CẢI THẢO-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

CẢI THẢO

Tên khác: Cải bắp dài, Cải bao, Cải trắng cuốn lá. Sách Trung Quốc ghi là Tùng, Hoàng uỷ thái; người Trung Quốc còn gọi là Cải Thiên tân.
Tên khoa học: Brassica pekinensis (Lour.) Rupr.; thuộc họ Cải (Brassicaceae).
Tên đồng nghĩa: Sinapis pekinensis Lour.; Brassica campestris L. ssp. Pekinensis (Lour.) Olsson; B. rapa L. var. pekinensis (Lour.) Kitamura; B. rapa ssp. Pekinensis(Lour.) Hanelt
Mô tả: Cây thảo hai năm cao 30-40cm, không lông, có khi ở mặt dưới trên gân chính có lông. Lá chụm ở đất, nhiều, hình bầu dục hoặc trứng rộng ngược, dài 30-60cm, rộng bằng 1/2 dài, đầu tròn, mép gợn sóng, có khi có răng không rõ, đầu giữa rộng màu trắng, gân bên thô và nhiều; cuống lá màu trắng, dẹp, rộng 2-8cm, phía mép có khi có cánh. Lá ở phía trên hình trái xoan đến ngọn giáo. Hoa màu trắng, dài 8mm. Quả cải dài 3-6cm, rộng 3mm; hạt hình cầu, hình trụ tròn 1-1,5cm, màu nâu hạt dẻ.
Bộ phận dùng: Cây, hạt (Herbaet Semen Brassicae pekinensis).
Phân bố sinh thái: Cải thảo là loại rau chủ yếu của miền Bắc và Đông Bắc Trung Quốc, vào 2 mùa xuân và thu. Ta cũng nhập trồng nhiều ở miền Bắc và ở Đà Lạt vào vụ đông.
Tính vị, tác dụng: Cải thảo có vị ngọt, tính mát, có tác dụng hạ khí, thanh nhiệt nhuận thấp, tức là làm mềm cổ họng, bớt rát, đỡ ho; lại bổ ích trường vị, là loại rau ngon chứa nhiều vitamin A, B, C, E.
Công dụng: Có thể dùng nấu canh ăn như các loại rau cải khác, làm nước canh cơ bản trong bữa ăn; cũng có thể nấu canh với jambông, gà, vịt, xương lợn. Cũng có thể lấy lõi bắp cuộn lại ở phía trong màu trắng và mềm dùng ăn sống, dầm muối thành nguyên liệu chủ yếu của món nộm dùng ăn cơm, ăn cháo; hoặc trộn dầu giấm như rau xà lách. Cải thảo nấu lẩu hoặc xào ăn đều ngọt cả.
Bài thuốc:
1. Cải thảo dùng chữa sốt: Người bị bệnh trường nhiệt, bệnh sốt rét và các bệnh có sốt lâu, thường thường khi sốt không muốn ăn uống, dùng Cải thảo nấu canh cho người bệnh ăn. Có thể tuỳ ý thêm giá đậu xanh hoặc giá đậu nành, cà, rau dừa, rau cần, nấu chung, canh ăn bổ lại hạ sốt.
2. Cải thảo lợi tiểu tiện: Người bị bệnh viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, tiểu tiện không bình thường, đau buốt; có thể dùng rau Cải thảo hoặc Rau cần hai vị nấu canh hoặc nấu chín lấy nước uống liền vài ngày.
Ghi chú: Cải thảo có thể xắt khúc nhỏ đem tẩm xì dầu để phơi khô cất ăn dần, dùng để nấu canh thịt, hấp cá, ăn hủ tiếu, ăn thịt bò viên. Cuống Cải thảo có thể xắt miếng, lẫn với cà rốt, đem muối (thêm hành, tỏi, bột ớt, nước gừng), có vị chua chua, ngon ngọt, cay cay, nồng nồng...

CẢI SOONG-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI SOONG


Tên khác: Cải xoong, Xà lách xoong, Cải hoang, Cải đất; Đình lịch lùn, Sa lach son.
Tên khoa học: Rorippa nasturtium-aquaticum (L.) Hayek.; thuộc họ Cải (Brassicaceae).
Tên đồng nghĩa: Sisymbrium nasturtium-aquaticum L.; Nasturtium officinale R. Br.; Rorippa officinalis (R. Br.) P. Royen
Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, có thân bò dài tới 40cm, phân nhánh nhiều, đâm rễ ở các đốt, cả trong đất lẫn trong nước. Lá mọc so le, kép lông chim, có 3-9 lá kép hình trứng không đều, thuỳ tận cùng thường lớn hơn, mép nguyên hay khía tai bèo, màu lục sẫm. Hoa nhỏ, màu trắng, họp thành chùm ở đầu cành. Quả cải hình trụ, chứa nhiều hạt đỏ. Ra hoa tháng 4-5.
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Rorippae Nasturtii).
Phân bố sinh thái: Cây có nguồn gốc ở châu Âu được nhập vào trồng ở nước ta từ cuối thế kỷ 19. Cây ưa đất mát và có nhiều nước chảy nhẹ. Ta trồng nhiều làm rau ăn vụ đông xuân; cũng gặp phát tán hoang dại ở lòng suối nước chảy, nước nhiều oxygen. Có thể thu hái toàn cây quanh năm.
Thành phần hóa học: Người ta  đã biết trong Cải soong có 93,7% nước, 2,8% protid, 1,4% glucid, 2% cellulose, 0,8% tro, 89mg% calcium, 28mg% phosphor, 1,6mg% sắt, 15-45mg% iod, 25mg% vitamin C. Còn có một số chất khác như một heterosid có sulfur là gluconasturtiosid hay gluconasturtin thường ở dưới dạng muối K; chất này bị thuỷ phân dưới tác dụng của men myrosin để tạo ra một phân tử glucose, một phân tử sulfat acid K và một phân tử isothio-cyanat phenylethyl; chất sau này là một tinh dầu, dưới dạng một chất lỏng không màu, rất ít tan trong nước, tan trong  cồn ether, chloroform, nó cho mùi của Cải soong.
Tính vị tác dụng: Cải soong có vị đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng thanh huyết, giải nhiệt, giảm đau, thanh phế tư dưỡng. Từ thời Thượng cổ, Hippocrat cho là nó có tính long đờm. Dioscoride cho biết nó có tính lợi tiểu. Từ thời Trung cổ, người ta dùng nó làm thuốc lọc máu và trị bệnh đường hô hấp. Từ thế kỷ 16, các tính chất như lợi tiểu, làm ngon miệng,  chống hoại huyết đã được nói đến. Ngày nay ta biết Cải soong là một loại rau tốt cho cơ thể. Trước hết, nó có tác dụng khai vị, bổ, kích thích tiêu hoá, cung cấp chất khoáng cho cơ thể, chống thiếu máu, chống bệnh hoại huyết, lọc máu, lợi tiểu, giảm đường huyết, trị ho. Nó còn làm ra mồ hôi, trị giun và giải độc nicotin.
Công dụng:
- Cải soong được dùng làm thuốc uống trong trị chứng ăn mất ngon, cơ thể suy nhược, tạng bạch huyết, bệnh scorbut, chứng thiếu máu, bệnh lao, ho và các bệnh đường hô hấp, cảm cúm, sỏi mật, các bệnh về gan mật, sỏi thận và các bệnh đường tiết niệu; ký sinh trùng đường ruột; thấp khớp, thuỷ thũng, đái đường và ung thư.
- Dùng ngoài chữa bệnh ngoài da: eczema, ghẻ, hắc lào, rụng tóc, bệnh về da đầu, vết thương, ung nhọt, mụn tràng nhạc, lở loét, đau răng, viêm lợi răng.
- Có thể dùng tươi ăn sống như xà lách, hoặc giã ra lấy nước cốt uống, lấy dịch xoa, làm thuốc xức. Cũng có thể hãm uống.
Liều dùng: Ngày dùng 50-100g.
Bài thuốc:
1. Nóng bức mùa hè, người mệt, hắt hơi: dùng Cải soong,  một nắm (60g), rửa sạch, vò hay giã nát, thêm nước, lọc và pha đường uống.
2. Trị giun, giải độc, lợi tiểu: dùng Cải soong tươi giã nát lấy nước cốt uống, hoặc dùng một nắm Cải soong, 3 củ Hành tây, 2 củ cải cho vào 1 lít nước, sắc lấy nước uống ngày 2 ly giữa các bữa ăn.
3. Tàn nhang: dùng 3 phần dịch Cải soong, 1 phần mật ong quậy đều, dùng vải mềm tẩm thuốc xoa sáng và chiều, để khô rồi rửa sạch.
Ghi chú: Người nghiện thuốc lá nên ăn nhiều Cải soong. Nước dịch của Cải soong dùng súc miệng làm chắc chân răng và làm đỡ hôi miệng.

CẢI RỪNG TÍA-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI RỪNG TÍA


Tên khác: Rau cẩn, Rau bướm, Hoa tím ẩn.
Tên khoa học: Viola inconspicua Blume; thuộc họ Hoa tím (Violaceae).
Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, có thân ngắn, gốc cứng. Lá mọc chụm lại thành hình hoa thị ở gần gốc. Phiến lá hình tam giác, dài 2,5-5cm, rộng 2-4cm, gốc lõm hình tim, có tai hẹp, đầu nhọn, mép có răng thưa không đều; cuống lá dài 7-9cm (gấp 2-3 lần phiến); lá kèm  màu nâu, mép nguyên, nhọn. Hoa mọc ở nách lá trên một cuống dài 3,5-4cm; 5 lá đài màu lục, 5 cánh hoa màu tía hay trắng. Khi hoa nở, cánh hoa uốn cong xuống như hình con bướm. Quả hình cầu, có 3 cánh. Hạt rất nhỏ, hình trứng ngược, màu nâu nhạt.
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Violae Inconspicuae)
Phân bố sinh thái: Cây mọc ở nhiều nơi, thường gặp ở các bãi suối có cát, ven rừng nơi ẩm, các nương rẫy cũ ẩm, nhiều ánh sáng ở các vùng phía bắc đến các tỉnh Tây Nguyên, trên độ cao 500m-1700m.
Thành phần hóa học: Cải rừng tía chứa 88% nước, 2,4% protid, 7,2% glucid, 1,2% chất xơ, 1,2% tro, 3,5mg% caroten và 31mg% vitamin C.
Tính vị, tác dụng: Cải rừng tía có vị đắng nhạt, hơi the, tính mát; có tác dụng làm mát máu, giải độc, tiêu sưng.
Công dụng: Các phần non của cây dùng làm rau ăn luộc, xào, hay nấu canh. Cây còn được dùng chữa viêm họng, đau mắt viêm tuyến vú và sưng lở.
Liều dùng: Ngày dùng 40-80g cây tươi hay 20-40g cây khô sắc uống. Ngoài dùng lá tươi giã đắp chỗ sưng đau.
Bài thuốc:
1. Chữa quai bị: Lá cải rừng tía 40g, phèn chua 4g, giã nhỏ đắp.
2. Chữa viêm tiền liệt tuyến: Cải rừng tía 40g, Mã đề, Hải kim sa mỗi vị 20g, sắc uống.
3. Chữa tràng nhạc, mụn mạch lươn hay bị kết hạch: dùng Cải rừng tía 40g sắc uống và giã đắp ngoài.
4. Chữa ngộ độc: dùng Cải rừng tía giã ra lấy 50ml nước cốt uống thì mửa ra, uống nhiều thì mửa hết.
Ghi chú: Còn loại Cải rừng trắng hay Rau cẩn nhẵn (Viola arcuata Blume) mọc ở vùng cao Sapa, Đà Lạt, trên các bãi ẩm, nương rẫy cũ và vách đá ẩm, cũng được dùng làm rau ăn ghém, hoặc xào hay nấu canh.

CẢI RỪNG LÁ KÍCH-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI RỪNG LÁ KÍCH


Tên khác: Cây lưỡi cày.
Tên khoa học: Viola betonicaefolia Sm.; thuộc họ Hoa tím (Violaceae).
Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, có rễ chính to, không có chồi. Lá xoan, thuôn, tù, cụt, hay hơi hình tim ở gốc, dài 5-6cm, rộng 2-3cm ở gốc, nhẵn, gần như đồng màu, có mép hơi có răng; cuống lá có cánh, nhất là ở đỉnh, dài 4cm; lá kèm nguyên, dài 1cm. Hoa màu trắng hay lam lam, có sọc đậm, kích thước trung bình, ở ngọn một cuống hoa  dài 10cm hay hơn, vượt quá lá. Quả nang dài 6mm. Hoa tháng 11-5; có quả vào mùa hạ, mùa thu.
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Violae Betonicaefoliae).
Phân bố sinh thái: Cây mọc hoang ở vùng núi từ Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội cho tới Lâm Đồng. Còn phân bố ở Lào, Nam Trung Quốc và Châu Úc.
Công dụng: Người ta thường phối hợp với các vị thuốc khác sắc uống làm thuốc hạ nhiệt vào mùa hè, nhưng chỉ uống hạn chế độ 3-4 lần thôi vào mùa nóng. Lá, hoa và thân còn dùng làm thuốc điều trị nhọt và các vết thương.

CẢI RỪNG BÒ LAN-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI RỪNG BÒ LAN


Tên khác: Hoa tím lông.
Tên khoa học: Viola serpens Wall. ex Ging.; thuộc họ Hoa tím (Violaceae).
Tên đồng nghĩa: Viola pilosa Blume; thuộc họ Hoa tím (Violaceae).
Mô tả: Cây thảo nhỏ, nhiều năm; thân ngắn. Lá chụm nơi đâm rễ; phiến mỏng, có lông mịn, hình tim, gân từ gốc 3, gân phụ hai cặp, mép có răng nằm, cuống dài 5-8cm; lá kèm có rìa lông, nâu đỏ. Cuống hoa dài bằng cuống lá, có 2 tiền diệp ở giữa. Hoa nhỏ, không thơm; 4 cánh hoa cao 5mm, cánh hoa giữa xoan, cao 6mm, móng dài 2mm; bầu không lông. Quả nang to 5-10mm, chia 3 mảnh. Hoa quả vào tháng 3.
Bộ phận dùng: Toàn cây (HerbaViolae).
Phân bố sinh thái: Loài phân bố ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở rừng trên độ cao 1000-3000m ở các tỉnh Tây Nguyên.
Thành phần hóa học: Tinh dầu.
Tính vị tác dụng: Vị nhạt, cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ tiêu sưng, rút mủ lên da, làm trong phổi, khỏi ho.
Công dụng: Thường dùng trị: 1. Viêm gan; 2. Viêm màng tiếp hợp cấp; 3. Ho gà, trẻ em ho khan, ho có đờm do phong nhiệt. Dùng ngoài trị viêm vú cấp, zona, mụn nhọt sâu quảng, rắn độc cắn, đòn ngã tổn thương, gẫy xương.
Liều dùng: Ngày dùng 15-30g, có thể dùng đến 40g, sắc uống. Dùng ngoài lấy lượng vừa đủ, giã tươi cho nát đắp hoặc dùng cây khô tán bột rắc, bôi xoa.

Bài thuốc: Chữa viêm màng tiếp hợp: dùng Cải rừng bò tươi, giã nát đắp vào thái dương về phía mắt đau. Thay đổi vài lần trong ngày. Đồng thời dùng 30g nấu nước uống.

CẢI RỪNG BÒ-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI RỪNG BÒ


Tên khác: Hoa tím tràn lan.
Tên khoa học: Viola diffusa Ging.; thuộc họ Hoa tím (Violaceae).
Mô tả: Cây thảo có lông mềm ngắn. Thân bồ dạng thảo hay gần hoá gỗ, nom như những thân thật. Lá phần nhiều thành túm, hình bầu dục xoan, tù hay gần nhọn; các lá đầu tiên hình tim ở gốc, các lá khác hình tim hay cụt hoặc thót nhọn, hơi khía lượn; cuống lá dài, có cánh; lá kèm rời, hẹp, có răng rõ. Hoa màu tím, trăng trắng hay màu tía nhạt; lá đài gần nhọn; cựa ngắn, gần hình cầu; vòi mảnh. Quả nang tù, không lông. Cây ra hoa tháng 2-4.  
Bộ phận dùng: Toàn cây (HerbaViolae Diffusae).
Phân bố sinh thái: Cây mọc ở vùng rừng Lào Cai (Sapa, Mông Sến), Hoà Bình (Vụ Bản) trên đất ẩm. Thu hái toàn cây vào cuối mùa xuân, hè và thu, phơi khô hay dùng tươi.
Tính vị tác dụng: Vị nhạt, cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ tiêu sưng, rút mủ lên da, làm trong phổi, khỏi ho.
Công dụng: Thường dùng trị: 1. Viêm gan; 2. Viêm màng tiếp hợp cấp; 3. Ho gà, trẻ em ho khan, ho có đờm do phong nhiệt. Dùng ngoài trị viêm vú cấp, zona, mụn nhọt sâu quảng, rắn độc cắn, đòn ngã tổn thương, gẫy xương.
Liều dùng: Ngày dùng 15-30g, có thể dùng đến 40g, sắc uống. Dùng ngoài lấy lượng vừa đủ, giã tươi cho nát đắp hoặc dùng cây khô tán bột rắc, bôi xoa.

Bài thuốc: Chữa viêm màng tiếp hợp: dùng Cải rừng bò tươi, giã nát đắp vào thái dương về phía mắt đau. Thay đổi vài lần trong ngày. Đồng thời dùng 30g nấu nước uống.

CẢI NGỌT-CÔNG DỤNG-CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI NGỌT


Tên khoa học: Brassica integrifolia (West.) O.E. Schulz.; thuộc họ Cải (Brassicaceae).
Mô tả: Cải trắng, cao 50-100cm, thân tròn, không lông. Lá có phiến xoan ngược tròn dài, chóp tròn hay tù, gốc từ từ hẹp, mép nguyên không nhăn, mập, trăng trắng, gân phụ 5-6 cặp; cuống dài, tròn. Chùm hoa như ngù ở ngọn, cuống hoa dài 3-5cm, hoa vàng tươi; nhị 6 (4 dài, 2 ngắn). Quả cải dài 4-11 cm, có mỏ, hạt tròn.
Bộ phận dùng: Hạt (Semen Brassicae Integrifoliae).
Phân bố sinh thái: Cây trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.
Thành phần hóa học: Dầu của hạt chứa một glycerid của acid erucic.
Tính vị, tác dụng: Hạt làm nóng, làm toát mồ hôi.
Công dụng:
- Cây trồng để lấy lá làm rau.
- Ở Ấn Độ, hạt được dùng làm thuốc trị bệnh co thắt, chứng đau dây thần kinh và đau khớp. Dầu được sử dụng như là một chất nước dùng chườm đắp trị phát ban da và mụn nhọt. Ở Trung Quốc, hạt được dùng trị sốt cao co giật, mất tiếng; toàn cây được dùng ở Vân Nam làm thuốc thanh nhiệt.

CẢI KIM THẤT-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI KIM THẤT


Tên khác: Rau lúi, Kim thất cải, Rau bầu đất.
Tên khoa học: Gynura barbaraefolia Gagnep.; thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả: Cây thảo cao 80cm, có lông, thân non có cạnh. Lá xếp dọc theo thân, có lông, có thuỳ sâu, một thuỳ ở gốc cuống có dạng lá kèm; gân phụ 4 cặp. Ngù hoa kép, chia nhiều nhánh, mỗi nhánh có 1-3 hoa màu vàng, cao 1,5cm; lá bắc hẹp, cao 4-9mm. Quả bế cao 1,7mm, nhám; lông mào gồm nhiều tơ, trắng, mịn. Ra hoa tháng 1-4.
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Gynurae Barbaraefoliae).
Phân bố sinh thái: Cây mọc hoang ở các đồi bãi, savan cỏ và cả trên núi đá, núi đất sa thạch, từ Nam Hà, Ninh Bình, qua Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, đến Kontum, Lâm Đồng.
Công dụng: Lá và ngọn non có thể ăn thay rau. Cả cây dùng chữa phong thấp, đau nhức xương.

CẢI HOANG-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

CẢI HOANG


Tên khác: Cải cột xôi, Cải ma lùn, Đình lịch, Đình lịch lùn, Cải đất ấn độ.
Tên khoa học: Rorippa indica (L.) Hiern. (Nasturtium indicum (L.) DC.); thuộc họ Cải (Brassicaceae).
Tên đồng nghĩa: Sisymbrium indicum L.; Nasturtium indicum (L.) DC.; Sisymbrium apetalum Lour.; Nasturtium indicum (L.) DC. var. apetala (Lour.) Gagnep.
Mô tả: Cây thảo cao 20-50cm, thân phân nhánh từ gốc, có rãnh, nhẵn hay có lông. Lá mọc từ rễ, có cuống, có 2-4 tai; còn những lá khác đơn, thu hẹp ở gốc thành cuống ngắn, thon lại ở chóp, khía tai bèo có răng ở mép. Hoa vàng, nhỏ, xếp thành chùm đứng ở ngọn; cánh hoa 4, dài hơn lá đài, nhị 4 dài, 2 ngắn. Quả cải dạng sợi, dài 2-2,5cm, rộng 1mm, có vòi nhuỵ dài 1mm, chia 3 van với 3 gân mảnh. Hạt xếp 2 dãy, hình tim, trái xoan dẹp, màu hung hung, rất nhỏ.  
Bộ phận dùng: Toàn cây (HerbaRorippae), thường gọi là Hân thái.
Phân bố sinh thái: Cây của vùng lục địa Đông Nam Á châu, mọc hoang ở rẫy, ruộng bỏ hoang, bãi sông, nơi ẩm ướt đến 2000m. Thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch, phơi khô hoặc dùng tươi.
Thành phần hóa học: Cây chứa rorifone, rorifamide. Còn có caroten, vitamin C.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính ấm; có tác dụng làm long đờm, ngừng ho, hoạt huyết, lợi tiểu, giúp tiêu hoá, tiêu tích.
Công dụng: Thường dùng trị: 1. Cảm mạo phát sốt, đau họng; 2. Ho, viêm khí quản mạn tính; 3. Phong thấp cấp; 4. Viêm gan, giảm niệu; 5. Tiêu hoá không bình thường. Ngoài ra cũng dùng chữa huyết hư kinh bế, mụn nhọt ung thũng và rắn cắn.
Liều dùng: Ngày dùng 15-30g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài tuỳ lượng, lấy cây tươi giã đắp.
Bài thuốc:
1. Sốt nóng mùa hè, môi khô, nóng khát: đun sôi toàn cây Cải hoang lấy nước để uống thay trà.
2. Chữa bệnh cổ trướng: dùng Cải hoang sao 12g, Trần bì 12g, vỏ rễ Dâu (lấy lớp trắng) 24g, Gừng sống 3 lát, sắc uống lúc đói. Hoặc dùng riêng một vị Cải hoang, sao và tẩm rượu 7 lần, tán nhỏ, uống mỗi lần 2 -3 thìa hoà với rượu vào lúc đói (Nam dược thần hiệu).
3. Chữa viêm gan thể giữ nước, viêm phổi tràn dịch màng phổi, ho suyễn ngực căng tức, phù tim mặt sưng thở gấp và viêm thận cấp, đái ít, phù to: Cải hoang 12g, Mạch môn chế bỏ lõi, Ý dĩ sao, Xa tiền, Ngưu tất, Mộc thông, Dành dành và Huyền sâm, đều 12g, sắc uống (Lê Trần Đức).

CẢI GIẢ-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI GIẢ

Tên khác: Bầu đất bóng.
Tên khoa học: Gynura nitida DC.; thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả: Cây thảo. Lá có phiến thon, dài 10-13cm, rộng 2-2,5cm, chóp nhọn, mép có răng thấp nhọn, gân phụ 6 cặp; cuống dài 1cm. Cụm hoa đầu vàng, cao 1,5cm; lá bắc có mào lông trắng, mịn, dài 1,5cm.Ra hoa tháng 7.
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Gynurae Nitidae).
Phân bố sinh thái: Cây mọc trong rừng thưa, dọc bờ nước, nhiều nơi ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Lai Châu cho tới Gia Lai, Komtum, Đắc Lắc, Lâm Đồng.
Công dụng: Ngọn non dùng nấu canh ăn. Ở Quảng Ninh người ta sử dụng cây làm thuốc mát, chữa ho.

CẢI ĐỒNG-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI ĐỒNG


Tên khác: Cúc dại, Rau cóc, Chân cua bồ cóc, Nụ áo.
Tên khoa học: Grangea maderaspatana (L.) Poir.; thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Tên đồng nghĩa: Artemisia maderaspatana L.; Cotula maderaspatana (L.) Willd.; C. anthemoides Lour.
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, phân cành từ gốc. Cành có rãnh. Lá mọc so le, gần hình bầu dục, chóp lá tù, gốc thuôn, có 2-5 đôi thuỳ lông chim, hai mặt lá đều có lông dài, trắng. Cụm hoa là những đầu ở ngọn hoặc ở nách lá, đối diện với lá, thường đơn độc, màu vàng. Lá bắc 2-3 hàng, có lông. Trong đầu hoa, có hoa cái và hoa lưỡng tính. Quả bế hơi dẹt, có 3 cạnh mờ. Ra hoa tháng 12-4, có quả tháng 4-5.
Bộ phận dùng: Cành lá (Ramulus Grangeae Maderaspatanae).
Phân bố sinh thái: Loài cỏ nhiệt đới, mọc hoang ở các ruộng khô hoặc ẩm, các bãi cát ở khắp nước ta. Cây ưa sáng, mọc nhiều vào mùa khô. Có thể thu hái cành lá quanh năm, thường dùng tươi.
Thành phần hóa học: Flavonoid (5-deoxyflavon, 6-hydroxy-2′,4′,5′-trimethoxyflavone, 6-hydroxy-3′,4′,5′-trimethoxyflavon, 7,2′,4′-trimethoxyflavon)
Tính vị, tác dụng: Cải đồng có vị đắng, tính mát, có tác dụng làm dịu và sát trùng; còn có tác dụng làm dễ tiêu hoá, khai thông ách tắc.
Công dụng: Cải đồng là loại rau dùng ăn sống hay nấu canh ăn. Cũng dùng làm thuốc lợi tiêu hoá, trị ho sau khi sinh đẻ và làm điều kinh trở lại đối với sản phụ, nhất là khi sự trễ kinh kèm theo chứng đau bụng và đau thân. Dân gian còn dùng chữa các chứng trĩ (Cà Mau, tỉnh Minh Hải). Dùng ngoài hơ nóng để chườm làm thuốc sát trùng và dịu đau. Ở Ấn Độ, người ta dùng lá sắc hoặc làm thuốc tễ trong trường hợp kinh nguyệt bế tắc và bệnh vàng da.

CẢI ĐẤT NÚI-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI ĐẤT NÚI


Tên khác: Hân thái, Xước thái, Thụy thái, Dạ du thái, Kê nhục thái.
Tên khoa học: Rorippa dubia (Pers.) Hara; thuộc họ Cải (Brassicaceae).
Tên đồng nghĩa: Sisymbrium dubium Pers.; Nasturtium montanum Wall.; Radicula montana (Wall.) Hu ex P'ei
Mô tả: Cây thảo mọc hằng năm, cao 10-50cm toàn cây không lông. Lá ở gốc thân to, phiến dài 10-15cm, có thuỳ ở gốc, sâu hay cạn; các lá trên không thuỳ, gốc từ từ hẹp thành cuống rộng ôm thân, mỏng, mép có răng thưa. Chùm hoa kép ở ngọn, các chùm đơn ở nách lá; hoa mọc so le, cuống hoa dài 3-4mm; lá đài 4, hình bầu dục; cánh hoa 4, màu vàng nhạt, dài 2mm, nhị 6. Quả cải dài 2-3cm, rộng 1-1,5mm, mở thành 2 mảnh; hạt xếp 2 dãy, nhỏ, hình trứng, màu nâu. Ra hoa tháng 5-9.
Bộ phận dùng: Toàn cây và hạt (Herbaet Semen Rorippae Dubiae).
Phân bố sinh thái: Loài của Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippin. Ở nước ta, thường gặp trên rẫy, ruộng.
Thu hái: cây vào lúc có hoa phơi khô hay dùng tươi.
Thành phần hóa học: Hạt chứa dầu.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ khái, kiện vị, lợi niệu, tiêu thũng.
Công dụng: Thường được dùng trị cảm mạo phát sốt, sưng đau hầu họng, phổi nóng sinh ho, viêm khí quản mạn tính, phong thấp đau nhức khớp cấp tính, viêm gan hoàng đản, tiểu tiện khó khăn.
Liều dùng: Ngày dùng 12-20g, sắc uống. Dùng ngoài, tuỳ lượng giã đắp trị lở sơn, bỏng lửa, rắn cắn.
Ghi chú: Ở Trung Quốc, hạt cũng được dùng như hạt cây Đình lịch (Draba nemorasa L.) làm thuốc thanh nhiệt khư đàm, định suyễn, lợi niệu.

CẢI CÚC-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI CÚC

Tên khác: Cúc tần ô, Rau cúc, Rau tần ô,Đồng cao; Xuân cúc.
Tên khoa học: Chrysanthemum coronarium L.; thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, có thể cao tới 1,2m. Lá ôm vào thân, xẻ lông chim hai lần với những thuỳ hình trứng hay hình thìa không đều. Cụm hoa ở nách lá, các hoa ở mép màu vàng sẫm, các hoa ở giữa đầu màu vàng lục, thơm. Các lá bắc của bao chung không đều, khô xác ở mép. Mùa hoa vào tháng 1-3.
Bộ phận dùng: Cành lá: (Ramulus Chrysanthemi Coronarii).
Phân bố sinh thái: Loài cây của vùng Cận đông, được nhập trồng ở nhiều nơi khắp nước ta làm rau ăn. Có nhiều giống trồng khác nhau; ta thường trồng giống cây lùn không cao quá 70cm.
Thành phần hóa học: Rau Cải cúc chứa 1,85% protid 2,57% glucid, 0,43% lipid và còn có nhiều vitamin B, C và một số vitamin A. Người ta còn tìm thấy các chất khác như adenin, chlonin. Lá chứa 7-glucosid của quercetin, quercetagetin và luteolin.
Tính vị, tác dụng: Cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, được xem như một loại rau giúp khai vị làm ăn ngon, giúp tiêu hoá, trừ đờm, tán phong nhiệt.
Công dụng: Cải cúc có thể dùng ăn sống như xà lách, chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt. Ở Ấn Độ, người ta dùng cây phối hợp với hồ tiêu để trị bệnh lậu; hoa được dùng thay thế Dương cam cúc như là một chất thơm đắng và lợi tiêu hoá.
Bài thuốc:
1. Chữa ho trẻ em: Dùng lá Cải cúc thái nhỏ 6g, thêm ít mật ong, hấp vào nồi cho tiết nước ra, chia nhiều lần uống trong ngày.
2. Những người ăn uống kém tiêu, viêm lỵ, hay đau mắt: Dùng Cải cúc ăn sống hoặc nấu canh ăn, đều có tác dụng trị bệnh tốt.

CẢI CỦ-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI CỦ

Tên khác: Rau lú bú.
Tên khoa học: Raphanus sativus L. var. longipinnatus Bail.; thuộc họ Cải (Brassicaceae).
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, có rễ củ trắng, có vị nồng cay, dài đến 40 cm (có thể đến 1m), dạng trụ tròn dài, chuỳ tròn hay cầu tròn. Lá chụm ở đất, có khía sâu gần đến gân chính. Chùm đứng; hoa trắng hay đỏ; 6 nhị; 4 dài, 2 ngắn. Quả cải hình trụ có mỏ dài, hơi eo giữa các hạt; hạt hình tròn dẹt, có một lưng khum, mặt bụng tạo nên 1 cạnh lồi ở giữa, dài 2,5-4mm, rộng 2-3mm, màu nâu đỏ hoặc màu đen.
Bộ phận dùng: Rễ củ, lá và hạt (Radix, Folium et Semen Raphani); người ta thường gọi Củ cải là Bặc căn; và hạt là Lai phục tử, La bặc tử.
Phân bố sinh thái: Cải củ đã được trồng từ thời thượng cổ ở Trung Quốc và ở Ai Cập. Do sự trồng trọt mà người ta đã tạo ra những dạng và giống trồng khác nhau. Ta thường trồng nhiều giống; giống sớm (40-50 ngày) như giống tứ thời; giống vừa (3 tháng) như giống Tứ Liên, Quất Lâm, Thái Lan, số 8, số 9 VCTL và giống muộn (120-150 ngày) như các giống Hải Ninh, Trường Giang (Trung Quốc).
Cải củ yêu cầu khí hậu mát vừa có thể sinh trưởng ở nhiệt độ 15-28oC, tốt nhất 17-18oC. Thời kỳ ra củ cần nhiệt độ hơi thấp (ngày ấm đêm mát). Lúc ra hoa, kết quả, chịu ẩm hơn các loại cải khác nhưng không chịu được nắng hạn kéo dài với nhiệt độ trên 32oC. Ở miền Bắc Việt Nam, thường gieo vào tháng 8-10 gieo muộn không có củ. Năng suất trung bình của cải củ là 25-30 tấn/ha, có thể đạt 40-50 tấn/ha và hơn nữa tuỳ theo giống trồng, chịu nóng, lớn nhanh. Ở Đà Lạt có trồng cải Radi-Raphanus sativus L. var. radicula Pers. có rễ củ thường tròn, to 2-3cm, thường có màu đỏ; lá xẻ ra hay không, chụm ở gốc, chùm hoa đứng mang nhiều hoa đỏ tím, ít khi trắng có sọc đậm.
Thành phần hóa học: Củ cải trắng chứa 92% nước, 1,5% protid, 3,7% glucid, 1,8 cellulose. Trong lá tươi có 83,8% nước, 2,3%protid, 0,1% lipid, 1,6% cellulose và 7,4% dẫn xuất không protein. Củ tươi chứa glucose, pentosan, adenin, arginin, histidin, cholin, trigonellin, diastase, glucosidase, oxydase, catalase, vitamin A, B, C; còn có allyl isothiocynat, oxalic acid. Lá và ngọn chứa tinh dầu và một lượng đáng kể vitamin A và C. Hạt chứa 30-40% dầu béo mà thành phần chủ yếu là hợp chất sulfur; còn có raphanin là một chất kháng khuẩn đối với nhiều loại vi khuẩn. Rễ chứa glucosid enzym và Methyl mercapten.
Tính vị, tác dụng: Củ cải có vị ngọt, hơi cay, đắng, tính bình, không độc, có tác dụng làm long đờm, trừ viêm, tiêu tích, lợi tiểu, tiêu ứ huyết, tán phong tà, trừ lỵ. Nó giúp khai vị, làm ăn ngon miệng, chống hoại huyết, chống còi xương, sát khuẩn nói chung, lọc gan và thận. Củ khô cũng làm long đờm. Hạt có vị cay ngọt, mùi thơm, tính bình; có tác dụng thông khí, tiêu đờm, trừ hen suyễn, lợi tiểu, nhuận tràng, tiêu tích. Lá Củ cải cũng có vị cay, đắng, tính bình, có tác dụng tiêu tích, làm long đờm. Nhựa lá tươi lợi tiểu, nhuận tràng.
Công dụng: Cải củ được trồng lấy lá non luộc ăn, lá già muối dưa và để lấy củ. Củ cải là loại thực phẩm tương đối dễ sử dụng. Có thể dùng chế biến nhiều món ăn như luộc, kho với thịt, với cá, xào mỡ, xào thịt, nấu canh hoặc làm gỏi với tép, thịt lợn nạc; còn dùng muối dưa ăn xổi, làm dưa ăn quanh năm (ngâm trong nước mắm), làm củ cải muối, phơi khô dự trữ để làm dưa góp khi cần. Trong y học dân tộc, củ cải được dùng trong trường hợp ăn uống không ngon miệng, dùng trị bệnh hoại huyết, còi xương, thiếu khoáng, lên men trong ruột, đau gan mạn tính, vàng da, sỏi mật, viêm khớp, thấp khớp và các bệnh về đường hô hấp (ho, hen). Đông y cũng dùng củ cải chữa bệnh lỵ, giải độc và dùng ngoài đắp trị bỏng. Hạt dùng chữa chứng phong đờm, thở suyễn, lỵ, mụn nhọt, đại tiểu tiện không thông, lại phá được trệ khí. Lá dùng chữa khản tiếng, chữa xuất huyết ở ruột, khái huyết và còn dùng chữa suyễn cho người già.
Bài thuốc:
1. Chữa bỏng: Dùng củ Cải giã nát đắp.
2. Chữa cảm gió: Dùng 2 thìa xúp nước củ cải đổ vào 750ml nước, thêm 2 thìa tương đậu nành, nằm trên giường mà uống, mồi hôi toát ra sẽ hết sốt.
3. Chữa chứng phù nề: Nạo củ cải ép lấy nước, bỏ vào 2 phần nước và ít muối, nấu sôi một lúc, mỗi ngày uống 1 lần; không nên dùng quá 3 ngày. Hoặc lấy 40 hạt củ cải sắc uống sẽ tiêu nước, xẹp đi rất nhanh.
4. Bị nhiễm khói than chết ngất: Dùng củ hay lá Cải củ giã nhỏ, vắt lấy nước cốt đổ cho uống thì tỉnh.
5. Tiêu ung nhọt: Hạt Cải củ giã nhỏ, hoà giấm bôi lên.
6. Chữa ho nhiều đờm, suyễn, khó thở, tức ngực: Dùng củ cải (La bặc tử) hạt Tía tô (Tô tử) 10g, hạt Cải (Bạch giới tử) 3g, các vị sao tán nhỏ, cho vào túi vải, thêm 300ml nước, sắc còn 100ml, chia 3 lần uống trong ngày.

CẢI BẸ-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CẢI BẸ


Tên khác: Cải sen, Cải dưa.
Tên khoa học: Brassica campestris L.; thuộc họ Cải (Brassicaceae).
Tên đồng nghĩa: Brassica rapa L. ssp. campestris(L.) Clapham.
Mô tả: Cây mọc một năm hay hai năm, cao đến 1m, thân nhẵn hay hơi có lông. Lá có bẹ to, dài 4-5cm, phiến lá dài 40-50cm; lá phía dưới xẻ sâu, lá phía trên xẻ nông hơn. Hoa nhỏ màu trắng hay vàng. Quả hình trụ, dài 2-4 cm, đường kính 5mm, ở đầu có mỏ hơi dài ra. Hạt hình cầu, đường kính 1-2mm, vỏ màu nâu đen hay đỏ nâu, mặt sau có màu vàng.
Bộ phận dùng: Lá và hạt (Folium et Semen Brassicae campestris). Hạt thường có tên là Vân đài tử.
Phân bố sinh thái: Cây được trồng khắp nơi trong nước ta để lấy lá làm rau nấu canh hay muối dưa. Thời gian sinh trưởng 90-100 ngày, nhiệt độ thích hợp 8-22oC. Ở miền Bắc thường gieo vào tháng 7-8, trồng tháng 8-10. Ta có các giống: Cải Thừa Thiên (Đồng Dư), Cải bẹ Nam Định (chủ yếu dùng muối dưa), Cải tiến, Cải tàu cuốn (Cải Thiều Châu) năng suất có thể đạt 30-40 tấn/ha.
Thành phần hóa học: Hạt có dầu. Ở var. oleifera DC., trong hạt có 40-50% dầu, 23% protid và một glucosid khi thuỷ phân sẽ cho 0,40-0,60% tinh dầu với thành phần chủ yếu là crotonylaizothioxynat.
Tính vị, tác dụng: Hạt không có mùi, vị nhạt, có tác dụng phá huyết, tán kết, tiêu thũng, tiêu viêm.
Công dụng: Ngoài việc dùng lá làm rau nấu canh hay làm dưa ăn, người ta còn dùng lá đắp ngoài trị ung thũng. Rễ củ và hạt được dùng chống bệnh scorbut. Còn hạt và hoa được dùng trong phạm vi dân gian làm thuốc trị mụn nhọt, đẻ xong đau bụng và giúp sự sinh nở dễ dàng.
Liều dùng: Ngày dùng 6-9g.

CẢI BẮP-CÔNG DỤNG-CÁCH DÙNG

CẢI BẮP


Tên khác: Bắp cải, Bắp sú, Người Pháp gọi nó là Su (Chon) nên từ đó có những tên là Sú, hoặc các thứ gần gũi với Cải bắp như Su hào, Súp lơ, Su bisen.
Tên khoa học: Brassica oleracea L. var. capitata L.; thuộc họ Cải (Brassicaceae).
Mô tả: Cây thảo có thân to và cứng, mang vết sẹo của những lá đã rụng. Lá xếp ốp vào nhau thành đầu, phiến lá màu lục nhạt hay mốc mốc và có một lớp sáp mỏng, có những lá rộng với một thuỳ ở ngọn lớn, lượn sóng. Vào năm thứ hai cây ra hoa. Chùm hoa ở ngọn mang hoa màu vàng có 4 lá đài, 4 cánh hoa, cao 1,5-2,5cm, 6 nhị với 4 dài, 2 ngắn. Quả hạp có mỏ, dài tất cả cỡ 10cm, chia 2 ngăn; hạt nhỏ cỡ 1,5mm.
Bộ phận dùng: Thân cây trên mặt đất (Herba Brassiae Oleraceae).
Phân bố sinh thái: Là loài rau ôn đới gốc ở Địa Trung Hải được nhập vào trồng ở nước ta làm rau ăn. Thông thường có 3 loại hình. Cải bắp bánh dày, tròn và nhọn. Cải bắp cuốn là cây ưa nắng, không chịu bóng râm, nhất là trong giai đoạn phát triển ban đầu. Nhiệt độ trên 25oC không thích hợp, nhiệt độ cao liên tục sẽ làm rễ yếu, cây giống ra hoa dị dạng. Cải bắp có 4 thời kỳ sinh trưởng: cây non 5-6 lá trong 22-30 ngày, hồi xanh tăng trưởng 2 ngày; trải lá cuốn bắp 20-25 ngày, cần nhiều nước và phân; thời kỳ cuốn đến khi thu hoạch 10-15 ngày. Ở Việt Nam, cải bắp được trồng ở miền Bắc vào mùa đông làm rau ăn lá quan trọng trong vụ này; cũng được trồng ở Cao Nguyên miền Trung như ở Đà Lạt; còn ở Nam Bộ, trong những năm sau này, do cải tiến về giống nên Cải bắp được trồng khá nhiều và bà con quen gọi là Cải nồi.
Thành phần hóa học: Người ta đã biết thành phần của Cải bắp: nước 95%, protid 1,8%, glucid 5,4%, cellulose 1,6%, tro 1,2%, phosphor 31mg%, calcium 4,8mg%, sắt 1,1mg%, magnesium 30mg%. Lượng vitamin C trong Cải bắp chỉ thua Cà Chua, còn nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt, gấp 3,6 lần so với Khoai tây, Hành tây. 100g cải bắp cung cấp cho cơ thể 50 calo.
Tính vị, tác dụng: Cải bắp có vị ngọt, tính mát, có nhiều tác dụng như bồi dưỡng, trị giun, tẩy uế, trừ sâu bọ, làm dịu đau, chống hoại huyết, lọc máu, chống kích thích thần kinh.
Công dụng:
- Cải bắp thường được dùng làm rau để chế biến các loại thức ăn như rau luộc, rau xào với thịt nạc và tôm như các món xào khác, nấu canh thịt; cũng dùng làm nộm, muối dưa ăn xổi như muối dưa cải gia thêm tỏi, rau răm, đường, muối; cải bắp muối xổi ăn giòn, hơi mặn, hơi chua, thơm mùi rau răm, tỏi. Khi có nhiều thì đem muối vào khạp chứa muối và phèn chua, rồi ngâm trong một vài tuần thì cải bắp sẽ chua và ăn được. Người ta còn nhồi thịt lợn nạc băm nhỏ vào các lá Cải bắp để hầm nhừ, hoặc dùng các Lá Cải bắp cuốn thịt nạc để vào xửng mà hấp. Cải bắp đã được sử dụng làm thuốc ở châu Âu từ thời Thượng cổ. Người ta đã gọi nó là "Thầy thuốc của người nghèo".
- Ngày nay, người ta đã biết nhiều công dụng của Cải bắp. Trước hết, nó là loại thuốc trị giun tốt. Dùng đắp ngoài để tẩy uế và làm liền sẹo các vết thương, mụn nhọt, các vết thương độc, đồng thời là loại thuốc trừ sâu bọ đốt (ong, ong vò vẽ, nhện...). Còn là loại thuốc dịu đau trong bệnh thấp khớp, thống phong, đau dây thần kinh hông (lấy các lá cải bắp rồi dùng bàn là ủi cho mềm, sau đó đắp lên các phần bị đau). Nó làm sạch đường hô hấp bằng cách hoặc dùng đắp (trị viêm họng khản tiếng) hoặc uống trong (ho, viêm sưng phổi). Cải bắp cũng là thuốc chống hoại huyết, trị lỵ và cung cấp cho cơ thể một yếu tố quan trọng là lưu huỳnh (S). Nước cải bắp dùng lọc máu. Sau hết, nó là loại thuốc mạnh để chống kích thích thần kinh và chứng mất ngủ. Những người hay lo âu, các thí sinh đi thi, các người bị suy nhược thần kinh, những người mệt mỏi liên miên nên dùng Cải bắp thường xuyên.

- Trong thời gian gần đây, người ta đã sử dụng Cải bắp để chữa đau dạ dày, Năm 1948, người ta đã phát hiện trong cải bắp có chứa vitamin U có tác dụng chống viêm loét, kích thích quá trình tái sinh tế bào trong niêm mạc dạ dày và ruột; do đó, cải bắp có thể dùng làm thuốc chống loét dạ dày, ruột tá (tá tràng) viêm dạ dày ruột, đau đường ruột, viêm đại tràng. Vitamin U bị huỷ ở nhiệt độ cao, nên người ta phải dùng nước ép Cải bắp tươi. Một kg lá Cải bắp tươi sẽ cho ta từ 500ml tới 700ml nước ép; nếu giã lấy nước cốt thì được 350-500ml. Dùng nước ép hoặc nước cốt cải bắp uống trong ngày với liều 1000ml chia làm 4-5 lần uống (có thể pha thêm đường hay muối, dùng nóng hay lạnh). Điều trị liền trong vòng hai tháng, thấy có kết quả rõ rệt đối với bệnh nhân có ổ loét chưa sâu lắm. Có thể dùng lọ sành, lọ thuỷ tinh hoặc xoong tráng men đựng nước cải bắp cất vào tủ lạnh để uống dần. Nhưng không được để trong tủ lạnh quá hai ngày đêm vì các vitamin dễ bị phân huỷ.

CÀ HAI HOA-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

CÀ HAI HOA


Tên khác: Cà hoa đôi, Cà ngủ.
Tên khoa học: Lycianthes biflora (Lour.) Bitter; thuộc họ Cà (Solanaceae).
Tên đồng nghĩa: Solamum biflorum Lour.
Mô tả: Cây dưới bụi có lông, cao tới gần 1m. Lá có phiến thon, đáy từ từ hẹp trên cuống, đầu có mũi, có lông mịn, trăng trắng ở mặt dưới; cuống có lông. Hoa đơn độc hay từng cặp ở nách lá; cuống dài 1-1,5cm; đài có lông, có 10 răng; tràng hoa trắng, cao gấp đôi đài. Quả mọng đỏ, to 6-10mm; hột vàng, to vào cỡ 3mm. Hoa tháng 2-7, quả tháng 11-12.  
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Lycianthis Biflorae).
Phân bố sinh thái: Cây mọc phổ biến khắp cả nước, ở những môi trường khác nhau từ Hoà Bình, Hà Nội qua các tỉnh miền Trung, đến tận Kiên Giang (Phú Quốc). Thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Vị se, tính mát, hơi có độc; có tác dụng tiêu viêm, làm long đờm, chỉ khái.
Công dụng: Thường dùng trị: 1. Viêm phế quản mạn tính, hen phế quản; 2. Chứng sợ nước.
Liều dùng: Ngày dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị mụn nhọt và viêm mủ da, vết thương chảy máu, giã cây tươi đắp.
Bài thuốc: Chữa viêm phế quản mạn tính (ở Trung Quốc): Cà hai hoa 60g, Dây gắm 30g, đường kính 15g. Ngâm nước một đêm, rồi nấu; lọc nước, cô lại chừng 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Liệu trình điều trị là 10 ngày.
Ghi chú: Cây có độc, dễ gây choáng váng, buồn nôn và mửa; nhưng nếu không dùng tiếp thì các hiện tượng sẽ mất dần.

CÀ GAI LEO-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CÀ GAI LEO


Tên khác: Cà gai dây, Cà vạnh, Cà quýnh, Quánh; Cà quạnh; Cà quýnh, Cà bò, Cà gai dây, Cà hải nam.
Tên khoa học: Solanum procumbens Lour.; thuộc họ Cà (Solanaceae).
Tên đồng nghĩa: Solanum hainanense Hance
Mô tả: Cây nhỏ sống nhiều năm, mọc leo hay bò dài đến 6m hay hơn. Thân hoá gỗ, nhẵn, phân cành nhiều; cành phủ lông hình sao và rất nhiều gai cong màu vàng. Lá mọc so le, hình bầu dục hay thuôn, xẻ thuỳ không đều, mặt trên có gai, mặt dưới có lông mềm hình sao màu trắng. Cụm hoa hình xim ở nách lá, gồm 2-5 (7-9) hoa màu tím nhạt. Quả mọng, hình cầu, khi chín màu đỏ. Hạt hình thận dẹt, màu vàng.  Hoa tháng 4-5, quả tháng 7-9.
Bộ phận dùng: Rễ và cành lá (Radix et Ramulus Solani).
Phân bố sinh thái: Cây mọc hoang ở khắp mọi nơi từ vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng ven biển. Các tỉnh có nhiều là Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hoá, Nghệ An. Cũng thường được trồng làm hàng rào.
Thu hái chế biến: Có thể thu hái rễ và cành lá quanh năm, rửa sạch, thái lát, phơi khô hay sấy khô. Có thể dùng dược liệu nấu cao nước, cao mềm hay cao khô.
Thành phần hóa học: Toàn cây, nhất là rễ, chứa saponin steroid và các alkaloid solasodin, solasodinon; còn có diosgenin và các flavonoid.
Tính vị, tác dụng: Cà gai leo có vị hơi the, tính ấm, hơi có độc, có tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị cảm cúm, bệnh dị ứng, ho gà, đau lưng, đau nhức xương, thấp khớp, rắn cắn.
Liều dùng: Ngày dùng 16-20g rễ hoặc thân lá, dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc viên. Dùng ngoài lấy cây tươi giã nát, chiết nước uống và lấy bã đắp. Cao lỏng Cà gai leo dùng ngậm chữa viêm lợi, viêm quanh răng.
Ngoài ra còn dùng rễ Cà gai leo xát vào răng khi uống rượu để tránh say rượu; cũng dùng rễ sắc nước cho người bị say uống để giải say.
Bài thuốc:
1. Chữa rắn cắn: lấy 30-50g rễ Cà gai leo tươi, rửa sạch, giã nhỏ, hoà với khoảng 200ml nước đun sôi để nguội, chiết nước cho người bị nạn uống tức thì. Ngày uống 2 lần. Hôm sau, dùng 15-30g rễ khô, sao vàng, sắc nước cho uống, ngày 2 lần, sau 3-5 ngày thì khỏi hẳn.
2. Chữa phong thấp: dùng rễ Cà gai leo, vỏ Chân chim, rễ Cỏ xước, Dây đau xương, Dây mấu, rễ Tầm Xuân, mỗi vị 20g, sắc uống.
3, Chữa ho, ho gà: dùng rễ Cà gai leo 10g, lá Chanh 30g, sắc uống làm 2 lần trong ngày.
4. Chữa sưng mộng răng: dùng hạt Cà gai leo 4g, tán nhỏ, cho vào trong cái đồ đồng với một ít sáp ong, đốt lấy khói xông vào chân răng (theo Bách gia trân tàng).

CÀ GAI-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CÀ GAI


Tên khác: Dã gia; Trop som nhôm.
Tên khoa học: Solanum coagulans Forsk.; thuộc họ Cà (Solanaceae).
Tên đồng nghĩa: Solanum incanum L.
Mô tả: Cây thảo hay cây nhỏ cao 0,5-2m, có lông dày vàng vàng và nhiều gai ở thân và lá. Lá có phiến thon, có thuỳ cạn, đầu tù, gốc thường không cân xứng, gân phụ 5-6 cặp. Xim ở ngoài nách lá; hoa màu xanh lam; đài có gai 1cm; tràng có lông ở mặt ngoài. Quả mọng, đường kính 2,5cm, màu vàng hay màu lục nhạt; hạt dẹp vàng.
Bộ phận dùng: Rễ, lá và quả (Radix, Folium et Fructus Solani), thường gọi là Dã gia.
Phân bố sinh thái: Loài của Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Malaisia.. Cây mọc ở các bãi hoang, đầu làng, bờ ruộng, bờ rào, phổ biến ở nhiều nơi của nước ta.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, cay, tính ấm có tác dụng lợi thấp, tiêu thũng, giảm đau.
Công dụng:
- Thường dùng trị: 1. Viêm sưng khớp do phong thấp; 2. Viêm tinh hoàn; 3. Đau răng.
- Người ta cũng dùng hạt ngâm rượu ngâm chữa sâu răng.

CÀ ĐỘC DƯỢC LÙN-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

CÀ ĐỘC DƯỢC LÙN


Tên khoa học: Dutura stramonium L. (D. tatula L.), thuộc họ Cà - Solanaceae.
Tên đồng nghĩa: Dutura tatula L.
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, cao 0,30 đến 1m. Lá mềm, nhẵn, chia thuỳ sâu với mép có răng cưa không đều. Hoa có lá đài màu lục hoặc hơi tím; tràng hoa màu trắng, đầu các cánh hoa có mũi nhọn dài. Quả hình trứng, mọc thẳng, có nhiều gai cứng, khi chín nứt thành 4 mảnh đều nhau; hạt hình thận, màu đen nâu.
Bộ phận dùng: Lá hoa và hạt (Folium,Flos et Semen Daturae Stramonii).
Phân bố sinh thái: Cây mọc hoang ở các nước châu Âu, sang tới Pháp và Anh, và cũng phân bố ở Ấn Độ trên dãy Hinalaya, từ Cashmia tới Xích Kim và vùng núi ở Trung và Nam Ấn Độ. Ở nước ta, cây được nhập trồng làm thuốc. Nhân giống bằng hạt. Gieo hạt vào mùa xuân hoặc mùa đông (tháng 10-11). Gieo độ 40-45 ngày đã có thể đem cây con đi trồng.
Thu hái chế biến: Người ta thu hái lá lúc cây đang ra hoa, hái vào buổi sáng sớm, lúc trời nắng ráo, rồi đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến khô. Người ta có thể chế thuốc dạng bột lá, cồn thuốc hay cao; còn hoa thường dùng tươi, thái nhỏ, phơi khô, cuốn hút như thuốc lá.
Thành phần hóa học: Các bộ phận của cây đều chứa alkaloid, chủ yếu là hyoscyamin; atropin và hyoscin, acid chlorogenic và 0,45% tinh dầu màu sẫm; còn có saponin, tanin, flavonoid, coumarin. Hạt chứa 15-17% dầu béo, trong đó có các acid béo: linoleic, palmitic, stearic, lignoceric...
Tính vị, tác dụng: Vị cay, đắng, tính ấm, có độc; có tác dụng làm tê, chống đau, ngừng ho ngăn suyễn, trừ đàm, khử phong thấp như Cà độc dược, làm dịu thần kinh (tác dụng tương tự belladon và jusquamin) và chống co thắt.
Công dụng: Người ta dùng lá đắp nhọt, loét và cá độc cắn; dịch hoa trị đau tai; dịch quả đắp da đầu để trị gầu và rụng tóc. Ở Trung Quốc, hoa, lá, hạt dùng chữa hen phế quản, bụng dạ quặn đau, viêm xương tuỷ sinh mủ, đau răng, đau phong thấp, đòn ngã, rắn cắn, mụn nhọt. Còn dùng gây tê.

CÀ ĐỘC DƯỢC GAI TÙ-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CÀ ĐỘC DƯỢC GAI TÙ

Tên khoa học: Datura innoxia Mill.; thuộc họ Cà (Solanaceae).
Mô tả: Cây thảo một năm hay lưu niên, cao đến 1m, có lông mịn. Lá có màu xanh lục sẫm, phiến xoan, to đến 30 x 15cm, mép nguyên hay có thuỳ, gốc không cân xứng; cuống 5-8cm. Hoa thơm, dài đến 20cm, hồng hay tim tím; đài hình ống 5 răng; tràng có 5-10 cạnh; nhị 5, đính ở miệng ống tràng. Quả nang tròn, nở thành 4 mảnh không đều, có gai dài mềm như u nhọn, có lông.
Bộ phận dùng: Lá và hoa (Folium et Flos Daturae Innoxiae).
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Mehico, được nhập trồng ở nhiều nước châu Âu và Ấn Độ, trở thành cây mọc hoang. Ta nhập giống từ Hungari vào trồng. Gieo hạt vào mùa xuân hoặc mùa đông. Sau khoảng 7 ngày cây mọc. Khi cây mọc lá thứ ba thì bắt đầu tỉa và định vị cây. Trồng sau 30-45 ngày, cây bắt đầu ra hoa. Khi quả xanh rộ, bắt đầu thu hoạch toàn bộ thân lá hoa quả làm dược liệu. Thu hái vào sáng sớm, lúc trời nắng ráo, đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến khô để chế biến dạng thuốc bột, cồn thuốc hay cao.
Thành phần hóa học: Lá chứa tỷ lệ cao scopolamin (0,16-0,25% trong lá, 0,23-0,80% trong cây), dầu cố định và vitamin C. Rễ chứa tigloidin, atropin, tropin, pseudotropin và các base khác như 7-hydroxy-3a, 6b-digiloyloxytropan, (-) 3a, 6b-digiloyloxytropan, hyoscin và meteloidin.
Tính vị, tác dụng: Cũng như Cà độc dược.
Công dụng: Cũng dùng như Cà độc dược. Hoa cũng được dùng làm thuốc hút như các loại Cà độc dược khác.

CÀ ĐỘC DƯỢC CẢNH-CÔNG DỤNG CÁCH DÙNG-CÂY THUỐC NAM

CÀ ĐỘC DƯỢC CẢNH

Tên khác: Đại cà dược; Cà dược dại; Cà độc dược quả nhẵn;
Tên khoa học: Brugmansia suaveolens (Willd.) Bercht. & Presl; thuộc họ Cà - Solanaceae.
Tên đồng nghĩa: Datura suaveolens Humb. & Bonpl. ex Willd., Pseudodatura suaveolens (Willd.) v. Zijp
Mô tả: Cây nhỡ khoẻ, cao 4-5cm, hoá gỗ, có vỏ xám, cành lá thường thòng xuống. Lá mọc so le, phiến có dạng như lá thuốc lá, to, dài 15-20cm, tới 30cm, rộng 20cm, có lông ở mặt dưới, gốc có khi không cân, đầu nhọn; cuống dài 2-3cm. Hoa mọc thòng xuống, to, đơn độc hay xếp từng đôi, màu trắng, dài 20-30cm. Tràng hình loa kèn, dài 15-25cm, đường kính 1-1,5cm; nhị đính trên ống tràng và có bao phấn dính nhau. Quả nang không gai dài 7-10cm, hạt dẹp hai đầu.
Bộ phận dùng: Lá và hoa (Folium et Flos Brugmansiae).
Phân bố sinh thái: Cây của Mehico và Peru được trồng làm cảnh, có nhiều ở Đà Lạt vì hoa đẹp quanh năm và thơm, nhất là vào buổi tối. Có thể nhân giống bằng cành giâm.
Thành phần hóa học: Lá cũng chứa nhiều alkaloid, trong đó có hyosyamin.
Tính vị, tác dụng: Cũng như Cà độc dược.
Công dụng: Cũng được dùng trị bệnh hen; lấy lá và hoa thái nhỏ phơi khô hút như thuốc lá.