CÓI DÙI Wallich-Trư vĩ thảo-Scirpus wallichii-cây thuốc thanh nhiệt lợi niệu

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

CÓI DÙI Wallich


Tên khác: Hoàng thảo Wallich, Trư vĩ thảo.
Tên khoa học: Scirpus wallichii Nees; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Scirpus erectus var. debilis (Pursh) E. Camus
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm hay lưu niên, cao 20-40cm; thân mảnh như sợi, rộng không đến 1mm. Lá teo thành 1-2 bẹ ôm thân cao 3-5cm. Cụm hoa mang 1-2 bông nhỏ, ở nách một lá bắc cao 4-7cm nối dài thân; bông nhỏ cao cỡ 1cm; vẩy vàng vàng lục, có mũi, một gân chính. Quả bế xoan dài 2mm, có 6 tơ dài.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Scirpi Wallichii).
Phân bố sinh thái:Loài của Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam. Ở nước ta, thường gặp trên đất lầy từ Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình tới Thừa Thiên-Huế.
Công dụng: Ở Trung Quốc, cây được dùng làm thuốc thanh nhiệt lợi niệu.

CÓI DÙI THÔ-Lác hến, Đưng-Scirpus grossus-cây thuốc trị ỉa chảy và nôn mửa

CÓI DÙI THÔ


Tên khác: Lác hến, Đưng.
Tên khoa học: Scirpus grossus L.f., thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Schoenoplectus grossus (L.f.) Palla
Mô tả: Cây thảo cao đến 2m; thân có 3 cạnh nhọn, mặt lõm. Lá dài bằng 1/3 thân, thon nhọn. Cụm hoa có lá bắc rất dài; bông nhỏ xoan cao 6-7mm, màu nâu đen; vẩy có đầu tù; hoa có 6 tơ, 3 nhị. Quả bế đen đen, có 3 cạnh.
Bộ phận dùng:Thân rễ (Rhizoma Scirpi Grossi).
Phân bố sinh thái:Loài phân bố ở Ấn Độ, Nêpan, Việt Nam, Philippin. Ở nước ta, cây mọc ở nhiều nơi trên đất có bùn từ Tuyên Quang, Hoà Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng tới những nơi còn ảnh hưởng của thuỷ triều ở Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang.
Thành phần hoá học:Quả chứa amylase.
Công dụng: Ở Ấn Độ, củ được dùng trị ỉa chảy và nôn mửa.

CÓI DÙI CÓ ĐỐT-Hoàng thảo đốt-Scirpus articulatus-cây thuốc có tác dụng xổ

CÓI DÙI CÓ ĐỐT


Tên khác: Hoàng thảo đốt.
Tên khoa học: Scirpus articulatus L.; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Mô tả: Bụi tròn, cao 10-50cm, thân hình trụ, to 2-6mm, có ngấn ngang. Lúc non lá toả ra ở mặt đất. Cụm hoa thấp, có một lá bắc nhọn to tiếp tục cao như thân; xim co tròn, bông nhỏ cao 8-12mm, màu nâu hay đo đỏ, vẩy cao 1mm, đầu tù, nhị 3. Quả bế đen có 3 mặt hơi lõm, cao 1,7mm.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Articulati).
Phân bố sinh thái:Loài của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippin, Tân Ghi nê và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc nơi đất bùng dựa rạch và trên các ruộng đồng bằng, có gặp ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
Công dụng: Ở Ấn Độ, toàn cây được dùng làm thuốc xổ.

CÓI DÙI BẤC-Cói dùi thẳng-Scirpus juncoides-Cây làm thức ăn gia súc

CÓI DÙI BẤC


Tên khác: Cói dùi thẳng, Hoàng thảo hến, Cỏ ống, Nang bong.
Tên khoa học: Scirpus juncoides Roxb.; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên khác: Scirpus erectus sensu E. Camus non Poir.
Mô tả: Bụi cao 30-40 (120)cm; thân hình trụ, rộng 1-3mm. Lá còn là bẹ cao 2-17cm. Hoa đầu do 1-2 (6-8) bông nhỏ nâu nâu, cao 7-10mm, vẩy cao 4mm, có mũi đỏ. Quả bế màu ngà, cao 2mm, một mặt lồi, một mặt phẳng, tơ dài gần bằng quả bế.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Scirpi).
Phân bố sinh thái:Loài của Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Niu Ghinee, Australia và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở ruộng, suối nước ngọt đến độ cao 1500m, từ Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hoà Bình, Hà Nội, Ninh Bình, tới Thừa Thiên-Huế.
Công dụng: Cây được dùng làm giấy, làm thức ăn gia súc. Còn có thể dùng dệt thảm và các hàng thủ công khác. Cũng được dùng làm thuốc (theo Nguyễn Khắc Khôi, Tạp chí Sinh học, tháng 12/1994).      

CÓI DÙ-Cói đuôi chồn-Cyperus paniceus-Cây thuốc thuốc trị giun

CÓI DÙ


Tên khác: Cói tương hoa tán, Cói đuôi chồn.
Tên khoa học: Cyperus paniceus var. roxburghianus (C.B.Clarke) Kük.; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Mariscus umbellatus Vahl
Mô tả: Cây thảo sống lưu niên; thân rễ có ngó với vẩy màu đỏ. Thân cao 20-40 (60) cm, có 3 cạnh ở phía ngọn. Lá hình dải phẳng, rộng 2-3mm, thường vượt quá thân, khi sờ thì ráp. Cụm hoa gồm những bông kép, 5-14 bông, có cuống không đều nhau hoặc không có cuống, họp thành tán, mang 3-12 lá bắc vượt quá cụm hoa. Quả bế có ba góc, thuôn hay bầu dục, thon hẹp ở hai đầu, có vòi ngắn chẻ hai.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Cyperi Panicei).
Phân bố sinh thái:Loài của Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Thái Lan, Malaysia, Australia, châu Phi. Khá phổ biến ở nước ta, từ Lào Cai đến Kiên Giang, trong các chỗ ẩm ướt, có khi mọc dựa lộ, đất hoang khô vùng đồng bằng ở nhiều nơi; cũng gặp ở vùng cao nguyên và một số đảo như Côn đảo, Bảy Canh (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Công dụng: Ở Ấn Độ, người ta dùng toàn cây làm thuốc trị giun. Cũng là cây thức ăn gia súc.      

CÓI ĐẦU HỒNG-Chuỷ tơ đỏ-Rhynchospora rubra

CÓI ĐẦU HỒNG


Tên khác: Chuỷ tơ đỏ, Cói chuỷ tử đỏ, Cói đầu hồng, Chuỷ tử đầu hồng.
Tên khoa học: Rhynchospora rubra (Lour.) Makino; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Schoenuus ruber Lour.; Rhynchospora wallichiana Kunth
Mô tả: Cây thảo nhiều năm, cao đến 70cm, thân thành bụi. Lá có phiến hẹp nhọn, rộng 2-3mm, cứng, không lông. Hoa đầu rộng 1-2cm, màu nâu đỏ, mép lá bắc có lông, bông cao 5-8mm, thường mang 3 hoa, hoa cái ở dưới, hoa đực ở trên, nhị 2-3. Quả bế hai mặt lồi, vàng, dài 1,2-1,7mm, có mỏ ngắn mang 6 tơ ngắn.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Rhynchosporae Rubrae).
Phân bố sinh thái:Loài của Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Ôxtrâylia, Châu Phi. Ở nước ta, cây mọc trên đất hoang, trảng, dọc đường đi ở nhiều nơi vùng thấp và cao nguyên, từ Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận tới Long An, Kiên Giang.
Công dụng:Cây có tác dụng khử phong nhiệt, dùng làm thuốc giải nhiệt, trừ phong thấp.

Côi-Scyphiphora hydrophyllacea-Cây thuốc chữa bệnh đau dạ dày

CÔI


Tên khoa học: Scyphiphora hydrophylacea C.F.Gaertn.; thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Mô tả: Cây nhỏ cao 1-2m, không lông; cành non vuông, . Lá có phiến xoan, dài 3-6cm, rộng 2-4cm, đầu tù tròn; gân phụ mảnh, 5-6 cặp; lá kèm cao 2-3mm, mau rụng. Xim nách lá; hoa trắng hay vàng nhạt; đài hình ống; tràng có ống cao 4-5mm, thuỳ nhọn; bầu 2 ô, mỗi ô với 1 noãn đứng, 1 noãn treo. Quả hạch cao 8-11mm, có 6-8 khía, mọc thành hai phân hạch.
Bộ phận dùng: Lá (Folium Scyphiphorae).
Phân bố sinh thái:Loài phân bố ở Nam Trung Quốc và nhiều nước châu á, Châu Đại dương nhiệt đới ở biển. Ở nước ta, cây mọc ở vùng biển, gần các rừng ngập mặn từ Bắc đến Vũng Tàu, Côn Đảo.
Công dụng: Ở Ấn Độ, người ta dùng chiết xuất nóng của lá để chữa bệnh đau dạ dày.

CỎ GỪNG-cỏ ống-Panicum repens-Cây thuốc chữa phong thấp nhức mỏi

CỎ GỪNG


Tên khác: Cỏ ống, Cỏ cựa gà.
Tên khoa học:  Panicum repens L.; thuộc họ Lúa (Poaceae).
Tên đồng nghĩa: Ischaemum importunum Lour.
Mô tả: Cỏ sống lâu năm vì thân rễ ngầm trắng vàng, đường kính 1-3mm, có vảy, đầu nhọn (cựa gà) mang những bó rễ con. Thân cây mọc thẳng đứng, thường nhẵn. Lá xanh mốc ở trên, xanh đậm ở dưới, không lông, trừ rìa lông ở bẹ và gốc lá, mép có lông dày, chùy hoa ở ngọn, các bông nhỏ xanh rồi trắng, cao 3mm.
Bộ phận dùng: Thân rễ (Rhizoma Panici Repentis).
Phân bố sinh thái: Loài cây liên nhiệt đới, mọc hoang rất phổ biến ở ven bờ ruộng và nơi khô ven đường.
Thu hái: Thân rễ quanh năm, tốt nhất vào mùa xuân, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô trong râm.
Tính vị, tác dụng: Cỏ ống có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, không độc, có tác dụng hành huyết, lương huyết, lợi tiểu, tiêu thũng, giải độc, sát trùng đường tiết niệu.
Công dụng: Thường dùng trị: 1. Phong thấp nhức mỏi, bại sụi 2. Ðàn bà huyết nhiệt, kinh nguyệt không đều, bạch đới; 3. Viêm thận và bàng quang; 4. Trẻ em kinh phong, sốt cao, tiểu ít hoặc bí đái, ban sởi; 5 Giải độc ăn uống; 6. Phát ban da, đơn độc, rắn cắn.
Liều dùng: Ngày dùng 10-20g sắc uống, thường đun sôi 10 phút rồi hãm trong 1/2 giờ.
Bài thuốc: Chữa rắn cắn, chó cắn, dùng Củ cỏ ống, Củ sả, Củ bồ bồ, Vỏ gáo vàng, Phèn phi, trái Chanh giấy. Cân lượng đồng đều, bao nhiêu cũng được. Lúc gấp hiệp chung, quết nhừ, vắt lấy nước uống, xác đắp chỗ đau. Lúc hoãn, tán ra bột, vò viên bằng hạt tiêu, mỗi lần uống 5-10 viên (kinh nghiệm ở An Giang).

CỎ GẤU LÔNG-Cỏ gấu rỗng, Cỏ bát-Cyperus pilosus-Cây thức ăn gia súc

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

CỎ GẤU LÔNG


Tên khác: Cói lông, Lác lông, Cỏ gấu rỗng, Cỏ bát.
Tên khoa học: Cyperus pilosus Vahl; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Mô tả: Thân cao tới 80cm, có 3 cạnh, ngó mảnh, dài. Lá có phiến dài bằng 2/3 thân, rộng 5-7cm. Cụm hoa kép, có bao chung đài; tia đài 1-10cm, mang bông chét đo đỏ hay vàng nâu, vẩy không màu; nhị 3. Quả bế đen, có 3 cạnh.
Bộ phận dùng:Thân rễ (Rhizoma Cyperi Pilosi).
Phân bố sinh thái:Loài của Ấn Ðộ, Mianma, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Ðài Loan, Thái Lan, Sri Lanca, Malaysia, Indonesia, Philippin, Asutralia. Cây mọc dựa rạch đến 700 khá phổ biến ở nước ta, từ Lào Cai qua Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Kontum, Ðắc Lắc, Lâm Ðồng đến thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phần hoá học:Củ (Thân rễ) có tinh dầu.
Công dụng: Cây thức ăn gia súc. Thân cây dùng để lấy sợi làm giấy. Củ làm thuốc cùng công dụng như Cỏ gấu.

CỎ GẤU DÀI-Cyperus longus-cây thuốc kích thích tiêu hoá và điều kinh

CỎ GẤU DÀI


Tên khác: Cỏ cú.
Tên khoa học: Cyperus longus L.; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Mô tả: Cây thảo có thân rễ khá dài, thân khá to, có 3 cạnh gần như nhọn ở đỉnh, dày nhiều ở gốc. Cụm hoa có 3-12 bông mọc đứng - trải ra, dài 5-15mm, với 3-5 lá bắc không bằng nhau, vượt quá cụm hoa. Quả bế nhỏ, có 3 góc với góc nhọn, khi chín màu đen đen, với vòi nhuỵ ngắn hơn quả bế và các đầu nhụy hình dải.
Bộ phận dùng:Thân rễ có những chỗ phình dài, màu nâu đen đen, đo đỏ ở trong (Rhizoma Cyperi Longi).
Phân bố sinh thái:Là cây nhập trồng ở miền Nam nước ta.
Tính vị, tác dụng:Thân rễ có vị chát, se và thơm, giống như mùi Hoa tím, được xem như là lợi tiểu, giúp tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng và điều kinh. Hạt gây say.
Công dụng: Ở Tây Ban Nha, người ta dùng làm thuốc kích thích, lợi tiêu hoá và điều kinh. Ở đảo Djerba rễ cây nghiền ra ăn ít một dùng trị các bệnh về tim.

CỎ GẤU BIỂN-Hương phụ biển, Hải dương phụ-Cyperus stoloniferus-cây thuốc chữa bệnh phụ nữ

CỎ GẤU BIỂN


Tên khác: Cỏ cú biển, Cú chồi, Cói củ, Hương phụ biển, Hải dương phụ.
Tên khoa học: Cyperus stoloniferus Retz.; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Cyperus litoralis R. Br.; Cyperus bulbosus sensu E. Camus p.p., non Vahl; Cyperus stoloniferus sensu Phamh. non Vahl
Mô tả: Cỏ lưu niên, có thân rễ mảnh, có vẩy và phình lên ở gốc thành củ đen đen, thân cao 15-30cm, có 3 cạnh lá rộng 2-3mm. Cụm hoa có 2-3 lá bắc dài; tia ngắn; bông chét nâu, dài 6-12mm, vẩy dài 2-2,6mm, không mũi. Quả bế đen, hình trái xoan.
Bộ phận dùng:Thân rễ (củ) to hơn củ gấu, ít nếp nhăn dọc, mặt cắt ngang màu nâu hồng (Rhizoma Cyperi Stoloniferi).
Phân bố sinh thái:Loài của các nước châu Á, Australia, Châu Phi. Cây thường mọc tập trung trên các vùng cát ven biển hoặc bãi cát cửa sông dọc theo bờ biển nước ta từ Móng Cái đến Hà Tiên; có nhiều ở Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Ðà Nẵng, Bình định, Phú Yên và Bình Thuận. Có nơi chúng mọc thành các quần thể lớn gần như thuần loại. Người ta thu hái củ vào mùa xuân hay thu, vun củ lại thành đống để đốt cho cháy lá và rễ con rồi lấy củ đem phơi hay sấy khô. Trước khi sử dụng cần phải chế biến. Thường dùng loại tứ chế (tẩm muối, đồng tiện, giấm, rượu) khi dùng để riêng từng phần hoặc trộn lẫn 4 phần với nhau tùy theo cách chữa bệnh.
Thành phần hoá học:Có 0,37% tinh dầu, mà thành phần gồm 32% cyperen, β-selinen, 49% cyperol, cyperon, cyperolon, patchoulenon, cyperotundon. Còn có alkaloid.
Tính vị, tác dụng:Cũng như Cỏ gấu, Cỏ gấu biển cũng có vị cay, hơi đắng, tính bình, có tác dụng điều kinh, lý khí, thư can, chỉ thống. Ở Ấn Ðộ, nó được xem như lợi tiểu, kích thích tim. Người ta đã nghiên cứu tác dụng ức chế trực tiếp co bóp của tử cung, đồng thời làm giảm trương lực của tử cung, tác dụng giảm đau (do hợp chất α-cyperen), tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu và làm se.

Công dụng: Việt Nam thường dùng phổ biến củ loài này để chữa các bệnh như vị Hương phụ, lại có tác dụng rõ rệt hơn.

CỎ GẤU ĂN-Cyperus esculentus-cây thuốc chữa bệnh viêm dạ dày, chữa chứng khó tiêu và ỉa chảy

CỎ GẤU ĂN


Tên khoa học: Cyperus esculentus L.; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Mô tả: Cỏ cao 10-50cm, có nhiều rễ dạng sợi, tận cùng là những củ hình trứng. Thân mọc thẳng, có ba cạnh nhẵn. Lá dài hơn hay gần bằng thân, phẳng, mép nhám, bẹ cao. Cụm hoa tán đơn hay tán kép có 7-10 tia không đều mà những cái dài phân nhánh ở ngọn, mang một bao chung có 4-6 lá dài hơn cụm hoa; trên mỗi tia có 11-14 bông chét hình ngọn giáo hay hình dải hẹp, có 10-18 hoa; vẩy bầu dục gần như thuôn, có lườn, với 7-9 gân, màu nâu vàng vàng, với gân giữa lục. Quả bế thuôn dài, màu đen, có 3 cạnh không đều, có vòi nhụy ngắn hơn quả bế, với 3 đầu nhụy rời.
Bộ phận dùng: Củ hình trứng, to bằng hạt dẻ, màu vàng, nâu nhạt, có những miền có vòng rõ. Người ta thường dùng củ làm bột (Semen Cyperi Esculenti).
Phân bố sinh thái:Cây mọc hoang, cũng được trồng ở tất cả các nước Nam châu Âu (Tây Ban Nha, Italia, Arập) ở phương Ðông và ở Bắc Phi châu. Ở Ấn Ðộ, cây mọc nhiều ở vùng đồng bằng sông Hằng. Ta nhập trồng ở miền trung du đến độ cao 1500m ở một số tỉnh miền Bắc để lấy củ ăn. Trồng dễ dàng bằng các túm cây mang củ cách nhau 25-30cm, về mọi phía, sau khi đã nhúng vào nước cho đủ ẩm.
Thành phần hoá học:Củ chứa 49,98% carbon hydrat, 21,84% chất béo và 6,5% chất có protid; còn có 20-28% dầu có mùi dễ chịu.
Tính vị, tác dụng:Củ dịu và ngọt giống hạt dẻ và dùng làm thức ăn ngon. Do có tỷ lệ dầu cao nên chất bột chế từ củ là một loại thức ăn cho nhiều năng lượng. Củ có tác dụng kích dục và kích thích.
Công dụng: Ở Ai Cập và Nam Italia, người ta đã chiết được một loại dầu ăn tốt để thay thế dầu ô liu. Nó có mùi dễ chịu, có vị của hồ đào, có màu vàng kim tới nâu. Ở Tây Ban Nha, người ta dùng củ làm sữa hạnh nhân, một thức uống rất ngon gọi là Orchata. Ở Angiêri, người ta dùng bột củ chế thuốc trị bệnh viêm dạ dày, chữa chứng khó tiêu và ỉa chảy.                           

CỎ GẤU-Hương phụ-Cyperus rotundus-cây thuốc chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh

CỎ GẤU


Tên khác: Cỏ cú, Củ gấu, Hương phụ.
Tên khoa học: Cyperus rotundus L.; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Cyperus bulbosus auct. Vahl
Mô tả: Cỏ sống dai, cao 20-30cm. Thân rễ phình lên thành củ, màu nâu thẫm hay nâu đen, có nhiều đốt và có lông; thịt màu nâu nhạt. Lá hẹp, dài, có bẹ. Hoa nhỏ mọc thành tán xoè tỏa ra hình đăng ten ở ngọn thân. Quả ba cạnh, màu xám. 
Bộ phận dùng: Thân rễ (RhizomaCyperi), thường gọi là Hương phụ.
Phân bố sinh thái:Loài liên nhiệt đới, mọc hoang quanh làng, đường đi khắp nơi. Có thể đào thân rễ quanh năm, bỏ rễ con, phơi khô. Ðể nguyên hoặc chế với giấm, nước tiểu trẻ em, muối, rượu thành Hương phụ tứ chế.
Thành phần hoá học:Trong tinh dầu củ gấu có 32% cyperen, β-selinen, 49% cyperol; còn có α-cyperol, cyperolen, patchoulenon, cyperotundon. Củ gấu còn chứa dầu béo chứa glycerol và các acid linoleic, linolenic, oleic, myristic, stearic, chất không xà phòng hóa 22,8%.
Tính vị, tác dụng:Hương phụ có vị cay, hơi đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng hành khiếu, khai uất, thông kinh, tiêu sưng giảm đau. Vị hương phụ sao tẩm khác nhau có tác dụng khác nhau và cách chữa bệnh khác nhau.
Hương phụ dùng sống có tác dụng giải cảm. Ở Ấn Ðộ, người ta cho là nó có tác dụng lợi tiểu, điều kinh, trị giun, làm ra mồ hôi, làm se và kích thích.
Công dụng: Ðược dùng chữa kinh nguyệt không đều, khi thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mạn tính, các bệnh phụ nữ mà trước và sau khi sinh đẻ, chữa đau dạ dày ợ hơi và nước chua, giúp ăn uống mau tiêu, chữa nôn mửa, đau bụng đi lỵ và ỉa chảy. Còn dùng trị đòn ngã tổn thương. Ở Ấn Ðộ người ta dùng hương phụ để chữa rối loạn của dạ dày và kích thích của ruột.
Cách dùng, liều dùng:Dùng dưới dạng thuốc sắc, bột, cao, hoặc rượu thuốc. Mỗi ngày 6-12g, dùng riêng hoặc phối hợp với Ích mẫu, Ngải cứu. Tùy theo thể trạng của bệnh mà dùng tươi, sao đen hay tứ chế.
- Dùng sống khi chữa bệnh ở hông ngực và giải cảm
- Sao đen thì cầm máu, dùng trong trường hợp rong kinh. Tẩm nước muối sao cho bớt ráo, dùng chữa bệnh về huyết - Tẩm nước tiểu trẻ em sao để giáng hỏa khí có chứng bốc nóng - Tẩm giấm sao để tiêu tích tụ, chữa huyết ứ, u báng.
- Tẩm rượu sao để tiêu đờm, chữa khí trệ, đờm nước ứ đọng. Hương phụ tứ chế dùng chữa chung các bệnh của phụ nữ, hàn hay nhiệt đều thích hợp cả.
Bài thuốc:
1. Ðau dạ dày: dùng Hương phụ 30g, Riềng 15g, tán thành bột mịn. Dùng 3g với nước ấm, hai lần trong ngày.
2. Bài thuốc điều kinh chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, khí huyết kém: Hương phụ 20g Ích mẫu 15g, Ngải diệp 10g, Nhân trần 15g, Ðỗ 500ml nước sắc còn 150ml nước, uống ngày một thang (ở An Giang).
3. Ðiều kinh(Thuốc Hương Ngải): Hương phụ 3g, Ích mẫu 3g, Ngải cứu 3g, Bạch đồng nữ 3g, sắc với nước; chia 3 lần uống trong ngày. Muốn cho kinh nguyệt đều, uống đón kinh 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh.

CỎ GẠO-Cỏ bình rượu, Cương mao đốm-Sclerachne punctata-Cây làm cỏ chăn nuôi gia suc

CỎ GẠO


Tên khác: Cỏ bình rượu, Cương mao đốm.
Tên khoa học: Sclerachne punctata R.Br.; thuộc họ Lúa (Poaceae).
Mô tả: Cỏ mảnh, nằm rồi đứng cao 70cm, mắt có lông. Lá hình dải - ngọn giáo, nhọn, dài 15-20cm, rộng 6-10mm, gần như không lông, mép nguyên. Bông 2-3, dài 1-1,5cm, đực ở trên, cái ở dưới, có cuống khá ngắn, phình ở đoạn trên. Các bông cái có một mày dưới phát triển, dài 8-9mm, hóa sụn ở gốc, thắt ở giữa, đầu hẹp, chẻ hai. Quả thóc bao bởi màng dày, nhẵn, kéo dài và trăng trắng. Ra hoa tháng 7-12.
Bộ phận dùng: Hạt (Semen Sclerachnis).
Phân bố sinh thái:Cây mọc rất phổ biến ở các bãi cỏ trống trên sườn núi đá và các tỉnh Tuyên Quang, Hà Tây, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình và vùng đồng bằng. Còn phân bố ở Trung Quốc, Indonesia, Ấn Ðộ.

Công dụng: Cây làm cỏ chăn nuôi hoặc thu hoạch hạt làm thức ăn khi đói kém. Người ta giã cho tróc vỏ và rang, dùng chế loại bỏng vừng với mật đường. Người ta gọi là vừng vì hạt của nó tương tự như vừng và cũng dùng chế cùng một loại bỏng như nhau.

CỎ GÂN CỐT HẠT TO-Bi ga hột to-Ajuga macrosperma-cây thuốc chữa huyết áp cao

CỎ GÂN CỐT HẠT TO


Tên khác: Bi ga hột to.
Tên khoa học: Ajuga macrosperma Wall. ex Benth.; thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae).
Tên đồng nghĩa: Ajuga thomsonii Maxim.
Mô tả: Cây thảo một năm và hai năm, có thân cây cao 15-60cm, phân nhánh, nằm hay ngẩng lên, nhẵn hay hơi có lông. Lá có cuống, hình trứng rộng, tù ở ngọn, hình nêm ở gốc, khía tai bèo hay khía răng thô, dài 2,5-10cm, men xuống cuống lá; cuống lá bằng 1/3 phiến. Cụm hoa dài 9-12cm, gồm những vòng sát nhau nhiều hay ít, tạo thành một bông liên tục hay gián đoạn, có lá bắc bao giờ cũng dài hơn các vòng và có lá ở gốc; đài ngắn, hình chùy, có 5 răng ngắn; tù; tràng màu xanh da trời; có ống nhẵn hay hơi có lông, dài gấp đôi đài và có 2 môi; nhị 4, thò ra ngoài; vòi nhuỵ chẻ đôi ngắn. Quả có 4 hạch con nhỏ. 
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Ajugae), thường gọi là Cân cốt thảo.
Phân bố sinh thái:Cây mọc hoang ở nhiều nơi từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Lào Cai, Ninh Bình. Thu hái cây từ tháng 3 đến tháng 5, dùng tươi hay phơi khô trong râm.
Thành phần hoá học:Trong cây có ecdysteron, cyasteron, ajugasteron B.C.
Tính vị, tác dụng:Vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, ngừng ho, trừ viêm, lương huyết, hạ huyết áp.
Công dụng:
- Thường dùng trị: 1. Ngoại cảm phong nhiệt, phổi nhiệt, huyết áp cao (sắc uống); 2. Sưng đau họng (sắc uống hoặc lấy cây tươi rửa sạch giã nhỏ lấy nước sắc uống và súc miệng); 3. Viêm phế quản, viêm phổi, sưng phổi (sắc uống hoặc phối hợp với Diếp cá 20g cùng sắc uống); 4. Mụn nhọt, rắn độc cắn.
- Ngoài dùng cây tươi rửa sạch, giã với muối đắp chỗ đau, trị các chứng viêm, bỏng lửa, tổn thương do ngã.
Liều dùng: Ngày dùng 12-24g cây khô, hoặc 40-80 g tươi.
duoclieuvn.blogspot.com

CỎ GÀ-Cỏ chỉ trắng-Cynodon dactylon-cây thuốc chữa rối loạn tiết niệu, viêm thận và bàng quang, vàng da, sỏi thận, sỏi gan

CỎ GÀ


Tên khác: Cỏ chỉ, Cỏ chỉ trắng.
Tên khoa học: Cynodon dactylon (L.) Pers.; thuộc họ Lúa (Poaceae).
Tên đồng nghĩa: Panicum dactylon L.
Mô tả: Cỏ sống dai nhờ thân rễ ngắn. Thân có nhiều cành, mọc bò dài, thỉnh thoảng lại phát ra những nhánh thẳng đứng. Lá phẳng, ngắn, hẹp, nhọn, dài 3-4cm, hơi có màu lam. Cụm hoa gồm 2-5 bông hình ngón tay mảnh, dài 2,5-5cm, màu xanh hay tím, tỏa trên đỉnh một cuống mảnh, mỗi bông có các hoa phẳng, họp thành hai dãy bông nhỏ song song. Quả thóc, hình thoi thường dẹt, không có rãnh.
Bộ phận dùng:Thân rễ hoặc toàn cây (Rhizoma et Herba Cynodonis).
Phân bố sinh thái:Cây phổ biến khắp thế giới. Mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Thường gặp nơi ẩm thấp, trong các vườn.
Thu hái chế biến:Ðào cây, cắt lấy thân rễ, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô.
Thành phần hoá học:Thân rễ Cỏ gà chứa một chất kết tinh (cynodin) có thể là asparagin, còn có tinh bột, đường, các muối kali. Trong lá có vitamin C (64mg/100g lá tươi).
Tính vị, tác dụng:Cỏ gà có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng lợi tiểu, giải độc, lọc máu, giải nhiệt, giải khát, tiêu đờm.
Công dụng: Ðược chỉ định dùng trị 1. Cấc bệnh nhiễm trùng và sốt rét; 2. Các trường hợp rối loạn tiết niệu, viêm thận và bàng quang, vàng da, sỏi thận, sỏi gan, sỏi mật; 3. Thấp khớp, thống phong; 4. Phụ nữ kinh nguyệt không đều; 5. Trẻ em sốt cao, tiểu ít hay bí đái; 6. Viêm mô tế bào, rắn cắn.
Cách dùng, liều lượng: Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc hãm. Có khi dùng toàn cây hay thân rễ sắc uống lấy 20g cho vào 1 lít nước sắc kỹ, ngày uống 2 chén, liên tục trong 3-4 ngày. Nếu hãm uống, dùng 20g rễ hãm 1 phút trong 1 lít nước đun sôi, loại bỏ nước này, bóc vỏ thân rễ đi rồi lại cho vào 1 lít nước khác đun sôi trong 10 phút, có thể thêm 1 nắm Cam thảo. 1 nắm Bạc hà, 1 quả Chanh, mỗi ngày uống 2 chén. Có thể dùng dịch tươi. Ðể trị rắn cắn, dùng thân rễ nhai nuốt nước, lấy bã đắp vào chỗ bị cắn.

CÒ KE-Bung lai-Grewia paniculata-cây thuốc chữa chữa gãy xương

CÒ KE


Tên khác: Cò ke lá lõm; Bung lai.
Tên khoa học: Grewia paniculata Roxb.; thuộc họ Ðay (Tiliaceae).
Tên đồng nghĩa: Microcos tomentosa Smith in Rees, Grewia tomentosa Roxb. ex DC. sec. Phamh.
Mô tả: Cây gỗ hay cây nhỡ, có nhánh hầu như mọc đứng. Lá hình giáo ngược tròn không đến ở gốc, nhọn đột ngột hay cụt hoặc lõm sâu và chia hai thuỳ, có thuỳ xoan - tù có răng, có góc về phía đỉnh, dài 15cm, rộng 6cm, có lông hình sao ngắn ở trên, có lông mềm và gần như phớt đen ở mặt dưới, có 3 gân gốc gần như bằng nhau, cuống lá to, dài 6-10cm. Hoa thành chuỳ hình tháp, dài tới 15cm, có cuống hoa rất ngắn. Quả hơi nạc, có thớ, dạng trứng, dài 8-10mm, hơi có lông. Hạt đơn độc. Ra hoa kết quả quanh năm. 
Bộ phận dùng: Rễ, lá (Radixet Folium Grewiae).
Phân bố sinh thái:Cây chỉ gặp ở phía Nam nước ta, trong các rừng thứ sinh, ven đường, thông thường ở độ cao dưới 600m. Cũng phân bố ở Ấn Độ, Malaysia.
Thành phần hoá học:Gỗ chữa nhiều aceton.
Công dụng: Ở Campuchia, người ta dùng quả để ăn. Rễ được dùng làm thuốc sắc uống chữa ho. Ở Malaysia, nước sắc rễ dùng trị sốt rét, nước hãm dùng trị các rối loạn đường tiêu hoá. Bột lá dùng trị ghẻ. Nước sắc lá và vỏ cây dùng xức rửa chữa gãy xương.

CỎ ĐUÔI LƯƠN-Bối bối, Ðũa bếp, Bồn bồn-Philydrum lanuginosum-cây thuốc chữa sản hậu

CỎ ĐUÔI LƯƠN


Tên khác: Bối bối, Ðũa bếp, Bồn bồn, Đũa bếp.
Tên khoa học: Philydrum lanuginosum Banks & Sol. ex Gaertn.; thuộc họ Cỏ đuôi lươn (Philydraceae).
Tên đồng nghĩa: Garciana cochinchinensis Lour.
Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, cao 0,30-1,30m; thân và lá đầy lông trắng như tơ. Lá xếp hai dãy, hình gươm, dài đến 70cm, rộng ở gốc 1cm. Bông ở ngọn, có lá bắc, hoa vàng tươi; lá đài 2; cánh hoa 2, nhỏ, nhị 1; bầu 3 ô. Quả nang mảnh, hạt nhỏ. Ra hoa tháng 3.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Philydri).
Phân bố sinh thái:Cây mọc ở ruộng, đất đầm lầy, từ Quảng Trị vào đến các tỉnh Nam Bộ. Chịu đất phèn. Còn phân bố ở Trung Quốc, Ấn Ðộ, Malaysia.
Công dụng: Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng trị ghẻ, nấm. Ở Việt Nam, người ta sắc nước cho phụ nữ có mang uống; có nơi còn dùng chữa sản hậu.

CỎ ĐUÔI CHÓ-Cỏ sâu róm, Cỏ lá dừa-Setaria viridis-Cây thức ăn gia súc

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

CỎ ĐUÔI CHÓ


Tên khác: Đuôi chồn xanh, Cỏ sâu róm, Cỏ lá dừa.
Tên khoa học: Setaria viridis (L.) P.Beauv.; thuộc họ Lúa (Poaceae).
Tên đồng nghĩa: Panicum viride L., Pennisetum viride (L.) R. Br.
Mô tả: Cây thảo hằng năm. Thân cao 10-50cm, mọc đứng hay trải ra, thường phân nhánh ở gốc, hầu như đơn hoặc có nhiều hay ít thân. Lá phẳng, hình dải, có mũi nhọn dài, có lông rải rác ở mặt trên, với mép dày, ráp, dài 10-20cm, rộng 4-15mm, chùy dạng bông, hình trụ, dày đặc hoa, màu lục hay đo đỏ, hẹp, dài 3-8cm.
Bộ phận dùng:Thân, hạt (Caulis et Semen Setariae).
Phân bố sinh thái:Cây mọc ở các bãi cỏ, ruộng hoang khắp nước ta. Còn có ở các nước châu á, Châu Phi.
Công dụng: Cây thức ăn gia súc. Hạt cũng ăn được như hạt kê. Nước sắc thân dùng để rửa mắt đau.

CỎ DÙI TRỐNG-Cốc tinh thảo-Eriocaulon sexangulare-cây thuốc chữa đau mắt (viêm kết mạc, màng mộng)

CỎ DÙI TRỐNG


Tên khác: Cốc tinh thảo.
Tên khoa học: Eriocaulon sexangulare L.; thuộc họ Cỏ dùi trống (Eriocaulonaceae).
Mô tả: Cây thảo mọc thành bụi. Lá rộng hình dải, dài 15-40cm, rộng 6-8mm, nhẵn, có nhiều gân, có vách. Cuống cụm hoa có 6 cạnh sắc, xoắn lại nhiều hay ít, dài 10-55cm. Ðầu hoa hình trứng hay hình trụ, đường kính 4-6mm, có lá bắc kết lợp dày, các lá bắc ngoài màu vàng, các lá bắc trên xám xám, hoa mẫu 3, trừ hoa đực có hai lá đài; bao phấn đen. Ra hoa quanh năm.
Bộ phận dùng: Ðầu hoa (Flos Eriocauli), thường gọi là Cốc tinh thảo.
Phân bố sinh thái:Cây mọc trên đất ẩm lầy đến độ cao 800m ở Quảng Ninh, Hải Hưng, Bắc Thái, Hà Bắc. Cũng phân bố ở các xứ nóng.
Tính vị, tác dụng:Vị the, hơi ngọt, tính bình; có tác dụng tán phong nhiệt, làm sáng mắt và sát trùng.
Công dụng: Chữa đau mắt do phong nhiệt (viêm kết mạc, màng mộng), nhức đầu, đau răng, đau cổ họng, thông tiểu và trị ghẻ lở.
Liều dùng: Ngày dùng 12-16g dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
Bài thuốc:
1. Viêm giác mạc: Cốc tinh thảo 16g, Phòng phong 16g, tán nhỏ; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2g.
2. Thiên đầu thống: Cốc tinh thảo 8g, Ðịa long (Giun đất) 1g, Nhũ hương 4g. Các vị tán nhỏ, mỗi lần 4g, đốt, xông khói vào lỗ mũi.
Ghi chú: Ở Trung Quốc, người ta thường dùng các loài Cốc tinh thảo khác (Eriocaulon buergerlanum Koern và Eriocaulon sieboldianum Siebold & Zucc. ex Steud.). Ở nước ta, loài Cỏ dùi trống nam (Eriocaulon australe R. Br.) cũng có thể dùng.

CỎ DIỆT RUỒI-Thấu cốt-Phryma leptostachya-cây thuốc trị mụn nhọt và diệt sâu xanh ở rau

CỎ DIỆT RUỒI


Tên khác: Thấu cốt.
Tên khoa học: Phryma leptostachya var. asiatica H.Hara; thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Mô tả: Cây thảo nhiều năm cao tới 80cm; thân vuông có rãnh. Lá đơn, mọc đối, phiến to 15 x 8cm, từ từ hẹp trên cuống, mỏng có lông ở cả hai mặt. Hoa nhỏ, màu tím nhạt hợp thành bông dài tới 50cm, lá bắc như kim; đài hợp ở phần dưới, phía trên xẻ 2 thùy; tràng có 2 môi; nhị 4, không thò; bầu 1 ô, chứa 1 noãn. Quả bế, có khía, nằm trong đài tồn tại.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Phrymae Leptostachyae).
Phân bố sinh thái:Loài của Ấn Ðộ, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc nơi ẩm rợp, nhiều mùn, vùng núi cao Sapa, tỉnh Lào Cai.
Công dụng: Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây làm thuốc trợ sản và dùng ngoài làm thuốc trị sang độc. Cũng dùng diệt ấu trùng sâu bọ. Người ta có thể dùng toàn cây hoặc rễ trị mụn nhọt và diệt sâu xanh ở rau; còn dùng rễ làm thuốc diệt ruồi.

CỎ ĐẦU RÌU HOA NÁCH-Bích trai nách-Cyanotis axillaris-cây thuốc trị viêm màng nhĩ và dùng đắp ngoài trị cổ trướng

CỎ ĐẦU RÌU HOA NÁCH


Tên khác: Bích trai nách.
Tên khoa học: Cyanotis axillaris (L.) D.Don ex Sweet; thuộc họ Thài lài (Commelinaceae).
Mô tả: Cây thảo 15-50cm, thân rộng 4-6mm; có ít lông. Lá không cuống, dài 4-7cm, rộng 0,9cm, có lông ở bẹ ngắn. Xim ngắn ở nách lá, mang 2-3 hoa màu lam, lam dợt hay đỏ; 3 lá đài cao 2mm, 3 cánh lá cao 8-9mm; 6 nhị với chỉ nhị có lông tím. Quả nang 3-6mm. Ra hoa tháng 11.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Cyanotidis).
Phân bố sinh thái:Cây mọc ở bờ đá, dựa suối, ruộng, nhiều nơi của nước ta. Còn phân bố ở Campuchia, Ấn Ðộ.
Công dụng: Ở Campuchia, người ta gọi nó là loài Cỏ hoa của đá. Toàn cây được sử dụng, dùng ngoài để điều trị các vết đứt và mụn nhọt. Ở Ấn Ðộ, toàn cây cũng được dùng làm thuốc trị viêm màng nhĩ và dùng đắp ngoài trị cổ trướng.

CỎ ĐẦU RÌU-Bích trai mồng, Rau trai lông-Cyanotis cristata-loại cây dùng làm thức ăn của trâu bò và lợn

CỎ ĐẦU RÌU


Tên khác: Bích trai mồng, Rau trai lông, Rìu cong.
Tên khoa học: Cyanotis cristata (L.) D.Don; thuộc họ Thài lài (Commelinaceae).
Tên đồng nghĩa: Commelina cristata L.; Commelina zanonia auct. non L.; Cyanotis cristata Roem. & Schult. F.
Mô tả: Cây thảo mọng nước, phân cành nhiều, các cành lúc đầu bò lan trên mặt đất, sau vươn thẳng, đâm rễ ở các đốt, có lông. Lá thuôn, hình trái xoan hay trái xoan tròn dài 2-9cm, rộng 1-2cm, không có cuống, mọc sít nhau, màu tím ở mép, mặt dưới lá có lông lúc non. Cụm hoa thường mọc ở ngọn cành; lá bắc dạng lá, hình ngọn giáo và xếp lợp nhau thành hai hàng, màu tím, có lông dài ở mép; hoa màu lam hay đo đỏ. Quả nang gần hình cầu, đường kính 2-2,5mm; hạt hình trụ hoặc hình tháp, màu nâu đen, có vân ở mặt ngoài.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Cyanotidis).
Phân bố sinh thái:Loài phân bố ở nhiều nước châu Á và cả châu Phi. Ở nước ta, Cỏ đầu rìu thường mọc ở các nơi ẩm mát, ven khe suối trong rừng, trên các núi đá thành từng đám lớn. Cây cũng thường mọc trên đất cát, đất ráo, hoặc trên đất ven biển của các đảo (như đảo Phú Quốc).
Thu hái: Thu hái cây quanh năm.
Thành phần hoá học:Trong thân lá khô, tính theo % có: protein 7,8, lipid 0,88, dẫn xuất không protein 58,47, cellulose 20,00, khoáng toàn phần 12,85.
Công dụng: Là loài thức ăn của trâu bò và lợn. Có thể làm rau ăn cho người. Lấy ngọn non đem vò kỹ, thái nhỏ, luộc hoặc nấu canh ăn. Cũng được trồng làm cảnh ở các gia đình Campuchia; người ta gọi nó là Cỏ cánh vịt, liên hệ tới hình dạng của cụm hoa. Người ta dùng cây này để diệt sâu bọ và rệp...

CỎ ĐẬU HAI LÁ-Lưỡng diệp quảng đông, Cỏ lưỡi diệp-Zornia cantoniensis-cây thuốc chữa viêm gan, vàng da

CỎ ĐẬU HAI LÁ


Tên khác: Lưỡng diệp, Đậu hai lá quảng đông, Lưỡng diệp quảng đông, Cỏ lưỡi diệp.
Tên khoa học: Zornia cantoniensis Mohlenbr.; thuộc họ Ðậu (Fabaceae).
Tên đồng nghĩa: Zornia gibbosa Span. var. cantoniensis (Mohl.) Ohashi
Mô tả: Cây thảo sống dai có gốc phình dạng củ, phân cành từ gốc. Cành trải ra nhiều hay ít rồi mọc đứng lên, dạng sợi, nhẵn. Lá có 2 lá chét hình trái xoan thuôn hay hình dải mũi mác, gốc tròn hay tù, chóp nhọn có mũi lồi ngắn; lá kèm hình mũi mác nhọn. Cụm hoa ở nách, dạng bông thưa, lá bắc cũng có hình dạng như lá kèm nhưng rộng hơn. Hoa màu vàng; đài chia hai môi, cánh tràng có cựa; nhị một bó, nhụy gần nhẵn. Quả ngăn vách, thắt lại giữa các đốt, có lông và có gai hay không. Ra hoa vào mùa hạ 4-8.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Zorniae Cantoniensis).
Phân bố sinh thái:Cây phân bố rộng ở Trung Quốc, ở Việt Nam và ở Inđônêxia. Ở nước ta, thường gặp trên các bãi vùng đồng bằng ở nhiều nơi, từ Bắc Thái, Hà Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An.. đến Quảng Nam-Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận...
Thu hái chế biến:Thu hái cây vào mùa hè và mùa thu. Rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng:Vị ngọt, nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu ứ và tiêu thũng.
Công dụng: Dùng trị 1. Cảm mạo, viêm kết mạc, viêm họng; 2. Viêm gan, vàng da; 3. Viêm dạ dày ruột cấp, viêm ruột thừa cấp; 4. Viêm vú cấp; 5. Trẻ em cam tích và suy dinh dưỡng.
Liều dùng: Ngày dùng 15-30g. Dùng ngoài giã nát cây tươi đắp trị đòn ngã tổn thương, nhọt, viêm mủ da và rắn độc cắn. Dùng rễ đốt thành than có thể đắp làm tiêu tan ung nhọt, trị đinh độc. Người ta còn dùng cả cây để làm thuốc chữa chứng sởi.
Ghi chú: Còn một loài khác là Zornia gibbosa Spanoghe là cây thảo hằng năm, có bông hoa dày đặc hơn và lá bắc có những điểm tuyến, mọc ở Bà Rịa và Tây Ninh.

CỌ DẦU-Dừa dầu-Elaeis guineensis-cây thuốc dùng để chế dầu ăn, chế xà phòng, làm thuốc gội đầu

CỌ DẦU


Tên khác: Dừa dầu.
Tên khoa học: Elaeis guineensis Jacq.; thuộc họ Cau (Arecaceae).
Mô tả: Cây thân cột cao tới 15m, có thể tới 30m; thân có bẹ lá còn lại, to 20-30 cm. Lá lông chim lớn, cao 3,5m; cuống lá có gai; lá chét dài 0,5-1m, rộng 5cm. Buồng hoa đực và cái riêng nhưng cùng chung một cây; nhánh đực hình trụ, hoa có 6 nhị dính nhau; hoa cái to; 3 vòi nhụy. Quả họp thành những buồng to, nặng 10-20kg và mang mỗi buồng 1.000-2000 quả hạch màu vàng đỏ. Quả hình trứng, có vỏ quả ngoài mỏng, vỏ quả giữa màu da cam, có sợi nạc và có dầu, vỏ quả trong cứng, bao lấy 1-3 hạt, có vỏ hạt đen.
Bộ phận dùng: Quả và hạt (Fructus et Semen Elaeis).
Phân bố sinh thái:Cây gốc ở bờ biển miền Tây châu Phi (từ Ghinê tới Conggo) nhập trồng ở nước ta, trước đây chủ yếu để làm cảnh, ngày nay đã được gây trồng rộng rãi từ Hà Giang, Quảng Ninh tới Hà Tĩnh để lấy quả ép dầu dùng ăn. Mỗi héc ta cây trồng cho tới 5 tấn dầu.
Thành phần hóa học:Dầu vỏ quả có màu da cam; nó chứa hầu hết các glycerid của acid palmitic và oleic; màu sắc da cam là do các carotenoit. Dầu nhân hạt ổn định ở 20°C, màu trắng vàng; nó chứa các glycerid của các acid có trọng lượng phân tử bé hơn: acid lauric, myristic, oleic, thành phần của nó gần với thành phần của bơ dừa.
Tính vị, tác dụng:Vị béo ngọt, tính mát; có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng.
Công dụng: Dầu cọ dùng để chế dầu ăn, chế xà phòng, làm thuốc gội đầu. Dầu ăn bổ, giúp tiêu hóa tốt.
Liều dùng: Mỗi lần dùng 15-20ml.

CỎ ĐẮNG-Cỏ chửa, Cỏ trứng ếch, San lõm-cây thuốc dùng làm thức ăn gia súc

CỎ ĐẮNG


Tên khác: Cỏ chửa, Cỏ trứng ếch, San lõm, San tròn, Cỏ gà nước,  Cỏ trắng, Cỏ mắt chim.
Tên khoa học: Paspalum scrobiculatum L.; thuộc họ Lúa (Poaceae).
Tên khác: Paspalum frumentaceum Rottl. ex Roem. & Schult., Paspalum scrobiculatumL. var. frumentaceum (Rottl. ex Roem. & Schult.) Stapf
Mô tả: Cây thảo thường mọc đứng, thành bụi, có thân cao 15-20 cm. Lá mọc thẳng đứng hình dải hay ngọn giáo, có lông mịn nhiều hay ít, dài 15-40cm, rộng 2-8mm, có gân giữa yếu, mép lá ráp. Cụm hoa bông giả gồm 2-10 cái cách xa nhau, trải ra hay mọc đứng. Bông nhỏ xếp 2 dãy, dài 2-3,5mm, lợp lên nhau, hình tròn hay gần như hình trứng, phẳng - cong, nhẵn. Quả thóc có hai mặt lồi, màu nhạt, chứa mầm lớn.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Paspali Scrobiculati).
Phân bố sinh thái:Thông thường ở nơi ẩm bình nguyên. Còn phân bố ở nhiều nước nhiệt đới khác của Châu Á.
Thành phần hoá học:Có một chất độc nằm ở vỏ ngoài của hạt và chất béo trong hạt, không phải alcaloid, không phải glucosid nhưng có bản chất glucosidic, có thể do một loại nấm ký sinh gây ra.
Tính vị, tác dụng:Hạt có độc cho động vật ăn cỏ và cả cho người nhưng nếu nấu sôi lên cho bốc hơi độc thì sẽ không còn hiệu quả. Lá không độc.
Công dụng: Lá dùng làm thức ăn gia súc. Thường do cây có lẫn hạt vào nên động vật ăn cỏ ít ăn. Ở Ấn Ðộ, người ta dùng toàn cây làm thuốc trị bò cạp đốt.

CỔ DẢI-Cây bả ruồi-Milletia eberhardtia-cây thuốc thuốc diệt ruồi

CỔ DẢI


Tên khác: Cây bả ruồi.
Tên khoa học: Milletia eberhardtia Gagnep.; thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả: Cây gỗ lớn cao 7-8m, không lông; vỏ cây xù xì màu xám mốc. Lá kép lông chim có cuống chung dài 12-20cm mang 5-7 lá chét thon ngược tròn dài, dài 10-12cm, rộng 2-2,5cm, gân phụ 10 cặp, cuống phụ 4-6mm, lá kèm phụ không có. Chùm 1-2 ở nách lá; hoa tập hợp khoảng 10 cái trên nhánh, trắng, thơm, cao 2,5 cm. Quả dài 10cm; rộng 3 cm, dẹp, bên ngoài phủ một lớp lông mịn, màu vàng nâu nhạt. Ra hoa tháng 2-3, quả tháng 4-5.
Bộ phận dùng: Vỏ cây (Cortex Milletiae Eberhardliae).
Phân bố sinh thái:Cây mọc hoang ở rừng núi đá và cả ở rừng núi đất nhiều nơi ở Hà Giang, Ninh Bình đến Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng.
Thu hái: Vỏ cây vào mùa xuân; dùng tươi hay phơi khô. Tính vị, tác dụng: Có tác dụng diệt trùng.
Công dụng: Thường dùng làm thuốc diệt ruồi. Người ta lấy vỏ cây tươi đem giã nát hoặc lấy nửa thìa bột vỏ khô, trộn với ít nước cơm và ít đường. Ruồi ăn phải thuốc sẽ chết ngay tại chỗ.

CỌC VÀNG-Lumnitzera racemosa-cây thuốc chữa ecpet và ngứa

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

CỌC VÀNG


Tên khác: Cọc trắng.
Tên khoa học: Lumnitzera racemosa Willd. thuộc họ Bàng (Combretaceae).
Mô tả: Cây gỗ nhỏ không lông, cao 2-8m. Lá mọc so le, phiến hình muỗng, dài 4-6 cm, rộng 1,5 - 2,5cm, chóp tròn hơi lõm, mập, gân phụ không rõ; cuống ngắn. Chùm hoa ở nách lá và ngọn các nhánh; hoa không cuống. Quả hình bắp dài 1 - 1,2 cm, có cổ dài, chứa 5 - 10 hạt. Có thứ hoa trắng (var. racemosa), có thứ hoa vàng (var. lutea). Hoa quả từ tháng 4 đến tháng 8.
Bộ phận dùng:Nhựa cây (Resinus Lumnitzerae Racemosae).
Phân bố sinh thái:Cây mọc ở rừng ngập mặn ở trên đất bùn cát, ở trên mức của thuỷ triều cao trung bình, từ Móng Cái vào tới Bạc Liêu, Hà Tiên, Phú Quốc. Còn phân bố ở nhiều nước châu á, châu Phi, châu úc. Cây ưa mặn không bắt buộc. Rễ có khả năng đâm sâu vào lớp bùn dày.
Thành phần hoá học:Vỏ chứa tanin.
Công dụng: Ở Ấn Độ, người ta lấy nước dịch chảy ra từ vết rạch trên thân cây để đắp ngoài chữa ecpet và ngứa. Cây còn có nhiều công dụng trong đời sống, làm củi đun, gỗ làm cầu, trụ cầu, cột, cừ xây dựng, hầm than.

CỎ CỨT LỢN-Ageratum conyzoides-cây thuốc chữa Sổ mũi, viêm xoang mũi

CỎ CỨT LỢN


Tên khác: Cỏ hôi, Cây bù xích, Bông thúi, Bù xích, Bù xít, Cỏ cứt heo.
Tên khoa học: Ageratum conyzoides (L.) L.; thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả: Cây thảo mọc hằng năm, cao chừng 25-50cm. Lá mọc đối, hình trứng, mép có răng cưa tròn. Toàn thân và lá đều có lông. Hoa nhỏ, màu tím hay xanh trắng, xếp thành đầu, các đầu này lại tập hợp thành ngù. Quả bế có ba sống dọc, màu đen.
Bộ phận dùng:Phần cây trên mặt đất (Herba  Agerati).
Phân bố sinh thái:Cây của nhiệt đới châu Mỹ, phát tán tự nhiên vào nước ta, mọc hoang dại khắp nơi.
Thu hái, chế biến:Toàn cây bỏ rễ, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô, nhưng thường hay dùng tươi.
Thành phần hoá học:Toàn cây chứa tinh dầu (0,16% so với dược liệu khô). Lá và hoa chứa 0,02% tinh dầu với mùi nồng khó chịu, tinh dầu này chứa phenol (eugenol) 5% một phenol ester mùi dễ chịu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là β-cadinen, caryo-phyllen, ageratocromen (1), demethoxy-ageratocromen và một số thành phần khác. Lá chứa stigmast 7-en-3-02, quercetin, kaempferol, acid fumaric, acid cafeic. Cây cứt lợn ở Việt Nam chứa 0,7-2% tinh dầu, carotenoid, ít phytosterol, tanin, đường khử, saponin, hợp chất uronic. Hàm lượng saponin thô trong thân và lá (tính theo dược liệu khô kiệt) là 4,7%. Tinh dầu cây cứt lợn hơi sánh đặc, màu vàng nhạt đến vàng nghệ, mùi thơm dễ chịu có thành phần chủ yếu là ageratocromen và demethoxyageratocromen.
Tính vị, tác dụng:Cây cứt lợn có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng và cầm máu. Cành lá vò ra có mùi hôi gây nôn.
Công dụng:
- Thường được chỉ định dùng làm thuốc chống viêm, chống phù nề, chống dị ứng trong các trường hợp: 1. Sổ mũi, viêm xoang mũi, dị ứng cấp và mạn; 2. Chảy máu ngoài do chấn thương, bị thương sưng đau; 3. Mụn nhọt, ngứa lở, eczema.
- Người ta còn dùng Cỏ cứt lợn chữa rong huyết sau khi sinh đẻ, dùng phối hợp với bồ kết nấu nước gội đầu cho thơm và sạch gầu, trơn tóc. Ở Ấn Ðộ, người ta dùng nước ép rễ cây để chữa bệnh sỏi thận. Lá làm thuốc săn da, dùng chữa các vết đứt, vết thương và dùng đắp chữa sốt rét.
Liều dùng: Ngày dùng 15-30g cây khô sắc nước uống, hoặc dùng cây tươi giã lấy nước nhỏ. Cũng dùng cây tươi giã đắp vết thương chảy máu, mụn nhọt, eczema, hoặc nấu nước tắm chữa ghẻ, chốc đầu của trẻ em.
Bài thuốc:
1. Chữa phụ nữ rong kinh sau khi đẻ: dùng 30-50g lá hoa Cỏ cứt lợn tươi giã nhỏ, chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống.
2. Chữa viêm xoang dị ứng hay viêm tai: cũng giã lá hoa tươi vắt lấy nước, tẩm bông bôi vào mũi bên đau hoặc ngoáy trong lỗ tai. Cũng có thể dùng cành lá khô sắc nước xông mũi và uống.
Nhiều bệnh viện đã sử dụng các chế phẩm của Cỏ cứt lợn để điều trị các chứng viêm xoang mũi mạn tính và dị ứng, có kết quả tốt, không gây tác dụng phụ gì đối với cơ thể người bệnh.