Bào chế NGŨ LINH CHI Faeces trogopterum

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

NGŨ LINH CHI


Tên khoa học: Faeces trogopterum
Bộ phận dùng: Phân của giống dơi (Pteropus psetaphon Lay, họ dơi Pteropodidae) rất lớn. Thứ màu nâu đen, đóng thành cục, bóng nhuận, không lẫn đất cát, không lẫn tạp chất là tốt; thứ thành hạt rồi là kém.
Thành phần hóa học: Chất nhựa, urê, acid uric.
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, tính ôn. Vào kinh can.
Tác dụng: thông lợi huyết mạch, hành ứ, giảm đau; dùng sống để hành huyết chỉ thống, sao đen chỉ huyết.
Công dụng: Đau bụng kinh, băng huyết rong huyết, các chứng bệnh phụ nữ sau khi đẻ, các chứng bệnh cảm trẻ em, dùng trị rắn rết cắn; phụ nữ băng huyết và chứng xích bạch đái không dứt thì sao dùng.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: Huyết hư, không bị ứ thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Dùng ngũ linh chi thì nhặt bỏ hết sạn đất, tẩm rượu sao hoặc tẩm giấm sao hoặc để sông dùng tùy từng trường hợp.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
+ Có nhiều tạp chất, giã nhỏ hoặc thủy phi: gạn bỏ nước đầu, để lắng lấy cặn.
Phơi khô tán bột (dùng sống).
+ Nhặt bỏ tạp chất rửa đãi thật nhanh, phơi khô tẩm ít rượu để một lúc. Sao khô dùng (mới sao thì mềm, sau rắn lại).
Bảo quản: Tránh ẩm, tránh nóng, dễ bị mốc; để nơi khô ráo, mát, thoáng.

Bào chế NGŨ GIA BÌ Acanthopanax aculeatus Seem.; Họ ngũ gia bì (Araliaceae)

NGŨ GIA BÌ


Tên khoa học: Acanthopanax aculeatus Seem.; Họ ngũ gia bì (Araliaceae)
Bộ phận dùng: Vỏ rễ. Chọn loại vỏ ngoài sắc vàng, trong thì trắng ngà, khô, mùi thơm nhẹ, không lẫn tạp chất, không có lõi là tốt. Ngoài ra ta còn dùng:
- Một loại ngũ gia bì gọi là ngũ gia bì hương.
- Một loại gọi là ngũ gia bì chân chim. Cây chân chim này có hai thứ: thứ mọc ở núi đá, cây nhỡ, vỏ tía, thơm, có tác dụng tốt; thứ mọc ở núi đất, vỏ dày, xốp, tác dụng kém hơn. Hai cây này thuộc họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae), có thể tạm dùng thay ngũ gia bì.
Thành phần hóa học: Có chất thơm methoxyralycytandehyd và một số acid hữu cơ.
Tính vị - quy kinh: Vị cay thơm, đắng, tính ôn. Vào hai kinh can và thận.
Tác dụng: Trừ phong thấp, tráng gân cốt.
Công dụng: Trừ phong thấp, trị đau bụng sán khí, liệt dương, trấn phong bại.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Các loại ngũ gia bì chân chim dùng thay thế phải táng gấp 2-3 lần.
Kiêng kỵ: không phải phong thấp mà âm hư hỏa vượng thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Lấy vỏ rễ ngũ gia bì khô rửa sạch, ủ mềm, thái lát, tẩm rượu hoặc tẩm nước gừng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Vỏ lột về, rửa sạch, cạo bỏ vỏ thô ở ngoài, phơi râm, ủ lá chuối 7 ngày (thỉnh thoảng đảo cho đều) để dậy mùi thơm, rồi lấy ra phơi nhẹ cho khô.
Khi dùng thì lại rửa qua nếu bẩn, thái ngắn, sấy nhẹ cho khô, không phải tẩm sao.
Bảo quản: Dễ mốc, để chỗ mát, tránh nóng ẩm, mất tinh dầu.

Bào chế NGŨ BỘI TỬ Galla sinensis

NGŨ BỘI TỬ


Tên khoa học: Galla sinensis
Bộ phận dùng: Tổ sâu. Túi khô cứng, nâu xám, không nát là tốt.
Tổ sâu này do con sâu ngũ bội tử (Schlechtendalia chinensis Bell) gây ra trên những cuống lá và cành của cây muối (Rhus semialata Murray), họ đào lộn hột (Anacardiaceae).
Thành phần hóa học: có tanin 50 - 80%, acid galic tự do, chất nhựa.
Tính vị - quy kinh: Vị chua, chát, tính bình, vào ba kinh phế, thận và đại trường.
Tác dụng: Liễm phế, giáng hỏa, chỉ huyết, sáp tràng.
Công dụng: Trị ho do phế hư, trị lỵ lâu ngày, chảy máu, trị lở loét.
Liều dùng: Ngày dùng 2 - 8g.
Theo Tây y: trị ỉa lỏng, khí hư.
- Bột: ngày uống 0,5 - 2g.
- Sắc: 2% (uống trong ngày 50ml đến 100ml).
- Cồn: ngày uống 4 - 12g.
Kiêng kỵ: có thực tà, do ngoại cảm, tả lỵ do thấp nhiệt thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Thu hái về nấu cho chết những thứ sâm bám ở trong, phơi khó, khi dùng đập nát.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Đập nát ra dùng.
- Có thể tán bột, thêm hồ làm viên bằng hạt đậu xanh; ngày uống 15 - 20 viên (trị tả lỵ).
Bảo quản: Dễ bảo quản, chỉ cần tránh làm vụn nát.

Bào chế NGỌC TRÚC Polygonatum officinale All.; Họ hành tỏi (Liliaceae)

NGỌC TRÚC

Tên khoa học: Polygonatum officinale All.; Họ hành tỏi (Liliaceae)
Bộ phận dùng: Thân rễ. Rễ có mắt đều nhau, hình giống mắt tre, to bằng ngón tay cái, bé thì bằng cọng tranh, dài 5 - 7cm, trong vàng ngà, mềm ngọt, không mốc mọt là tốt; không nhầm với củ hoàng tinh to hơn, ngứa, có nhiều đốt không đều nhau.
Thành phần hóa học: Có chất acid chelidonic và acid azotidin - 2 - cacboxylic.
Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, tính bình. Vào hai kinh phế và vị.
Tác dụng: Dưỡng âm, nhuận táo, sinh tân, chỉ khát, bổ khí huyết, trừ phong thấp.
Chủ trị: Trị trúng phong nhiệt, ho suyễn, phiền khát, hư lao phát nóng, tiêu hóa.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: Có đờm tích, ứ trệ thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Gọt bỏ vỏ và mắt, rửa sạch, dùng nửa mật nửa nước ngâm một đêm, đồ chín, sấy khô dùng (Lôi Công).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa sạch (nếu bẩn), thái đoạn ngắn, phơi khô dùng.
Bảo quản: Dễ mốc và sâu bọ, tránh ẩm.

Bào chế NGÔ THÙ Evodia rutaecarpa Benth.; Họ cam quýt (Rutaceae)

NGÔ THÙ

Tên khoa học: Evodia rutaecarpa Benth.; Họ cam quýt (Rutaceae)
Bộ phận dùng: Quả chưa chín. Quả hơi giống nụ đinh hương, sắc xám, nhỏ, rắn, thơm hắc là tốt.
Ta hay dùng quả chưa chín của cây mường chương (còn gọi là cây đinh hương) (Zanthoxylum aviciennias. De. cùng họ) để thay thế ngô thù.
Dùng cả cây (rễ, thân, hoa, quả) cũng tốt (để trị bệnh thương hàn nhập lý). Vỏ lụa cây này còn dùng trị độc nhiệt.
Thành phần hóa học: có 0,4% tinh dầu. Tinh dầu có evoden 11%, evodin 26%, oximen và 3 alcaloid evodiamin, rutaecacpin và wuchuyin.
Tính vị - quy kinh: Vị cay, đắng, tính ôn. Vào phần huyết của bốn kinh can, tỳ, vị và thận.
Tác dụng: Giáng khí nghịch, khai uất, thu liễm, thuốc trừ phong, phát hãn, trấn đau, sát trùng.
Công dụng: Ăn không tiêu, bụng quặn đau, trục phong tà, trừ hàn thấp, thủy thũng, cước khí, thổ tả.
Liều dùng: Ngày dùng 2 - 5g.
Kiêng kỵ: không có hàn thấp thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Nấu nước sôi tẩy 7 lần để lại vị đắng nồng, sấy khô dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
+ Lấy nước đun sôi để ấm (60 -700) đổ vào ngô thù quấy nhẹ cho đến nguội, bỏ nước nguội đi; làm lại như trên 2- 3 lần (thủy bào), sau đó sấy khô, giã dập (dùng sống).
Bảo quản: Để nơi khô ráo, khó mốc mọt, nhưng đậy kín để giữ hương vị.

Bào chế NGÔ CÔNG (con rết rừng) Scolopendra morsitans L.; Họ rết (Scolopendridae)

NGÔ CÔNG (con rết rừng)

Tên khoa học: Scolopendra morsitans L.; Họ rết (Scolopendridae)
Bộ phận dùng: Cả con khô, còn nguyên con, dài 7 - 15cm đầu vàng, lưng đen, chân bụng đỏ vàng là tốt.
Thành phần hóa học: Có hai chất độc gần giống chất độc của nọc ong, có 70% chất đạm, độ tro hơn 4%.
Tính vị - quy kinh: Vị cay, tính ôn, có độc. Vào kinh can.
Tác dụng: Trừ phong, dẹp cơn kinh, giải độc rắn.
Chủ trị: Trị kinh giản, chứng co giật, bệnh uốn ván rốn, cấm khẩu, tràng nhạc, chốc đầu, sưng tấy, rắn cắn.
Liều dùng: Ngày dùng 2 - 6g.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Dùng ngô công thì lấy mùn cưa hoặc mọt trong gỗ cùng sao cho mùn cưa cháy đen, bắc ra sàng bỏ mùn cưa, lấy dao tre cắt bỏ chân và vảy mà dùng (Lý Thời Trân).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Bào chế để dùng ngoài: dùng ngoài thì để cả con:
Ngâm rượu 900 càng lâu càng tốt để trị mụn nhọt.
Làm cao dán ngoài thì đun sôi dầu và sáp ong rồi cho bột ngô công tán nhỏ vào, quấy đều lên, cho vào lọ rộng miệng để nguội; hoặc có thể phối hợp với con bọ hung (đồng lượng), cả hai con đều tán bột, nấu như trên.
- Bào chế để uống: rửa sạch, bỏ đầu, đuôi và chân. Tẩm rượu để mất mùi hôi, rồi lại tẩm gừng, sao với gạo nếp (gạo đã tẩm ướt) khi gạo vàng đều là được hoặc gói vào lá sen rang lên, khi lá sen vàng là được. Sau đó tán bột đựng lọ kín.
Ghi chú: Loại dùng làm thuốc có thể ăn được. Bắt được thì lấy nước nóng già đổ vào; đe nó đái, mửa, ỉa, rửa nhiều lần như vậy, rồi muối như cá đế ăn.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, kín; tránh làm gẫy, tránh ẩm, nát, sâu bọ.

Bào chế NGẢI DIỆP (lá thuốc cứu) Artemisia vulgaris L.; Họ cúc (Asteraceae)

NGẢI DIỆP (lá thuốc cứu)

Tên khoa học: Artemisia vulgaris L.; Họ cúc (Asteraceae)
Bộ phận dùng: Lá. Lá khô, trên sắc tro, dưới bạc, có lông nhung trắng tro, thơm nồng, không sâu, không mốc, không lẫn cành, không lần thân cây và tạp chất, không vụn nát là tốt.
Lá ngải để được càng lâu càng tốt (trần ngải)
Thành phần hóa học: có tinh dầu, tanin.
Tính vị - quy kinh: Vị đắng, tính hơi ôn. Vào ba kinh can, tỷ và thận.
Tác dụng: Điều khí huyết, trục hàn thấp, điều kinh an thai, cầm máu, thông kinh giải nhiệt.
Công dụng: dùng để cứu (trong khoa châm cứu), trị đau bụng do hàn, kinh nguyệt bế, có thai ra huyết, thổ huyết, băng huyết.
Liều dùng: Ngày dùng 4 - 8g.
Kiêng kỵ: âm hư huyết nhiệt thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Phơi khô giã nát, bỏ gân xanh, cho vào ít bột lưu hoàng (lưu hoàng ngải), dùng để cứu; cho ít bột gạo thì dễ giã nhỏ, dùng để uống.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Rửa sạch, thái ngắn phơi khô. Khi dùng ngải để cứu (ngải nhung) thì phải sao qua, tán bột bỏ xơ; dùng tươi thì rửa sạch giã vắt lấy nước uống.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, tránh ẩm, thỉnh thoảng nên phơi lại.

Bào chế NGA TRUẬT (nghệ xanh, nghệ đen)-Curcumia zedoaria Rosc; Họ gừng (Zingiberaceae)

NGA TRUẬT (nghệ xanh, nghệ đen)

Tên khoa học: Curcumia zedoaria Rosc; Họ gừng (Zingiberaceae)
Bộ phận dùng: Thân rễ (thường gọi là củ), củ vàng nâu trong sắc xám xanh, mùi thơm đặc biệt; có khi có củ dái hình con quay. Củ khô rất cứng.
Thành phần hóa học: Có tinh dầu 1 - 1,5% (chủ yếu là cineol 9,6% zingiberen 35%, 48% secquitecpen), có nhựa, chất dính và bột, chất nhầy.
Tính vị - quy kinh: Vị cay, đắng, tính ôn. Vào can kinh.
Tác dụng: Hành khí, thông huyết, tiêu tích.
Công dụng: Trị đau bụng, hoắc loạn.
Liều dùng: Ngày dùng 3 - 6g.
Kiêng kỵ: Cơ thể hư yếu mà có tích thì không nên dùng, muốn dùng phải phối hợp với sâm, truật.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Mài với giấm, lấy bột sao khô, rây qua (Lôi Công).
Lùi vào tro nóng cho chín mềm, giã nát nhỏ, tẩm giấm sao (Lý Thời Trân).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Củ tươi: rửa sạch, thái lát phơi khô. Khi dùng tẩm giấm hoặc nước đồng tiện một đêm, sao qua.
Củ khô: rửa sạch, đồ nhanh cho mềm rồi thái lát, tẩm sao như trên (thường dùng).
Tán bột (sau khi đã tẩm sao) để làm hoàn tán.
Bào chế như hương phụ tứ chế thì rất tốt.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, đậy kín, năng phơi sấy.

Cách bào chế NAM TINH (củ chóc chuột)- Typhonium divaricatum Decne., Họ ráy (Araceae)

NAM TINH


Tên khoa học: Typhonium divaricatum Decne., Họ ráy (Araceae)
Bộ phận dùng: Thân rễ (củ). Có củ cái xung quanh củ non; củ tròn, ngoài xám đen, trong sắc trắng. Thường lấy củ cái to bàng quả trứng gà làm nam tinh và củ con bé hơn là bán hạ.
Là củ chóc chuột chia làm 3 phần, phần lớn ở giũa, hai phần bên như 2 cánh xòe ra.
Cây chóc chuột thường có ở khắp nơi nên trồng trọt và thu hái dễ hơn cây chóc ri.
Tính vị - quy kinh: Vị cay, đắng, ngứa, tính ẩm, có độc, đởm tinh thì tính bình, vị đắng hơi cay. Vào 3 kinh phế, can và tỳ.
Tác dụng: Giáng khí, tiêu đờm thấp. Nói chung giống như bán hạ nhưng có mạnh hơn.
Công dụng: Trị ho, chỉ ẩu thổ thương hàn, trị bạch đái, bạch trọc.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 18g.
Kiêng kỵ: âm huyết hư, tân địch kém không nên dùng.
Cách bào chế:
Nam tinh chế: giống như chế bán hạ
Đởm tinh: cách bào chế như sau:
Theo Trung y:
Một cân nam tinh chế thì cần khoảng 2kg nước mật bò. Bỏ bột nam tinh vào chậu, lấy nước mật bò đổ vào trộn đều, mùa hè phơi nắng, mùa đông sấy than, làm cho nó mốc meo. Sau 15 ngày lại cho nước mật bò, đổ vào nồi đồ liền 3 ngày, lại để cho lên mốc meo, sau mỗi ngày quấy lên một lần. Sau 1 tháng lại làm như trên (3 lần). Cuối cùng sấy nhẹ cho đến khô. Đem đồ lại lần nữa cho nó mềm dịu, xúc bỏ vào túi mật treo khô là được.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Lấy nam tinh sông tán bột. Dùng túi mật bò (không dùng mật trâu) đổ mật ra. Lấy một số bột tương đương với túi mật nhào trộn đều, bỏ vào túi mật như cũ, buộc chặt phơi trên giàn bếp cho khô (6 tháng). Sau đó làm lại 3 - 4 lần như trên là được.
Bảo quản: Rất dễ mốc mọt nên cần để nơi khô ráo, kín, có thể sấy hơi diêm sinh.