CÀ ĐỘC DƯỢC-Datura metel L., họ Cà - Solanaceae

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

CÀ ĐỘC DƯỢC

Tên khoa học của cây cà độc dược - Datura metel L., họ Cà - Solanaceae.
Cây cà độc dược còn gọi là cây cà dược, cà diên, mạn đà la.
Đặc điểm thực vật
Cây cà độc dược là cây thuộc thảo, mọc hàng năm, cao chừng 1  - 1,5m toàn thân hầu như nhẵn, cành non và các bộ phận non có những lông tơ ngắn. Lá đơn mọc cách nhưng ở gần ngọn gần như mọc đối hay mọc vòng. Phiến lá hình trứng dài 9 – 16 cm, rộng 4 – 9 cm, gốc lá lệch, ngọn lá nhọn, mép lá ít khi nguyên thường lượn sóng hoặc hơi xẻ 3 – 4 răng cưa; mặt lá lúc non có nhiều lông, sau rụng dần.
Hoa to, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, cuống lá dài 1 – 2 cm, đài hoa hình ống có 5 gân nổi lên rõ rệt, dài 5-8 cm, rộng 1,5 – 2 cm. Khi hoa héo, một phần còn lại trưởng thành với quả giống hình cái mâm. Tràng to, hình phễu có màu trắng hoặc tím.
Quả hình cầu, mặt ngoài có gai, đường kính chừng 3cm, quả non có màu xanh, khi già màu nâu, có nhiều hạt trứng dẹt, dài 3 – 5 mm, dầy 1mm, cạnh có những vân nổi.
Căn cứ vào màu sắc của hoa và thân cây người ra chia ra nhiều dạng cà độc dược. Ở nước ta hiện nay có 3 dạng cây cà độc dược:
- Datura metel L. forma alba: Cây có hoa trắng, thân xanh, cành xanh
- Datura metel L. forma violacea: Cây có hoa đốm tím và cành thân tím.
- Dạng lai của 2 dạng trên.
Phân bố, trồng hái
Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Ấn Độ, Malaixia, Trung Quốc… để làm cảnh và làm thuốc. Cây thường mọc ở những nơi đất hoang, đất mùn, hơi ẩm. Ở nước ta có nhiều ở Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Ninh Thuận…
Thu hái lá vào lúc cây sắp và đang ra hoa (tháng 5 – 6 đến hết tháng 9, 10). Hoa hái vào các tháng 8, 9, 10.
Hạt lấy ở những quả chín ngả mầu nâu.
(Chú ý về tên: mạn đà la do tiếng Trung Quốc phiêm âm từ chữ Phạn (Ấn Độ) có nghĩa là cây có màu sắc sặc sỡ.
Bộ phận dùng, chế biến
- Hoa (Flos Daturae metelis): phơi hay sấy khô
- Lá  (Folium Daturae metelis): phơi hay sấy khô (hay dùng nhất)
- Hạt (Semen Daturae metelis): phơi hoặc sấy khô.
Vi phẫu lá:
- Biểu bì có lông che chở lấm chấm như có cát, lông tiết ít hơn, có đầu đa bào, chân đơn bào.
- Trong phiến lá, phía trên có 2 hàng mô dậu, phía dưới là mô khuyết.
- Lớp mô dày ở mặt trên và mặt dưới gân lá.
- Bó libe gỗ hình cung nằm ở giữa gân lá, libe bao quanh gỗ.
- Tinh thể calci oxalat hình cầu gai rải rác trong thịt lá.
Bột lá:
Có màu lục hay lục nâu. Soi dưới kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì có lỗ khí, lông che chở đa bào, lông tiết đầu đa bào, chân đơn bào, tinh thế calci oxalat hình cầu gai, mảnh mạch và mô dậu. mảnh mô mềm có tế bào chứa tinh thể calci oxalat dạng cát.
Chế biến: Sau khi phơi, sấy khô tán thành bột, có thể chế cao lỏng hay dạng cồn, có khi làm thuốc thang sắc uống
Thành phần hóa học
Hầu hết các bộ phận của cây đều có chứa alcaloid, trong đó alcaloid chính là L – scopolamin (= hyoscin), ngoài ra còn có hyoscyamin, atropin, norhyoscyamin. Hàm lượng alcaloid toàn phần ở lá 0,10 – 0,60% rễ: 0,10 – 0,20%, hạt: 0,20 – 0,50%, quả: 0,12%, hoa: 0,25 – 0,60%.
Hàm lượng alcaloid thay đổi tùy theo thời kỳ sinh trưởng của cây và cách trồng trọt chăm sóc, thường cao nhất vào lúc cây ra hoa. Khi quả chín các alcaloid di chuyển từ vỏ quả vào trong hạt. Việc bón phân đạm đã làm tăng hàm lượng alcaloid toàn phần. Nếu tỉa bớt cành hoặc cắt ngọn lượng alcaloid sẽ giảm.
 Scopolamin
Ngoài alcaloid, trong lá, rễ còn có flavonoid, saponin, coumarin, tanin, trong hạt còn có chất béo.
Kiểm nghiệm:
1. Định tính:
- Phản ứng của scopolamine: cho vào dịch chiết alcaloid của cà độc dược vài giọt thuốc thử Mandelin sẽ xuất hiện màu đỏ.
- Phản ứng Vitali: Lấy khoảng 3g bột dược liệu cho vào một bình nón. Kiềm hóa bằng ammoniac rồi thêm 10ml hỗn hợp ether-chloroform[3:1]. Để yên từ 30 phút đến 1 giờ thỉnh thoảng lắc đều. Chiết ether-chloroform vào 1 chậu kết tinh, đun cách thủy đến khô, thêm 3-5 giọt aceton và vài giọt KOH 10% trong cồn sẽ có màu tím chuyển nhanh sang mà đỏ thẫm.
- Dùng sắc ký khai triển bằng hệ dung môi: n-BuOH-CH­3COOH-H2O[40:8:20] hay hện dung môi ­ n-BuOH-CH­3COOH-H2O [4:1:5]. Thuốc thử hiện màu là Dragendorff.
2. Định lượng:
Định lượng alcaloid toàn phần theo phương pháp đo thể tích giống như định lượng alcaloid trong lá benladon.
Dược điển Việt Nam I quy định trong lá cà độc dược phải chứa ít nhất 0,12% alcaloid toàn phần biểu thị bằng hyoscyamin (C17H23O3N)
Ngoài ra, có thể định lượng trong môi trường khan: Cân chính xác 3g bột dược liệu, trộn kỹ với 1ml amoniac đặc. Chiết lạnh bằng máy Lorinez với 150ml benzen. Chuyển alcaloid sang dạng muối bằng cách lắc 4 lần, mỗi lần 10 ml H2SO4 2N. Gạn dịch chiết acid vào bình định mức 50 ml, thêm H2SO4 2N cho đủ 50ml. Kiềm hóa bằng amoniac đậm đặc đến pH 8 – 9. Lắc với chloroform 2 lần đầu mỗi lần 20ml, hai lần sau mỗi lần 10 ml. Gộp dịch chiết chloroform tinh khiết (khan nước), thêm 5ml acid acetic tinh khiết và 1 – 2 giọt chỉ thị tím gentian, dung dịch có màu tím. Chuẩn độ bằng acid percloric 0,02N đến khi dung dich có màu xanh nước biển.
1ml dung dịch acid percloric 0,02N tương ứng với 5,787 mg atropin base
Tác dụng và công dụng
Cà độc dược là vị thuốc độc mà nhân dân ta đã biết từ lâu. Tác dụng của nó gần giống với benladon. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã được dùng thay thế benladon.
Scopolamin có tác dụng ức chế hệ cơ trơn và các tuyến tiết như atropin nhưng có khác là tác dụng ngoại biên kém hơn như: Làm giãn đồng tử trong thời gian ngắn hơn. Tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương rõ rệt hơn vì vậy người ta thường dùng scopolamin trong gây mê, dùng trong khoa thần kinh để chữa động kinh, chữa co giật trong bệnh Parkinson.
Cà độc dược được dùng chữa ho, hen suyễn, làm thuốc giảm đau trong các trường hợp viêm loét dạ dày hành tá tràng, đau quặn ruột hay các cơn đau thắt khác, làm thuốc chống say sóng, buồn nôn khi đi tàu xe, máy bay. Ngoài ra, y học cổ truyền dùng cà độc dược chữa đau cơ, tê thấp cước khí. Còn được dùng ngoài đắp vào mụn nhọt giảm đau nhức.
Dạng dùng và liều dùng
- Bột lá (độc bảng A): Dùng cho người lớn 0,1g/lần; 0,2 – 0,3g/24 giờ
- Cao lỏng 1/1 (độc bảng A); 0,1g/lần; 0,2 – 0,3g/24 giờ
- Cao mềm (độc bảng A) 0,01g/lần; 0,03g/24 giờ.
- Cồn 1/10 (thành phần giảm độc bảng A): 0,5g/lần; 1 -2 g/24 giờ
Hoa hoặc lá cà độc dược được thái nhỏ, phơi khô cuốn vào giấy hút như thuốc lá. Ngày hút 1 – 1,5g trước khi lên cơn hen.
Những người cơ thể suy yếu, có bệnh nhãn áp cao không nên dùng.
Ghi chú: Ngoài cây Datura metel L. ở nước ta còn có một số loài di thực khác:
- Datura innoxia Mill: Hàm lượng alcaloid trong lá 0,16 – 0,25% cành mang lá 0,23 – 0,36%, cành 0,11 – 0,12%, hạt 0,38 – 0,45%, rễ 0,15 – 0,48%. Scopolamin chiếm 68 – 75% alcaloid toàn phần trong lá, 24 – 28 % của cành mang lá, 48 – 72 % của hạt, 16% của rễ.
- Datura stramonium L. Trong lá chứa 0,2 – 0,5% alcaloid, hạt có 0,2 – 0,3% alcaloid. Alcaloid chính là L – hyoscyamin và alcaloid phụ là scopolamin. Ngoài ra còn có tinh dầu, saponin, tanin, flavonoid, coumarin. Dược liệu này có tác dụng và được sử dụng giống như benladon và có thể dùng làm nguyên liệu chiết xuất atropin.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

BENLADON-Atropa belladonna L., họ Cà – Solanaceae

BENLADON

Tên khoa học của cây Benladon: Atropa belladonna L., họ Cà – Solanaceae
Đặc điểm thực vật
Cây thuộc thảo, sống được nhiều năm, cao từ 1-1,5 m, phần trên có lông. Lá nguyên hình bầu dục, nhọn, so le, phần ngọn lại mọc đối. Lá có mùi buồn nôn, vị đắng khó chịu. Hoa đơn, mọc kẽ ở lá, hình chuông màu tím ở biên giới, nhạt màu đi xuống, cánh hợp, bầu trên, 5 nhị, bao phấn giống hình trái tim và 4 thùy. Quả thịt, 2 bào,chứa nhiều hạt, lúc đầu có màu xanh sau chín có màu tím đen.
Phân bố, trồng hái
Cây có nguồn gốc ở Nam và trung Âu, mọc nhiều ở những rừng thưa trên đất chứa đá vôi. Ngày nay được trồng nhiều nơi trên thế giới nhất là ở Nga, Pháp, Anh, Ấn Độ, Mỹ…
Trồng bằng hạt, cũng có thể rồng bằng đoạn rễ, thường trồng mỗi cây cách nhau chừng 0,3 m trên những luống cách nhau 0.8 m, ánh sang và phân bón rất ảnh hưởng tới hàm lượng alcaloid trong cây.
Thu hái khi cây sắp ra hoa (vào tháng 6, tháng 7) vì lúc đó có hàm lượng hoạt chất rất cao. Người ta thường cắt cả cây để lại gốc cách mặt đất chừng 4-5 cm (cho nẩy chồi mới) rồi mới hái riêng lá đem phơi hặc sấy ở nhiệt độ 45 độ C trong 24 đến 48 giờ.
     Thu hoạch rễ, thường ở những cây đã 2 tuổi và không hái lá năm trước để có hàm lượng hoạt chất cao. Đào rễ lúc cây ra hoa, đem rửa sạch đất, cắt thành những đoạn ngắn rồi đem phơi hoặc sấy ở nhiệt độ thấp.
     Hái quả khi chin đem phơi ngay, đến khi quả thật khô đem xát láy hạt. Nấu dung hạt làm giống có thể để nguyên quả khi nào gieo mới lấy hạt ra.
Bộ phận dùng
Lá phơi khô (Folium Belladonnae)
Quả và hạt (Fructus et Semen Belladonnae)
Vi phẫu lá :
Biểu bì trên và biểu bì dưới đều có lỗ khí, có ít lông che chở gồm 2 đến 5 tế bào dài, thành hơi dày và nhẵn hoặc hơi có chấm. Lông tiết nhiều hơn, phần lớn chân đa bào và dài, đầu đơn bào
Mô dậu có một hàng tế bào dài, tiếo sau là một lớp tế bào hình tròn, có calci oxalat dạng cát
Bột lá : Màu xanh lục, mùi hơi buồn nôn. Soi kính hiển vi thấy : mảnh biểu bì gồm tế bào có thành phần ngoằn ngoèo và lớp cutin vó vân, lỗ khí bao bọc bởi 3 tế bào phụ. Lông che chở đa bào nhẵn hoặc hơi có chấm. Lông tiết có loại chân đa bào đàu đơn bào, có loại chân đơn bào đầu đa bào. Mảnh mô mềm có tế bào chứa calxi oxalat dạng cát.
Bột lá benladon
1.      Mảnh biểu bì
2.      Mảnh biểu bì trên gân lá
3.      Mảnh phiến lá
4.      Lông che chở
5.      Lông tiết
6.      Mảnh mô mềm có tế bào cát
7.      Mảnh phiến lá có mạch xoắn và calci oxalat dạng cát
8.      Calci oxalat dạng cát
9.      Calci oxalat hình cầu gai
10.    Mảnh mô mềm                    
11.    Mạch xoắn
Thành phần hóa học
Trong lá chứa 0,2 – 1,2 %, ở rễ có 0,45 – 0,85%, ở hoa 0,5 %,  qu 0,65% và ở hạt có 0,8% acaloid. Acaloid chính cũng là chất có tác dụng dược lý mạnh là L - hyoscyamin; trong quá trình chế biến dược liệu, acaloid nay đã chuyển một phần sang dạng racemic là atropin (D, L – hyoscyamin). Ngoài ra còn có một số nhỏ L – scopolamin và các vết atropamin ( = apotropin), benladonin, tropin, scopin, cuscohygrin).
Các chất kiềm bay hơi như N – methylpyrrolin, N – methylpyrrolidin...;các chất kiềm này không có tác dụng sinh lý rõ rệt nhưng cần chú ý khi định lượng alcaloid trong dược liệu.
- Có glycosid là scopolin (= methyllesculin), khi thủy phân cho glucose và scopoletin (=  methylesculetin).
- Scopolin và scopoletin cho huỳnh quang màu xanh đậm trong môi trường amoniac, người ta dùng để phân biệt với dịch chiết hoặc rượu thuốc của dược liệu khác không cho huỳnh quang vì không có hoặc rất ít scopoletin như trong các loài DaturaHyoscyamus.
- Có rất nhiều chất muối vô cơ nên tỷ lệ tro rất cao (tới 15 %) , gồm các muối clorid và nitrat nên dễ hút nước, do đó cao benladon cũng dễ hút nước, cần bảo quản cẩn thận.
- Ngoài ra, trong lá và rễ còn chứa tanin (khoảng 10%) và acid hữu cơ.
Kiểm nghiệm
1. Định tính
- Trên vi phẫu: Xác định vị trí alcaloid ở lá benladon :nhỏ lên vi phẫu một giọt thuốc thử Bouchardat hoặc thuốc thử phosphomolydic sẽ thấy tủa alcaloid tập trung ở biểu bì quanh libe.
- Phản ứng Vitali: Cho vào 0,5g bột dược liệu 10ml acid HCl 1N, lắc trong 3 phút, lọc. Kiềm hoá dịch lọc bằng dung dịch amoniac rồi lắc mạnh với 10ml ether etylic, gạn lấy lớp ether, loại nước lẫn trong ether bằng NaSO­4 khan, lọc vào một chén sứ, cho bốc hơi cách thủy tới khô. Hòa tan cắn với 3 -5 giọt dung dịch KOH 0,5N trong cồn. Nếu có mặt tropanalcaloid (atropin, hyoscyamin, scopolamin) sẽ xuất hiện màu tím, màu này sẽ đậm hơn khi cho thêm ngay 2 ml aceton, màu sẽ dần dần biến mất sau 10 – 15 phút.
Một vài alcaloid khác như strychnin, apomorphin và veratrin cũng cho màu tương tự nhưng màu sẽ mất đi nhanh khi cho thêm aceton.
Cơ chế phản ứng Vitali được Schwenker (1965 và 1966) giải thích như sau: Khi tác dụng với acid HNO­3 bốc khói thì vòng thơm của acid tropic (một phần của phân tử atropin, hyoscyamin, scopolamin...) được gắn một nhóm NO2 vào vị trí 4; ở đây sinh ra bên cạnh hợp chất este của acid nitric là 4 nitroatropin (I) còn có 4 – nitroatropin (II). Cả 2 hợp chất nitro nay đều cho màu tím đặc trưng khi tác dụng với kiềm mạnh, chúng tạo ra những anion mesomeri bền vững (III).
- Định tính scopolin: Để định tính scopolin, người ta dựa vào tính chất tạo ra huỳnh quang  trong môi trường kiềm. Chiết lấy glycosid scopolin hoặc phần aglycon scopolin sau khi thủy phân bằng acid, đem lắc với chloroform hoặc ether, gạn lấy lớp dung môi, cho bốc hơi tới khô, hòa tan cắn trong  dung dịch amoniac loãng sẽ xuất hiện huỳnh quang xanh đậm.
Người ta thường chỉ định tính metylsculin khi kiểm tra dịch chiết hoặc thuốc điều chế từ lá benladon, nhưng cần chú ý là trong là của cây họ Cà đều có flavonoid, nên trong dung dịch kiềm xuất hiện huỳnh quang màu vàng. Để kết luận được chắc chắn người ta thường phối hợp với phương pháp sắc kí.
1.         Định lượng
Cân chính xác 10g dược liệu tán nhỏ vừa, thấm ướt bằng một hỗn hợp 8ml amoniac, 10ml cồn 95o và 20ml ether etylic. Để yên 12giờ  trong một cốc đậy kín rồi chuyển hoàn toàn vào một bình chiết và chiết liên tục bằng ether ethylic trong 3 giờ. Chuyển dịch chiết ether vào một bình gạn rồi lắc 4 lần, mỗi lần 20ml HCl 1%. Tập trung bình chiết vào một bình gạn khác, kiềm hóa bằng dung dịch amoniac đến pH 9,5 – 10 rồi lắc 4 lần, mỗi lần 25ml chloroform. Lọc dịch chiết cloroform qua Na2SO4 khan rồi đem cất thu hồi chloroform. Cắn còn lại đem sấy khô ở 100 – 105oC trong 60 phút. Sau khi nguội, hòa tan cắn trong 4 ml chloroform, thêm 15 ml dung dịch H2SO4 0,02N. Đun nóng trên nồi cách thủy cho bay hơi hết chloroform, hòa loãng với 20 ml nước mới đun sôi để nguội. Sau khi nguội định lượng bằng NaOH 0,02 đến khi chuyển sang màu vàng, dùng chỉ thị màu là methyl đỏ.
Gọi n là số ml NaOH 0,02 đã dùng để trung hòa H2SO4 thừa, (15 – n) là số ml dung dịch H2SO4 0,02 đã dùng để bão hòa alcaloid.
1ml dung dịch H2SO4 0,02N tương ứng với 0,00578 g alcaloid biểu thị bằng hyoscyamin.
Hàm lượng phần trăm alcaloid của dược liệu:
X% = (15 – n) x 0,0578
Ngoài ra, có thể định lượng bằng phương pháp so màu dựa vào màu tạo ra của phản ứng Vitali, phản ứng rất nhạy nhưng màu không bền vững nên phải làm nhanh.
Hoặc tạo tủa alcaloid với muối Reinecke, hòa tan tủa có màu trong aceton rồi đo quang ở bước sóng 525nm.
Dược điển Việt Nam I quy định: Lá benladon phải chứa 0,3 – 0,5 % acaloid toàn phần, biểu thị bằng hyoscyanin.
Định lượng bằng phương pháp hóa học không phân biệt được atropin và hyoscyamin tuy tác dụng sinh học của hyacyamin mạnh hơn atropin nhiều. Muốn phân biệt người ta phải định lượng bằng phương pháp sinh vật.
Tác dụng và công dụng
Atropin làm liệt phó giao cảm. Nó ảnh hưởng đặc biệt đến sự hoạt động của các tuyến và cơ trơn. Nó làm giảm tiết nước bọt, mồ hôi, dịch vị… có khi ngừng hẳn, làm giảm co bóp của dạ dày, ruột, phế quản, làm tim đập nhanh, làm giãn đồng tử. Liều nhỏ kích thích thần kinh trung ương, gây sảng khoái, ảo giác và mê sảng, liều cao gây liệt. Ngoài ra atropin còn có tác dụng chống nôn. L – hyoscyamin tác dụng mạnh hơn atropin vì atropin có một nửa là D – hyoscyamin. Điều đó cho thấy dịch chiết dược liệu chứa L – hyoscyamin nhiều hơn D – hyoscyamin nên có tác dụng mạnh hơn lượng atropin tinh khiết tương ứng.
Dược liệu cũng như atropin được dùng để làm thuốc giảm đau co thắt cơ trơn (bệnh dạ dày, mật, co cứng do bí đại tiện và hen phế quản), trong bệnh đau dạ dày do thừa dịch vị, thuốc nhỏ mắt làm giãn đồng tử, làm thuốc chống nôn, làm giảm bài tiết nước bọt khi phẫu thuật và dùng trong bệnh Parkinson (bệnh liệt rung). Ngoài ra, người ta còn sử dụng dịch chiết rễ cây benladon để chữa bệnh Parkinson.
Benladon là dược liệu độc, độ độc thay đổi tùy theo hàm lượng alcaloid.
Dạng dùng và liều dùng
Bột lá: (bảng A): Liều tối đa 0,15g mỗi lần 0,50g trong 24 giờ.
Cao (bảng A): Liều tối đa 0,03g mỗi lần 0,01g trong 24 giờ
Cồn 1/10 (giảm độc A):  Liều tối đa 1,5g mỗi lần 5g trong 24 giờ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

THUỐC LÁ-Nicotiana tabacum L., họ Cà – Solanaceae

THUỐC LÁ

Tên khoa học cây thuốc lá: Nicotiana tabacum L., họ Cà – Solanaceae
Đặc điểm thực vật:
Cây thuộc thảo, sống hàng năm. Thân mọc đứng, cao khoảng 0,6 – 1,5m, phần gốc hoá gỗ. Lá hình bầu dục hơi thon, mọc sole, không có cuống, một mẩu lá phía dưới ôm vào thân, các lá phía trên bé hơn hình lưỡi mác. Thân và lá có nhiều lông. Hoa nhiều, tập hợp thành chuỳ ở ngọn. Đài có lông tràng màu trắng hay hồng hoặc tím nhạt. Đài và tràng đều liền cánh. Tràng dài gấp 4 – 5 lần đài, phía dưới thành ống nhỏ, phía trên mọc loe rộng ra. Quả nang có 2 ô, có đài tồn tại bọc ở ngoài, trong chứa nhiều hạt rất nhỏ màu đen.
Ở nước ta trồng cây thuốc làoNicotiana rustica L., thân thấp hơn, lá to và dày hơn.
Phân bố và trồng hái:
Cây thuốc lá có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, ngày nay được trồng ở nhiều nước khí hậu nhiệt đới và ôn đới trên toàn thế giới. Người ta ước tính hàng năm toàn thế giới sản xuất khoảng 4 triệu tấn lá khô, trong đó ¾ sản xuất ở châu Mỹ và các nước châu Á. Những nước sản xuất nhiều thuốc lá trên thế giới là: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Nga…
Ở nước ta thuốc lào thường trồng tập trung ở một số tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng (Tiên Lãng – Vĩnh Bảo). Thuốc lá được trồng ở nhiều tỉnh như: Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình, Gia Lai – Kon Tum, Đắc Lắc… Thuốc lá được trồng bằng hạt. Thời vụ gieo trồng thay đổi tuỳ theo giống và điều kiện khí hậu. Ở nước ta thường trồng vào tháng 12 và thu hoạch lá vào tháng 4 – 6.
Bộ phận dùng và thành phần hoá học:
Bộ phận dùng: lá (Folium Nicotianae)
Trong lá có các alcaloid là hoạt chất, trong đó alcaloid chính là nicotin (0,05 đến 10% ở thuốc lá và 16% ở thuốc lào). Nicotin là một chất lỏng như dầu, bay hơi được, mùi hắc, vị nóng, cay, hút ẩm và có thể trộn lẫn với nước trong dạng base của nó. Khi tinh khiết thì không màu nhưng để ngoài ánh sang và không khí ngả màu nâu, nicotin tan trong nước, rất tan trong dung môi hữu cơ. Là một base gốc nitơ nicotin tạo ra các muối với các acid, thông thường có dạng rắn và hòa tan được trong nước. Nicotin dễ dàng thẩm thấu qua da. Như các số liệu vật lý thể hiện, nicotin dạng base tự do sẽ cháy ở nhiệt độ thấp hơn điểm sôi của nó, và hơi của nó bắt cháy ở nhiệt độ 95°C trong không khí cho dù có áp suất của hơi là thấp. Do điều này, phần lớn nicotin bị cháy khi người ta đốt điếu thuốc lá; tuy nhiên, nó được hít vào đủ để gây ra các hiệu ứng mong muốn. Ngoài ra còn có một số alcaloid phụ có cấu trúc hóa học tương tự như: Norncotin, nicotyrin, anabasin, N – methylanabasin, nicotelin, myosmin… Một số chủng thuốc lá lại có nornicotin hoặc anabasin là alcoloid chính.
Ngoài ra, còn có các chất kiềm bay hơi (pyridin, N – methylpyrolidin), glucid (khoảng 40%), protein (12%), các acid hữu cơ (15% - 20%), các hợp chất đa phenol, ít tinh dầu, muối vô cơ, các men...
Trong hạt có 35% - 40% dầu (dầu này có chỉ số iod 133 – 138, chỉ số acid 1,57 – 3,14), protein (45%).
Tác dụng và công dụng
Liều nhỏ nicotin có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và thần kinh thực vật, nhưng liều cao gây liệt. Với liều 50 – 100mg nicotin sẽ làm chết người do ngạt thở.
Nicotin vào cơ thể sẽ bị phân hủy nhanh chóng nhất là đối với người nghiện. Những người nghiện thường xuất hiện một số bệnh mãn tính đường hô hấp. Những công trình nghiên cứu gần đây cho thấy hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ung thư phổi.
Thuốc lá và thuốc lào ít dùng làm thuốc cho người, trong nhân dân thường dùng đắp lên chỗ đứt tay, chân để cầm máu. Đối với súc vật, đôi khi người ta cũng dùng thuốc lá, thuốc lào pha nước để chữa ghẻ, chấy rận, bọ chó. Tránh bôi vào những chỗ da bị sây sát vì dễ gây ngộ độc.
Lượng thuốc lá thu hoạch hàng năm trên thế giới chủ yếu để phục vụ nhu cầu hút thuốc. Mặc dù thuốc lá có chất độc nhưng việc tiêu thụ thuốc lá trên thế giới ngày một tăng. Ngày nay, nhiều nước ngoài việc tăng cường giáo dục, vận động không hút thuốc đã có những biện pháp pháp lý để hạn chế việc hút thuốc nhất là đối với thiếu niên.
Nicotin  lấy từ thuốc lá hoặc dư phẩm của công nghiệp thuốc lá có chứa nicotin được dùng làm thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Nicotin cũng là nguyên liệu để chế tạo acid nicotinic và amid – nicotinic. Acid nicotinic tự do cũng được dùng làm thuốc giãn mạch ngoại biên và chống tăng lipid huyết.
Thân cây thuốc lá được dùng để sản xuất cellulose làm giấy và bìa cứng đóng gói. Dầu hạt thuốc lá dùng trong kỹ nghệ sơn và vecni vì là một loại dầu khô được.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

LÔBÊLI-Lobelia inflata L., họ Lộ biên – Lobeliaceae

LÔBÊLI

Tên khoa học: Lobelia inflata L., họ Lộ biên – Lobeliaceae
Cây lôbêli còn gọi là khử đờm thảo.
Đặc điểm thực vật
Cây  thuộc  thảo  sáng  hàng  năm, thân  cây mọc  thẳng,  cao khoảng 60 cm, rỗng giữa, ngoài có lông. Lá nguyên, hình trứng dài, đầu nhọn, mép có khía răng cưa nhỏ không đều, dài 3 – 8 cm, không có cuống hay có cuống rất ngắn. Hai mặt lá đều có lông tơ ngắn. Hoa mọc  thành chùm ở kẽ  lá và ngọn cây, có cuống ngắn, tràng hoa xanh nhạt. Quả nang, có nhiều hạt rất nhỏ màu nâu.
Phân bố và trồng hái
Cây này có nguồn gốc ở vùng phía Đông Bắc Mỹ, mọc ở những rừng thưa và trên những đồng cỏ. Lôbêli được trồng nhiều ở Mỹ và một số nước châu Âu (Hà Lan, Ba Lan, Nga…). Cây được  trồng  bằng  hạt, gieo  hạt  vào  những  luống  riêng  và  sau đó mới đánh cây con đi trồng ở nơi cố định.
Hàm lượng lobelin – alcaloid chính được chiết từ cây lôbêli, cao nhất vào  thời kỳ cây ra hoa. Hàm  lượng alcaloid này sẽ giảm đi nhiều và nhanh về mùa thu khi lá bị héo.    Khi thu hái người ta chỉ cắt lấy phần trên mặt đất của cây. Hàm lượng alcaloid  cao  nhất  ở  phần  ngọn  có mang  hoa,  ở  thân  và  lá  có  ít  nhưng  nó chiếm khối lượng lớn nên vẫn dùng.
Bộ phận dùng và chế biến
Bộ phận dùng là phần trên mặt đất của cây (Herba Lobeliae). Sau khi thu hái đem phơi trong bóng râm cho khô, nếu sấy ở nhiệt độ cao sẽ làm giảm lượng alcaloid.
Dược liệu được cắt thành đoạn nhỏ.
Thành phần hóa học
Trong  cây  lôbêli  có  chừng  0,2  –  0,6%  alcaloid,  trong  đó  lobelia  là alcaloid chính và cũng là chất có tác dụng điều trị quan trọng nhất. Tới nay người  ta đã biết đến  trên 20 alcaloid chiết  từ  lôbêli và được chia làm 4 nhóm:
- Nhóm lobelidion: lobelanin, norlobelamin…
- Nhóm lobelionol: lobelin, lobilin (dạng trans), isolobinin (dạng cis)
- Nhóm lobelidiol: lobelanidin, lobebanidin…
- Nhóm  lobelol:  các  base  chỉ  có  nhóm  thế  ở  vị  trí  2  của  nhân piperidin: 8-phenyllobelol
Tác dụng và công dụng
Lobelin  có  tác  dụng  kích  thích  trung  tâm  hô  hấp ở  hành  tủy,  do  đó được dùng để chữa những trường hợp ngất do hô hấp như gây mê, điện giật, chết  đuối,  ngộ độc oxyd  carbon, bị  ngạt  thở do  hen,  viêm phế  quản,  viêm phổi, ho gà và ngạt thở trẻ sơ sinh.
Vì  lobelin  đưa  vào  cơ  thể  bằng  cách  uống  sẽ  bị  phân  hủy  ngay  nên người ta thường dùng dạng tiêm.
Liều dùng: Lobelin hydroclorid, ống 1 ml có 0,01 g. Tiêm dưới da 1 ống, sau 10 – 15 phút có thể tiêm thêm. Đối với trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi dùng 0,003 g, từ 4 – 12 tháng: 0,005 g, trên 12 tháng 0,01 g.
Không được dùng trong bệnh tim, gây mê bằng chloroform và khi dùng procain. Ngoài  ra,  lobelin  còn  được  dùng  để  cai  thuốc  lá  vì  sau  khi  uống lobelin mà hút  thuốc  lá sẽ  tạo  thành  tác dụng cộng hợp  lobelin với nicotin làm người nghiện mất cảm giác thèm và thấy sợ hút thuốc.
Dịch chiết dược liệu dùng làm thuốc chữa hen, thuốc long đờm.
Chú thích: Ngoài  Lobelia  inflata L.  người  ta  còn dùng một  số  loài Lobelia khác cũng có alcaloid như Lobelia urens L., Lobelia cardinalis L., Lobelia syphilitica L.
Ở nước ta có cây Lobelia pyramidalis Wall., còn gọi là cây bã thuốc, mọc hoang ở vùng núi Sapa, Mù Căng Chải (Lào Cai). Nhân dân địa phương thường dùng lá giã nát hay bấm lá tươi lấy nhựa bôi lên những mụn nhọt, những chỗ sưng tấy, áp se.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật. 

CAU-Areca catechu L., họ Cau - Arecaceae

CAU

Tên khoa học của cây cau nhà - Areca catechu L., họ Cau - Arecaceae
Đặc điểm thực vật, phân bố và trồng hái

Cây cau là một cây sống lâu năm, thân mọc thẳng, cao độ 15 – 20m, đường kính 10 – 15cm. Thân tròn, không chia cành, không có lá, có nhiều đốt do vết lá cũ rụng, chỉ ở ngọn mới có một chùm lá to, rộng, xẻ lông chim. Lá có bẹ to. Hoa tự mọc thành buồng, ngoài có mo bao bọc, hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới. Hoa đực nhỏ  màu trắng ngà, thơm mát. Quả hạch, hình trứng, to gần bằng quả trứng gà, lúc đầu xanh, vỏ bóng nhẵn, khi già biến thành màu vàng đỏ. Quả bì có sợi, hạt có nội nhũ xếp cuốn. Hạt hơi hình nón cụt, đầu tròn, giữa đáy hơi lõm, màu nâu nhạt, vị chát.

Cây cau nguồn gốc ở Philipin. Cau được trồng ở nhiều nước vùng nhiệt đới, nhất là vùng biển nhiệt đới châu Á và Đông Phi. Người ta trồng cau để lấy quả ăn trầu. Ở nước ta, cau cũng được trồng ở khắp nơi, nhất là các tỉnh gần biển.
Cau trồng bằng hạt, thường sau 4-5 năm mới thu hoạch quả được.
Bộ phận dùng, chế biến và bảo quản
Dùng hạt (Semen Arecae) (binh lang, tân lang) và vỏ quả (đại phúc bì).
Hạt cau hình trứng hơi rộng dưới, đáy phẳng, ở giữa lõm, đôi khi có cụm xơ (cuống noãn), mặt ngoài có mạng, màu nâu vàng nhạt. Cắt ngang thấy vỏ hạt ăn sâu thành những nếp màu nâu và nội nhũ màu trắng nhạt. Phôi nhỏ nằm ở đáy hạt. Không mùi, vị chát hơi đắng.
Vi phẫu: Vỏ hạt gồm tế bào chứa chất màu nâu (tanin). Lớp ngoài cấu tạo bởi tế bào cứng rải rác, có các bó libe gỗ, lớp trong ăn sâu vào nội nhũ, tạo thành mô thâm nhập. Nội nhũ gồm tế bào hình nhiều cạnh, chứa đàu và hạt alơron, thành tế bào dày, có lỗ to giống như tràng hạt.
Bột: Màu đỏ nâu. Soi kính hiển vi thấy: tế bào đá của vỏ hạt, hình bầu dục dài, thành hơi dày. Mảnh nộ nhũ với thành tế bào dày, có lỗ đặc biệt, hạt alơron 5-40  micromet, sợi của vỏ quả có tinh thể.
Vỏ quả: Là vỏ ngoài và vỏ phơi khô của quả cau. Vỏ ngoài màu xanh vàng, có nhiều xơ xốp, mềm, dai.
Chế biến: Hái quả thật già, bóc lấy riêng vỏ và hạt, phơi khô hoặc sấy thật khô. Khi dùng đem hạt khô ngam nước 2-3 ngày cho mềm, mỗi ngày thay nước một lần (không nên ngâm vào dụng cụ bằng sắt), sau đó vớt ra đê ráo nước rồi thái thành miếng mỏng, đem phơi hoặc sấy ở nhiệt độ thấp (40-500 C) tới độ ẩm dưới 10%. Còn vỏ thì đem rửa sạch, ủ một đêm cho mềm rồi xé tơi, phơi hoặc sấy khô tới độ ẩm dưới 13%, có thể tẩm rượu sao hoặc nấu thành cao đặc.
4. Thành phần hóa học:
-       Trong hạt có 15% tanin thuộc catechin và polyleucoanthocyanidin, 13-14% dầu béo với các thành phần chính là laurin, myristin, olein, các chất đường (có nhiều manan và galactan). Hoạt chất chính là alcaloid (0,15 - 0,67 %) ở dạng kết hợp với tanin. Alcaloid chính là arecolin (0,07 – 0,50 %) và những acaloid phụ là arecaidin, guvacin, guvacolin, arecolidin và isoguvacin.

-       Arecolin là một chất lỏng ở nhiệt độ thường, không màu, không mùi, rất kiềm, sôi ở 2090 C, dễ tan trong nước, cồn, ether và cloroform, cho muối kết tinh với các alcaloid.
Kiểm nghiệm:
 1. Định tính:
Lấy 0,5 g bột, thêm 4-5 ml nước và 1-2 giọt dung dịch H2SO4  5%. Đun sôi trong 5 phút, lọc. Lấy 2ml dịch lọc, thêm 1 -3 giọt thuốc thử Dragendorff sẽ xảy ra hiện tượng tủa đỏ.
2. Định lượng:
Cân chính xác 8 gam bột hạt cau cho vào bình nón có nút mài với 80ml ether etylic và 4ml dung dịch amoniac, nút kín, lắc trong 10 phút. Thêm 10 g Na2SO4 khan, lắc trong 5 phút rồi để yên. Rót dung dịch ether vào một bình gạn, lắc với 50 g bột talc trong 3 phút. Thêm 2,5 ml nước cất, lắc 3 phút. Để lắng chiết lấy lớp ether trong. Rửa nước bằng một ít ether etylic. Hợp các dịch ether lại, làm bốc hơi đến khi còn khoảng 20 ml, chuyển vào bình gạn, lắc với 20ml dung dịch H2SO4  0,02N,  để lắng, gạn lấy lớp acid, lọc. Rửa giấy lọc bằng nước, nước rửa đổ vào dich lọc. Thêm vài giọt dung dich metyl đỏ và định lượng bằng dung dịch NaOH đến khi chuyển sang màu vàng.
Gọi n: số ml dung dich NaOH đã dùng
(20-n): số ml H2SO4 kết hợp với alcaloid.
1 ml dung dịch H2SO4 0,02N tương ứng với 0,003104 g arecolin.
Hàm lượng phần trăm alcaloid toàn phần:
X%=(20-n)x0,3104/8
Dược điển Việt Nam I quy định dược liệu phải có ít nhất 0,3 % alcaloid toàn phần tính theo arecolin (C8H13NO2)
6. Tác dụng dược lý:
- Tác dụng của arecolin gần giống isopelletierin, pilocarpin và muscarin. Arecolin gây tăng tiết nước bọt, tăng tiết dich vị, dịch tá tràng và làm co đồng tử. Dung dịch 1% arecolin bromhydrat làm co nhỏ đồng tử sau khi nhỏ 3-5 phút, kéo dài từ 30 phút đến 2 giờ. Có thể làm giảm nhãn áp bệnh glôcôm.
- Liều nhỏ arecolin kích thích thần kinh, arecolin làm tăng nhu động ruột. Arecolin liều cao gây ngừng tim và liệt hô hấp dẫn đến tử vong.
- Nước của hạt sắc cau có tác dụng độc với thần kinh của sán, làm tê liệt các cơ trơn của sán; 20 phút sau khi thuốc vào tới ruột, con sán bị tê liệt và không bám vào thành ruột được nữa.
Công dụng và liều dùng
Hạt cau thường được dùng làm thuốc chữa sán trong thú y nhiều hơn. Người ta cũng có thể dùng để chữa sán dây, thường uống phối hợp với hạt bí ngô. Do nghiên cứu thấy nước sắc hạt cau có tác dụng làm tê liệt sán bò và sán lợn nhưng chỉ mạnh đối với phần đầu và những đốt gần đầu, trái lại hạt bí ngô có tác dụng chủ yếu làm tê liệt khúc giữa và khúc đuôi con sán cho nên có thể dùng như sau:
Sáng sớm lúc đói ăn 60 – 120 hạt bí ngô (cả vỏ) hoặc 40 – 100 g (đã bóc vỏ). Hai giờ sau uống nước sắc hạt cau (trẻ em dưới 10 tuổi uống 30g, phụ nữ 50 – 60 g, người lớn 80 g). Sắc hạt cau với 500 ml nước, còn 150 – 200ml, nhỏ dung dịch gelatin 2,5% vào cho đến khi hết tủa (để loại tanin), để lắng, gạn và lọc. Cô còn 150ml, uống 1 lần. Nửa giờ sau uống một liều thuốc tẩy (magie sulfat 30g). Nằm nghỉ, đợi thật buồn đi ngoài, đi vào một chậu nước ấm.
Người ta phối hợp hạt cau với thường sơn để chữa bệnh sốt rét.
Vỏ quả cau (đại phúc bì) y học cổ truyền dùng chữa thủy thũng, bụng báng nước, tiểu tiện khó. Ngày dùng 6 – 12, dạng thuốc sắc.
Chú thích: Cây cau rừng (Sơn binh lang) có tên khoa học là Areca lasensis L. cùng họ Arecaceae, cũng dùng giống như cây cau nhà (gia binh lang). Sơn binh lang có nhiều ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh hóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

LỰU-Punica granatum L. họ Lựu – Punicaceae

LỰU

Tên khoa học của cây lựu: Punica granatum L. họ Lựu – Punicaceae
Cây lựu còn gọi là thạch lựu, bạch lựu, tháp lựu.
Đặc điểm thực vật
Cây lựu thân gỗ, cao chừng 3-4m. Cây nhỏ, cành mền, có khi có gai. Lá dài nhỏ, mềm, nhỏ, đơn, mép lá nguyên, cuống ngắn, thường mọc đối hoặc so le. Hoa hình cái loa 5 cánh màu đỏ, cũng có thứ màu trắng (bạch lựu) mọc riêng hoặc xim có độ 3 hoa, hoa có cuồng ngắn. Đế hoa hình chuông mang 4-8 lá đài màu đỏ, thoạt tiên mọc đứng rồi xòa ra sau khi hoa nở. Cánh hoa bằng số lá dài xen kẽ nhau mỏng. Bộ nhị gồm nhiều nhị rời nhau. Bộ nhụy gồm 8-9 lá noãn dính liền với đế hoa. Hoa nở vào mùa hè. Quả hình cầu to bằng quả cam, đầu quả còn 4-5 lá đài tồn tại. Vỏ dày, khi chín có màu vàng đỏ lốm đốm. Trong quả có 8 ngăn xếp thành 2 tầng. Tầng trên có 5 ngăn, tầng dưới có 3 ngăn, cách ngăn phân cách bởi các màng mỏng. Trong có nhiều hạt hình 5 cạnh màu trắng hồng.
Phân bố và trồng hái
Cây lựu có nguồn gốc ở các nước miền nam châu Á, được trồng khắp nơi, nhất là ở các nước có khí hậu ấm.
Lựu trồng bằng cách giâm cành. Cách bón phân khác nhau cũng làm cho tỷ lệ alcaloid trong cây thay đổi. Có tác giả đã chứng minh:nếu bón bằng calci superphosphat tỷ lệ alcaloid sẽ có 0,53% (ở cành ) và 0,75% (ở rễ ). Nếu bón sắt sulfat thì tỷ lệ alcaloid là 0,42% (ở cành) và 0,63% (ở rễ). Nếu bón amoni sulfat thì tỷ lệ alcaloid là 0,57% (ở cành) và 0,61% (ở rễ ).
Thu hoạch vỏ quả vào mùa hạ, vỏ thân, vỏ rễ quanh năm.
Bộ phận dùng, chế biến và bảo quản
Quả dùng để ăn
Vỏ rễ, vỏ thân (Cortex Granati)
Vỏ quả
Chế biến:
Vỏ rễ: Đào rễ rửa sạch, bóc lấy vỏ, bỏ lõi, phơi hoặc sấy khô
Vỏ thân: Bóc lấy cỏ, đem phơi sấy khô.
Vỏ quả: Khi còn tươi,bỏ màng trong,thái mỏng, phơi sấy khô.
Vỏ rễ lựu là những miếng không đều, cong hình long máng hay cuộn thành ống, kích thước thay đổi, dày khoảng 1cm. Mặt ngoài mặt xám vàng có những vẩy bẩn to, đôi chỗ bị nứt nẻ. Ở vỏ thân mặt ngoài đôi khi nhẵn, thường mang bì khổng và địa y. Mặt trong nhẵn màu vàng hơn. Vết bẻ không có xơ, màu vàng nhạt. Cắt ngang thấy vùng libe có nhiều vân ngang và dọc chia thành ô vuông rất đặc sắc. Không có mùi, vị chát sau hơi đắng.
Vi phẫu
1. Lớp bần khá dày, gồm tế bào hình chữ nhật dẹt.
2. Mô mềm vỏ có tế bào hình nhiều cạnh, xếp dài theo hướng tiếp tuyến. Trong mô mềm có tinh thể calci oxalat và tế bào mô cứng to.
3. Libe rất phát triển, gồm tế bào chứa tinh thể calci oxalat và các tế bào chứa tinh bột xếp thành hang xen kẽ nhau đều đặn.
4. Tia tủy hẹp, một dãy, loe rộng ra phía ngoài, cắt libe thành bó hình nón.
Bột
Màu đỏ nâu, vị hơi chát. Soi kính hiển vi thấy: mảnh mô mềm gồm tế bào chứa calci oxalat xen kẽ với tế bào chứa tinh bột. Mảnh bần gồm tế bào màu vàng, thành dày. Tình thế calci oxalat hình cầu gai. Hạt tinh bột đứng riêng lẻ, đường kính 2-4 μm. Tế bào mô cứng thành rất dày có ống trao đổi rõ.
Bảo quản: để nơi khô ráo,mát
Thành phần hóa học
Vỏ rễ, vỏ thân và cành của cây lựu chứa khoảng 0,3 – 0,7% alcaloid toàn phần: alcaloid chính là pseudopelletierin; các alcaloid phụ là N-methylisopelletierin và isopelletierin ở nhiệt độ thường ở thể lỏng. Một alcaloid với tên là pelletierin (C8H15ON) do Tanret tìm ra trước đây, nay nhiều tác giả cho rằng nó không có trong vỏ lựu. Ngoài ra Vibau và Honstai (1956, 1957) đã phân lập được 3 chất mới: C­­7H9ON, C9H17O2N và C10H19O2N cấu trúc chưa xác định rõ. Ở phần gỗ có rất ít alcaloid, ở lá non không có alcaloid như trong vỏ quả mà chỉ có những dẫn chất piperidin không bền vững.
Tất cả các bộ phận của cây lựu đều có tanin, ở vỏ chứa 20-25%,ở vỏ quả chứa khoảng 25%, chúng thuộc loại tanin thủy phân được, cấu tạo cơ bản của tanin là acid elagic, một ít galic và glucose. Smit cà Fiso đã chứng minh cấu tạo cơ bản của tanin ở vỏ quả là flavogallol. Ở lá có nhiều acid elagic và ít tanin tương tự như ở vỏ và vỏ quả.
Ngoài ra, trong tất cả các bộ phận của cây lựu còn chứa các chất tritecpen tự do và một ít các chất sterin; ở lá có 0,45% acid ursolic, 0,2% acid betulic và β – sitostein; ở vỏ quả có 0,6% acid ursolic; ở hạt có β – sitostein và 17 phần triệu oeston.
Kiểm nghiệm:
1. Định tính: Nhúng vỏ vào nước, vạch lên tờ giấy sẽ thấy một vết màu vàng, nhỏ lên vết này một giọt dung dịch sắt (III) clorid màu sẽ chuyển thành đen.
Ngoài ra còn có thể định tính alcaloid chiết vỏ lựu bằng phản ứng với thuốc thử chung, sắc ký giấy hoặc sắc ký lớp mỏng
2. Định lượng:
Theo nguyên tắc: chuyển alcaloid trong vỏ lựu ra dạng base bằng MgO rồi chiết bằng chloroform, bốc hơi dung môi choloroform, cho một lượng dư acid chuẩn độ vào hòa tan cắn alcaloid rồi định lượng acid thừa bằng kiềm tương ứng, dùng methyl đỏ làm chỉ thị màu.
Tác dụng dược lý
Tanin là chất có tác dụng làm săn da và sát khuẩn mạnh.
Muối isopelletierin có tác dụng tẩy sán, với nồng độ 1/10000 làm sán chết trong 5-10 phút. Có tác dụng co mạch, làm tăng huyết áp, liều nhỏ tăng co bóp của tim ếch cô lập, liều lớn có tác dụng ức chế. Liều DL50 tiêm vào tĩnh mạch thỏ 0,3g/kg thể trọng thấy hưng phấn chút ít rồi co quắp cơ, sau liệt hô hấp rồi chết.
Trong số các alcaloid ở vỏ lựu, có tác giả cho rằng isopelletierin mới có tác dụng chữa sán còn pseudopelletierin và N – methyllisopelletierin thì hầu như không có tác dụng. Có tác giả cho rằng pseudopelletierin có tác dụng kém hơn isopelletierin 2-3 lần.
Nước sắc vỏ quả lựu pha loãng trong ống nghiệm với nồng độ 1/2560 có tác dụng ức chế vi khuẩn Bacillus diphtheriae, với nồng độ 1/1280 ức chế cầu khuẩn Staphylococcus aureus có tác dụng ức chế khuẩn lỵ Bacillus dysenteriae và vi khuẩn biển hình  Bacillus proteus.
Nước ngâm vỏ lựu pha loãng trong ống nghiệm với nồng độ 1/40 có tác dụng ức chế các vi khuẩn Epidermophyton và các vi khuẩn Dermatophyte.
Cộng dụng và liều dùng
Làm thuốc chữa sán (phụ nữ có thai và trẻ em không nên dùng). Có thể dùng vỏ rễ, vỏ thân hoặc alcaloid đã chiết ra dưới dạng tinh khiết, nhưng vì alcaloid tinh khiết độc nên thường dùng dạng nước sắc dược liệu do alcaloid kết hợp với tanin thành hợp chất ít tan, tác dụng đối với sán ở trong ruột, ít làm mệt cơ thể. Tuy nhiên uống vỏ hơi khó uống. Dùng vỏ mới đào vì vỏ tươi có nhiều alcaloid tác dụng mạnh, nhiều tác giả cho rằng vỏ khô hiệu lực giảm. Ngày dùng 20 – 60 g, dạng thuốc sắc.
Ngoài ra, còn dùng nước sắc vỏ rễ và vỏ thân cây ngâm chữa đau răng.
Nước sắc vỏ quả dùng chữa lỵ, bạch đới, chữa kinh nguyệt quá nhiều; ngày dùng 15 – 30g. Người ta dùng nước sắc vỏ quả ngậm và súc miệng chữa viêm amidan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.