Ô ĐẦU-Ô đầu Việt Nam - Aconitum fortunei Hemsl. Âu ô đầu: Acotinum napenllus L., Ô đầu Trung quốc Acotinum chinensis Paxt. và Acotinum carmichaeli Debx.

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Ô ĐẦU

Có nhiều loại ô đầu: Ô đầu Việt Nam - Aconitum fortunei Hemsl. Âu ô đầu: Acotinum napenllus L., Ô đầu Trung quốc Acotinum chinensis Paxt. và Acotinum carmichaeli Debx., thuộc họ Hoàng liên - Ranunculaceae.

Đặc điểm thực vật

Cây ô đầu thuộc loại cỏ, mọc hàng năm, cao chừng 0,6 – 1m, rễ phát triển thành củ có hình nón, thân mọc thẳng đứng có ít cành. Lá mọc so le hình dáng và kích thước của lá có khác nhau chút ít tùy theo loài.
- Âu ô đầu lá xẻ chân vịt, gần như lá ngải cứu, mặt trên màu xanh thẫm, mặt dưới màu nhạt hơn.
- Ô đầu Trung Quốc có phiến lá rộng 5 – 12 cm, xẻ thành 3 thùy, 2 thùy  2 bên lại xẻ làm 2, thùy giữa xẻ làm 3 thùy con, mép các thùy đều có khía răng cưa nhọn.
Hoa lưỡng tính, không đều, hoa có màu xanh lơ thẫm hay tím mọc thành chùm ở ngọn thân. Có 5 lá đài, trong đó có một cái khum thành hình mũ: Quả có 5 đại mỏng.

Phân bố

Âu ô đầu mọc hoang và trồng ở châu Âu.
Ô đầu Trung Quốc mọc hoang và trồng ở Trung Quốc (Tứ Xuyên, Quý châu, Vân Nam, Thiểm Tây, Cam Túc).
Ô đầu việt nam mọc hoang và trồng ở các vùng núi như Hà Giang, Lào Cai (Sa pa).

Trồng hái

Ô đầu được trồng bằng hạt hoặc các củ con.
Ô đầu được trồng nhiều ở Trung Quốc, người ta trồng ở vùng khí hậu lạnh ẩm, đất hơi cao, dễ thoát nước, cây ưa đất mùn, đất cát. Vào khoảng tháng 11 hàng năm người ta thu hoạch lấy củ to làm thuốc, củ con dùng để trồng. Có nơi trồng vào tháng 3, tháng 4 năm sau (vùng Bắc Kinh), có nơi trồng vào mùa đông (ở tứ Xuyên).
Người ta thường thu hoạch khi cây trồng được 1-2 năm, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Nếu cần thu hạt thì đến cuối năm thu hạt xong tiếp tục chăm sóc để thu củ vào mùa ra hoa năm sau.
Ở nước ta thu hái vào tháng 9-10 khi cây đang ra hoa. Trồng vào tháng 1,2.

Chế biến

Tùy theo cách chế mà có các vị khác nhau.
Diêm phụ: chọn rễ nhánh to, rửa sạch bỏ vào vại, thêm chlorid Mg, muối ăn và nước (cứ 100kg phụ tử dung 40kg Mg chloride, 30kg muối ăn, 60 lít nước), ngâm 10 ngày. Lấy ra, phơi khô lại rồi cho vào, cứ thế ngày phơi đêm ngâm nước bao giờ cũng xâm xấp trên củ. Thỉnh thoảng thêm Mg chloride, muối ăn, nước dể đảm bảo nồng độ ban đầu. Cuối cùng vớt ra, phơi nắng để muối thấm đến củ và mặt ngoài thấy kết tinh trắng là được. Trước khi dùng, thái lát mỏng, rửa nước đến hết cay tê, rồi phơi hay sấy khô.
Hắc phụ: Chọn rễ nhánh trung bình, rửa sạch, cho vào vại, thêm Mg chlorid, nước, ngâm vài ngày (100kg phụ tử dùng 40 kg Mg chlorid, 20 lít nước). Sau khi đun sôi 2-3 phút, lấy ra rửa sạch, thái từng miếng mỏng. Lại ngâm Mg chlorid và nước, cuối cùng thêm đường đỏ và dầu hạt cải, rồi sao tẩm cho đến khi có màu nước chè đặc. Sau đó, rửa nước đến hết vị cay, rồi phơi hoặc sấy khô.
Bạch phụ: Chọn rễ nhỏ, rửa sạch cho vào vại ngâm với Mg chlorid nước, trong vài ngày. Sau đó đun tới chín giữa củ, loại bỏ vỏ rồi thái mỏng, rửa cho hết tê cay, hấp chín, phơi khô, rồi phơi đến hết khô.

Bộ phận dùng

- Củ mẹ (ô đầu)
- Củ con (phụ tử)
Rễ cử ô đầu Việt Nam (Aconitum fortune Hems) hình con quay dài 3 - 5cm, đường kính 1-1,2cm. Phía trên cử ô đầu có vết tích cửa thân cây. Mặt ngoài màu nâu hay nâu đen, có nhiêu nếp nhăn dọc va vết tích cửa rễ con và củ con. Thể chất cưng chắc và dai khó bẻ, thường giống xốp ở giữa cử vết cắn màu nâu xám  nhạt, vị nhạt sau hơi chát và hơi tê lưỡi.
Phụ tử có hình con quay dài 3,5-5cm, phía trên to đường kính 1,5-2,5cm có vết nối với củ mẹ, không có vết tích của thân cây, phía dươi thuôn nhỏ dần. Mặt ngoài màu nâu đen, có nhiều nếp nhăn dọc, vòng quanh có một số rễ nhánh lồi lên như cái bưới.
Thể chất cứng chắc, khó bẻ. Vết cắt có màu nâu xám. Vị nhạt, sau hơi chát và hơi tê lưỡi.
Vi phẫu
Cắt ngang phần chóp củ thấy có: Lớp bần màu nâu. Mô mềm vỏ gồm 3 - 4 hàng tế bào thành mỏng, hình nhiều cạnh, dẹt, nằm ngang. Nội bì gồm 1 hàng tế bào rõ. Trụ bì gồm 2 - 3 hàng tế bào xếp đều đặn, sát với nội bì. Trong mô mềm rải rác có nhiều đám mạch rây và cả hạt tinh bột. Libe khá phát triển và bị các tia ruột cắt ra thành từng dãy xuyên tâm. Tầng sinh libe - gỗ gồm 1 - 2 hàng tế bào nhỏ. Gỗ cấp 2 xếp thành những hình chữ V. Tia ruột rộng và mô mềm ruột phát triển.
Bột
Mảnh bần màu nâu, thành dày. Mảnh mô mềm gồm tế bào hình nhiều cạnh, thành mỏng, trong chứa các hạt tinh bột. Các hạt tinh bột nhỏ, hình đĩa, hình chuông hay hình đa giác, đường kính 2 - 25 mm, đứng riêng lẻ hay kép đôi, kép ba. Mảnh mạch mạng, mạch vạch. Tế bào mô cứng thành dày. Rải rác có tinh thể calci oxalat hình kim hay hình khối. Sợi dài.

Thành phần hóa học

Hoạt chất trong ô đầu, phụ tử là alcaloid. Hàm lượng alcaloid thay đổi tùy theo loài và thời kỳ thu hái.
    - Âu ô đầu:0,2-3% alcaloid toàn phần. Trong đó có aconitin chiếm tới 85-90%, ngoài ra còn có benzoyl- aconin, aconin, napellin, neopellin, magnoflorin, hypaconitin và có vết spartein, ephedrine.
- Ô đầu Trung Quốc (Aconitum carmichaeli) có 0,32-0,77% alkaloid toàn phần. Trong đó có hypaconitin, aconintin, mesaconitin, jesaconitin, atisin, kobisin, ignavin, songorin, higennamin, corynein, yokonosid.
   - Ô đầu Việt Nam (Acouitum fortune Hems) đối với cây trông ở sapa ( Lào Cai), alcaloid toàn phần ở củ mẹ: 0,36-0,80%, củ con: 0,78-1,17%. Cây trồng ở Hà Giang, có alcaloid toàn phần ở củ con là 0,36%. Trong đó ô đầu Việt Nam có aconitin, hypaconitin và còn ít nhất là 8 vết hiện màu với thuốc thử Dragendorff trên sắc ký lơp mỏng nhưng chưa phân lập đươc đẻ xác định cấu trúc hóa học.

aconintin
corynein
Aconitin dễ bị thủy phân thành acid acetic và benzoylaconitin. Độ độc của benzoylaconitin chỉ bằng 1/400 – 1/500 aconitin. Thủy phân tiếp benzoylaconitin sẽ giải phóng ra một phân tử acid benzoic và chuyển thành aconin. Độ độc của aconin giảm đi chỉ còn khoảng 1/10 benzoylaconitin/
Aconitin là chất độc nhất và có tác dụng sinh học mạnh nhất, hàm lượng giao động khoảng 13 – 90% alcaloid toàn phần. Bị thủy phân, dễ dàng biến đổi aconitin thành những chất ít độc hơn khiến người ta phải quan tâm đến việc chế biến và thời gian bảo quản cũng như định lượng riêng aconitin trong chế phẩm.
Ngoài alcaloid trong ô đầu và phụ tử còn có acid hữu cơ (acid aconitic, citric, malic …), tinh bột, chất đường, muối vô cơ.

Kiểm nghiệm

1. Định tính
- Lấy khoảng 1 g bột dược liệu , thấm ẩm bằng amoniac đặc, để yên 10 phút, chiết với 10 ml chloroform, lọc, bốc hơi dịch lọc tới khô,hòa tan cắn với acid H2SO4 loãng rồi chia vào 3 ống nghiệm :
   + ống 1: nhỏ 2 giọt thuốc thử  Mayer sẽ xuất hiện tủa trắng.
   + ống 2: nhỏ 2 giọt thuốc thử Burchardat sẽ xuất hiện tủa nâu.
   +ống 3: nhỏ 2 giọt thuốc thử Dragendorff sẽ xuất hiện tủa đỏ cam.
- Lấy khoảng 2 g bột dược liệu cho vào bình nón có nút mài , thấm ẩm bằng ammoniac đặc. sau 10 phút them 20 ml ether lắc đều, nút kín và để yên trong 30 phút, thỉnh thoảng lắc. Gạn lớp ether, làm khan bằng Na2SO4khan ,lọc và bốc hơi cách  thủy tới khô. Hòa tan cắn với 5 ml H2SO4 loãng, đun cách thủy trong 20 phút sẽ xuất hiện màu đỏ với huỳnh quang xanh.
-  Sắc ký lớp mỏng: dùng chất hấp phụ là silicagen G, hệ dung môi khai triển là: chloroform – methanol – ammoniac đặc [ 50 : 9 : 1], phun hiện màu bằng thuốc thử Dragendorff.
Trên sắc ký đồ dịch chiết cảu củ mẹ và củ con ít nhất có 9 vết , trong đó có vết có Rf và màu sắc giống vết aconitin chuẩn và hypaconitin chuẩn.
2. Định lượng:
Cân chính xác khoảng 6 g bột dược liệu cho vào bình nón có nút mài dung tích 150 ml. thêm 70 ml ether và amoniac đặc, lắc mạnh trong 30 phút. Thêm 2,5 ml nước cất, lắc mạnh và để yên cho tách thành 2 lớp. Gạn lấy lớp ether và lọc qua bông. Lấy một lượng chính xác dịch  chiết ether (tương ứng với 4g bột dược liệu) cho vào bình nón có dung tích 150 ml. Làm bốc hơi đến khô. Thêm 5ml ether, lại làm bốc hơi trên cách thủy đến khô. Tiếp tục làm như vậy với 5 ml ether nữa. Hòa tan cắn trong 5 ml ethanol 960, lắc nhẹ trên cách thủy sôi 5 phút. Thêm 30 ml nước cất vừa mới đun sôi để nguội. Cho thêm 8 giọt dung dịch đỏ methyl và một giọt xanh methylen 0.15% trong ethanol, rồi chuẩn độ bằng dung dịch HCl 0,01N đến khi chuyển sang màu tím tro.
1 ml HCl 0,01N tương ứng 6.46 mg alkaloid toàn phần tính theo aconitin.
Hàm lượng phần trăm alkaloid trong dươc liệu :
X% =0,0646 . n . 100 / P
P: khối lượng dược liệu khô kiệt , tương ứng với 4 g dược liệu đem định lượng.
n: số ml dung dịch HCl 0,01N đã dùng.
Theo quy định của Dược điên Việt Nam III trong củ mẹ phải chứa ít nhất 0,3%, củ con chứa ít nhất 0,6% alcaloid toàn phần tính theo aconitin.
Dược điển quốc tế định lương riêng aconitin  theo nguyên tắc: xà phòng hóa để giải phống acid acetic và benzoic. Sau đó tách benzoic ra bằng cách lắc với hỗn hợp ether – ether dầu hỏa. Định lượng acid benzoic rồi suy ủa lượng aconitin (trong đó cũng có một lượng nhỏ benzoyl aconitin không đáng kể) Dược điển quốc tế quy định phải chiếm 30 % alcaloid toàn phần.
3. Thử độc tính cấp
Điều chế theo phương pháp ngấm kiệt một cồn thuốc theo tỷ lệ (1/10) trong cồn 900. Pha loãng cồn đó với nước theo tỷ lệ 1/5. Tiêm dưới da cho 10 con chuột nhắt trắng, cân nặng mỗi con 20±1g đã nhịn đói 4 giờ trước khi tiêm một liều cồn thuốc, sao cho có thể giết chết 50% số chuột trong 24 giờ. Độ độc của 1ml cồn thuốc (1/10) phải tương đương với 0,15mg aconitin chuẩn, hay liều LD50 cho mỗi kg cơ thể chuột phải xấp xỉ 2,4ml cồn thuốc (1/10)

Tác dụng dược lý

1. Tác dụng đối với tim

Aconitinrất độc đối với tim, chủ yếu tác dụng trực tiếp lên tế bào cơ tim, thúc đẩy màng tế bào khử cực hóa, tăng nhanh nhịp đập, rút ngắn giai đọan trơ. Trên cơ thể động vật bị ngộ độc aconitin, còn có sự tham gia của thần kinh thực vật. Ngộ độc aconitin biểu hiện trên điện tâm đồ là đầu tien làm giảm nhịp tim, sau đó dẫn truyền nhị thất bị phong bế, xuất hiện ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất, cuối cùng tim ngừng đập. Người ta cho rằng cơ chế tác dụng của ngộ độc là do tính hưng phấn của cơ tim tăng cao. Do đó hiện nay, aconitin là thuốc công cụ để gây mô hình loạn nhịp tim thực nghiệm, phục vụ cho công tác nghiên cứu các thuốc chống loạn nhịp tim, aconitin không có giá trị sử dụng trong điều trị trên lâm sàng.
Aconitin không có tác dụng cường tim, trái lại rất độc với tim nhu đã đề cập. Xong có người cho rằng sản phẩm thủy phân của aconitin là chất aconin lại có tác dụng cường tim mà độc tính lại thấp chỉ bằng 1/2000- 1/4000 độc tính của aconitin. Gần đây người ta đã chứng minh dịch thủy phân của aconitin thí nghiệp trên tim cô lập chuột lang và ếch có tác dụng cường tim yếu, không đáng kể. Các tác giả Nhật Bản cho rằng hoạt chất cường tim có trong phụ tử là higenamin. Trên chó gây mê higenamin với liều 1-4µg/kg làm tăng nhịp tim và tăng tuần hoàn mạch vành, do đó các nhà nghiên cứu đều cho rằng higenamin là một chất chủ vận đối với hệ β-adrenergic chứ không phải là một thành phần có tác dụng cường tim thực thụ của phụ tử

2. Tác dụng đối với huyết áp

Aconitin có tác dụng làm hạ huyết áp. Tác dụng này bị Atropin đối kháng. Bài cấp cứu hồi dương thang gồm: phụ tử, long não, nhân sâm, xả hương có tác dụng nâng cao huyết áp đã bị tụt thấp còn bài quế phụ thang trên chuột cống trắng có tác dụng gây cao huyết áp thực nghiệm lại có tác dụng hạ huyết áp.
Ngoài ra trong phụ tử còn có các thành phần ester có tác dụng tăng cường chuyển hóa các lipid no và cholesterol, giảm hiện tượng lipid bám vào thành mạch, giảm lượng cholesterol, lipid trong máu dùng điều trị xơ vữa động mạch thực nghiệm trên thỏ có kết quả.
3. Tác dụng giảm đau
 Alcaloid trong ô đầu có tác dụng làm giảm đau trên chuột nhắt trắng. Tác dụng giảm đau có tính chât thuộc trung ương, liên quan mật thiết với những đáp ứng của hệ thống các chất catecholamin trung ương, đặc biệt với hệ thống adrenergic mà không thông qua trung gian là các thụ thể opiate nên levallorphan không làm ảnh hưởng đến tác dụng giảm đau của mesaconitin. Ngoài ra aconitin còn có tác dụng ức chế dẫn truyền các xung thần kinh làm cho dây thần kinh tê liệt mất khả nang dẫn truyền.

4. Tác dụng với hệ thần kinh.

Đối với các tận cùng của dây thần kinh cảm giác trong da và niêm mạc, aconitin ở giai đoạn đầu có tác dụng kích thích gây ngứa, có cảm giác nỏng bỏng, sau đó mất cảm giác tê dại. Aconitin còn có tác dụng ức chế trung khu hô hấp, tăng cường tiết nước bọt hạ thân nhiệt ở động vật bình thường cũng như động vật gây sốt.

5. Tác dụng chống viêm.

Alcaloid ô đầu có tác dụng ưc chế hiện tượng tăng thẩm thấu của thành mạch do tiêm xoang bụng acid acetic gây nên đồng thời ức chế phù bàn chân chuột cống trắng do tiêm carageenin, phòng ngừa viêm. Nước sắc phụ tử có tác dụng chống viêm khớp cổ chân chuột do formaldehyd gây nên.

6. Tác dụng khác.

Alcaloid ô đầu có tác dụng đối kháng với co thắt hồi tràng chuột lang cô lập do histamine và acetylcholine gây nên, thúc đẩy qua trình sinh tổng hợp RNA polymerase.
Độc tính: Ô đầu rất độc độc tính thay dổi theo loài, địa điểm cây sinh trưởng, thời gian thu hái, cách bào chế, thời gian đun nấu. Trong quá trình bào chế hàm lượng alcaloid giảm tới 81,3% nên phụ tử ít độc hơn. Phụ tử chế từ cây mọc ở các vùng khác nhau có độ độc chênh lệnh nhau 8 lần. Aconitin và các Alcaloid khác cũng rất độc. Triệu chứng ngộ độc biểu hiện ở: lưỡi tê, chảy nước bọt, nôn mửa, đi ngoài, đau đầu, chóng mặt, môi và chân tay tím tái, mạch chậm yếu, hô hấp khó khăn…

Công dụng và liều dùng

Ô đầu, phụ tử chưa chế biến: Chủ yếu dùng ngoài để xoa bóp khi nhức, mỏi tay chân, đau khớp, bong gân. Dùng dưới dạng cồn aconit 10% của bột (1g cồn thuốc này  = 57 giọt), hoặc nhân dân thường thái mỏng ngâm rượu để dùng.
Có thể dùng trong để giảm đau các bệnh đau do dây thần kinh sinh ba, giảm viêm trong cá bệnh viêm thanh quản, phế quản, họng và dùng chữa ho. Ngày dùng 0,2 – 1 g (tức 10 giọt – 57 giọt) cồn 10%; trẻ em: 1-2 giọt cho mỗi tuổi trong 24 giờ.
Vì aconitin dễ bị thủy phân nên hàng năm phải thay cồn aconit 1 lần.
Ô đầu, phụ tử là thuốc độc bảng A nên dùng trong phải hết sức thận trọng. Phụ tử chế, hắc phụ: Y học dân tộc cổ truyền coi là một vị thuốc hồi dương, khử phong hàn, dùng chữa một số triệu chứng nguy cấp: Trụy tim mạch, ra nhiều mồ hôi, chân tay lạnh giá. Ngày dùng 4-12 g dạng thuốc sắc, có khi còn dùng liều cao hơn. Thường phối hợp với nhân sâm, can khương tùy theo kinh nghiệm của thầy thuốc.
Phụ tử chế được dùng trong bài thuốc “Bát vị hoàn”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

CÀ LÁ XẺ-Solanum laciniatum Ait., thuộc họ Cà - Solanaceae.

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

CÀ LÁ XẺ

Tên khoa học của cây cà lá xẻ: Solanum laciniatum Ait., thuộc họ Cà - Solanaceae.
Cây cà lá xẻ còn gọi là cà Úc.

Đặc điểm thực vật

Cây thuộc thảo, sống nhiều năm, cây cao tới 2 – 2,5 m, thân mọc đứng, phần gốc hóa gỗ.Thân thiết diện tròn, khi cây cao 40 – 60 cm thì phân cành, thân cây bắt đầu ra là màu xanh đậm và chuyển sang màu đen khi có phát triển, cuối cùng tạo thành vỏ thô màu nâu.
Lá đơn, mọc so le, có hình dạng và kích thước rất khác nhau. Lá ở phía dưới dài tới 35 cm, có cuống, thường xẻ lông chim lẻ. Lá phía trên ngắn dần và bị xẻ ba, còn lá ở ngọn thì nhỏ, nguyên hình mũi mác. Lá nhẵn, mặt trên xanh xẫm, mặt dưới nhạt hơn, gân hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, mặt trên gân giữa màu lục.
Hoa to họp thành chùm ở nách lá. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5, màu tím. Đài có 5 răng màu xanh, tràng hình bánh xe có 5 gân màu chính màu vàng nhạt dính nhau phía dưới thành ống ngắn, hẹp và màu lục, phía trên loe rộng và màu tím. Nhị 5, rời, dài bằng nhau, đính ở đáy ống tràng và xếp xen kẽ với cánh hoa; chỉ nhị vàng nhạt, nhẵn; bao phấn thuôn, vàng sậm, xếp chụm vào nhau thành một ống thẳng đứng bao quanh vòi nhụy, 2 ô, hướng trong; hạt phấn rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục; bầu trên, hai ô màu xanh, vòi màu tím và 2 núm tách đôi.
 Quả kiểu cà, mọng, đơn lẻ, hình trứng dài 2 - 3 cm, vỏ láng bóng màu vàng khi chín, lá đài đồng trưởng trên quả, dày. Hạt nhiều, nhỏ, hình thận có màu nâu.
Toàn cây độc, nhưng thịt quả chín có thể ăn được.
Mùa hoa quả tháng 7 – 10.

Phân bố

Cà lá xẻ có nguồn gốc ở châu Úc và Tân Tây Lan. Cây thích hợp với khí hậu cận nhiệt đới. Nhiều nước đã di thực và trồng như Trung Quốc, Xri lanca. Nước ta cũng đã di thực được cây này nhưng chưa phát triển trồng nhiều.

Bộ phận dùng

Phần trên mặt đất phơi hay sấy khô (Herba Solani lanciniati)

Thành phần hóa học

Toàn cây chứa hai loại glycoalcaloid (khung stroid) gần giống nhau là Solasonin và Solamargin, khi thủy phân cho cùng một aglycon là solasodin.

Solamargin
solasodin
Solasonin
Solasonin thường bao gồm α, β và γ – solasonin: α – solasonin có hàm lượng cao nhất, còn β và γ – solasonin là glycoside cấp hai do α – solasonin thủy phân tạo ra, cũng có thể tồn tại kèm theo với α – solasonin trong cây.
Hàm lượng glycoalcaloid thay đổi tùy theo bộ phận của cây.
Ví dụ : Đối với cây trồng của viện Vilar (Nga) cho kết quả (tính theo dược liệu khô) : 2,48 – 3,87%; thân (phần dưới và phần ở giữa): 0,26 – 0,32%; rễ 0,81%, quả xanh 6,61%.
Tuy hàm lượng glycoalcaloid trong quả xanh cao nhưng chỉ chiếm 3,7% khối lượng cuả cây, còn lá thì chiếm tới 50%.
Tỉ lệ Solasodin 1,2 – 1,6% ở lá.
Ngoài các glycoalcaloid từ bộ phận trên mặt đất của cây, các tác giả Nga còn tách được khoảng 0,20% diosgenin
Định lượng Solasodin trong môi trường khan:
Quá trình định lượng có thể chia làm 3 giai đoạn:
Cân chính xác 1g bột dược liệu cho vào cốc có mỏ, thấm ẩm bằng 4ml acid acetic 2%, để trong 30 phút rồi cho vào bình chiết và chiết bằng dung dịch acid acetic 2% cho đủ 25 ml.
-            Lấy 5 ml dịch chiết trên cho vào 1 bình cầu dung thích 20 ml
-            Thêm vào đó 1 ml HCl 5N
-            Lắp ống sinh hàn ngược và thủy phân trong 1 giờ trên nồi cách thủy sôi
-            Sau khi nguội, kiềm hóa dịch thủy phân bằng NaOH 25% tới pH 9,5 rồi lại đặt lên nồi cách thủy sôi trong 10 phút
-            Sau đó lấy ra, để nguội và cho vào tủ lạnh trong 1 giờ
-            Lọc lấy tủa vào giấy lọc không gấp nếp
-            Đem sấy tủa ở 700C cho tới khô
-            Gấp và cho giấy lọc có tủa vào bình Soxhlet rồi chiết bằng 20 ml chloroform khan trong 1 giờ.

3. Định lượng.

Dịch chiết solasodin sau khi để nguội thêm 2 giọt dimethyl vàng rồi định lượng bằng dung dịch paratoluen sulfonic 0,005N cho tới khi có màu hồng nhạt.
1 ml dung dịch paratoluen sulfonic 0,005N tương ứng với 2,069 mg solasodin.

% Solasodin= n. K.2,069.25.100/b.5
 
n: số ml paratuluen sulfonic 0,005N đã dùng
                       K: hệ số điều chỉnh
                       b: số gam dược liệu khô kiệt

Công dụng

-Cà lá xẻ được dùng để chiết xuất lấy solasodin
-Từ solasodin bán tổng hợp ra thuốc steroid
-Liên Xô cũ đã bán tổng hợp ra progesterone và cortison từ solasodin lầ đầu năm 1957
-Tổng hợp ra presnisolon, presnison.. có tác dụng chống viêm dùng trong các bệnh dị ứng (hen phế quản, tự miễn, chữa thấp khớp
-Ngoài ra có diosgenin cũng được dùng bán tổng hợp ra thuốc có bản chất steroid.
-Trái cây chín được dùng như thức ăn của thổ dân ở Tasmania và người Maori ở New Zealand - nhưng lưu ý rằng khi chưa chín trái cây có độc.
Ghi chú:Năm 1963 nước ta cũng đã di thực cây Solanum aviculare Forst, nhưng không phát triển
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

Phát “sốt” vì cây cỏ ngọt

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

 Thông tin về loại cây cỏ ngọt (stevia) có có độ ngọt gấp 300 lần mía đường gần đây được rất nhiều người quan tâm và săn tìm.

Cây cỏ ngọt
 Cây cỏ ngọt

GS-Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Cây trồng VN, cho biết cây cỏ ngọt được ông đưa về VN trồng từ năm 1988 chủ yếu dùng trong dược phẩm. Do thiếu đầu ra, người trồng không mặn mà, có thời gian cỏ ngọt gần như bị lãng quên. Năm 2009, Mỹ và cộng đồng châu Âu chính thức khuyến khích sử dụng rộng rãi và thu mua cỏ ngọt thay thế đường. Cây cỏ ngọt dần dần được hồi sinh và trở thành mặt hàng “nóng” mang lại giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, công dụng mà cây cỏ ngọt mang lại không phải ai cũng biết. Theo ông, cỏ ngọt thuộc họ cúc, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, độ ngọt tự nhiên 100%, gấp 300 lần so với đường mía. Có thể coi đây là một loại đường không năng lượng, không chứa calo, dễ bảo quản do tính kháng khuẩn.

 

Trong công nghiệp thực phẩm, cỏ ngọt là chất phụ gia điều vị để sản xuất bánh mứt kẹo, rượu màu và nước giải khát cho người ăn kiêng. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang đề nghị thay thế 30% đường mía bằng loại đường từ cỏ ngọt. Tại VN, Hiệp hội Giống cây trồng VN đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án phát triển cỏ ngọt theo hướng công nghệ cao. Theo đó, cây cỏ ngọt được đưa vào trồng tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng...

Cuộc sống hiện đại, ai cũng lo sợ mắc các căn bệnh “thời đại”. Vì vậy, khi hay tin cỏ ngọt được mệnh danh là chất ngọt “hoàng gia” tốt cho sức khỏe, trên các diễn đàn trên internet những ngày qua, nhiều người phát “sốt” vì tìm giống cây cỏ ngọt. Anh Bùi Thanh Việt (Vũng Tàu) cho hay, anh đã nhờ một người bạn lùng mua được 5 cây từ Hà Nội, gửi qua đường hàng không về trồng. Chị Đinh Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Từ một năm nay, nhà mình uống nước cỏ ngọt thay nước đun sôi để nguội. Mỗi ngày, chỉ cần ngắt 3 lá cho vào ấm nước đun lên, uống ngọt hương vị rất dễ chịu”. 
 
Thông tin cỏ ngọt chữa được nhiều bệnh khiến cho những người nông dân trồng cỏ cũng được “thơm lây”. Ông Đỗ Quang Hòa, thôn Đại Cát, xã Liên Mạc, Từ Liêm cho biết, gia đình ông bắt đầu trồng cỏ ngọt từ năm 1988, nhưng mãi đến gần đây cây cỏ ngọt mới được để ý. “Từ cuối năm 2011, rất nhiều người ở nội thành về Liên Mạc tìm mua cây cỏ ngọt về trồng trong nhà. Tính ra giá bán giống hơn nhiều so với bán lá thành phẩm. Cũng giống như các loại cỏ khác, cỏ ngọt rất dễ sống”. 

Theo kinh nghiệm của những người trồng cỏ, cây này có khả năng đẻ nhánh rất tốt. Nhánh già nhân giống, cắt râm cành xuống đất ẩm, phun sương, một tuần cây bén rễ. Mỗi năm có thể thu hoạch 3-4 lần. Tuy nhiên, phương pháp này thích hợp với những người trồng quy mô lớn, biết cách chăm sóc cây trồng. Còn với những hộ gia đình có quy mô nhỏ, trồng cỏ để sử dụng hằng ngày nên lựa chọn cây khỏe, có chất lượng. Hiện trên thị trường có một số công ty bán cây giống trồng với quy mô lớn với giá 350 đồng/cây, mầm giống 125 đồng/cây. Với những người không có điều kiện chăm sóc, có thể tìm mua lá khô tại các tiệm thuốc bắc trên phố Lãn Ông (Hà Nội) với giá 80.000 -100.000 đồng/kg hoặc mua trà túi lọc giá 35.000 đồng/hộp. 

MỰC HOA TRẮNG-Holarrhena antidysenterica Wall., họ Trúc đào-Apocynaceae.


MỰC HOA TRẮNG

 

Tên khoa học của cây mực hoa trắng: Holarrhena antidysenterica Wall., họ Trúc đào-Apocynaceae.
Tên khác: Mộc hoa trắng, thừng mực lá to, sừng trâu, míc lông, mộc vài (Tày), xi chào (K’ho), hồ liên.
Đặc điểm thực vật
Cây gỗ cao chừng 3 – 12 m. Cành non nhẵn hoặc mang lông màu nâu đỏ, trên mặt có nhiều khổng bì trắng, rõ. Lá mọc đối gần như không cuống, nguyên hình bầu dục đầu tù hoặc nhọn, gốc tròn hay nhọn, dài 12 – 15 cm, rộng 4 – 8 cm, mặt lá bóng, màu xanh lục nhạt. Hoa màu trắng, mọc thành ngù xim ở kẽ lá hoặc ở đầu cành. Quả đại, mọc từng đôi thành cung trông như sừng trâu. Mỗi đại màu nâu có vân dọc, dài 15 – 30cm, rộng 0,2 – 0,25cm, màu nâu nhạt, đáy tròn, đầu hơi hẹp, lõm một mặt, trên mặt có đường mặt có đường màu trắng nhạt, chùm lông của hạt màu hơi hung hung dài 2 – 4,5cm. Toàn cây có nhựa mủ.
Phân bố
Cây mọc hoang phổ biến ở các tỉnh miền núi và trung du như Bắc Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Gia Lai, Kon Tum, Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai… nhưng có nhiều nhất ở Đắc Lắc và Nghệ An.
Cây còn mọc ở Ấn Độ, Myanma, Thái Lan, Malaixia.
Bộ phận dùng
- Vỏ thân cây đã cạo bỏ lớp bần phơi hay sấy khô, thu hái vào mùa khô.
- Hạt.
Vi phẫu vỏ thân
Lớp bần. Tầng sinh bần. Lục bì. Mô mềm vỏ mỏng màu nâu đỏ thẫm. Lớp libe cấp 2 rất dày, trong đó có xen kẽ nhiều đám tế bào mô cứng, xếp thành nhiều tầng và có các ống nhựa mũ. Bên cạnh mỗi đám sợi có tinh thể calci oxalat hình khối. Tia ruột gồm một đến hai lớp tế bào chạy dài theo hướng xuyên tâm ,màng mỏng. Tầng sinh libe-gỗ.
Bột vỏ thân
Tế bào mô cứng rời hay xếp thành từng đám, có màu vàng nhạt, hình nhiều cạnh, màng hơi dày, khoang rộng có ống trao đổi rõ dài từ 60 đến 80 μm, rộng 40 đến 50 μm. Mảnh mô mềm gồm những tế bào hình đa giác, màng mỏng. Tinh thể calci oxalat hình khối chữ nhật, dài khoảng 40 μm, rộng khoảng 30 μm. Mảnh bần màu nâu nhạt gồm những tế bào nhiều cạnh, thành dày, khoang hẹp. Hạt tinh bột có rốn rõ.
Thành phần hóa học.
Vỏ thân chứa 9,5% gôm, 6,2 % chất nhựa, 1,14% tanin và nhiều alcaloid. Hàm lượng alcaloid thay đổi tùy theo sự phát triển của cây, cao nhất vào lúc cây 8-12 tuổi .
Hàm lượng alcaloid toàn phần: 0,22-4,2% trong vỏ. Cho tới nay đã tìm thấy 45 alcaloid, trong đó có conessin là alcaloid chính và nhiều alcaloid phụ khác như:  conessin (C23H28N2), isoconessimin (C23H38N2), conarimin (C21H34N2), conimin (C22H36N2), conamin (C22H36N2), holarimin (C21H34N2O), holarenin (C24H38ON2), conkurchin (C21H32N2), conessidin (C22H34N2)… Các chất khác : Gôm, nhựa, tanin, triterpen alcol, lupeol và sitosterol.

conessin
Chất Conessin có tinh thể hình lăng trụ (kết tinh trong aceton), điểm chảy: 1250C, [α]D = -1,90 (trong CHCl3) và + 21,6o(trong C2H5OH)
Gần đây nhóm tác giả người Pháp cùng Khương Hữu Quý đã phân lập được từ vỏ 3 cardenolid : nor-mitiphyllin, holarosin A và B.
Kiểm nghiệm
1 Định tính.
-   Lấy 1g bột dược liệu, thấm ẩm với amoniac đậm đặc, thêm 10 ml chloroform thỉnh thoảng lắc và sau 2 giờ lọc. Cho dịch lọc vào bình gạn, lắc với 3ml dung dịch HCl 1N. Để yên, gạn lấy nước lớp dịch chiết acid, chia đều vào 3 ống nghiệm.
+ Ống 1: Nhỏ một giọt thuốc thử Dragendorff sẽ có tủa đỏ gạch.
+ Ống 2: Nhỏ một giọt thuốc thử Mayer sẽ có tủa vàng nhạt.
+ Ống 3: Nhỏ một giọt thuốc thử Bouchardat sẽ có tủa nâu.
-   Lấy 1g bột dược liệu lắc với 5ml methanol, lọc vào một chén sứ rồi cho vào đó 1ml HCl đậm đặc, cô cạn, thêm 5-6 giọt H2SO4 đặc sẽ xuất hiện màu tím, thêm vài giọt nước cất thì màu tím bền hơn.
-   Lấy 5 gam bột dược liệu, thấm ẩm bằng 5 ml amoniac đậm đặc, thêm 30ml chloroform, lắc 15 phút, lọc. Cho dịch chiết chloroform vào bình gạn, thêm 10ml H2SO42 %, lắc và gạn lấy dịch chiết acid, kiềm hóa bằng amoniac đậm đặc cho đến pH = 9 trong bình gạn. Thêm 15 ml chloroform, lắc. Gạn lấy lớp chloroform vào một chén sứ và làm khan bằng Na2SO4 khan, cho bốc hơi tới khô. Chiết cắn bằng ether dầu hỏa 2 lần, mỗi lần 5 ml. Bốc hơi ether dầu hỏa trong chén sứ, thêm 10 giọt thuốc thử Erdmann sẽ xuất hiện màu vàng chuyển sang màu xanh lục.
2 Định lượng :
 Cân chính xác khoảng 5 g bột dược liệu, thấm ẩm bằng 5 ml dung dịch NaOH 1N. Để yên 1 giờ, sau trải ra và để chỗ thoáng cho khô rồi cho vào bình soxhlet chiết bằng hỗn hợp dung môi ethanol- chloroform [1: 3] cho đến hết alcaloid (khoảng 3 giờ). Lắc dịch chiết này với dung dịch HCl 2N 5 lần (2 lần đầu mỗi lần 20ml, 3 lần sau mỗi lần 10ml). Tập trung các dịch chiết acid và kiềm hóa từ từ bằng amoniac đậm đặc cho đến pH =9. Chiết lại bằng cách lắc 5 lần 20, 20, 10, 10 và 10 ml chloroform. Trước khi chiết lần cuối cùng thêm 1ml dung dịch NaOH 2N. Lấy 10 ml nước cất cho vào bình gạn, rửa lần lượt từng dịch chiết chloroform một, rửa như vậy 2 lần. Tập trung các dịch chiết chloroform, thêm chính xác 20ml dung dịch H2SO40,1 N và lắc kỹ 5 phút. Gạn dịch acid vào bình nón, rửa dịch chloroform 2 lần, mỗi lần với 10 ml nước cất và gộp nước rửa vào dịch acid trong bình nón. Thêm 3 giọt chỉ thị hỗn hợp và chuẩn độ acid thừa bằng dung dịch NaOH 0,1 N cho tới khi dung dịch chuyển sang màu xanh nhạt.
Song song tiến hành kiểm tra mẫu trắng: Lấy chính xác 20ml dung dịch H2SO4 0,1 N, thêm 20ml nước và 3 giọt dung dịch chỉ thị hỗn hợp, chuẩn độ bằng dung dịch NaOH 0,1N.
1ml dung dịch H2SO40,1N tương ứng với 0,017829 g alcaloid toàn phần tính theo conessin.
Hàm lượng phần trăm alcaloid toàn phần (X%) của dược liệu tính theo công thức

X% =  (n-n’).1,782/P
           n’: số ml dung dịch NaOH 0,1 N dùng cho mẫu trắng .
           n : số ml dung dịch NaOH 0,1 N dùng cho mẫu thử.
           P : khối lượng dược liệu tính bằng g (đã trừ độ ẩm).
Dược điển Việt Nam II quy định dược liệu phải chứa ít nhất 1,0% alcaloid toàn phần tính theo conessin và tính theo dược liệu khô kiệt.
Đối với conessin có thể định lượng bằng phương pháp so màu, theo nguyên tắc: Chiết lấy riêng conessin từ dược liệu rồi cho tác dụng với một lượng dư acid silicovonframic để tạo tủa silicovonframat alcaloid. Tách tủa ra, cho titan (III) clorid tác dụng với thuốc thử dư tạo ra dung dịch có màu xanh, đo cường độ màu, tính ra lượng thuốc thử đã kết hợp với alcaloid, rồi suy ra lượng alcaloid.
Cũng có thể định lượng conessin trong dược liệu bằng phương pháp HPLC.
Ghi chú :
1.   Thuốc thử Erdman: Cho 10 giọt acid nitric đậm đặc (TT) vào 100ml nước cất, thêm 20ml H2SO4 đậm đặc (TT).
2.   Chỉ thị hỗn hợp: Trộn 13ml dung dịch xanh methylen (0,15g trong 100 ml ethanol) với dung dịch đỏ methyl (0,04 g đỏ methyl hòa tan với 70ml ethanol và 25ml nước ) cho vừa đủ 100ml.
Tác dụng và cộng dụng
Conessin là hoạt chất chính của cây mức hoa trắng. Conessin ít độc, với liều cao gây liệt trung tâm hô hấp. Nếu tiêm, nó có tác dụng gây tê tại chỗ nhưng lại kèm theo hiện tượng hoại thư do đó không dùng gây tê được. Entamoeba histolityca bị liệt bởi emetin ở nồng độ 1/200000, bởi conessin ở nồng độ 1/280000. Conessin bài tiết một phần qua đường ruột, một phần qua đường tiểu tiện. Conessin còn kích thích co bóp ruột và tử cung. Nó gây hạ huyết áp và làm tim đập chậm bằng đường tiêm tĩnh mạch súc vật thí nghiệm.
Trên lâm sàng, người ta dùng conessin hydroclorid hay hydrobromid chữa lỵ amip, hiệu lực như emetin nhưng ít độc và tiện dùng hơn emetin. Nó có tác dụng cả đối với kén và amip, hiệu lực như emetin nhưng ít độc và tiện dùng hơn emetin. Nó có tác dụng cả đối với kén và amip, còn emetin chỉ có tác dụng đối với amip. Hiện tượng không chịu thuốc rất ít hoặc không đáng kể.
Mực hoa trắng được dùng điều trị amip và ỉa chảy dưới dạng cao lỏng, bột, cồn thuốc, nước sắc vỏ thân hay hạt. Liều dùng: 10g vỏ thân phơi khô hoặc 3 – 6g hạt trong ngày, cao lỏng uống 1 -3 g, cồn hạt (1/5) uống 2 – 6 g/ngày.
Vỏ thân được dùng làm nguyên liệu chiết xuất alcaloid.
Viên Holanin do Viện dược liệu sản xuất là hỗn hợp nhiều alcaloid chiết từ vỏ cây mức hoa trắng (có 30% conessin dùng chữa lỵ).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

Ong mật-Apis mellifera L.

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

ONG MẬT

 

Tên khoa học: Apis mellifera L.
Tên thuốc là bách hoa tinh hay phong mật (TQ)
Ngoài ra còn có: Ong khoái (A.dorsata L.), Ong ruồi (A. florea Fabr.)
Có một số tác giả chia như sau:
Ong châu Á: A. cerana Fabr., A. c. indica, A. c. japonica, A. c. sinensis.
Ong châu Âu: A. mellifera L.; A. m. ligustica, A. m. carnica, A. m. Caucasica.
Thuộc chi Maligona hay Trigona ...
Họ Ong (Apidae), bộ Cánh mỏng (Hymenoptera), nhóm Mellifera.
Từ Apis mellifera là ong mật, Apis mellifica là làm ra mật.

Ong mật là loài côn trùng, nó đã xuất hiện trên trái đất từ kỷ Đệ tam, tức là khoảng 55 - 60 ngàn năm trước khi xuất hiện người nguyên thủy; chúng sống có tính hợp quần, thành từng đàn lớn, mỗi đàn chỉ có một ong chúa, vài trăm ong đực và rất nhiều ong thợ, có tới 25.000 – 50.000 con, có khi tới 100.000 con. Riêng ong đực chỉ xuất hiện vào mùa sinh sản; hết mùa sinh sản ong đực hoặc tự chết hoặc bị ong thợ đuổi đi hoặc bị giết chết. Các thành viên trong đàn ong rất tự giác hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Ong chúa

Mỗi đàn ong chỉ có một con ong chúa. Nếu ong chúa mới sinh ra, đàn ong chưa kịp chia đàn thì sẽ hỗn loạn, ong thợ sẽ giết chết ong chúa cũ và cuối cùng trong tổ ong chỉ còn tồn tại một ong chúa. Ong chúa có thân hình phía dưới hơi thuôn, dài hơn ong thợ gần 2 lần, nặng hơn 2,8 lần, hai cánh ngắn hơn thân của nó, màu hơi sẫm hơn ong thợ một chút. Khi chúng ta mở tổ ong ra, ong chúa lẩn trốn nhanh, các ong thợ lập tức xúm lại thành đám đông để bảo vệ ong chúa. Chức năng sinh học của ong chúa là sinh sản. Mỗi ngày ong chúa có thể đẻ tới 1-2 nghìn trứng đã thụ tinh hoặc hơn nữa. Khả năng sinh sản của ong chúa rất lạ kỳ, mỗi ngày chúng sinh sản số lượng trứng có trọng lượng bằng 1,8 lần trọng lượng của nó. Trong số trứng đó sẽ nở ra ấu trùng, tùy thuộc vào thành phần thức ăn mà ong thợ cung cấp, kích thước tổ mà ấu trùng này sẽ phát triển thành ong thợ hay ong chúa. Trứng ở các lỗ tổ hình lục giác, sẽ nở ra ong thợ. Nếu trưng chưa thụ tinh sẽ nở ra ong đực. Ong chúa đẻ trứng vào tổ hình trụ đặc biệt sẽ nở ra ấu trùng, ấu trùng này được nuôi bằng sữa chúa, sau đó nó sẽ phát triển thành ong chúa. Ong chúa sống rất lâu từ 5-6 năm, có thể tới 8 năm. Khả năng sinh sản nhiều nhất ở năm thứ 1-3, sau đó giảm dần và khi ong chúa già thì đàn ong sẽ sinh chúa mới và đàn ong đó sẽ chia thành hai đàn mới. Vì một lí do nào đấy đàn ong không chia đàn, thì ong thợ sẽ giết ong chúa cũ. Ong chúa sau chuyến bay “trăng mật” (thụ tinh xong) sẽ về tổ, sinh sản, không ra khỏi tổ, trừ khi chia đàn hoặc thay đổi tổ. Do đặc tính sinh học này mà người nuôi ong thường thanh ong chúa sau khoảng 3 năm. Vì vậy, ngày nay có phương pháp nuôi ong mới (nuôi ong theo phương pháp cải tiến).

Ong chúa
 Ong chúa
Khi đàn ong phát triển mạnh, ong thợ quá đông hoặc đàn ong không thích ở tổ đó nữa, do nhiều nguyên nhân, đàn ong cần chia đàn. Ong chúa sẽ đẻ trứng vào các ô tổ đặc biệt. Trứng trong tổ đặc biệt này sẽ nở ra ấu trùng, được ong thợ nuôi ấu trùng này chỉ bằng sữa chúa, ấu trùng này sẽ phát triển trong tổ, sau 16 ngày sẽ phát triển thành ong chúa mới. Ong chúa có nọc và là cơ quan bảo vệ. Ong chúa không bao giờ đốt người ngay cả những trường hợp con người gây đau đớn cho nó, nhưng khi gặp một ong chúa đối thủ, nó điên cuồng dùng nọc của nó để chống lại. Đồng thời ong chúa cũng đẻ ra vài trăm trứng, sau 24 ngày nở ra vài trăm ong đực.Trước khi ong chúa mới ra đời, ong thợ đã đi tìm một tổ mới và một nửa số ong thợ cùng ong chúa cũ bay đi lập một tổ mới. Một nửa số ong thợ còn lại và mũ chúa chưa nở ở lại tổ cũ. Khi ong chúa mới nở ra thì đàn ong đã có chúa. Ong chúa mới khỏe mạnh, phát triển bình thường, chọn một ngày đẹp, trời quang mây tạnh ong chúa thực hiện chuyến bay “trăng mật” (thụ tinh). Khoảng 9-10 giờ sáng, ong chúa bay vụt ra khỏi tổ lên cao, đàn ong đực bay theo, một ong đực khỏe mạnh nhất bay kịp ong chúa, thụ tinh cho ong chúa. Thụ tinh xong, ong chúa trở về tổ, sinh sản, thực hiện một chu kỳ mới của đàn ong. Còn lại, con ong đực rất “hạnh phúc” sau khi thụ tinh xong thi chết ngay. Các ong đực khác hoặc bay đi nơi khác hoặc trở về tổ thì ong thợ giết dần và đuổi đi hết. Cuối cùng thì đàn ong chỉ tồn tại một ong chúa và nhiều ong thợ.

Ong thợ

Ong thợ chiếm số lượng lớn nhất, có tới hàng trăm nghìn con ong trong một đàn ong, chúng có thân hình ngắn hơn ong chúa, màu vàng óng, đôi cánh dài gần bằng thân của nó, suốt đời làm việc chăm chỉ, không biết mệt mỏi, mang lại nguồn lợi to lớn cho loài người.

Ong thợ
 Ong thợ
Nhiệm vụ của ong thợ: Ong thợ 3 ngày tuổi có nhiệm vụ theo dõi tình trạng vệ sinh các lỗ tổ, dọn sạch các vách và lỗ tổ sau khi ong non vừa nở. Ngày thứ 4 chúng cho ấu trùng ăn một hỗn hợp gồm mật ong, phấn hoa và bắt đầu những chuyến bay định hướng ra khỏi tổ.
Từ ngày thứ 7 tuyến hàm trên của ong thợ bắt đầu hình thành, tiết ra sữa chúa để nuôi ong chúa và ấu trùng non. Từ ngày thứ 12-18, khi tuyến sáp (ở nửa vòng bên sườn bụng cuối cùng) phát triển, tiết ra sáp, chúng tham gia xây dựng bánh tổ, canh gác, tiếp nhận mật hoa, duy trì sự ấm áp bên những lỗ tổ có trứng bằng thân nhiệt của mình. Ong thợ trông coi, sao cho thế hệ tương lai của mình phát triển bình thường và trong tổ luôn được thông gió. 15-18 ngày tuổi, ong thợ cũng bắt đầu bay đi thu phấn hoa, dùng nước bọt thấm ướt rồi trộn với mật hoa và đặt vào cái hốc đặc biệt ở hai chân sau “giỏ phấn”. Hai giỏ phấn chứa gần 4 triệu hạt phấn. Mang phấn về tổ, ong để phấn vào các lỗ tổ, thấm ướt bằng mật ong làm thức ăn dự trữ cho cả đàn ong. Nhiều ong thợ còn được phái đi trinh sát tìm kiếm nguồn mật hoa, phấn hoa và nước. Ong thợ bay rất nhanh, chúng có thể bay với tốc độ 65 km/giờ, kể cả khi chúng mang mật, phấn hoa nặng bằng 75% trọng lượng của nó, chúng vẫn bay với tốc độ 30km/giờ. Ong thợ là ong cái có bộ phận sinh dục phát triển không toàn diện (vì ong thợ tiếp xúc với ong chúa, ong chúa truyền cho ong thợ một chất hormon là feromon, chất này ức chế buông trứng không cho phát triển), do vậy bình thường chúng không đẻ trứng, chỉ khi nào chúa chết thì ong thợ đẻ trứng, trứng này chưa được thụ tinh, do vậy sẽ nở ra ong đực.
Tuổi thọ của ong thợ: Mùa hè chúng chỉ sống 1-2 tháng, mùa đông chúng sống lâu hơn, có thể sống tới 5-6 tháng.

Ong đực

Đến mùa sắp sinh ong chúa mới, trong đàn ong xuất hiện vài trăm con ong đực, chúng có màu đen, to hơn ong thợ, ngắn hơn ong chúa, đôi cánh dài hơn mình nó. Ong đực chậm chạp, ăn cũng nhờ ong thợ bón.

Ong đực
Ong đực
Ong đực chỉ có nhiệm vụ là thụ tinh cho ong chúa; chỉ có một con ong đực khỏe mạnh nhất đàn mới thụ tinh cho ong chúa. Trong dích hoàn của ong đực chứa từ 100-200 triệu tinh trùng. Con ong đực nào sau khi thụ tinh cho ong chúa xong thì chết ngay. Số còn lại trong đàn cũng bị ong thợ đuổi đi hoặc giết chết. Cuộc đời của ong đực chỉ kéo dài gần 3 tháng trong một mùa hè.

Sự phân bố của ong mật

Ong mật là côn trùng sống hoang ở các vùng rừng núi Việt Nam ở các miền Bắc, Trung, Nam. Chúng sống trong các hốc cây, hốc đá và thậm chí ở các hốc dưới mặt đất.
Nhân dân ta nuôi ong trong các khúc gỗ tròn, rỗng , bịt kín hai đầu, ở giữa khúc gỗ có chỗ ra vào cho đàn ong. Mỗi năm thu hoạch một vài lần bằng phương pháp thủ công.
Ngày này người ta nuôi ong theo phương pháp cải tiến bằng các đõ ong hình khối vuông hay chữ nhật; chúng cấu tạo bởi 5 tám ván có bề dày 1-2 cm và một nắp đậy, ở phía trong đõ ong (tổ ong) gồm các cầu được gắn trước bằng các chân tầng sáp nhân tạo, do vậy chúng xây dựng nhanh và mau chóng để đầy mật vào các ô sáp mới xây. Thu hoạch mật bằng phương pháp quay li tâm. Mùa hoa có thể 2 ngày đến 1 tuần quay thu mật 1 lần, do vậy năng suất mật rất cao.

Nuôi ong mật:

Trong nước, nghề nuôi ong mật có từ lâu, nhưng chủ yếu được đồng bào các dân tộc nuôi ở vùng rừng núi. Người ta nuôi ong trong các khúc gỗ. Kỹ thuật nuôi còn rất thô sơ, do vậy năng suất mật rất thấp. Hiện nay đã có công ty nuôi ong Trung ương. Theo phương pháp cải tiến, năng suất, chất lượng mật ong cao, nhưng so với các nước tiên tiến thì chúng ta còn phải cố gắng nhiều. Các tình miền Nam: Tây Nguyên, các tỉnh có rừng tràm ở Nam và Trung Bộ nghề nuôi ong đang phát triển, cần có nhưng đầu tư hơn nữa và đặc biệt là cần phát triển, khai thác, sản xuất các sản phẩm từ ong mật, nhờ ong thụ phấn cho cây trồng làm cho mùa màng bội thu và trên cơ sở đó mới thúc đẩy nghề nuôi ong mật ở nước ta.

Bộ phận dùng

Ong mật cho ta các sản phẩm quí như: Mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa, keo ong, sáp ong và nọc ong. Những sản phẩm này rất quý trong phòng bệnh, chữa bệnh, hiếm có một nhà máy dược phẩm nào có thể sản xuất được nhiều dược phẩm quí như vậy, do đó, người ta nói “Con ong là Dược sĩ có cánh”.

Mật ong (Mell)

Là mật hoa được ong thợ lấy từ các loài hoa mang về tổ chế biến mà thành. Con ong thu mật, dùng vòi hút mật hoa vào dạ dày của mình, mang về, chuyển mật cho con ong tiếp nhận, mật lại được giữ lại trong dạ dày ong tiếp nhận một thời gian. Từ dạ dày của ong tiếp nhận lại được tiết ra thêm men, các acid hữu cơ, các kháng sinh và chúng chuyển từ ô đựng mật này sang ô đựng mật khác để cho nước bay hơi nhanh. Để thu được 1kg mật, ong phải thu thập từ khoảng 10 triệu bông hoa, cần vận chuyển khoảng 120-150 ngàn chuyến bay, với quãng đường bay khoảng 360-450 ngàn km. Mật ong là một chất lỏng, sánh như xirô, vị ngọt, mùi thơm đặc biệt. Loại mật tốt có vị cay khé cổ. Mật ong là hỗn hợp của mật hoa, phấn hoa và một lượng nhỏ sáp ong...
Thành phần hóa học:
Mật ong có thành phần hóa học rất phức tạp, tùy thuộc vào nguồn hoa khác nhau mà thành phần hóa học cũng khác nhau. Mật ong có khoảng 100 chất khác nhau có giá trị tốt đối với cơ thể con người, bao gồm:
- Hàm lượng nước từ 18-20%.
- Hàm lượng đường chủ yếu là đường glucose và levulose chiếm 60-70%, saccharose 3-10% và một số đường khác như: mantose, oligosaccharid.
- Trong mật ong rất giàu vitamin, nhất là vitamin B1, B2, B3, Bc, C, H, K, A, E và acid folic.
- Các loại men: diastase, catalase, lipase.
- Các acid hữu cơ: acid citric, a. tartric, a. formic, a. malic, a. oxalic v.v...
- Đặc biệt rất giàu chất khoáng và các nguyên tố vi lượng như: Na, Ca, Fe, K, Mg, Al, Mo, Ag, Ba, Au, Co, Mn, Ra, Si, Cl, P, S, I, V, Bo, Cr, Cu, Zn, Pb, Li, Sn, Ti...
- Chất chống bệnh đái tháo đường.
- Các hormon.
- Các fitonxid.
- Các chất diệt nấm.
- Các chất thơm và nhiều chất khác...

Sữa ong chúa

Sữa ong chúa là một sản phẩm rất quý trong y học, được tiết ra từ tuyến sữa dưới hàm của ong thợ từ 7 ngày tuổi. Sữa ong chúa là một chất đặc như bơ (ở nhiệt độ bình thường), màu hơi ngà.
Thành phần hóa học:
Thành phần hóa học của sữa ong chúa rất phức tạp, nó phụ thuộc vào đàn ong, nguồn hoa,... nhưng thành phần chủ yếu của sữa ong chúa gồm:
- Nước 66,50%.
- Chất khô 34,90%, trong số đó gồm 12,30% protein, 6,50% lipid, 12,50% đường, 0,80% tro và 2,80% các chất chưa biết rõ.
- Các vitamin: Trong 1g sữa ong chúa có chứa các vitamin sau đây (tính ra microgam): vitamin B1: 1,50-6,60, B2: 2,40-5,00, Bc, C, D, E, PP, H, acid folic: 0,20 và các niacin: 59,00-149,00.
- Các hormon và các chất đặc biệt khác có tác dụng củng cố và làm tăng sức khỏe cho con người.

Phấn hoa

Phấn hoa là sản phẩm do ong thợ thu hoạch từ phấn hoa của các loài mang về làm thức ăn dự trữ cho các đàn ong. Phấn hoa có màu rất khác nhau, có thể có màu vàng, màu đỏ, màu trắng...tùy thuộc vào phấn của các loài hoa.
Thành phần hóa học:
Thành phần hóa học của phấn hoa cũng rất phức tạp tùy thuộc vào nguồn hoa nhưng trong phấn hoa chứa khoảng 50 chất, chủ yếu là các chất sau đây:
- Đường khoảng 18%.
- Protein.
- Lipid.
- Nhiều loại men là chất xúc tác sinh học, một số loại cây cho các hormon: Estrogen, antrogen...
- Phấn hoa là nơi tập trung tự nhiên hầu hết các vitamin đã biết. Mỗi hạt phấn hoa đều chứa các vitamin B1, B2, Bc, B5, B6, C, H, tiền vitamin A...
- Các chất khoáng và vi lượng: Trong phấn hoa có khoảng 26 nguyên tố khoáng và vi lượng: Ca, Mg, Cu, K, Fe, Cr, Ti, Mn, Ba, Ag, Au, Co, Zn, Sn, Pb, Mo, Ka, W, Ir, V, Pd, Mo, P, S, Cl...
Tác dụng và công dụng:
Phấn hoa là một dược liệu quí, được dùng làm thuốc bổ, chữa bệnh viêm đại tràng mạn tính, bệnh cao huyết áp, bệnh thần kinh, bệnh nội tiết, bệnh tuyến tiền liệt và u tiền liệt tuyến, có tác dụng chống lão hóa, chữa bệnh trẻ em thiếu máu, khi dùng phấn hoa thì hồng cầu và hemoglobin tăng lên nhanh.
Phấn hoa còn dùng với tính chất là mỹ phẩm chữa bệnh.
Hiện nay đã có các chế phẩm: Cốm phấn hoa và viên phấn hoa bán trên thị trường.

Sáp ong

Sáp ong là một sản phẩm do ong thợ tiết ra từ tuyến sáp. Hai bên sườn bụng, chúng dùng để xây bánh tổ.
Có hai loại sáp ong: Sáp ong vàng (Cera flava) và sáp ong trắng (Cera alba).
Thành phần hóa học:
Sáp ong có nhiệt đọ nóng chảy từ 61-660C, thành phần cấu tạo chủ yếu gốm các myricyl palmitat, myricyl cerotat, các alcol myricyl, cerylic tự do, acid cerototic và các thành phần hydrocarbua C26, C28 và C32. Từ dãy cacbuahydro C28 đã phân lập được các hợp chất 9 – methylheptacosan và 13 – methylheptacosan, ngoài ra còn có các hợp chất hydrocacbua có mạch nhánh.
Tác dụng và công dụng:
Sáp ong được dùng trong trên 40 ngành công nghệ khác nhau: Kỹ nghệ in, nghề đúc, mạ điện, quang học, radio, kỹ nghệ dệt, thuộc da, ôtô...Ngành mỹ phẩm: sáp ong là một thành phần trong các chất trang điểm và là chất cơ bản làm đông đặc tốt nhất của kem dưỡng da. Trong y học làm thuốc bôi bỏng, thuốc mỡ, sáp ong được da hấp thu rất tốt, làm cho da mịn và trơn, do vậy người ta dùng làm thuốc mỡ, làm thuốc sáp, cao dán, thuốc cầm máu, chữa viêm đại trang...

Nọc ong

Nọc ong được tiết ra từ tuyến nọc độc ở phần đuôi của ong thợ. Khi ong châm vào kẻ thù, tuyến nọc độc tiết ra, đổ vào rãnh của kim châm dẫn đến cơ thể kẻ thù, làm cho kẻ thù chết hay bị đau buốt, bị tê liệt.
Nọc ong là chất lỏng, sánh, trong suốt, không màu, có mùi thơm đặc biệt, vị bỏng, đắng, có phản ứng acid, tỷ trọng 1,1313.
Thành phần hóa học:
Nọc ong chứa các chất: acid ortophosphoric, acid hydrochlorid, a. muranic, magnesi phosphat (0,40%), acetylcholin, histamin (1%), enzym (20% hialuronidase, 14% phospholipase A), Cu, Ca, S, P, dầu bay hơi và hơn 50% melitin gồm acid amin, 3% aspamin gốm 16 acid amin.
Trong y học, dùng nọc ong để chữa các bệnh thấp khớp, viêm dây thần kinh, đau dây thần kinh, các bệnh hen, eczema ngoài da, bệnh cao huyết áp và mắt.
Trong y học người ta đã dùng nọc ong dưới dạng dung dịch trong nước hay trong dầu (Apitoxin).
Hiện có nhiều biệt dược, Venapiolon là chế phẩm của nọc ong pha trong nước hay trong dầu hạt mơ. Cách dùng: 3-5 ngày đầu tiêm dưới da, 1 ngày 1 ống, sau đó 1, 2, 3 ngày tiêm 1 lần. Khi nhạy cảm với nọc ong thì 5 ngày tiêm 1 lần, những ngày đầu tiêm 0,50ml. Khi hết kích ứng thì tiêm 0,75ml, sau đó 3 ngày tiêm 1ml, tiếp theo 4 ngày tiêm 1,50ml.
Một đợt điều trị có thể từ 15-20 ngày, trường hợp đặc biệt có thể tiêm 30 ngày. Sau đợt điều trị chi nghỉ 1-2 tháng. Người ta phối hợp nọc ong với nọc rắn và đã có các biệt dược sau:
Apitrit: thuốc mỡ gồm có: nọc ong 0,015%, nhựa thông 3%, camphor 3%, metylsalicylat 6%, glycerin, chất nhũ hóa và các thành phần khác.
Dùng ngoài khi bị thấp khớp, viêm đa khớp, viêm cơ, đau dây thần kinh, viêm rễ dây thần kinh, viêm dây thần kinh. Xát mỡ vào da chỗ bị bệnh 1-2 lần/ngày, nếu bị kích ứng thì 1 lần/ngày. Một đợt điều trị 1-3 tuần lễ.
Viên Apiphor: Mỗi viên chứa 0,0001 g nọc ong để lạnh.

Keo ong

Keo ong là sản phẩm do ong thợ thu hoạch từ nhựa các loài cây cỏ và vỏ phấn hoa chế biến để gắn kín các khe hở của tổ, các cầu ong và bao bọc kín các côn trùng, gián chết trong tổ ong, làm trơn lỗ tổ chứa mật, phấn hoa, ấu trùng.
Thành phần hóa học:
Keo ong có chứa 55% chất nhựa, chất thơm, 30% sáp ong, 10% tinh dầu thơm, 5% phấn hoa, một số chất khác như: protein, các vitamin, các nguyên tố vi lượng, đa lượng: Fe, Mn, K, Al, Si, V, Sr.
Tác dụng của keo ong: Keo ong có tác dụng chống thối, gây tê tại chỗ mạnh hơn novocain, cocain, chữa các vết thương chai, các bệnh về da, sâu răng và mủ chân răng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.