CÓI DÙI Wallich-Trư vĩ thảo-Scirpus wallichii-cây thuốc thanh nhiệt lợi niệu

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

CÓI DÙI Wallich


Tên khác: Hoàng thảo Wallich, Trư vĩ thảo.
Tên khoa học: Scirpus wallichii Nees; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Scirpus erectus var. debilis (Pursh) E. Camus
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm hay lưu niên, cao 20-40cm; thân mảnh như sợi, rộng không đến 1mm. Lá teo thành 1-2 bẹ ôm thân cao 3-5cm. Cụm hoa mang 1-2 bông nhỏ, ở nách một lá bắc cao 4-7cm nối dài thân; bông nhỏ cao cỡ 1cm; vẩy vàng vàng lục, có mũi, một gân chính. Quả bế xoan dài 2mm, có 6 tơ dài.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Scirpi Wallichii).
Phân bố sinh thái:Loài của Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam. Ở nước ta, thường gặp trên đất lầy từ Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình tới Thừa Thiên-Huế.
Công dụng: Ở Trung Quốc, cây được dùng làm thuốc thanh nhiệt lợi niệu.

CÓI DÙI THÔ-Lác hến, Đưng-Scirpus grossus-cây thuốc trị ỉa chảy và nôn mửa

CÓI DÙI THÔ


Tên khác: Lác hến, Đưng.
Tên khoa học: Scirpus grossus L.f., thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Schoenoplectus grossus (L.f.) Palla
Mô tả: Cây thảo cao đến 2m; thân có 3 cạnh nhọn, mặt lõm. Lá dài bằng 1/3 thân, thon nhọn. Cụm hoa có lá bắc rất dài; bông nhỏ xoan cao 6-7mm, màu nâu đen; vẩy có đầu tù; hoa có 6 tơ, 3 nhị. Quả bế đen đen, có 3 cạnh.
Bộ phận dùng:Thân rễ (Rhizoma Scirpi Grossi).
Phân bố sinh thái:Loài phân bố ở Ấn Độ, Nêpan, Việt Nam, Philippin. Ở nước ta, cây mọc ở nhiều nơi trên đất có bùn từ Tuyên Quang, Hoà Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng tới những nơi còn ảnh hưởng của thuỷ triều ở Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang.
Thành phần hoá học:Quả chứa amylase.
Công dụng: Ở Ấn Độ, củ được dùng trị ỉa chảy và nôn mửa.

CÓI DÙI CÓ ĐỐT-Hoàng thảo đốt-Scirpus articulatus-cây thuốc có tác dụng xổ

CÓI DÙI CÓ ĐỐT


Tên khác: Hoàng thảo đốt.
Tên khoa học: Scirpus articulatus L.; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Mô tả: Bụi tròn, cao 10-50cm, thân hình trụ, to 2-6mm, có ngấn ngang. Lúc non lá toả ra ở mặt đất. Cụm hoa thấp, có một lá bắc nhọn to tiếp tục cao như thân; xim co tròn, bông nhỏ cao 8-12mm, màu nâu hay đo đỏ, vẩy cao 1mm, đầu tù, nhị 3. Quả bế đen có 3 mặt hơi lõm, cao 1,7mm.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Articulati).
Phân bố sinh thái:Loài của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippin, Tân Ghi nê và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc nơi đất bùng dựa rạch và trên các ruộng đồng bằng, có gặp ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
Công dụng: Ở Ấn Độ, toàn cây được dùng làm thuốc xổ.

CÓI DÙI BẤC-Cói dùi thẳng-Scirpus juncoides-Cây làm thức ăn gia súc

CÓI DÙI BẤC


Tên khác: Cói dùi thẳng, Hoàng thảo hến, Cỏ ống, Nang bong.
Tên khoa học: Scirpus juncoides Roxb.; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên khác: Scirpus erectus sensu E. Camus non Poir.
Mô tả: Bụi cao 30-40 (120)cm; thân hình trụ, rộng 1-3mm. Lá còn là bẹ cao 2-17cm. Hoa đầu do 1-2 (6-8) bông nhỏ nâu nâu, cao 7-10mm, vẩy cao 4mm, có mũi đỏ. Quả bế màu ngà, cao 2mm, một mặt lồi, một mặt phẳng, tơ dài gần bằng quả bế.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Scirpi).
Phân bố sinh thái:Loài của Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Niu Ghinee, Australia và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở ruộng, suối nước ngọt đến độ cao 1500m, từ Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hoà Bình, Hà Nội, Ninh Bình, tới Thừa Thiên-Huế.
Công dụng: Cây được dùng làm giấy, làm thức ăn gia súc. Còn có thể dùng dệt thảm và các hàng thủ công khác. Cũng được dùng làm thuốc (theo Nguyễn Khắc Khôi, Tạp chí Sinh học, tháng 12/1994).      

CÓI DÙ-Cói đuôi chồn-Cyperus paniceus-Cây thuốc thuốc trị giun

CÓI DÙ


Tên khác: Cói tương hoa tán, Cói đuôi chồn.
Tên khoa học: Cyperus paniceus var. roxburghianus (C.B.Clarke) Kük.; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Mariscus umbellatus Vahl
Mô tả: Cây thảo sống lưu niên; thân rễ có ngó với vẩy màu đỏ. Thân cao 20-40 (60) cm, có 3 cạnh ở phía ngọn. Lá hình dải phẳng, rộng 2-3mm, thường vượt quá thân, khi sờ thì ráp. Cụm hoa gồm những bông kép, 5-14 bông, có cuống không đều nhau hoặc không có cuống, họp thành tán, mang 3-12 lá bắc vượt quá cụm hoa. Quả bế có ba góc, thuôn hay bầu dục, thon hẹp ở hai đầu, có vòi ngắn chẻ hai.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Cyperi Panicei).
Phân bố sinh thái:Loài của Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Thái Lan, Malaysia, Australia, châu Phi. Khá phổ biến ở nước ta, từ Lào Cai đến Kiên Giang, trong các chỗ ẩm ướt, có khi mọc dựa lộ, đất hoang khô vùng đồng bằng ở nhiều nơi; cũng gặp ở vùng cao nguyên và một số đảo như Côn đảo, Bảy Canh (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Công dụng: Ở Ấn Độ, người ta dùng toàn cây làm thuốc trị giun. Cũng là cây thức ăn gia súc.      

CÓI ĐẦU HỒNG-Chuỷ tơ đỏ-Rhynchospora rubra

CÓI ĐẦU HỒNG


Tên khác: Chuỷ tơ đỏ, Cói chuỷ tử đỏ, Cói đầu hồng, Chuỷ tử đầu hồng.
Tên khoa học: Rhynchospora rubra (Lour.) Makino; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Schoenuus ruber Lour.; Rhynchospora wallichiana Kunth
Mô tả: Cây thảo nhiều năm, cao đến 70cm, thân thành bụi. Lá có phiến hẹp nhọn, rộng 2-3mm, cứng, không lông. Hoa đầu rộng 1-2cm, màu nâu đỏ, mép lá bắc có lông, bông cao 5-8mm, thường mang 3 hoa, hoa cái ở dưới, hoa đực ở trên, nhị 2-3. Quả bế hai mặt lồi, vàng, dài 1,2-1,7mm, có mỏ ngắn mang 6 tơ ngắn.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Rhynchosporae Rubrae).
Phân bố sinh thái:Loài của Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Ôxtrâylia, Châu Phi. Ở nước ta, cây mọc trên đất hoang, trảng, dọc đường đi ở nhiều nơi vùng thấp và cao nguyên, từ Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận tới Long An, Kiên Giang.
Công dụng:Cây có tác dụng khử phong nhiệt, dùng làm thuốc giải nhiệt, trừ phong thấp.

Côi-Scyphiphora hydrophyllacea-Cây thuốc chữa bệnh đau dạ dày

CÔI


Tên khoa học: Scyphiphora hydrophylacea C.F.Gaertn.; thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Mô tả: Cây nhỏ cao 1-2m, không lông; cành non vuông, . Lá có phiến xoan, dài 3-6cm, rộng 2-4cm, đầu tù tròn; gân phụ mảnh, 5-6 cặp; lá kèm cao 2-3mm, mau rụng. Xim nách lá; hoa trắng hay vàng nhạt; đài hình ống; tràng có ống cao 4-5mm, thuỳ nhọn; bầu 2 ô, mỗi ô với 1 noãn đứng, 1 noãn treo. Quả hạch cao 8-11mm, có 6-8 khía, mọc thành hai phân hạch.
Bộ phận dùng: Lá (Folium Scyphiphorae).
Phân bố sinh thái:Loài phân bố ở Nam Trung Quốc và nhiều nước châu á, Châu Đại dương nhiệt đới ở biển. Ở nước ta, cây mọc ở vùng biển, gần các rừng ngập mặn từ Bắc đến Vũng Tàu, Côn Đảo.
Công dụng: Ở Ấn Độ, người ta dùng chiết xuất nóng của lá để chữa bệnh đau dạ dày.