nước (ví dụ: giọt dầu, giọt mỡ, hạt tinh bột, hạt tinh thể ...).
Chất nguyên sinh có tính chất bán thấm, có nghĩa là chỉ thấm đối với dung môi mà không cho chất tan đi qua. Do đó để chiết được các chất tan trong tế bào, người ta phải tìm cách phá huỷ chất nguyên sinh bằng cách làm đông vón chúng bằng nhiệt (sấy hoặc phơi khô) hoặc bằng cồn (hơi hoặc cồn nóng).

3.1.3. Một số tạp chất có thể có trong dược liệu

Đó là sản phẩm của các quá trình trao đổi chất, là chất dự trữ hoặc chất thải của cây. Các chất này thường gây cản trở hoặc cũng có khi có tác dụng thuận lợi cho quá trình chiết xuất. Dưới đây là một số ví dụ:
Đối với những dược liệu chứa nhiều pectin, gôm hoặc chất nhầy:
Đó là những chất tan được trong nước, và khi tan trong nước thì bị trương nở, tạo dung dịch keo, làm tăng độ nhớt, gây cản trở cho quá trình chiết xuất. Có thể loại các chất này bằng cách cho kết tủa trong cồn cao độ.
Đối với những dược liệu chứa nhiều tinh bột:
Tinh bột có tính chất không tan trong nước lạnh, nhưng ở nhiệt độ cao tinh bột bị hồ hoá, làm tăng độ nhớt của dung dịch, gây cản trở cho quá trình chiết xuất. Do đó đối với những dược liệu loại này, không nên xay dược liệu quá mịn, tránh giải phóng ra nhiều tinh bột và không nên chiết ở nhiệt độ cao để tránh bị hồ hoá.
Đối với những dược liệu chứa chất béo, dầu mỡ, tinh dầu, sáp, nhựa:
Đó là những chất không tan trong nước và thường tan trong các dung môi không phân cực. Nếu dùng dung môi chiết là nước, các chất này sẽ làm dung môi khó thấm vào dược liệu, gây cản trở quá trình chiết xuất, do đó cần phải loại chúng đi bằng các dung môi thích hợp trước khi chiết. Nếu dùng dung môi không phân cực để chiết, dịch chiết sẽ lẫn nhiều tạp, những tạp này sẽ bị loại đi trong giai đoạn tinh chế.
Đối với những dược liệu chứa enzym:
Enzym có bản chất là protein, ở nhiệt độ 60-700C enzym bị mất hoạt tính, còn ở nhiệt độ lạnh enzym chỉ bị ngừng hoạt động, sau đó nếu nâng đến nhiệt độ thích hợp thì enzym lại được phục hồi. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà enzym có thể gây cản trở hoặc cũng có khi lại tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chiết xuất. Ví dụ: glycosid trong cây bao gồm hai phần là phần đường và phần không đường. Dưới tác dụng của enzym vốn có sẵn trong dược liệu, gặp điều kiện thuận lợi (ấm, ẩm), glycosid sẽ bị thuỷ phân, mạch đường sẽ bị cắt một phần hoặc toàn phần, làm thay đổi độ phân cực của glycosid, làm cho glycosid ít tan trong nước hơn. Có trường hợp người ta cần glycosid thứ cấp (đã bị cắt bớt một phần đường), lúc đó người ta sẽ tạo điều kiện cho enzym hoạt động bằng cách vò nát, cắt nhỏ dược liệu, ủ dược liệu thành đống và tạo nhiệt độ thích hợp (30-400C). Cũng có trường hợp người ta cần glycosid sơ cấp (chưa bị thuỷ phân), khi đó người ta lại phải diệt enzym để tránh cho glycosid khỏi bị thuỷ phân.
Có ba phương pháp để diệt enzym:
+ PP nhiệt ướt: nhúng dược liệu vào lỏng sôi (nước sôi hoặc cồn sôi).
+ PP nhiệt ẩm: cho dược liệu qua hơi ẩm (hơi nước sôi hay hơi cồn sôi).
+ PP nhiệt khô: cho dược liệu qua luồng không khí nóng.

3.2. Những yếu tố thuộc về dung môi

Một số yếu tố của dung môi có ảnh hưởng đến quá trình chiết xuất là: độ phân cực, độ nhớt, sức căng bề mặt.

3.2.1. Độ phân cực của dung môi

Nói chung dung môi ít phân cực thì dễ hoà tan các chất không phân cực và khó hoà tan các chất có nhiều nhóm phân cực. Ngược lại, dung môi phân cực mạnh thì dễ hoà tan các chất có nhiều nhóm phân cực và khó hoà tan các chất ít phân cực.
Dựa vào độ phân cực của dung môi người ta phân loại như sau:
+ Dung môi không phân cực: ether dầu hoả, xăng, hexan, heptan, benzen, toluen…
+ Dung môi phân cực yếu và vừa: chloroform, diclorethan, aceton, ethylacetat ...
+ Dung môi phân cực mạnh: nước, glycerin, các loại cồn có mạch carbon ngắn (methanol, ethanol, isopropanol...).

3.2.2. Độ nhớt, sức căng bề mặt của dung môi

Nói chung, dung môi có độ nhớt càng thấp hoặc có sức căng bề mặt càng nhỏ thì dung môi càng dễ thấm vào dược liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chiết xuất và ngược lại.
Dưới đây là độ nhớt (η) và sức căng bề mặt (δ) của một số dung môi thường gặp ở nhiệt độ phòng 20oC (xếp theo thứ tự tăng dần).

độ nhớt (η) và sức căng bề mặt (δ) của một số dung môi thường gặp ở nhiệt độ phòng

3.3. Những yếu tố thuộc về kỹ thuật

Đó là những yếu tố có thể thay đổi được bằng các biện pháp kỹ thuật khác nhau, nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho quá trình chiết xuất.
Đó có thể là những yếu tố: nhiệt độ, thời gian, độ mịn của dược liệu, khuấy trộn, siêu âm ...

3.3.1. Nhiệt độ chiết xuất

Theo công thức tính hệ số khuếch tán của Einstein, khi nhiệt độ tăng thì hệ số khuếch tán cũng tăng, do đó theo định luật Fick, lượng chất khuếch tán cũng tăng lên. Hơn nữa, khi nhiệt độ tăng thì độ nhớt của dung môi giảm, do đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chiết xuất. Tuy nhiên, khi nhiệt độ tăng sẽ gây bất lợi cho quá trình chiết xuất trong một số trường hợp sau:
- Đối với những hợp chất kém bền ở nhiệt độ cao: nhiệt độ tăng cao sẽ gây phá huỷ một số hoạt chất như vitamin, glycosid, alcaloid ...
- Đối với tạp: khi nhiệt độ tăng, không chỉ độ tan của hoạt chất tăng mà độ tan của tạp cũng đồng thời tăng theo, dịch chiết sẽ bị lẫn nhiều tạp. Nhất là đối với một số tạp như gôm, chất nhầy ... khi nhiệt độ tăng sẽ bị trương nở; tinh bột bị hồ hoá, độ nhớt của dịch chiết sẽ bị tăng, gây khó khăn cho quá trình chiết xuất, tinh chế.
- Đối với dung môi dễ bay hơi có nhiệt độ sôi thấp: khi tăng nhiệt độ thì dung môi dễ bị hao hụt, khi đó thiết bị phải kín và phải có bộ phận hồi lưu dung môi.
- Đối với một số chất đặc biệt có quá trình hoà tan toả nhiệt: khi nhiệt độ tăng, độ tan của chúng lại bị giảm. Do đó để tăng độ tan thì cần phải làm giảm nhiệt độ.
Từ những phân tích trên ta thấy tuỳ từng trường hợp cụ thể mà cần lựa chọn nhiệt độ sao cho phù hợp (tuỳ thuộc vào các yếu tố như dược liệu, dung môi, phương pháp chiết xuất ...).

3.3.2. Thời gian chiết xuất

Khi bắt đầu chiết, các chất có phân tử lượng nhỏ (thường là hoạt chất) sẽ được hoà tan và khuếch tán vào dung môi trước, sau đó mới đến các chất có phân tử lượng lớn (thường là tạp như nhựa, keo...). Do đó, nếu thời gian chiết ngắn sẽ không chiết được hết hoạt chất trong dược liệu; nhưng nếu thời gian chiết dài quá, dịch chiết sẽ bị lẫn nhiều tạp, gây bất lợi cho quá trình tinh chế và bảo quản. Tóm lại, cần phải lựa chọn thời gian chiết xuất sao cho phù hợp với thành phần dược liệu, dung môi, phương pháp chiết xuất ...

3.3.3. Độ mịn của dược liệu

Khi kích thước dược liệu thô quá, dung môi sẽ khó thấm ướt dược liệu, hoạt chất khó được chiết vào dung môi. Khi độ mịn dược liệu tăng lên, bề mặt tiếp xúc giữa dược liệu và dung môi tăng lên; theo định luật Fick, lượng chất khuếch tán vào dung môi tăng lên, do đó thời gian chiết xuất sẽ nhanh hơn.
Tuy nhiên trong thực tế, nếu xay dược liệu quá mịn sẽ gây ra một số bất lợi cho quá trình chiết xuất như sau:
- Khi ngâm dược liệu vào dung môi, bột dược liệu bị dính bết vào nhau, tạo thành dạng bột nhão, vón cục. Do đó sẽ khó khuấy trộn giữa dược liệu và dung môi, quá trình chiết xuất xảy ra bị chậm lại. Mặt khác, vì bột dược liệu bị dính bết vào nhau nên khi rút dịch chiết, dịch chiết bị chảy chậm hoặc không chảy được (gọi là hiện tượng tắc thiết bị).
- Khi bột dược liệu quá mịn, nhiều tế bào thực vật bị phá huỷ, dịch chiết bị lẫn nhiều tạp; gây khó khăn cho quá trình tinh chế, bảo quản.
- Từ những phân tích trên ta thấy cần phải lựa chọn độ mịn của dược liệu sao cho thích hợp, tuỳ thuộc vào từng trường hợp hợp cụ thể, tuỳ thuộc vào dược liệu, dung môi, phương pháp chiết xuất ... Ví dụ:
+ Đối với dược liệu mỏng manh như hoa lá, cây cỏ ... hoặc đối với những dược liệu chứa nhiều chất nhầy, chất nhựa, chất keo ... thì không nên xay dược liệu quá mịn mà chỉ nên xay thô dược liệu. Đối với những dược liệu đã già, dược liệu rắn chắc như hạt, rễ, thân gỗ ... cần phải xay mịn hơn.
+ Đối với trường hợp dùng loại dung môi dễ hoà tan nhiều tạp, nên tránh xay dược liệu quá mịn.
+ Đối với trường hợp chiết xuất ở nhiệt độ cao, cũng nên tránh xay dược liệu quá mịn để tránh đưa nhiều tạp vào dịch chiết.

3.3.4. Khuấy trộn

Khi dung môi tiếp xúc với dược liệu, dung môi sẽ thấm vào dược liệu, hoà tan chất tan, chất tan sẽ khuếch tán từ dược liệu vào dung môi qua màng tế bào. Sau một thời gian khuếch tán, nồng độ chất tan trong tế bào giảm dần, nồng độ chất tan trong lớp dung môi tăng dần, chênh lệch nồng độ giữa trong và ngoài tế bào giảm dần, tốc độ quá trình khuếch tán cũng giảm dần, đến một lúc nào đó sẽ xảy ra quá trình cân bằng động giữa hai pha. Như vậy, nếu không có khuấy trộn, quá trình khuếch tán sẽ xảy ra rất chậm. Theo định luật Fick, chênh lệch nồng độ giữa hai pha là động lực của quá trình khuếch tán.
Do đó muốn tăng cường quá trình khuếch tán, cần phải tạo ra chênh lệch nồng độ bằng cách di chuyển lớp dịch chiết ở phía sát màng tế bào (nơi có nồng độ cao hơn) ra phía xa hơn và di chuyển lớp dung môi ở phía xa (nơi có nồng độ thấp hơn) đến sát màng tế bào. Điều này được thực hiện bằng cách khuấy trộn. Như vậy bằng cách khuấy trộn, người ta đã tăng cường được tốc độ khuếch tán.
Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người ta chọn loại cấu tạo cánh khuấy và tốc độ khuấy sao cho phù hợp. Ví dụ:
- Nếu dược liệu là hoa lá mỏng manh, chỉ cần chọn tốc độ khuấy nhỏ, không nên khuấy mạnh để tránh cho dược liệu khỏi bị dập nát gẫy vụn, tránh đưa nhiều tạp vào dịch chiết.
- Nếu dược liệu cứng chắc như hạt, rễ, thân, gỗ... cần phải chọn loại cánh khuấy khoẻ, tốc độ khuấy mạnh.

3.3.5. Siêu âm

Năng lượng của siêu âm có tác dụng làm tăng mạnh tính thẩm thấu và khuếch tán nhờ những tác dụng của siêu âm như sau:
- Làm tăng diện tích tiếp xúc giữa hai pha bằng cách phân tán chúng thành những hạt nhỏ.
- Phá vỡ một phần màng tế bào.
- Tăng cường sự xáo trộn của hỗn hợp.
- Có tác dụng làm nóng tại chỗ.
Phương pháp siêu âm có nhiều ưu điểm làm tăng cường quá trình chiết xuất. Tuy nhiên, phương pháp này mới chỉ được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà chưa được áp dụng trong sản xuất.
Ngoài những yếu tố kể trên, còn nhiều yếu tố khác cũng gây ảnh hưởng đến quá trình chiết xuất. Ví dụ: áp suất, pH môi trường, chấn động cơ học, dòng điện cao áp …

Một số quá trình xảy ra trong chiết xuất dược liệu

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

2. Một số quá trình xảy ra trong chiết xuất dược liệu


Khi dược liệu và dung môi tiếp xúc với nhau, lúc đầu dung môi thấm vào dược liệu, sau đó những chất tan trong tế bào dược liệu hoà tan vào dung môi, rồi được khuếch tán ra ngoài tế bào. Trong chiết xuất dược liệu sẽ xảy ra một số quá trình sau: khuếch tán, thẩm thấu, thẩm tích, ...

2.1. Quá trình khuếch tán

Khái niệm chung:
Quá trình di chuyển vật chất từ pha này sang pha khác khi hai pha tiếp xúc trực tiếp với nhau gọi là quá trình khuếch tán (hay là quá trình chuyển khối).
Quá trình tách chất hoà tan trong dược liệu bằng dung môi chính là quá trình chiết xuất dược liệu. ở đây dược liệu là pha rắn, dung môi là pha lỏng.
Khi hai pha chuyển động tiếp xúc với nhau, do sự cản trở của pha này đối với pha kia, nghĩa là do ma sát giữa chúng mà trên bề mặt phân chia pha tạo thành lớp màng. ở trong lớp màng luôn luôn có chế độ chuyển động dòng, còn ở giữa nhân của dòng thì có thể có chuyển động xoáy. Đặc trưng di chuyển vật chất trong màng và trong nhân của dòng có khác nhau.
Trong lớp màng, quá trình di chuyển vật chất cơ bản là nhờ sự tiếp xúc giữa các phân tử và sự tác dụng tương hỗ giữa chúng, do đó quá trình khuếch tán qua màng được gọi là quá trình khuếch tán phân tử.
Trong nhân của dòng, quá trình di chuyển vật chất nhờ vào sự xáo trộn các phần tử của dòng, vì thế gọi là khuếch tán đối lưu.
Quá trình khuếch tán trong lớp màng xảy ra rất chậm so với quá trình khuếch tán trong nhân của dòng, do đó mặc dù lớp màng rất mỏng nhưng nó vẫn có giá trị quyết định đối với quá trình khuếch tán. Vận tốc khuếch tán chung phụ thuộc nhiều vào vận tốc khuếch tán trong màng.

2.1.1. Khuếch tán phân tử

Khuếch tán phân tử xảy ra trong lớp màng hay trong môi trường đứng yên. Động lực của quá trình khuếch tán là građien nồng độ theo hướng x, tức là sự biến đổi nồng độ trên một đơn vị đường đi. Vận tốc khuếch tán: Là lượng vật chất đi qua một đơn vị bề mặt trong một đơn vị thời gian. Theo định luật Fick, vận tốc khuếch tán tỷ lệ với građien nồng độ.
Ta có:

Vận tốc khuếch tán
Trong đó:

Vận tốc khuếch tán
Giải phương trình trên, ta tính được lượng vật chất khuếch tán:

Khuếch tán phân tử
Trong đó:
G : lượng vật chất khuếch tán, [kg]
F : bề mặt khuếch tán, vuông góc với hướng khuếch tán, [m2]
τ : thời gian khuếch tán, [h]
C : nồng độ chất tan, [kg/m3]
x : chiều dài quãng đường khuếch tán, [m]
Hệ số khuếch tán phân tử là lượng vật chất đi qua một đơn vị bề mặt, trong một đơn vị thời gian, khi nồng độ vật chất giảm đi một đơn vị trên một đơn vị chiều dài theo hướng khuếch tán. Hệ số khuếch tán của một chất đặc trưng cho tính chất khuếch tán của chất đó trong một môi trường nào đấy.
Công thức tính hệ số khuếch tán phân tử theo Einstein:

Công thức tính hệ số khuếch tán phân tử theo Einstein
Trong đó:
R : hằng số khí.
T : nhiệt độ tuyệt đối.
N : hằng số Avogađro.
η : độ nhớt của chất lỏng.
r : bán kính của phần tử khuếch tán.
Ứng dụng:
- Trong quá trình chiết xuất dược liệu, đặc trưng của quá trình khuếch tán qua màng tế bào chính là khuếch tán phân tử.
- Dựa vào biểu thức của định luật Fick, ta thấy rằng những yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình chiết xuất là: độ mịn của dược liệu, thời gian chiết xuất, nhiệt độ chiết xuất, dung môi chiết, khuấy trộn, kích thước của phần tử khuếch tán.

2.1.2. Khuếch tán đối lưu

Trong chiết xuất dợc liệu, quá trình khuếch tán của chất tan trong dung môi được đặc trưng chủ yếu bằng khuếch tán đối lưu.
Khuếch tán trong môi trường chất lỏng chuyển động được mô tả bằng phương trình vi phân của khuếch tán đối lưu.
Viết dưới dạng rút gọn:

Khuếch tán đối lưu
Phương trình khuếch tán đối lưu rất phức tạp. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người ta đã giải phương trình để áp dụng cho những trường hợp riêng.
Trong phạm vi của tài liệu này, chúng ta không cần đi sâu nghiên cứu.

2.2. Quá trình thẩm thấu

Khái niệm: Quá trình thẩm thấu là quá trình khuếch tán giữa hai pha lỏng qua một màng có tính chất bán thấm, có nghĩa là màng đó chỉ cho dung môi đi qua mà không cho chất tan đi qua. Màng đó gọi là màng bán thấm. Do áp lực thẩm thấu của các phân tử chất tan, dung môi sẽ được thấm từ pha lỏng có nồng độ chất tan thấp hơn sang pha lỏng có nồng độ cao hơn, cho đến khi áp lực thuỷ tĩnh cân bằng với áp lực thẩm thấu.
Ứng dụng: Trong tế bào dược liệu chất nguyên sinh có tính chất bán thấm, vì vậy khi dược liệu còn tươi, do tác dụng của chất nguyên sinh mà chỉ có dung môi được thấm vào tế bào làm cho dược liệu bị trương nở, còn chất tan trong tế bào thì không khuếch tán ra ngoài được. Do đó trong chiết xuất, người ta phải tìm cách phá huỷ chất nguyên sinh bằng nhiệt hoặc bằng cồn để thực hiện quá trình chiết xuất.

2.3. Quá trình thẩm tích

Khái niệm: Quá trình thẩm tích là quá trình khuếch tán giữa hai pha lỏng qua một màng có tính chất thẩm tích, có nghĩa là màng đó không chỉ cho dung môi đi qua mà còn cho cả chất tan đi qua, nhưng chỉ cho qua những chất có phân tử nhỏ.
Ứng dụng: Màng tế bào dược liệu có tính chất của một màng thẩm tích, do đó khi chiết xuất nếu màng tế bào còn nguyên vẹn thì chỉ có chất tan là phân tử nhỏ và ion (phần lớn là hoạt chất) khuếch tán qua được màng tế bào; còn các chất có phân tử lớn (thường là chất keo, chất tạp, ...) thì không qua được màng tế bào nên không bị chiết vào dịch chiết. Như vậy, có thể coi màng tế bào như một màng lọc có tính chọn lọc. Đây chính là ưu điểm của màng tế bào đối với quá trình chiết xuất. Do đó trong quá trình chiết xuất, không nên xay dược liệu quá mịn; vì khi đó màng tế bào bị phá vỡ, tính chọn lọc của màng tế bào không còn, dịch chiết sẽ lẫn nhiều tạp, gây khó khăn cho quá trình tinh chế.

Nguyên liệu chiết xuất dược liệu

1. Nguyên liệu chiết xuất


Nguyên liệu dùng để chiết xuất có thể là những bộ phận của động vật, thực vật, khoáng vật hoặc vi sinh vật. Trong phạm vi của tài liệu này, chúng ta chỉ nghiên cứu dược liệu là thực vật. Thực vật dùng để chiết xuất bao gồm các bộ phận của cây, đó là những bộ phận có thành phần phức tạp, không rõ ràng và kém ổn định, hàm lượng hoạt chất hay thay đổi vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: giống, loài, khí hậu, đất đai, điều kiện trồng trọt, bộ phận dùng, giai đoạn sinh trưởng, thời kỳ thu hái... và cách bảo quản.
Bộ phận dùng để chiết của cây có thể là: hoa, quả, hạt, thân, lá, rễ, vỏ, nhựa, phần trên mặt đất, ... hoặc toàn cây. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:
Hoa:
- Nụ hoa hoè: dùng để chiết rutin, hàm lượng khá cao (20-28% ở Thái Bình).
- Nụ hoa đinh hương: để cất tinh dầu (15-20%), chứa eugenol (78-95%).
- Hoa bưởi: để cất tinh dầu, chứa nerolidol (40%), farnesol (18%), ...
Quả:
- Quả thuốc phiện để chiết các alcaloid: morphin, codein, papaverin,... (0,2-0,3% alcaloid toàn phần trong quả khô). Có thể chiết bằng quả tươi chưa chích nhựa.
- Quả đại hồi: để cất tinh dầu hồi (8-9%), chứa anethol (85-90%).
- Quả hồi núi: để cất tinh dầu (1,5%), thành phần chủ yếu là safrol
(77,5%).
Hạt:
- Hạt mã tiền, loài Strychnos nux vomica l. dùng chiết strychnin (1%).
- Hạt sừng dê hoa vàng: chiết một số glycosid tim, có chứa divaricosid, ...
- Hạt thông thiên: để chiết thevetin (là hỗn hợp của thevetin A và thevetin B).
Thân:
- Thân và rễ cây vàng đắng: dùng để chiết berberin (l,5-3%).
- Thân rễ cây hoàng đằng: dùng để chiết palmatin (3%).
- Thân gỗ long não: để cất tinh dầu (4,4%), có chứa camphor (64,l%).
Lá:
- Lá dừa cạn: dùng để chiết các alcaloid có tác dụng trị bệnh ung thư như vinblastin (0,005-0,015%) và vincristin (0,003-0,005%).
- Lá cây thanh cao hoa vàng: dùng để chiết artemisinin (1%).
- Lá trúc đào: để chiết neriolin (oleandrin), có 0,08-0,15% trong lá khô
Rễ:
- Rễ củ bình vôi: dùng để chiết rotundin (0,2 - 3,55%).
- Rễ ba gạc: chứa reserpin, ajmalin (0,9-2,2% alcaloid toàn phần ở Việt Nam).
- Rễ cây dây mật: để chiết rotenon (4-8%), dùng để duốc cá, diệt côn trùng.
Vỏ:
- Vỏ (thân, cành, rễ) của cây canhkina: dùng để chiết quinin (3 - 5%).
- Vỏ thân mực hoa trắng (0,22-4,2% alcaloid toàn phần): để chiết conesin.
- Vỏ thân cây hoàng bá: để chiết berberin (3% ở loài xuyên hoàng bá).
Phần trên mặt đất (thân, cành mang lá và hoa):
- Cây cà lá xẻ: chứa solasodin (1,4% ở lá), để bán tổng hợp các thuốc steroid.
- Cây hương nhu trắng: để cất tinh dầu (1,1%), chứa eugenol (60-70%).
- Cây bạc hà á: để cất tinh dầu (0,5%), thành phần chính là menthol (>70%).

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHIẾT XUẤT DƯỢC LIỆU

Từ thời xa xưa, loài người đã biết dùng cây cỏ để chữa bệnh. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các cây thuốc được phát hiện ngày càng nhiều hơn, các phương pháp chế biến cũng phong phú hơn, các kinh nghiệm dùng cây thuốc chữa bệnh đã được tích luỹ dần trong nhân dân, rồi được truyền từ đời này sang đời khác. Cho đến tận ngày nay, phương pháp chữa bệnh cổ truyền vẫn được kế thừa và phát huy mạnh, đã có những đóng góp to lớn và độc đáo trong việc chữa bệnh cho con người.
Tuy nhiên, loại thuốc thang phải mất thời gian sắc thuốc, khối lượng cồng kềnh, khó bảo quản, hàm lượng hoạt chất trong dược liệu thấp nên thường phải uống nhiều cho mỗi lần sử dụng, đợt điều trị thường phải kéo dài.
Một số loại thuốc được sản xuất từ dịch chiết của dược liệu, hoặc từ dược liệu khô tán bột (cao thuốc, cồn thuốc, sirô, trà túi lọc, chè tan, hoặc những chế phẩm thuốc mới) thì tiện dùng hơn và dễ bảo quản hơn. Tuy vậy, các loại thuốc này vẫn phải phụ thuộc vào dược liệu, mà dược liệu lại không ổn định.
Do đó, chất lượng cũng như thành phần của thuốc sẽ khó đồng đều ở qui mô sản xuất công nghiệp. Các tiêu chuẩn để kiểm nghiệm thuốc loại này cũng chưa được đầy đủ. Vì vậy, hiệu quả điều trị cũng như độc tính của thuốc sẽ không được ổn định. Để khắc phục những nhược điểm này, sau khi lấy dịch chiết từ dược liệu, người ta tìm cách tinh chế, loại bỏ các tạp chất, phân lập để tách riêng một hoặc một số hoạt chất tinh khiết.
So với thuốc đông y, thuốc phân lập từ dược liệu có một số ưu điểm:
Thành phần rõ ràng, hàm lượng chính xác, khối lượng gọn nhẹ, cách dùng thuận tiện, bảo quản dễ dàng, thời gian bảo quản lâu, có phương pháp kiểm nghiệm rõ ràng.
Tuy nhiên, tác dụng chữa bệnh, hiệu quả điều trị, độc tính của thuốc phân lập từ dược liệu có thể có thay đổi so với thuốc đi từ dược liệu (chưa phân lập hoạt chất).
Thực tế, có những thuốc chỉ được sản xuất bằng phương pháp chiết xuất dược liệu khi công nghiệp hoá dược chưa tổng hợp được, hoặc có thể tổng hợp được nhưng giá thành lại quá cao, hoặc tác dụng điều trị của thuốc tổng hợp chưa thể thay thế được thuốc có nguồn gốc dược liệu. Ví dụ: morphin, quinin, strychnin, berberin, ...
Chiết xuất dược liệu để tách hoạt chất tinh khiết, có tác dụng tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho quá trình bán tổng hợp một số thuốc mới nhằm làm tăng ưu điểm cho thuốc: tăng tác dụng điều trị của thuốc, hoặc giảm bớt những tác dụng không mong muốn của thuốc, hoặc để tạo ra những tác dụng mới. Chẳng hạn, từ lá cây thanh cao hoa vàng, người ta phân lập ra artemisinin, sau đó người ta lại bán tổng hợp ra artesunat, arteether,... Các dẫn chất này cũng được dùng để điều trị sốt rét nhưng cho hiệu quả điều trị cao hơn. Từ vỏ cây canhkina người ta phân lập ra quinin, sau đó lại bán tổng hợp ra quinidin. Quinidin cũng có tác dụng diệt ký sinh trùng sốt rét như quinin nhưng tác dụng kém hơn nên được dùng chủ yếu để chữa bệnh loạn nhịp tim. Diosgenin (phân lập từ nhiều loài thuộc chi Dioscorea, họ Củ nâu - Dioscoreaceae), được dùng làm nguyên liệu để bán tổng hợp ra nhiều loại thuốc steroid quan trọng.
Đối với ngành dược Việt Nam, chiết xuất dược liệu có tầm quan trọng đặc biệt. Việt Nam ta có khí hậu nhiệt đới, độ ẩm khá cao, diện tích rừng rất rộng, lại có cả một số vùng núi cao và cao nguyên, do đó hệ thực vật rất phong phú và đa dạng. Vì vậy, nước ta có nhiều điều kiện để tự trồng trọt và khai thác dược liệu trong nước, đó chính là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chiết xuất dược liệu.
Trong những năm gần đây, xu hướng ở Việt Nam cũng như trên thế giới, con người ngày càng thích những thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, do đó công nghiệp chiết xuất dược liệu càng ngày lại càng có vai trò quan trọng, và có khả năng sẽ trở thành thế mạnh của ngành dược Việt Nam.

Cà dái dê giúp tránh cao huyết áp, giảm cholesterol trong máu

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Không chỉ được sử dụng như một món ăn thông thường, cà tím còn là một loại rau quả chứa nhiều chất dinh dưỡng và có tác dụng giảm bớt lượng cholesterol trong máu.
Cà tím, hay còn được dân gian gọi nôm na “cà dái dê”, có tên khoa học là Solanum melongena L.; họ Cà-Solanaceae. Mặc dù tên gọi phổ biến là “cà tím” nhưng loài cây thuộc họ cà này có đến 3 loại khác nhau, cho ra quả với những màu sắc khác nhau là tím, xanh và trắng. Tuy vậy, tất cả chúng đều có công dụng như nhau.

Cà dái dê tím
Cà dái dê tím
Cà tím là loại rau quả rất giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamins A, B1, B2, C và các protein. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, cà tím là loại rau củ có lượng vitamin P kỷ lục. Mỗi kg cà tím chứa tới 7.200mg vitamin P-mức được đánh giá là rất cao theo bảng phân loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe hiện nay.
Vitamin P là loại vitamin chủ yếu trong việc làm tăng cường sự kết dính giữa các tế bào, giảm bớt lượng cholesterol và duy trì sự dẻo dai của các mạch máu. Vì vậy, đối với người cao tuổi, ăn cà tím có thể giúp phòng ngừa được bệnh cao huyết áp và xơ cứng động mạch.

Cà dái dê tím
Cà dái dê xanh
Theo các nhà khoa học Mỹ, ăn cà tím là một trong những biện pháp hàng đầu để giảm cholesterol trong máu.
Trong thực tế, cà tím không chỉ giúp giảm cholesterol và hạ huyết áp mà còn chứa nhiều chất chống ung thư. Khoa học hiện đại khám phá ra rằng, trong cà tím có “solanin” – chất có thể ngăn chặn việc phát triển của khối u trong hệ tiêu hóa. Lời khuyên của giới chuyên gia dành cho các bệnh nhân ung thư là hãy biến cà tím thành món ăn thường xuyên.
Ngoài các công dụng trên, cà tím cũng có thể giúp chúng ta kiểm soát bệnh ho khạc ra máu, hạn chế đốm lão hóa trên da và có tác dụng nhất định đối với những bệnh nhân mắc gout.

Cà dái dê trắng
Cà dái dê trắng
Dù không có chất béo và cholesterol nhưng theo các nhà khoa học Australia, cà tím có đặc tính thấm dầu nhanh hơn bất kỳ một loại rau quả nào (chúng có thể thẩm thấu 83g chất béo trong 70 giây, cao gấp 4 lần khoai tây chiên). Vì vậy, nếu ăn nhiều cà tím xào sẽ làm tăng lượng chất béo nạp vào cơ thể.
Tốt nhất bạn nên ăn cà ninh, hoặc hầm nhừ. Cách này sẽ không làm mất đi những thành phần dinh dưỡng vốn có trong cà tím mà vẫn giúp bạn có một món ăn ngon, bổ dưỡng. Việc ngâm qua nước pha muối và sau đó rửa lại các miếng cà tím đã thái sẽ làm nó mềm hơn và loại bỏ gần hết vị đắng của cà, làm cho món ăn ngon hơn.

Bào chế dược liệu BẠCH QUẢ-Ginkgo biloba L

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

BẠCH QUẢ

Tên khoa học: Ginkgo biloba L.; Họ bạch quả (Ginkgoaceae)
Bộ phận dùng: quả. Quả chắc, tròn, trắng ngà, có nhiều bột không mọt là tốt.
Thành phần hóa học: Acid béo, acid cyanhydric, tinh bột, albumin, histidin v.v…
Tính vị - quy kinh: vị đắng, ngọt, tính bình. Vào hai kinh phế, tỳ.
Tác dụng: Liễm phế khí, tiêu đờm suyễn, sát trùng.
Công dụng: Trị ho hen, đờm suyễn, bạch đới, bạch trọc, đi đái vặt, đắp ngoài trị sang lở.
Kiêng kỵ: Khi có thực tà thì kiêng dùng, không nên dùng nhiều, làm cho khí ủng trệ, trễ con mà dùng thì phát kinh phong và sinh bệnh cam.
Cách bào chế:
Theo Trung y: Bỏ vỏ cứng lấy nhân, bỏ màng nhân bọc ở ngoài nhân rồi giã nát dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Đập dập bỏ vỏ và màng bọc nhân (dúng qua nước ấm, để một lúc rồi bóc màng đi); khi bốc thuốc thang giã dập nát.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, thoáng gió. Tránh nóng ẩm dễ biến chất.

Bào chế dược liệu BẠCH PHÀN (phèn chua, phèn phi)-Alumen

BẠCH PHÀN (phèn chua, phèn phi)


Tên khoa học: Alumen
Phèn chua (SO2)3Al2 - SO4K2 + 2H2O thấy ở thiên nhiên, hiện nay công nghiệp sản xuất bằng hóa hợp. Phèn chua có tinh thể không màu, trong, đóng từng cục, dễ tan trong nước, chảy ở 920C trong nước kết tinh; để nguội đông đặc lại thành vô định hình; trên 1000C thì mất 5 phân tử nước, ở 1200C mất thêm 4 phân tử nước, đến 2000C thì hết nước, sùi lên như nấm trên miệng dụng cụ, trên 2500C mất acid sunfuric và cho kali alumilat.
Tính vị - quy kinh: Vị chua, tính hàn. Vào kinh tỳ.
Tác dụng: Sát trùng, giải độc, táo thấp, thu liễm.
Công dụng - liều dùng:
a. Theo Tây y: phèn chua thu liễm tại chỗ nhưng nếu để lâu thì gây viêm. Phèn phi cũng thu liễm.
b. Theo Đông y:
-   Phèn chua giải độc, tiêu đờm, trị sốt rét và kiết lỵ; ngày dùng 1 - 4g.
-   Phèn phi trị sang lở, sát trùng, thu liễm; ngày dùng 2 - 6g.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
-   Cho vào nồi đất nung lửa cho đỏ rực cả trong ngoài, lấy ra đậy kín lại, cho vào trong tổ ong lộ thiên mà đốt (phèn 10 lạng, tổ ong 6 lạng), đốt cháy hết lấy ra để nguội tán bột, gói giấy lại, đào đất sáu 5 tấc, chôn 1 đêm, lấy ra dùng (Lôi Công).
-   Nay chỉ nấu cho khô hết nước gọi là khô phàn, không nấu gọi là sinh phàn. Nếu uống thì phải chê đúng cách (Lý Thời Trân)
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Dùng một cái chảo gang có thể chứa được gấp 5 lần thể tích phèn chua muốn phi để tránh phèn bồng ra. Cho phèn chua vào chảo, đốt nóng cho chảy, nhiệt độ có thể lên tới 800 - 9000C. Phèn bồng lên, đến khi không thấy bồng nữa thì rút lửa, để nguội. Lấy ra cạo bỏ cái đen vàng bám xung quanh, chỉ lấy thứ trắng, tán mịn. Phèn phi tan ít và chậm trong nước.
Theo Tây y: Nung trong chậu, đốt nhẹ, không được quá 2500C. Phèn chảy sùi ra miệng dụng cụ.
Phèn phi trắng, nhẹ, xốp, tan rất chậm trong nước (30% ở 150C).
Bảo quản: cần tránh ẩm, đựng trong lọ kín.
                                                                                                              www.duoclieu.org