Sức mạnh của chất chống oxy hóa

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Trong lĩnh vực sức khỏe hiện nay, người ta nói đến nhiều tác hại của chất ôxy hoá, phản ứng ôxy hoá và nhấn mạnh sự cần thiết sử dụng chất chống ôxy hoá để bảo vệ, duy trì sức khỏe. Vậy chất chống ôxy hoá là gì và có ở đâu?

Đài quả cây Hibiscus là một loại thảo dược có khả năng chống oxy hóa cao.

Chất chống oxy hóa được tìm thấy nhiều trong các loại trái cây và rau quả, thảo dược. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của chúng đối với sức khỏe trên nhiều mặt:

Gốc tự do (chất ôxy hóa) luôn luôn được sinh ra trong cơ thể con người và cũng có vai trò tích cực đối với cơ thể (có thể nói ta không thể sống được nếu trong cơ thể hoàn toàn thiếu vắng gốc tự do). Ôxy (dưỡng khí) mà ta hít thở hàng ngày là chất cần thiết nhưng chính nó cũng trở thành gốc tự do (khi đó gọi là ôxy đơn bội). Hiện tượng thực bào là hiện tượng vi khuẩn, virut bị tế bào bạch cầu tiêu diệt trong cơ thể, hoặc hiện tượng hô hấp trong tế bào, hoặc cơ chế giải độc ở gan đều là các hoạt động làm sinh ra gốc tự do.

Điều quan trọng là trong cơ thể khoẻ mạnh, gốc tự do sinh ra có giới hạn, không quá thừa để gây hại. Bởi vì bên cạnh các gốc tự do luôn có hệ thống các chất chống ôxy hoá "nội sinh" (tức có sẵn trong cơ thể) cân bằng lại, vô hiệu hoá các gốc tự do có hại. Hệ thống các chất chống ôxy này gồm các enzym như glutathione peroxidase, superroxid, dismutase... đặc biệt là vitamin C, vitamin E, beta-caroten (tiền vitamin A), khoáng chất selen "nội sinh" có sẵn trong cơ thể, xúc tác các phản ứng khử để vô hiệu hoá gốc tự do (còn gọi là "bẫy" gốc tự do) giúp cơ thể khoẻ mạnh.

Chỉ khi nào gốc tự do sinh ra quá nhiều (do ô nhiễm môi trường, do tia cực tím từ ánh nắng, do khói thuốc lá, do viêm nhiễm trong cơ thể, thậm chí do dùng một số dược phẩm...) và hệ thống chất ôxy hoá nội sinh không đủ sức cân bằng, cơ thể sẽ sinh ra rối loạn bệnh lý. Người ta đã chứng minh, khi có sự tăng quá nhiều gốc tự do sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm ở các cơ quan, các bệnh lý như tim mạch, bệnh thần kinh, đục thuỷ tinh thể, thoái hóa hoàng điểm ở mắt, tăng nguy cơ các bệnh ung thư và nhất là sớm xuất hiện hiện tượng lão hoá.

Các tế bào mau già đi, đến thời điểm diệt vong. Cơ quan dễ bị lão hoá nhất chính là lớp da bảo vệ cơ thể, là nơi dễ bị tác động của tia cực tím của ánh nắng, hứng chịu tác hại của ô nhiễm môi trường cộng thêm lối sống của người thường xuyên bị stress, sai lầm trong dinh dưỡng, thói quen lạm dụng độc chất (như hút thuốc, uống rượu, kể cả dược phẩm) làm da mịn màng của người phụ nữ nhất là da mặt sẽ chóng nhăn, cằn cỗi, không còn sức sống tươi mát do có sự bội tăng gốc tự do gây lão hóa.

Để chống lại sự bội tăng các gốc tự do sinh ra quá nhiều mà hệ thống "chất ôxy hoá nội sinh" không đủ sức cân bằng để vô hiệu hoá, các nhà khoa học đặt vấn đề dùng các "chất chống ôxy hóa ngoại sinh" (tức là từ bên ngoài đưa vào cơ thể) với mục đích phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, chống lão hóa. Các chất chống ôxy hóa ngoại sinh đó đã được xác định, đó là beta-caroten, chất khoáng selen, các hợp chất flavonoid, polyphenol... Các chất ôxy hóa ngoại sinh đó thật ra không xa lạ, chúng có từ các nguồn thiên nhiên là thực phẩm như rau cải, trái cây tươi và một số loại dược thảo.
Lợi ích của chất chống oxy hoá từ thiên nhiên

- Giảm cholesterol và các nguy cơ bệnh tim mạch:

Như đã nói ở trên, chất chống oxy hóa có khả năng chống lại các gốc tự do. Nhưng chúng đồng thời cũng chống lại quá trình oxy hóa của các chất béo có hại lên các mạch máu. Trong số các chất chống oxy hóa, carotenoids (được tìm thấy trong thực phẩm có màu cam, vàng hoặc đỏ như cam, ớt, cà chua, xoài, đu đủ…) đã được chứng minh là có khả năng làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu.

Theo tài liệu y học, cây Hibiscus sabdariffa Linn (tên tiếng Việt là Hồng Hoa) là cây dược liệu quý có nhiều hàm lượng các chất anthocyanin, arabinose, calcium oxalat, caroten tiền sinh tố A, hàm lượng vitamin A, B1, C, D, E, F…. và nhiều axít hữu cơ, có tác dụng giải độc cơ thể; tăng  cường chức năng gan, mật, giảm cholesterol, mỡ máu, hạn chế sự tạo sỏi ở đường tiết niệu, do đó kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa và hạn chế sự béo phì do tích mỡ, bảo vệ thành mạch, giảm nguy cơ tử vong do các bệnh lý tim mạch, chống mệt mỏi, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Đặc biệt hàm lượng Flavonoid và Cyanidin cao trong đài quả Hibiscus có tác dụng chống lại sự oxy hóa, làm trẻ hóa cơ thể và có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

- Ngăn ngừa ung thư:

Không phải ngẫu nhiên mà trái cây và rau quả được biết đến như là một người bạn đồng hành nổi tiếng của sức khỏe! Một trong những lý do là những dưỡng chất chống oxy hóa khi được hấp thụ đầy đủ vào cơ thể sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư đến hơn 30%.

- Bảo vệ mắt:

Nhìn chung, tất cả các phân tử của chất chống oxy hóa đều có tác dụng bảo vệ đôi mắt và thị lực của bạn, cụ thể là carotenoids (lại là carotenoids!), zeaxanthin và lutein. Theo một nghiên cứu của Inserm, ăn nhiều các thực phẩm giàu zeaxanthin (có trong bắp, súp lơ…) sẽ giảm đến 93% nguy cơ bị AMD (bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác – nguyên nhân chính dẫn đến chứng mù ở người cao tuổi) và 43% bệnh đục thủy tinh thể. Tương tự, lutein (có trong lòng đỏ trứng gà, cà rốt, cam, rau bina…) sẽ giảm đến 69% nguy cơ bị AMD.

Biết được lợi ích của chất chống ôxy hóa trong việc phòng chống bệnh tật, lão hoá, ta có thể ngăn ngừa sự tăng sinh các gốc tự do có trong cơ thể một cách toàn diện bằng cách góp phần chống ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng đúng cách, tránh ăn uống quá thừa năng lượng, vận động hợp lý, tránh nghiện rượu, thuốc lá, phòng các bệnh viêm nhiễm, có cuộc sống lành mạnh giúp thư thái, lạc quan, yêu đời, nên ăn nhiều rau cải, trái cây tươi... Đây là nguồn cung cấp các chất chống ôxy hóa ngoại sinh tốt nhất.

Thực hư chuyện kiếm tiền triệu từ đỉa

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Chúng tôi tìm về huyện Kim Thành và Kinh Môn, Hải Dương - nơi được cho là đang nở rộ phong trào bắt đỉa - để tìm hiểu về công việc hấp dẫn nhưng cũng khiến nhiều người phải rùng mình này.

Chuyện của 10 năm trước:

Đến nhiều xã của huyện Kinh Môn, khi chúng tôi hỏi chuyện thì tất cả bà con nông dân đều ngơ ngác và không tin một con đỉa có thể bán được 10 nghìn đồng. Họ khẳng định là xã mình chưa bao giờ có chuyện đi bắt đỉa để bán và cũng chẳng có ai…. rỗi hơi đi thu mua cái con vật chuyên hút trộm máu mà nhà nông ghét cay ghét đắng đó.

Những con đỉa này liệu có trở thành nguồn thu bạc triệu đối với người nông dân?.

Trước thông tin của phóng viên, thậm chí một số bà con còn xin số điện thoại của chúng tôi để liên lạc… nhờ bán đỉa nếu may mắn vớ được con nào khi đi làm đồng.

Lọ mọ qua mấy xã, mãi đến khi đặt chân đến Hoành Sơn, tôi mới được một chị nông dân tên Soạn ở thôn 2, xóm 4 cho biết đã từng biết đến phong trào này từ cách đây cả chục năm trời.

Chị Soạn nhớ lại: "Vào khoảng đầu những năm 2000, ở xã tôi cũng có một số người chuyên đi bắt đỉa để bán cho các thầy lang làm thuốc. Họ chỉ bắt loại đỉa hút máu hay bám vào chân người đi làm đồng chứ không bắt loại đỉa đui không hút máu.

Sau khi bắt được đỉa về, họ cuốn đỉa vào lá khoai lang cùng với một số vị thuốc rồi bọc đất sét ở ngoài, sau đó cho vào đốt đến khi nào thành than mới thôi. Thứ than đó họ dùng để bôi ngoài da chữa một số bệnh như tổ đỉa, vẩy nến… Cậu em trai tôi lúc đó thường bảo tôi nếu đi làm đồng bắt được đỉa thì cứ mang sang cậu ấy bán hộ. Lúc đó, một con đỉa người ta đã mua với giá 10 nghìn đồng".

Thế nhưng đã gần chục năm nay, chị Soạn chưa bao giờ bị đỉa cắn. Chị bảo: "Giờ thỉnh thoảng đi làm đồng, tôi chỉ gặp loại đỉa không hút máu người, còn loại đỉa kia thì tiệt không thấy con nào. Tôi cho rằng đấy là do những năm gần đây người ta phun thuốc sâu nhiều quá nên đỉa cũng không sống nổi. Những loài đỉa không hút máu người thì thường sống ở mương nước, không gần khu vực trồng trọt nên mới còn tồn tại. Cũng từ ngày ấy đến nay, tôi không còn thấy ai đi bắt đỉa làm thuốc như trước nữa".

Đỉa "tuyệt chủng" vì thuốc sâu?.

Thấy chúng tôi hỏi đường sang xã Thăng Long - nơi được người dân mách là chuyên bán đồ thủy, hải sản sang Trung Quốc, chị Soạn chân tình khuyên: "Các chú đi tốn công sức thôi. Ở chỗ tôi nước ngọt nhất tỉnh mà còn không có đỉa thì các nơi khác lấy đâu ra. Với lại, nếu có phong trào rầm rộ thế thì nông dân chúng tôi kiểu gì chẳng biết".

Trước thông tin nhiều nông dân ở tỉnh Lào Cai cũng phát tài nhờ việc bắt đỉa bán sang Trung Quốc, ông Trần Ngọc Lâm - một người từng sống và học nghề thuốc ở Trung Quốc hơn 10 năm, hiện đang sống ở Lào Cai cho biết: "Dù đã đi qua rất nhiều tỉnh của Trung Quốc để học nghề thuốc nhưng tôi chưa từng chứng kiến người bản địa chế thuốc từ đỉa bao giờ. Ở Lào Cai thỉnh thoảng cũng lác đác thấy có người bảo chỗ này chỗ kia mua đỉa để làm thuốc thôi chứ nếu bảo mua bán với số lượng lớn và hình thành phong trào bắt đỉa trong nông dân thì chắc chắn là không có".Từ Kinh Môn, qua chuyến phà chiều sang huyện Kim Thành, chúng tôi tiếp tục thất vọng khi không tìm được vùng quê nào có phong trào bắt đỉa.

Đúng như lời chị Soạn, dù hỏi thăm rất nhiều người dân ở xã Thăng Long, chúng tôi cũng không thể tìm được một ai biết đến công việc lạ lẫm này. Chị Phạm Thị Xuân ở xã Thăng Long cho biết: "Ngày xưa ruộng chúng tôi chỉ làm 2 vụ một năm thì còn thấy có đỉa, chứ giờ ngoài 2 vụ còn trồng 1 vụ màu, thuốc sâu phun suốt như thế thì đỉa nào sống nổi. Lâu lắm rồi tôi chẳng thấy một con đỉa nào ngoài ruộng cả".

Đang lúc mệt mỏi tràn trề thì một anh bạn đồng nghiệp ở Hà Nội gửi cho một thông tin đủ hâm nóng lại bầu nhiệt huyết vừa nguội lạnh. Trong mục Mua bán ngành chăn nuôi trên website Agriviet.com (Nhànông.com) có một người tên là Bùi Bá Vương ở đội 8, thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương có rao bán đỉa làm thuốc.

Liên hệ qua điện thoại, người đàn ông này cho biết anh ta chỉ rao hộ một người bạn ở Hải Phòng chứ không phải người trực tiếp bắt, thu gom hay chăn nuôi đỉa. Khi chúng tôi xin số điện thoại của người bạn ở Hải Phòng thì Vương bảo đã mất số hơn một tháng nay nên chưa có cách nào liên lạc được.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Xoang - cán bộ Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết cũng chỉ mới nghe đến việc người dân ở một số huyện trên địa bàn tỉnh đi bắt đỉa để bán chứ cũng chưa nhìn thấy trực tiếp hoạt động này.

Theo Nguyễn Thắng (Dân Việt")

Đỉa trâu hoành hành khu dân cư

Mỗi ký đỉa trâu được các chủ vựa mua khắp nơi từ 80.000-150.000 đồng rồi cấp đông chuyển qua Trung Quốc. Trong quá trình sơ chế đỉa, loài hút máu này mặc nhiên sinh sôi ngay giữa khu dân cư, trở thành nỗi ám ảnh của người dân xung quanh.

Khi nghe chúng tôi thông tin có đỉa bán thì tức khắc ông Vương, một đầu mối gom mua đỉa trâu tại Tân Biên (Tây Ninh), vồ vập qua điện thoại: “Đỉa bao nhiêu bên tui cũng thu gom hết, giá 80.000 đồng/kg”.

Ông Vương cho biết, thời gian gần đây đỉa được các bạn hàng bên Trung Quốc đặt nhiều hơn. Để có nguồn cung 200-300kg đỉa sống từ Tây Ninh lên Sài Gòn, ông phải huy động hàng chục người đi “bẫy” đỉa ở các đầm lầy, ao hồ, nơi vùng trũng có nhiều trâu bò hay động vật có máu nóng rất có nhiều đỉa sinh sống.

Bao nhiêu đỉa đem tới đều được lò bà Kim Anh mua sạch.

“Chỉ cần một cái vợt với ít huyết heo, đỉa thấy mùi máu vây lại thì lấy vợt mà hớt” - ông Vương dặn dò thêm trước khi cúp máy. Mua đủ trăm ký, ông Vương chuyển về căn nhà ở tổ 1, ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, Hóc Môn của chủ vựa Kim Anh, vợ một người Trung Quốc.

150.000 đồng/kg đỉa sống:

Nhiều điểm gom mua đỉa
Lò đỉa của bà Kim Anh là nơi trung gian chính liên lạc trực tiếp xuất hàng qua Trung Quốc, do đó gần như tất cả các điểm gom mua nhỏ lẻ ở tỉnh Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây đều bán lại trực tiếp cho lò này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có khoảng 20 điểm gom mua đỉa cung cấp cho bà Kim Anh. Các điểm này chịu sự chi phối của bà Kim Anh về giá cả và số lượng đỉa trâu mà bà cần.

Ông Dương ở Tân Biên (Tây Ninh), một điểm mua đỉa lẻ cung cấp cho bà Kim Anh, cho biết: “Tụi này chỉ biết chuyển lên cho bà Kim Anh chứ không biết hàng xuất đi đâu và làm gì. Vả lại trước khi bắt phải luôn gọi hỏi bà trước xem còn thu mua hay không. Có khi đủ đỉa bán mà bà ta hết lấy hàng thì cũng đành vứt đi. Tui cũng chỉ là một trong số những đầu mối chuyển đỉa cho bà ta thôi”.

Chiều 19-10, chúng tôi đến địa chỉ trên thì bà chủ Kim Anh không có nhà. Bà Hạ (mẹ của bà Kim Anh) thấy khách tới hỏi mối cung cấp đỉa thì đon đả dặn ngay: “Nhớ là đỉa phải còn sống mới được, giá 150.000 đồng/kg giao tận nhà tôi”.

Bà Hạ mách nước: “Muốn đỉa sống thì phải cho chúng vào túi vải mùng có hai lớp. Để vào bao nhựa chúng chết không dùng được đâu”. Cùng lúc đó, hai thanh niên đi xe gắn máy biển số tỉnh Tây Ninh chở bốn bao tải lớn vào. Hai thanh niên này vừa khệ nệ bỏ xuống tháo miệng bao, vô số đỉa bằng ngón tay lúc nhúc. Bà Hạ tỏ vẻ mừng rỡ: “Hôm nay hàng về khá quá”. Cộng trọng lượng các bao, bà Hạ cười hết cỡ: “206kg, hơn ba mươi triệu rồi đấy”.

Theo bà Hạ, trước kia vựa đỉa của bà nhận cả đỉa đã phơi khô với giá 1,5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thời gian gần đây do yêu cầu của bạn hàng nên chỉ nhận mua hàng còn sống. Bà Hạ nói: “Giờ lấy hàng sống về cấp đông chuyển đi cho họ sơ chế luôn. Để lạnh đỉa sống được tới mấy ngày, cả tuần lận mà”. Tuy vậy bà Hạ cũng không biết bên Trung Quốc người ta dùng đỉa để làm gì.

Có đỉa đến, hai nhân công được thuê với mức lương 100.000 đồng/ngày bắt đầu công việc quen thuộc của mình. Đầu tiên là ngâm nước đá cho đỉa co lại và tiết ra dịch nhớt, sau đó rửa, cho vào khay với trọng lượng 10kg/khay. Cuối cùng là sắp xếp các khay vào trong hai tủ lạnh loại lớn để cấp đông. Trong khoảng sân chừng 6m2, hai nhân công liền tay vốc từng nắm đỉa ném vào khay.

Lễ, nhân công quê Lâm Đồng, nói: “Đỉa cắn hoài à, nhức lắm. Nhưng làm riết rồi quen, chẳng sợ nữa”.

Chiều 20-10, chúng tôi quay lại thì bà Kim Anh ra đón, chỉ nói vài câu: “Đỉa ở đây chủ yếu được gom từ các huyện Tân Biên, Châu Thành, Gò Dầu (Tây Ninh), có khi từ Campuchia về. Có gì cứ liên lạc qua điện thoại”.

Lúc này, hai nhân công đang đem từng khay đỉa ra kiểm tra, lọc lại những thứ thừa do đỉa tiết ra trong quá trình cấp đông. Một người chỉ ra chiếc xe tải in dòng chữ “Thu mua ốc bươu vàng” đậu đầu hẻm bảo: “Đợt này đi được cả tấn, tranh thủ kiểm tra lại để tối nay xuất hàng...”.


Việc sơ chế đỉa rất sơ sài nên nhiều đỉa đã bò ra ngoài.

Người dân lo lắng:

Vựa đỉa của bà Kim Anh đã hoạt động gần hai năm nay nhưng gần ba tháng nay hoạt động liên tục và phát tán vô tội vạ ra môi trường nước ở khu vực. Trong quá trình “sơ chế”, nhiều đỉa lớn nhỏ bò ra ngoài đều nhanh chóng được dùng chân gạt mạnh sang xung quanh, mặc chúng bò đâu thì bò. Quanh nhà bà Hạ còn hơn 20 lô đất trống gần 1ha, đến mùa mưa thì ngập nặng. Các túi lưới lủng lẳng đỉa trâu lần lượt được rửa loại bỏ tạp chất. Nhiều con đói máu mau chóng bám vào tay hai nhân công.

Ông Quảng, làm việc tại đây, vội gỡ những con đỉa dính vào bàn tay, nói: “Để lâu chút nữa là nó hút máu, nhiều chứ chẳng ít đâu”. Xong việc, ông Quảng thản nhiên dùng vòi xịt luôn đám đỉa bò trên sân. Hàng trăm con đỉa lớn nhỏ theo vòi nước trườn thẳng xuống vùng ngập nước xung quanh tìm đường thoát thân.

Nhiều con bò lổm ngổm lên thềm nhà. Những bao lưới còn dính lủng lẳng đỉa, xô đựng đỉa vấy máu đỏ lòm cũng được hai nhân công này thản nhiên nhúng luôn xuống vùng nước ngập. Một người bà con của bà Hạ đến chơi thấy vậy chèn lời: “Chẳng cần đi đâu xa bắt cho mệt, chịu khó đi vợt vòng vòng đám ngập khu này một lúc cũng được 2-3kg rồi”(!).

Những năm trước, người dân trong khu dân cư mới này chiều chiều lại rủ nhau ra tán dóc, câu cá hay tận dụng vài đọt rau muống cho bữa tối. Nay thì đến trẻ con cũng bị người lớn cấm lảng vảng ra mé nước vì sợ đỉa. Dù cách xa lò đỉa Kim Anh hơn 30m nhưng chỉ cần cầm một cành cây khuấy động mặt nước, vô số đỉa to nhỏ nổi lên lượn lờ, bám luôn cả cành cây.

Anh Phúc, một người dân sống trong hẻm, giơ cành cây còn bám đầy đỉa nói: “Mới có ông già ấp trên không biết chuyện, thò chân xuống tính vớt rau thấy ngưa ngứa nhảy lên bờ thì chân đã dính gần chục con đỉa”.

Không chỉ có thế, nhà anh Thắng nằm ngay giữa vùng ngập, cả gia đình mấy phen hoảng hồn khi phát hiện đỉa chui ngược từ lỗ thoát nước trong phòng vệ sinh. Anh Thắng lắc đầu ngao ngán: “Ăn, ngủ lúc nào cũng bị ám ảnh đỉa. Nó dính vào hút máu còn đỡ, chứ sơ ý để mảnh tàn (mảnh tàn có thể phát triển thành đỉa con và sống ký sinh trong cơ thể - PV) của nó chui vào người thì toi chắc!”.

Anh Thành, ở đối diện nhà anh Thắng, cho hay năm trước nhà bà Hạ đã gom mua đỉa. Thời gian đó bà Hạ còn rủ rê người dân trong tổ  đi bắt đỉa bán hoặc qua phụ bà ta xâu đỉa để phơi khô. “Những xâu đỉa giăng ngang dọc, bà con phải yêu cầu bà Hạ không được phơi nữa, lỡ bay tàn để trẻ hít phải thì rất nguy hiểm. Bà con phản ứng dữ quá, bà ta không xâu dây thép phơi nữa mà trải bạt nhựa ra phơi, chiều chiều lại thấy bà nhặt những con hình như không đủ tiêu chuẩn vứt bừa xung quanh” - anh Thành kể.

Ông Hiệp, tổ trưởng tổ 1 (ấp Chánh 1), cho biết: “Trước đây năm nào cũng làm ruộng mà có bao giờ gặp phải đỉa đâu, giờ thì nó đầy ra. Tui đang tính cùng bà con làm đơn kiến nghị lên trên, không thì phải chung tay mua vôi rắc xuống ngăn chặn bớt những khi nước ngập...”.

Cần nghiêm cấm:

Theo thạc sĩ Phùng Lê Cang - trưởng phòng thí nghiệm động vật bộ môn sinh thái và sinh học tiến hóa khoa sinh học Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, đỉa trâu (Hirudinaria manillensis) thuộc ngành giun đốt (annelida), thuộc lớp đỉa (hirudinea, còn gọi là lớp giun không tơ achaeta).

Đây là sinh vật sống ngoại ký sinh, nguồn thức ăn chính là máu của các loài động vật thuộc nhóm động vật có xương sống. Khi bám vào sinh vật chủ, răng nó sẽ cứa vào da làm chảy máu vật chủ, nhờ có chất hirudin có hoạt tính gây tê cục bộ và chống đông máu tiết ra từ tuyến đơn bào trên thành hầu làm máu vật chủ không bị đông và đỉa rời vật chủ khi đã hút no máu. Vì thế, sinh vật chủ khi bị đỉa cắn sẽ khó nhận biết và vị trí bị cắn khó cầm máu.

Hiện nay trong y học hiện đại, một số nghiên cứu đang có xu hướng ly trích và sử dụng hoạt chất hirudin để sản xuất thuốc điều trị các bệnh về tim mạch, tắc nghẽn mạch máu, xơ vữa động mạch...

Còn theo GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh - chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, dù đỉa là loài động vật không quý hiếm nhưng có những chức năng với hệ sinh thái đất. Việc bắt đỉa với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đến các thực vật, động vật khác. Đỉa trâu có thể đi lạc và sống ký sinh, sinh sản phát triển ngay trong cơ thể động vật và có sức sống khá mãnh liệt trong nhiều môi trường.

Người dân nên cảnh giác, đừng vì lợi nhuận trước mắt với hiện tượng mua đỉa như trên bởi có thể gây ra hậu quả khó lường.

“Tôi đề nghị cơ quan chức năng quản lý kiểm tra, xử lý việc mua bán đỉa và phát tán đỉa ra môi trường đô thị” - GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh kiến nghị.


Theo Ngọc Khải - Sơn Lâm (Báo Tuổi Trẻ)

"Chảy máu" dược liệu quý sang Trung Quốc

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Không chỉ Cao Bằng đứng trước tình trạng "chảy máu" dược liệu quý, nhiều tỉnh khác như Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Kạn… cũng rơi vào cảnh tương tự. Nguy cơ "thần dược" bị tận diệt đang hiện hữu.



Khai thác vô tội vạ:

Trong quá trình tìm hiểu tình trạng "chảy máu" dược liệu quý, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin từ Lạng Sơn về việc hàng chục loại thuốc quý có tên trong Sách đỏ của Việt Nam đang lũ lượt "kéo nhau" qua Trung Quốc.

Không giấu nổi sự lo lắng trên khuôn mặt, ông Trần Văn Tuyến - Chủ tịch Hội Đông y huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) cho biết: Từ thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ trước trở lại đây, nạn khai thác dược liệu trở nên rầm rộ và tùy tiện hơn. Các loại cát sâm, ba kích, kê huyết đằng, thổ phục linh, đỗ trọng nam.... đều bị khai thác, mua bán tự do mà không có một cơ quan chức năng nào kiểm soát.

Đến nay, ở nước ta có những loại dược liệu bị khai thác đến cạn kiệt, có khả năng tuyệt chủng như: Hoàng đàn, dây trầm, kim ngân (huyện Yên Định và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn); củ ba kích (Đô Lương, Nghệ An); đỗ trọng nam (Lương Sơn, Hòa Bình). Ngay đến củ bình vôi, từ năm 2000 trở lại đây đã bị khai thác đến cạn kiệt với hàng ngàn tấn xuất qua biên giới mỗi năm.
Nói đến chuyện "chảy máu" dược liệu ở Cao Bằng không thể không nhắc đến một số điểm thu mua tại xã Bế Triều (huyện Hòa An) với số lượng lên đến hàng trăm tấn/điểm/năm. Tại đây cây thuốc được phơi bạt ngàn trên sân, chất hàng đống như núi, sau đó lần lượt được xe tải vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.
Ngay tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai), la liệt các cửa hàng, quầy hàng dược liệu ở khắp nơi trong thị trấn. Hầu hết các chủ cửa hàng đều cho biết, thuốc ở đây mua lại của bà con lấy từ rừng Hoàng Liên Sơn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh ở phố Mới, Thành phố.Lào Cai chuyên lên Sa Pa mua dược liệu thổ lộ: "Khi có khách đặt hàng thì lên đây mua loại nào cũng có, mua của đại lý thì đắt hơn mua của người dân một ít. Nhưng để có nhiều và nhanh các dược liệu quý thì tôi mua ở đại lý". Dược liệu mua được, ông Anh chuyển về tập kết ở Thành phố Lào Cai, sau đó bán cho các thương gia Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu.

Nguy cơ bị tận diệt:

Cùng chung vấn nạn "chảy máu" dược liệu quý còn có tỉnh Bắc Kạn. Được biết, dược liệu quý hiếm người dân khai thác hầu như không sử dụng tại chỗ mà bán cho các cơ sở thu mua, rồi họ vận chuyển đi đâu không ai biết.

Người dân khai thác tràn lan, ồ ạt. Mỗi khi nông nhàn, người dân lại rầm rộ kéo nhau vào rừng, lên núi khai thác dược liệu quý về bán kiếm lời.

Vợ chồng chị Nông Thị Niên ở xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn từ hai bàn tay trắng, sau mấy năm đứng ra thu mua dược liệu của người dân rồi bán lại cho các "đầu nậu", đến nay đã mua được ô tô để làm phương tiện vận chuyển dược liệu.

Vợ chồng chị tuyển công nhân, xây dựng lò sấy, máy băm để sơ chế thuốc. Vào mùa vụ (cuối thu, đầu đông), lượng hàng dược liệu của gia đình chị lên tới hàng trăm tấn. Hay ngay tại một đầu mối thu mua dược liệu ở phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn, cửa hàng luôn chất đầy dược liệu, người bán luôn tấp nập.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi có rừng tự nhiên chiếm tới 56% diện tích, có nguồn dược liệu quý và phong phú, đa dạng với khoảng 1.000 loài, trong đó nhiều loài có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao như thổ phục linh, kê huyết đằng, cát sâm, bình vôi, khúc khắc, bách bộ.... nhưng tất cả đều đang bị khai thác tràn lan, cạn kiệt dần.

Lợi nhuận từ việc khai thác, bán các loại thần dược ở các tỉnh miền núi phía Bắc là không nhỏ, vì thế rất nhiều người dân bỏ công việc đồng áng, nương rẫy để đi. Tuy nhiên, hầu hết họ không hiểu được giá trị thực của các loại dược liệu quý hiếm, việc sử dụng đúng mục đích sẽ mang lại lợi ích như thế nào.

Ông Nông Phúc Chinh - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Các loài cây dược liệu quý như đào rừng có tác dụng điều trị các bệnh về xương khớp, cây ban lá điều trị tim mạch, cây bình vôi điều trị các bệnh về dạ dày và đường ruột, cây bàn tay ma điều trị về gan mật, cây hoài sơn đỏ điều trị chứng u xơ.... Điểm chung hiện nay là chúng đã bị khai thác quá mức nên ngày càng trở nên hiếm, rất khó tìm".

Việc khai thác vô ý thức, buôn bán tràn lan các loại dược liệu quý hiếm khiến dược liệu tự nhiên đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Việc khan hiếm dược liệu quý hiếm đã thể hiện rõ, các con buôn lại đẩy giá lên cao để kích thích bà con tiếp tục khai thác, nên điều tất nhiên dược liệu sẽ càng cạn kiệt nhanh chóng. Vấn đề đặt ra cấp bách là các cơ quan chức năng phải có chiến lược và kế hoạch hành động để bảo tồn.
Theo Thắng Quang

Cây chùm ngây - nguồn dược liệu quý hiếm

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Cây chùm ngây còn được gọi là "cây phép mầu", "cây thần diệu", hay "cây phép lạ", bắt nguồn từ tên tiếng Anh là "Miracle tree", cây vừa là nguồn dược liệu vừa là nguồn thực phẩm phong phú và quí hiếm, lá, hoa, trái, thân, vỏ, rễ của cây chứa chất khoáng, chất đạm, vitamins, beta-carotene, acid amin và nhiều hợp chất khác. Theo lương y Nguyễn Công Đức - giảng viên khoa Y học cổ truyền (ĐH Y Dược, TP.HCM), Chùm ngây đã được biết đến và dùng nhiều hơn nghìn năm nay ở các nước có nền văn minh cổ như Hy Lạp, Ý, Ấn Độ. Do có nhiều hữu ích, nên hiện nay đang có chương trình khuyến khích trồng cây chùm ngây ở 80 quốc gia trên thế giới. Thật vậy, đây là một loài cây đa tác dụng hay nói cách khác là cây vạn năng (multipurpose tree), vì ở nhiều nơi trên thế giới, nó được xem tài nguyên vô giá, chống nạn thiếu dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng hộ giảm nhẹ thiên tai. Ngoài khả năng cung cấp chất dinh dưỡng, các bộ phận của cây chùm ngây còn có dược tính phổ rộng, được dùng để điều trị rất nhiều bệnh khác nhau.
1. Về dinh dưỡng học: cây chùm ngây đã thể hiện được rằng, hầu hết các bộ phận sống của nó có chứa đủ các thành phần dinh dưỡng, có thể giúp ích cho sự sống của con người và động vật.
1.1. Lá cây được dùng làm rau ăn (lá, chồi, cành non và cả cây con được dùng trộn dầu dấm ăn thay rau diếp), làm bột cà-ri, ủ chua làm gia vị, làm trà giải khát... Ở châu Phi, nó được dùng để chống suy dinh dưỡng cho trẻ con. Lá chùm ngây chứa nhiều vitamin và muối khoáng có ích, với hàm lượng rất cao: vitamin C cao gấp 7 lần trong cam, provitamin A cao gấp 4 lần trong cà-rốt, calcium cao gấp 4 lần trong sữa, potassium cao gấp 3 lần trong chuối, sắt cao gấp 3 lần trong rau diếp, và ngay cả protein cũng cao gấp 2 lần trong sữa.
Ngoài ra, lá còn chứa nhiều vitamin B, các acid amin có lưu huỳnh như methionin, cystein và nhiều acid amin cần thiết khác. Do vậy, lá chùm ngây được xem là một trong những nguồn dinh dưỡng thực vật có giá trị cao. Trong 100 g bột lá sấy khô có: calori 205, protein (g) 27,1, chất béo (g) 2,3, carbohydrate (g) 38,2, chất xơ (g) 19,2, Ca (mg) 2,003, Mg (mg) 368, P (mg) 204, K (mg) 1,324, Cu (mg) 0,57, Fe (mg) 28,2, S (mg) 870, acid oxalic (mg) 1,6%, vitamin A-β carotene (mg) 16,3, vitamin B1 - thiamin (mg) 2,64, vitamin B2 - riboflavin (mg) 20,5, vitamin B3 - nicotinic acid (mg) 8,2, vitamin C - ascorbic acid (mg) 17,3, vitamin E - tocopherol acetate (mg) 113, arginin (g/16gN) 1,33%, histidin (g/16gN) 0,61%, lysin (g/16gN) 1,32%, tryptophan (g/16gN) 0,43%, phenylanaline (g/16gN) 1,39%, methionine (g/16gN) 0,35%, threonine (g/16gN) 1,19%, leucine (g/16gN) 1,95%, isoleucine (g/16gN) 0,83%, valine (g/16gN) 1,06%.
Lá chùm ngây chứa nhiều vitamin và muối khoáng có ích, với hàm lượng rất cao

1.2. Hoa chùm ngây có thể dùng để làm rau ăn hoặc làm trà (nhiều nước Tây phương sản xuất trà hoa chùm ngây bán ngoài thị trường), cung cấp tốt nguồn muối khoáng calcium và potassium. Nó cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu rất tốt cho người nuôi ong. Quả non của nó có thể chiên xào để ăn với hương vị như măng tây.

Hoa chùm ngây (sưu tầm).
1.3. Hạt chùm ngây chứa nhiều dầu, lượng dầu chiếm đến 30 - 40% trọng lượng hạt, có nơi trồng chùm ngây ép dầu, năng suất dầu đạt 10 tấn / ha. Dầu hạt chùm ngây chứa 65,7% acid oleic, 9,3% acid palmitic, 7,4% acid stearic và 8,6% acid behenic. Ở Malaysia, hạt chùm ngây được dùng để ăn như đậu phụng. Dầu chùm ngây ăn được, và còn được dùng bôi trơn máy móc, máy đồng hồ, dùng cho công nghệ mỹ phẩm, xà phòng, dùng để chải tóc. Dầu chùm ngây được bán ở thị trường dưới tên gọi tiếng Anh là ben-oil. Chính vì thế cây chùm ngây có tên là "Ben-oil tree".
Quả chùm ngây (sưu tầm).
Hạt chùm ngây để khô.
1.4. Các đoạn rễ non cũng được dùng làm rau.

Rễ cây chùm ngây để khô.
2. Về y học: nhiều bộ phận của cơ thể cây chùm ngây đã được dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh khác nhau. Trong hoa và rễ cây moringa có chất pterygospermin là một trụ sinh (antibiotic) rất mạnh, ăn thường xuyên sẽ giảm được nhiễm trùng do tạp khuẩn của môi trường. Cây chùm ngây cung cấp những hợp chất quý hiếm như zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic acid và kaempferol. Lá và hoa đã được dùng để chữa nhiều bệnh như cảm cúm, bao tử, gan, tiểu đường, tim. Trong y học cổ truyền, sử dụng chùm ngây chữa u xơ tuyến tiền liệt, huyết áp cao, tăng mỡ máu....
2.1. Lá, hoa và rễ: được dùng trong y học cộng đồng, chữa trị các khối u.
- Lá dùng uống để điều trị chứng hạ huyết áp và vò xát vào vùng thái dương để trị chứng nhức đầu. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, lá chùm ngây có tính chất như một kháng sinh chống các viêm nhiễm nhỏ. Lá còn được dùng để điều trị các vết cắt ở da, vết trầy sướt, sưng tấy, nổi mẩn ngứa hay các dấu hiệu của lão hóa da. Dịch chiết từ lá có tác dụng duy trì ổn định huyết áp, trị chứng bần thần, chống nhiễm trùng da. Nó cũng được dùng để điều khiển lượng đường máu trong trường hợp bị bệnh tiểu đường. Dịch chiết từ lá có thêm nước cà-rốt là một thức uống lợi tiểu. Bột làm từ lá tươi có khả năng cung cấp năng lượng làm cho năng lượng tăng gấp bội khi dùng thường xuyên. Lá cũng được dùng chữa sốt, viêm phế quản, viêm nhiễm mắt và tai, viêm màng cơ, diệt giun sán và làm thuốc tẩy xổ. Sản phụ ăn lá sẽ làm tăng tiết sữa. Ở Philippines lá được chỉ định dùng chống thiếu máu, do chứa lượng sắt cao. 
- Vỏ, lá và rễ được dùng tăng cường tiêu hóa. Theo Hartwell, hoa, lá, và rễ còn được dùng trị sưng tấy; còn hạt dùng trị trướng bụng.
2.2. Hạt điều trị bệnh viêm dạ dày. Dầu hạt được dùng ngoài để điều trị nấm da. Trường Đại học San Carlos ở Guatemala đã tìm ra một loại kháng sinh có tác dụng như neomycin có khả năng bảo vệ da khỏi sự viêm nhiễm do Staphylococcus aureus. Loại kháng sinh này là một hỗn hợp kháng khuẩn và nấm có tên pterygospermin, danh pháp hóa học là glucosinolate 4 alpha-L-rhamnosyloxy benzyl isothiocyanate. Nhiều nơi trên thế giới dùng bột nghiền từ hạt để khử trùng nước sông, nước sông trong mùa lũ có tổng số trực trùng Escherichia coli lên tới 1.600 - 18.000 / 100 ml, được xử lý bằng bột hạt chùm ngây trong vài giờ đồng hồ đã giảm xuống còn 1 - 200 / 100 ml.
2.3. Rễ có vị đắng, được xem như một loại thuốc bổ cho cơ thể và phổi, điều kinh, long đàm, lợi tiểu nhẹ. Ở Nicaragua, nước sắc rễ được dùng chữa bệnh phù thủng. Dịch rễ được dùng ngoài để điều trị chứng mẩn ngứa do dị ứng. Trong rễ và hạt, cũng có chất kháng sinh pterygospermin.
2.4. Vỏ cây được dùng điều trị chứng thiếu vitamin C, đôi khi dùng trị tiêu chảy.
2.5. Trong những năm gần đây, những công trình nghiên cứu được công bố trong các báo "Phytotherapy Rechearch" và "Hort Science" cũng đã cho thấy các tác dụng khác nhau của các bộ phận cây chùm ngây như, chống hạ đường huyết, giảm sưng tấy, chữa viêm loét dạ dày, điều trị chứng hạ huyết áp và ngay cả làm êm dịu thần kinh trung ương.
2.6. Làm thuốc ngừa thai: trong các tài liệu có nói đến phụ nữ dân tộc Raglay ngừa thai bằng cách cứ khoảng năm ngày thì lấy hai nắm rễ chùm ngây còn tươi (chừng 150gam), rửa sạch, xắt nhỏ, sắc giống sắc thuốc nam, uống hai lần trong ngày. Trong chùm ngây có alpha-sitosterol cấu trúc giống estrogen nên có thể có tác dụng ngừa thai. Khi bạn có thai, hormon thai nghén là progesterone bài tiết làm mềm tử cung khiến cơ tử cung không co bóp. Còn alpha-sitosterol trong rau chùm ngây gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Vì thế các nhà khoa học nhắc nhở “phụ nữ có thai không được ăn rau chùm ngây”. 
2.7. Một số cách dùng chùm ngây trị bệnh theo hướng dẫn của lương y Nguyễn Công Đức - giảng viên khoa Y học cổ truyền (ĐH Y Dược,TP.HCM):
+ Trị u xơ tiền liệt tuyến: dùng 100gr rễ chùm ngây tươi và 80gr lá trinh nữ hoàng cung tươi (hoặc dùng rễ chùm ngây khô 30gr và lá trinh nữ hoàng cung khô 20gr). Đem nấu với 2 lít nước, nấu còn lại nửa lít thuốc. Uống ấm 3 lần trong ngày.
+ Trị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, giúp ổn định huyết áp, ổn định đường huyết, bảo vệ gan: mỗi ngày dùng 150gr lá chùm ngây non rửa sạch, giã nát, thêm 300ml nước sạch vắt lấy nước cốt (hoặc dùng máy xay sinh tố), thêm 2 muỗng canh mật ong trộn đều, chia uống 3 lần dùng trong ngày.
+ Trị tăng cholesterol, tăng lipid máu, tăng triglycerid, hoặc làm giảm acid uric, ngăn ngừa sỏi oxalate: mỗi ngày dùng 100gr rễ chùm ngây tươi (hoặc 30gr khô) rửa sạch, nấu với 1 lít nước, nấu sôi 15 phút, để uống cả ngày.
+ Ngừa thai: cứ 5 ngày thì dùng 2 nắm rễ cây chùm ngây còn tươi (150gr) rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước, nấu còn nửa lít thuốc, chia uống 2 lần trong ngày.
+ Chùm ngây còn được dùng để lọc nước - bằng cách lấy 2 trái chùm ngây tươi đã có hột già, lấy hột giã nát, trộn đều 5 phút với 3 lít nước đục, để lắng 2 giờ thì có nước trong dùng được. 
 3. Về ứng dụng công nghiệp: gỗ cây chùm ngây rất nhẹ, có thể dùng làm củi, nhưng năng lượng không cao. Nó được xem là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho kỹ nghệ giấy và còn được dùng để chế phẩm màu xanh. Vỏ cây có khả năng cung cấp ta-nanh (tannin, tanin), nhựa dầu và sợi thô.
4. Khả năng phòng hộ: Cây chùm ngây thuộc loại cây mọc nhanh và dễ tính, sống được ở những điều kiện đất đai khô cằn và trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chịu được hạn hán. Do vậy, nhiều nơi trên thế giới, cây chùm ngây được trồng làm hàng rào xanh che chắn cho các khu sản xuất nông nghiệp, che bóng cho các cây công nghiệp dài ngày, chắn gió, chắn cát bay. Ngoài ra, cây có khả năng cải tạo đất, lá dùng làm phân xanh và làm thức ăn bổ sung cho gia súc rất tốt, cây có lá nhỏ, thân thon, tán đẹp nên được trồng làm cảnh.
5. Đặc điểm hình thái học: Cây chùm ngây có dạng sống là cây gỗ nhỏ, cao từ 8 - 10m. Lá kép lông chim 3 lần, dài 30 - 60 cm, với nhiều lá chét màu xanh mốc mốc, không lông, dài 1,3 - 2 cm, rộng 0,3 - 0,6 cm; lá kèm bao lấy chồi. 
Hoa thơm, to, dạng hơi giống hoa đậu, tràng hoa gồm 5 cánh, màu trắng, vểnh lên, rộng khoảng 2,5 cm. Bộ nhị gồm 5 nhị thụ xen với 5 nhị lép. Bầu noãn 1 buồng do 3 lá noãn, đính phôi trắc mô. 
Quả nang dài từ 30 - 120 cm, rộng 2 cm, khi khô mở thành 3 mảnh dày, Hạt nhiều (khoảng 20), tròn dẹp, to khoảng 1 cm, có 3 cánh mỏng bao quanh.
6. Đặc điểm phân loại: chùm ngây là một trong 13 loài thuộc chi Moringa, họ Moringaceae, với tên khoa học là Moringa oleifera Lamk.. Trong đó, Moringa là tên chi, được Latin hóa từ tên bản xứ gốc tiếng Tamil murungakkai, oleifera có nghĩa là chứa dầu, được ghép bởi gốc từ olei- (dầu) và -fera (mang, chứa). Tên đồng nghĩa là Moringa pterygosperma Gaertn. (pterygosperma: phôi có cánh, tên kháng sinh pterydospermin cũng từ đây mà có), Guilandina moringa L., Moringa moringa (L.) Small.
7. Đặc điểm phân bố: Cây có nguồn gốc ở Ấn Độ, Arabia, châu Phi, vùng Viễn Tây châu Mỹ; được trồng và mọc tự nhiên ở vùng nhiệt đới châu Phi, nhiệt đới châu Mỹ, Sri Lanka, Ấn Độ, Mexico, Malabar, Malaysia và Philippines. Ở Việt Nam, từ lâu, cây đã được trồng ở Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc.
8. Đặc điểm sinh thái: Cây có khả năng sống từ vùng Cận nhiệt đới khô đến ẩm cho đến vùng nhiệt đới rất khô đến vùng rừng ẩm. Chịu lượng mưa từ 480 - 4000 mm/năm, nhiệt độ 18,7 - 28,5oC và pH 4,5 - 8. Chịu được hạn và có thể sinh trưởng tốt trên đất cát khô.
9. Nhân giống: Ở Ấn Độ, cây được nhân giống bằng cành 1 - 2 m. Thời vụ thích hợp từ tháng 5 - 8. Cây bắt đầu cho quả sau 6 - 8 tháng trồng. Quả được thu hoạch giữa tháng ba và tháng tư, sau đó thu lại một đợt nữa trong tháng 9 và tháng 10.
10. Tình hình sâu bệnh hại: Sâu bệnh hại thường gặp là Ruồi đục quả Gitona spp., các loài bọ cánh cứng hại lá cây con và cây chồi giâm hom như: Mylloceus discolor, M. viridanus, Ptochus ovulum, thực vật ký sinh Dendrophthoe flacata và các nấm hại bao gồm: Cercospora moringicola, Sphaceloma morindae, Puccinia moringae, Oidium sp, Polyporus gilvus.

Dược liệu Việt Nam đang thua trên sân nhà

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tài nguyên dược liệu phong phú trong top ba thế giới. Tuy nhiên, nguồn cây thuốc ngày đang cạn kiệt bởi những hoạt động khai thác bừa bãi và sự yếu kém trong công tác quản lý.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị phát triển dược liệu được tổ chức tại Bình Dương (Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì), ngày 30/5.

Ông Ngô Chí Dũng giới thiệu chiết xuất từ hoa hồi để tổng hợp thuốc tamiflu với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân . Ảnh: L.N

Bỏ ngỏ:

Theo đề án phát triển công nghiệp dược liệu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, số lượng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền vào năm 2005 sẽ chiếm 30% số thuốc sản xuất trong nước. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản bởi nguồn dược liệu của Việt Nam bị bỏ ngỏ một cách đáng tiếc.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, hiện Việt Nam đã xây dựng được danh mục cây thuốc với 3.948 loài, trong đó có khoảng 408 loài động vật, 75 loài khoáng vật và có hơn 206 loài cây thực vật khai thác làm thuốc... Tiềm năng là vậy nhưng đến nay chỉ có hơn 500 loài cây thuốc đã được trồng với mức độ khác nhau và cũng chỉ có 44 loài được trồng thu dược liệu.

Hiện Việt Nam có 322 cơ sở chế biến sản xuất dược liệu và thuốc từ dược liệu, nhưng đa số vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Hiện chỉ có 10 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu đạt chuẩn GMP nhưng các đơn vị sản xuất lại kêu trời vì nguồn nguyên liệu đầu vào sớm nắng chiều mưa, tù mù về nguồn gốc.

“Bức xúc hơn là ngay cả dược liệu vốn mọc ở Việt Nam hoặc đã di thực thành công trồng ở nước ta lại phải nhập từ nước ngoài với giá cao gấp chục lần”- Ông Quang nói. Trong khi đó, các loại dược liệu quý đang bị mất dần do thiếu bảo tồn, con người tàn phá.

Ông Nguyễn Hữu Khai - Giám đốc Tập đoàn dược Bảo Long cho biết 85% dược liệu phải nhập từ Trung Quốc trong khi Việt Nam không thiếu. “Đáng buồn là họ thu mua từ nước ta, sau đó tinh chế rồi lại bán cho chúng ta với giá cao. Thậm chí bán cả dược liệu “rác”- Ông Khai nói.

Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, mất đi một lượng lớn dược liệu là do cách làm ăn manh mún, thiếu liên kết và định hướng trong lĩnh vực này. “Nhiều dược liệu quý như hoàng liên gai, cây vàng đắng hay như vũ điệp.... ở vùng núi Hàm Rồng thuộc Lào Cai nay bị phá hủy để trồng ngô hay bị nạn phá rừng hủy diệt”- ông Bổng dẫn chứng.

Không để nguồn dược liệu chết yểu:

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, năm 2005, tỷ lệ dược liệu ở Việt Nam dùng để chế biến và sử dụng trong nước chiếm 25%, đến năm 2009 chỉ chiếm 15% và 4 tháng đầu năm 2010 xuống còn 12%. Sự sụt giảm này theo ông Lê Minh Sắt - Vụ trưởng Vụ khoa học & Công nghệ thuộc Bộ KH&CN, là do có khai thác mà không bảo tồn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc phát triển dược liệu mà không gắn với dược phẩm là khó giải quyết vấn nạn nhập khẩu hiện nay. Điều khiến ngành dược liệu bị bỏ ngỏ trong thời gian qua theo Phó Thủ tướng vì chưa có mục tiêu cụ thể và không ai chịu trách nhiệm về việc phát triển lĩnh vực này. 

Ông Sắt cho rằng Việt Nam có 7 vùng sinh thái giầu tiềm năng dược liệu của thế giới. Từ năm 1988 đến nay, chương trình bảo tồn nguồn gene đã thu thập được 730 loài cây thuốc, xác định được giá trị chữa bệnh như trinh nữ hoàng cung, sâm ngọc linh, cây hồi.... Tuy nhiên việc bảo tồn nguồn gene chưa thực sự được chú trọng.

Các cây dược liệu quý, có thế mạnh như hồi, quế gần như để cho nước ngoài thâu tóm. Ông Ngô Chí Dũng- Chủ tịch HĐQT Cty CP Hóa dược phẩm Việt Nam cho rằng Việt Nam có hơn 50.000 ha diện tích trồng cây hồi nhưng hầu hết được Trung Quốc thu mua, giá cả phải lệ thuộc vào nước ngoài. Trong khi hoa hồi được chiết xuất để lấy axit shikimic nhằm tổng hợp thành thuốc Tamiflu để chống cúm A/H1N1 và H5N1 nhưng lâu nay chúng ta vẫn bỏ ngỏ, thuốc tamiflu phải nhập nước ngoài giá cao.

“90% nguyên liệu phải nhập khẩu để sản xuất thuốc chữa bệnh thông thường. Tôi rất buồn với thực tế này”- ông Nguyễn Tiến Hùng- Chủ tịch công ty Vimedimex nói.

Theo ông Hùng, để nguồn dược liệu không bị chết yểu nên có sự kết hợp “4 nhà”: doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân. Ông Hùng cho biết một số dược liệu chiết xuất ra thuốc tân dược chữa bệnh zona có giá bằng 1/3 thuốc nhập, nhưng nếu không có chính sách thỏa đáng thì doanh nghiệp rất khó sản xuất.

Đại diện ngành y tế tỉnh Lâm Đồng cho rằng cây thông đỏ ở Đà Lạt có hàm lượng hoạt chất Taxol- chữa bệnh ung thư cao gấp 100 lần thông đỏ ở Mexico, nhưng đến nay vẫn không nhận được sự quan tâm của nhà nước với cây này.

“Nếu không có chính sách quy hoạch thông đỏ, nhà nước không tạo điều kiện cho người dân trồng và mở rộng vùng dược liệu, nguy cơ tuyệt chủng dược liệu quý dễ xảy ra”- vị đại diện này cho biết. Bác sĩ Nguyễn Thị Ven- GĐ Sở Y tế Kon Tum cho biết, hiện dược liệu là sâm Ngọc Linh tự nhiên cũng đã tuyệt chủng.

Đôi điều về chitin-chitosan

Nhiều người rất thích ăn rau cải nhằm tăng cường vitamin, chất khoáng và lượng chất xơ giúp không bị táo bón. Nhiều người khi ăn tôm tép thích ăn luôn vỏ để bổ sung canxi là chất cần thiết cho hệ xương. Tuy nhiên rất ít người biết, rau cải và vỏ tôm tép chứa hai hợp chất có rất nhiều trong thiên nhiên, được con người tận dụng để phục vụ đời sống của mình. Hai hợp chất ấy là cellulose và chitosan.

Nhiều người ăn tôm cả vỏ, ngỡ thêm canxi nhưng thực ra lại lợi về chitin/chitosan.

Nhiều người ăn tôm cả vỏ, ngỡ thêm canxi nhưng thực ra lại lợi về chitin/chitosan.

Không cứ hiếm mới quý.

Chất xơ sợi có ở rau cải phần lớn là cellulose và chính nó giúp tạo khối trong phân để phòng chống táo bón. Còn chất làm cho vỏ tôm, vỏ cua có vẻ cứng cỏi không chỉ là canxi mà chủ yếu là chitin. Chitin là chất ban đầu có ở vỏ giáp xác, khi được ly trích để sử dụng thường được biến đổi thành chitosan, vì vậy hai hợp chất thường được xem là một và được viết là “chitin/chitosan”.

Chitin/chitosan không chỉ có ở động vật mà có thể có ở các loài nấm, vi nấm, côn trùng. Nói đến chitin/chitosan thường gợi liên tưởng đến cellulose bởi các hợp chất này đều là polysaccharid thiên nhiên có cấu trúc hoá học gần giống nhau. Cả hai đều có trữ lượng rất lớn trong thiên nhiên, đến độ thừa mứa: lượng chitin/chitosan được tạo ra trong thiên nhiên ước tính khoảng 100 tỉ tấn/năm, chỉ đứng sau cellulose. Mặc dù chitin/chitosan có rất nhiều, được xem là hợp chất không độc, rất ít gây dị ứng, có khả năng tự phân huỷ sinh học và tương hợp sinh học, nhưng quá trình nghiên cứu chitin/chitosan chỉ thực sự có hệ thống vào giữa thế kỷ 20.

Cho đến hôm nay, việc sử dụng hợp chất thiên nhiên này vẫn còn rất ít, vì chitin//chitosan dù dồi dào nhưng lại ở các nguồn phân tán quá rộng, đặc biệt hàm lượng chứa trong các nguồn ấy thường nhỏ, không đạt hiệu quả kinh tế (giá thành điều chế chitosan còn rất đắt). Hơn nữa, cả chitin và chitosan đều rất khó tan trong các dung môi thông thường và các phản ứng hoá học nhằm biến tính chúng đều tốn kém và có hiệu suất thấp. Tuy nhiên, trên mạng internet hiện nay người ta có thể tìm đọc các thông tin về chitin/chitosan, đặc biệt các ứng dụng của chúng rất dễ gây nhầm lẫn giữa thật và ảo. Thí dụ như chitosan được dùng làm màng bao trái cây giúp bảo quản tồn trữ rất lâu dài mà không phân huỷ, ở nước ta chitosan được tạo dạng tan trong nước, có tác dụng như nam châm hút mỡ chống béo phì, giúp hạ cholesterol máu, chữa bệnh gout, giúp diệt khuẩn Helicobacter pylori, chitosan giúp chống say ...  Hư thực thế nào?.

Nên xem là “thực phẩm chức năng”.

Hiện diện trong vỏ giáp xác là chitin, đun sôi chitin trong dung dịch kiềm đặc ở điều kiện thích hợp sẽ có chitosan. Nói ngắn gọn như thế nhưng trên thực tế việc thực hiện phản ứng hoá học ấy rất khó khăn và nhiêu khê. Chitin và chitosan rất giống nhau về cấu trúc, chỉ khác nhau về độ acetyl hoá, thực chất là khác nhau về hàm lượng của các nhóm –NHCOCH3 và nhóm –NH2 trong chitin và chitosan. Chitosan chứa nhiều nhóm –NH2 hơn nên mới có tính chất tan trong dung dịch axit. Cũng vì thế mà từ chitin, các nhà khoa học biến đổi thành chitosan và các dẫn chất chitosan để có các tính chất theo yêu cầu sử dụng trong đời sống. Thông tin nói rằng ở nước ta chitosan đã tạo được dạng tan trong nước là không sai. Các nhà khoa học đã tạo dược dẫn chất chitosan là N–Carboxymetylchitosan, N–Carboxybutylchitosan hơn hẳn chitin/chitosan ở chỗ tan được trong nước.

Chitosan tan trong dung dịch axit tạo gel có thể tráng mỏng thành màng, vì vậy, từ lâu người ta đã dùng chitosan tạo màng không thấm bao các loại trái cây để bảo quản lâu hơn. Trong lĩnh vực y dược, chitin/chitosan đã được nghiên cứu nhiều và được điều chế thành các tá dược rã, dính, bao các loại thuốc viên giúp phóng thích dược chất kéo dài. Tuy nhiên, trong phạm vi ứng dụng làm thuốc chữa bệnh, nhiều ứng dụng của chitin/chitosan còn trong vòng nghiên cứu. Hoặc chitin/chitosan đã được chứng minh có một số tác dụng khi thử dược lý thực nghiệm (thử trên súc vật thí nghiệm) nhưng vẫn chưa được chứng minh thực đầy đủ bằng thử nghiệm lâm sàng (thử trên người).

Điều cần đặc biệt ghi nhận nữa, do chitin/chitosan là hợp chất thiên nhiên nên các chế phẩm chitin/chitosan được lưu hành không đăng ký là thuốc chữa bệnh mà là chế phẩm “thực phẩm chức năng”, phải được ghi “Đây không phải là thuốc và không được dùng thay thế thuốc” trên nhãn. Vì thế, chỉ nên xem đây là chế phẩm có tác dụng hỗ trợ, không thay thế hẳn phương thức điều trị bằng thuốc truyền thống.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chitosan có những tác dụng sinh học có triển vọng dùng trong điều trị. Trước hết, chitosan có tác dụng hạ cholesterol máu theo cơ chế tại chỗ. Trong các nhóm thuốc trị rối loạn lipit huyết (trong đó có hạ cholesterol máu) có thuốc có tác dụng tại chỗ, đó là ezetimide (Zetia). Gọi là tại chỗ vì ezetimide chỉ cho tác dụng tại ruột, ức chế sự hấp thu cholesterol từ ruột vào máu, ezetimide cũng không được hấp thu vào máu. Chitosan cũng thế, khi uống vào đến ruột được dịch tiêu hoá hoà tan tạo thành dạng gel, sẽ bẫy chất béo (chứa triglycerid và cholesterol) có trong thức ăn thức uống không cho hấp thu vào ruột (theo Kamauchi, 1995). Như vậy, mô tả chitosan có tác dụng như nam châm hút mỡ tại ruột giúp trị béo phì cũng đúng phần nào. Do ức chế sự hấp thu chất béo, trong đó có cholesterol, nên chitosan hỗ trợ hạ cholesterol máu.

Về tác dụng trị viêm loét dạ dày – tá tràng (VLDDTT), chitosan cũng có tính hỗ trợ. Khi uống vào, chitosan nhờ môi trường axit ở dạ dày tạo thành gel che phủ niêm mạc và phát huy tác dụng bảo vệ niêm mạc. Năm 1999, một số tác giả người Nhật đã chứng minh qua mô hình thử trên chuột tác dụng của chitosan bảo vệ chống loét dạ dày (gây ra bởi rượu ethanol và axit acetic), tác dụng bảo vệ này tương đương thuốc kinh điển trị VLDDTT là sucralfat. Chitosan cũng được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn gây VLDDTT là Helicobacter pylori. Tuy nhiên, đó chỉ mới dựa vào dược lý thực nghiệm. Cho đến nay, chitosan được dùng như “thực phẩm chức năng” hỗ trợ điều trị VLDDTT, nghĩa là người bệnh đang được điều trị không được bỏ ngang việc điều trị chính thống mà nên hỏi ý kiến bác sĩ để dùng chế phẩm chitosan như biện pháp hỗ trợ.

Riêng chitosan trị được gout hoặc chống được say rượu, thì chưa có thông tin khoa học nào chứng thực.

PGS.TS Nguyễn Hữu ĐứcĐại học Y dược TP.HCMTheo SGTT

Nghiên cứu thuốc từ thảo dược điều trị Alzheimer

Các nhà khoa học Trung Quốc và Anh đang hợp tác nghiên cứu điều chế một loại thuốc mới điều trị bệnh Alzheimer.



Thảo dược thạch tùng răng cưa. (Ảnh Internet)

Theo các nhà khoa học, Alzheimer là một chứng mất trí phổ biến nhất. Hiện nay khoa học vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân và tiến triển của bệnh Alzheimer.

Các nhà khoa học đã chiết xuất được hợp chất Huperzine A từ thảo dược thạch tùng răng cưa (Huperziaserrata). Trên cơ sở hợp chất Huperzine A, các nhà khoa học sẽ tiến hành nghiên cứu điều chế thuốc điều trị bệnh Alzheimer.

Theo các nhà khoa học, dự kiến trong vòng 3 năm tới một loại thuốc mới điều trị bệnh Alzheimer dựa trên cơ sở hợp chất Huperzine A được chiết xuất từ thảo dược Huperziaserrata sẽ chính thức có mặt trên thị trường.
Huperziaserrata là thảo dược được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc chữa các bệnh bầm máu, rách cơ, sốt và tâm thần phân lập ở Trung Quốc.

Theo Vietnam+

Thạch tùng răng cưa đang bị đe dọa

Thạch tùng răng - một loài phân bố rất hạn hẹp ở Việt Nam đang được săn lung ráo riết do được coi là một "thần dược" chữa trị bệnh Alzheimer.


Cánh thợ săn thảo dược cho biết thạch tùng răng được bán theo đặt hàng từ một nhóm người kinh doanh dược liệu đến từ Đài Loan, với giá 300 USD/kg. Loài thảo dược thạch tùng răng có tầng phân bố không nhiều tại một số cánh rừng ẩm thấp (mọc là là mặt đất), hỗn giao giữa lá rộng và lá kim trên cao nguyên Lang Bian.


Thạch tùng răng cưa (Huperzia serrata (Thunb.) Trevis, tên đồng nghĩa - synonym là Lycopodium serratum Thunb.) là một loài thân thảo, thuộc họ Thông đất (Lycopidiaceae) thường bì sinh ở những cành cây, hốc cây hoặc bề mặt đá, đất mùn ở dưới tán rừng quanh năm ẩm ướt, độ mùn cao, ở độ cao trên 1000m so với mặt nước biển (vành đai á nhiệt đới, ví dụ Langbiang ở Lâm Đồng, Sapa ở Lào Cai hoặc Puxailaileng ở Nghệ An), cao 10 - 40 cm, thân đơn hay lưỡng phân 1-2 lần, hình trụ. Lá hình bầu dục, đầu nhọn, dài 1,5 cm, rộng 0,3 cm, phiến lá tương đối mỏng, nổi rõ gân giữa, mép lá có răng cưa. Túi bào tử ở nách lá hình thận màu vàng tươi.


Loài cây dược liệu này được biết nhiều ở Trung Quốc dưới tên là Qian Ceng Ta, trong các bài thuốc chữa các bệnh bầm máu, rách cơ, sốt và tâm thần phân lập. Còn ở các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, thạch tùng răng cưa được sử dụng như thức ăn bổ trợ, bán rộng rãi trên thị trường. Ở Đài Loan, loài cây này đang được xem là “thần dược”, có khả năng tuyệt diệu trong việc chữa bệnh teo não, nhất là căn bệnh mất trí nhớ Alzheimer....

Hoạt chất chính của thạch tùng răng cưa là Huperzine. Chất này được các nhà khoa học Trung Quốc cô lập lần đầu tiên vào năm 1948, và các thí nghiệm lâm sàng cũng như các ứng dụng điều trị đều đã được tiến hành ở quốc gia này.

Sau khi các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố, các nhà khoa học phương Tây kết luận rằng chất này có tác dụng trong việc chữa trị các bệnh về trí nhớ, đặc biệt là bệnh Alzheimer của người già. Alcaloide này có khả năng xuyên qua hàng rào mạch máu não và tác động trực tiếp lên não bộ với liều lượng rất thấp tính bằng microgram. Chất alcaloid trong cây Thạch tùng có tác dụng ức chế enzym acetyl - cholinesterase khá mạnh, do đó cải thiện được trí nhớ

Tại Pháp từ năm 2007, việc trị bệnh Alzheimer được coi là vấn đề quan tâm hàng đầu của quốc gia.

Theo nhiều nhà khoa học, cây thạch tùng răng cưa cần được quan tâm nghiên cứu và khai thác ứng dụng trong điều trị các bệnh rối loạn về trí nhớ, nhất là Alzheimer. Tại Việt Nam, rất nên đặt ra vấn đề bảo tồn nguồn gien quý hiếm này, song song với việc tổ chức gây trồng và từng bước nghiên cứu, sản xuất, biến thạch tùng răng cưa thành hàng hóa cung cấp cho thị trường trong, ngoài nước.

Loạn dược liệu đông y!

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

“Thị trường dược liệu đông y đang bị thả nổi”, tổng thư ký Hội dược liệu Việt Nam Tạ Ngọc Dũng đã lên tiếng trong một cuộc hội thảo gần đây tại Hà Nội. Mua thuốc chữa bệnh có thể vừa mất tiền vừa đưa thêm chất độc hại vào người. Ðó là thực tế mà người tiêu dùng đang phải đối mặt.


Tiêu chuẩn sơ sài, không ai quản lý:

Một dược sĩ thuộc công ty Traphaco cho biết vấn đề lớn nhất hiện nay là dược liệu đông y vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa. "Thực ra người trong ngành đều biết đến các tiêu chuẩn trong dược điển, tuy nhiên, các tiêu chuẩn đó còn hết sức sơ sài", vị dược sĩ này nói. Các tiêu chí cho dược liệu chủ yếu dựa trên màu sắc, định tính, độ ẩm, mốc... nhưng trong một cây dược liệu có tới 5-10 hoạt chất thì vẫn chưa có ai định lượng được. “Những gì cần thì dược điển vẫn chưa có", dược sĩ này nhấn mạnh.

Theo dược sĩ Tạ Ngọc Dũng, tổng thư ký Hội dược liệu Việt Nam, việc thả nổi quản lý chất lượng dược liệu hiện nay không chỉ trong chủng loại mà cả ở chế biến và nhập khẩu. Cho đến nay, hầu hết dược liệu đến tay người tiêu dùng phải qua các khâu chế biến, trong đó hơn 90% được lưu chuyển ở các địa điểm quen thuộc như Ninh Hiệp ở Hưng Yên, phố Lãn Ông ở Hà Nội và chợ đông nam dược ở quận 5 (TP.HCM). Ðến những nơi này không ai không băn khoăn về chất lượng. Dược liệu khai thác về được chất đống phủ nilông ngoài trời. Có loại đã mọc mầm, mốc, mọt. Chỉ khi có người mua thì dược liệu đó mới được chế biến. Nhiều khi dược liệu cũ đã suy giảm chất lượng lại được “đánh màu”, “tái chế” để tăng sức hấp dẫn bằng nhiều kỹ xảo, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.

Dược liệu nhập khẩu và cao đơn hoàn tán chủ yếu được nhập vào theo đường phi mậu dịch, tiểu ngạch. Chất lượng dược liệu và cao đơn hoàn tán đa phần được nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch với đủ phẩm cấp chất lượng. Thật giả lẫn lộn và không ai chịu trách nhiệm quản lý.

Chế biến: cổ truyền hay lừa người tiêu dùng?.

Việc dùng diêm sinh trong chế biến dược liệu được coi là khá phổ biến tại một số làng nghề dược liệu ở miền Bắc. Dưới mác “cổ truyền”, người ta sử dụng khá nhiều hóa chất độc hại trong quá trình chế biến dược liệu. Nhiều nhất vẫn là diêm sinh mà dân trong nghề hay gọi là "xông sinh". Ðối với dược liệu được xông sinh, nhìn cảm quan dược liệu có màu sắc đẹp, vàng và đặc biệt nhất là không bị ẩm, mốc. ít ai biết màu vàng đó chính là màu của lưu huỳnh trong diêm sinh.

Ngoài chuyện lưu huỳnh, diêm sinh hay sử dụng phân bón ngoài danh mục, điều mà nhiều dược sĩ quan tâm hiện nay là các kim loại nặng có trong dược liệu đông y. Ai cũng biết được lượng chì quá quy định trong thực phẩm có hại thế nào. Vậy mà nếu có trong dược liệu đông y thì người bệnh sẽ ra sao? Ngay cả giáo sư tiến sĩ Ðỗ Tất Lợi, chủ tịch Hội dược liệu Việt Nam trong khi trả lời báo giới cũng nói rằng "Chưa có ai nghiên cứu về các vấn đề nói trên".

Theo dược sĩ Nông Hữu Ðức thuộc công ty Traphaco, hiện tại Trung Quốc đã đưa ra các quy định ngặt nghèo cho nguyên liệu đông dược. Do vậy cần chú ý nhiều tới các dược liệu nhập khẩu vì rất có khả năng những dược liệu không đủ tiêu chuẩn sẽ vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch.

Ông Ðỗ Tất Lợi cũng đã kêu gọi giải quyết tình trạng chất lượng dược liệu bằng một chương trình hành động về dược liệu sạch và môi trường. Cuối tháng 5, Viện nghiên cứu ứng dụng cây, con làm thuốc đã đưa ra chương trình này với hai mục tiêu chính là trồng đại trà dược liệu cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và trồng, sử dụng thuốc nam trong cộng đồng.

Trong khi chờ đợi các kết quả của chương trình này, người tiêu dùng chỉ biết trông đợi vào các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các điểm, cơ sở bán, kinh doanh nguyên liệu đông dược. Có thế, may ra mới giảm thiểu được những ảnh hưởng đáng tiếc của các dược liệu không đủ tiêu chuẩn chất lượng lưu hành khá rộng rãi hiện nay trên thị trường.

Vực dậy ngành dược liệu

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Mỗi lần khách du lịch đến nhà và có nhu cầu tắm thuốc, chị Lý Mán Mẩy ở bản Tả Phìn, huyện Sa Pa, Lào Cai lại đeo gùi lên vai, cầm con dao quắm, thoăn thoắt leo lên sườn núi sau nhà mình để lấy lá. Có lẽ, chị Mẩy chưa bao giờ nghĩ tới việc mình đang tiếp nối quan điểm tự chủ Thuốc Nam chữa bệnh người Nam (Nam dược trị Nam nhân) của Danh y Tuệ Tĩnh từ hơn sáu thế kỷ trước. Duy trì bài tắm thuốc của người Dao đỏ đơn giản chỉ là cuộc mưu sinh của gia đình chị... Nhưng, điều đáng mừng là hiện có nhiều công ty dược Việt Nam đang bắt tay gây dựng lại những vùng nguyên liệu dược cổ truyền để chủ động và vững vàng trong chiến lược phát triển ngành đông dược hiện đại.


Doanh nghiệp phục hồi nguồn dược liệu :
Ở ngay huyện Sa Pa, có một doanh nghiệp được thành lập năm 2006 với mục tiêu đưa ra các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên. Đó là Công ty Nông dược bản H’Mông Sa Pa - doanh nghiệp đầu tiên về mảng dược liệu của núi rừng Sapa. Phó giám đốc Công ty Lê Minh cho biết, ông đang đề xuất dự án Khoanh nuôi và bảo tồn nguồn gen dược liệu kết hợp sản xuất và hoàn thiện các sản phẩm bản địa – Sa Pa trên diện tích 100ha. “Chúng tôi đã nghiên cứu và lập dự án tiền khả thi cho việc xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất kết hợp với việc khoanh nuôi trồng vùng nguyên liệu để cung ứng cho nhà máy”, ông Minh nói.

Năm 2005, Bảo Long - một trong những tên tuổi lớn về đông dược, hiện sản xuất trên 90 sản phẩm đông dược và mỹ phẩm thảo dược - đã tìm đến Sìn Hồ (Lai Châu) để trồng cây thuốc. Năm 2009, Bảo Long phát triển thêm Công ty Dược liệu Bắc Hà - Lào Cai để phục hồi nguồn dược liệu với chất lượng nổi tiếng ở đây mà trước kia từng xuất khẩu rất nhiều sang Trung Quốc.

Một doanh nghiệp dược non trẻ khác - BV Pharma -  đang ấp ủ nhiều dự án lớn về trồng và sản xuất thuốc từ dược liệu cổ truyền. Thành lập năm 2002, BV Pharma nay đã có nhà máy đầu tiên ở nước ta sở hữu dây chuyền chiết xuất bằng công nghệ phun sương, bào chế dược liệu từ cây thuốc để sản xuất các sản phẩm thuốc y học cổ truyền. BV Pharma cũng chính là nhà cung cấp nhiều loại dược liệu cho nhiều ông lớn của ngành dược.

Công ty cổ phần Dược Danapha - sở hữu nhãn hiệu cao Sao vàng nổi tiếng - đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thuốc đông dược hiện đại đạt chuẩn GMP-WHO với công suất 140 triệu viên/năm tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) hồi cuối năm 2010. Để chủ động nguyên liệu, trước đó, Danapha đã xây dựng một vùng nguyên liệu 1,5ha ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), nay được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Một vùng trồng dược liệu khác rộng 5ha ở khu vực trên cũng đang được xúc tiến hình thành với 4 loại cây chính là kim tiền thảo, trinh nữ hoàng cung, cỏ nhọ nồi và nhân trần... .



Chưa có cơ chế phát triển ngành dược liệu :
Khôi phục những vùng dược liệu đủ cung ứng cho sản xuất dược ở quy mô công nghiệp đã trở thành một hướng đi được cả giới chuyên môn và cơ quan quản lý tán đồng. Một số vùng trồng dược liệu đã hình thành như cây quế ở Yên Bái, Quảng Nam, Thanh Hóa; cây hồi ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Kạn; hòe ở Thái Bình, Nghệ An, Đăk Lăk; thanh hao hoa vàng ở Hà Nội, Bắc Giang; cây tràm ở Đồng Tháp Mười, Long An, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh; kim tiền thảo ở Bắc Giang, Tây Ninh; gấc ở Hải Dương, Bắc Giang; bụp giấm, dừa cạn ở Ninh Thuận, Bình Thuận… .

Mặc dù vậy, những ai đang trên con đường tìm lại dược liệu Việt Nam ít nhiều còn cảm giác đơn độc và ở trong trạng thái mạnh ai nấy làm. Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng thừa nhận, vướng mắc lớn nhất là chưa có cơ chế phát triển ngành dược liệu. Thành ra, từ một nước xuất khẩu dược liệu có tiếng (với tiềm năng dược liệu đứng thứ hai trên thế giới), Việt Nam lại trở thành quốc gia nhập khẩu dược liệu. Có thời điểm, 85% dược liệu để sản xuất đông dược trong nước nhập về từ Trung Quốc.

Sự thể này xảy ra như một tất yếu khi nhiều vùng rừng có cây thuốc phong phú ở nước ta hoàn toàn bị phá bỏ. Việc trồng dược liệu thiếu quy hoạch tập trung, thiếu sự hỗ trợ từ các ngành có liên quan nên thị trường dược liệu không ổn định, cây dược liệu vì thế cũng không phát triển dù nông dân vẫn muốn chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng để phát triển kinh tế. Không đầu tư chất xám, không quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức việc phát triển dược liệu có quy mô lớn và ổn định, bền vững, thì rất khó phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hóa dược như mong muốn. Điều này dẫn đến nước ta sẽ mãi mãi phụ thuộc vào thuốc từ nước ngoài, nguyên liệu dược của nước ngoài; công nghệ dược chỉ dừng ở gia công, bao gói; nền y học cổ truyền, bản sắc văn hóa y dược học cổ truyền sẽ ngày càng mai một.

Sẽ khả quan hơn?.

Nhằm vực dậy ngành dược liệu, từ tháng 10.2010, Bộ Y tế triển khai cho 17 đơn vị liên quan đến phát triển dược liệu, từ quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đến bệnh viện y học cổ truyền tham gia thực hiện kế hoạch hành động đến năm 2020.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngành Y tế đang quyết tâm thúc đẩy phát triển thị trường dược liệu ở Việt Nam theo 3 hướng chính là: hình thành các vùng nguyên liệu trồng dược liệu có quy mô lớn trên cả nước; xây dựng các nhà máy chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn quốc tế; và xuất khẩu các sản phẩm dược liệu đã qua chế biến phục vụ ngành công nghiệp điều chế thuốc có nguồn gốc dược liệu và các loại thuốc sản xuất trong nước có nguồn gốc dược liệu đang có nhu cầu tăng cao trên thế giới. Theo đó, sẽ đẩy nhanh một số nội dung ưu tiên như: xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu trong cả nước đến 2020 và tầm nhìn 2030; trong đó có danh mục sản phẩm trọng điểm quốc gia về dược liệu, thuốc từ dược liệu để các địa phương dựa vào đó quy hoạch vùng trồng và kêu gọi đầu tư; quy hoạch hệ thống vườn thuốc quốc gia bảo tồn các nguồn gen, nghiên cứu di thực; triển khai mạnh mẽ hơn các tiêu chuẩn sản xuất thuốc như GMP-WHO, GACP tại các nhà máy sản xuất thuốc….

Gần đây, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát chi tiết thực trạng tiềm năng phát triển cây thuốc trong cả nước và đã dự kiến đưa ra được danh mục gần 10 loại cây thuốc có giá trị cao, có điều kiện thuận lợi để phát triển diện rộng trong cả nước gồm: hồi, quế, trinh nữ hoàng cung, sâm Ngọc Linh, tràm, thanh hao hoa vàng, hoa hòe và Artichaut. Từ kết quả khảo sát này, Bộ Y tế đã nghiên cứu và dự kiến đưa ra ba sản phẩm dược liệu là hồi, sâm Ngọc Linh và trinh nữ hoàng cung để phát triển thành sản phẩm quốc gia.
Minh Nguyệt/Theo-daibieunhandan.vn