Sâm Ngọc Linh: phân biệt thật - giả

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Đã có thời điểm rộ lên tin đồn ở huyện Tu Mơ Rông sau cơn bão số 9 núi lở, nhiều nơi công nhân làm đường phát hiện những bãi sâm tự nhiên. Thực ra chỉ là chiêu tung tin vịt để lừa khách hàng mua sâm ngọc Linh giả.

Như các bạn đã biết,  sâm Ngọc Linh giả đang tràn lan trên thị trường và được làm với kỹ nghệ rất tinh vi. Để giúp mọi người không mua phải sâm giả, chúng tôi xin tổng hợp một số cách phân biệt sâm thật - sâm giả.

Theo như chúng tôi được biết, hiện nay có khoảng 4-5 loại sâm Ngọc Linh giả. Các loại sâm Ngọc Linh giả được Th.S  Lê Thanh Sơn và các đồng nghiệp tại Viện Dược liệu phát hiện gồm:

  - Loại giả thứ nhất cũng là giả cao cấp nhất (1A) là sử dụng một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Hiện tại, chưa thể định danh được loài này. Tuy nhiên, qua xét nghiệm DNA ở Liên Xô, đây rất có thể là một loài mới chưa từng công bố (ghi nhận) ở Việt Nam. DNA giống với sâm Ngọc Linh tới 97%. Nếu mua phải loại này thì chắc chắn không độc hại gì vì loài này giống như “anh em”, tương đối sát nhau về di truyền với sâm Ngọc Linh.

  - Loại sâm giả thứ 2 là sâm Vũ Diệp và Tam thất hoang. Tuy cùng chi nhân sâm nhưng so với giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh và thậm chí cũng kém hơn so với loại giả 1A đã nói ở trên. Giá của sâm Ngọc Linh hiện nay là khoảng 30tr/kg, trong khi đó tam thất chỉ có giá khoảng 200 nghìn/kg.

- Loại thứ ba là một số loài thuộc họ Araceae (họ Ráy). Đây là loại sâm “giả” tồi tệ nhất, nguy hiểm nhất. Không ít người khi đi mua đã nhấm thử và sau một thời gian, toàn bộ môi, miệng bị phồng rộp. Những loài thuộc họ ráy này nếu ở trong trạng thái héo, người mua lại càng khó phân biệt bởi hình dáng bên ngoài hoàn toàn giống với sâm Ngọc Linh thật.

  - Loại thứ 4 là một số củ của những loài khác như củ Hoàng tinh loại nhỏ hoặc củ Bảy lá một hoa (củ rắn cắn) loại nhỏ… một số loại củ có thân đốt giống sâm Ngọc Linh.

Để nhận biết được sâm Ngọc Linh thật hay giả, Th.S Lê Thanh Sơn cho biết phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như xem mẫu hoa, mẫu cành, mẫu lá… Tuy nhiên, bằng trực giác, khứu giác, qua hình dáng, trọng lượng, mùi vị của sâm, các chuyên gia có thể khẳng định tới 80 – 90% đâu là sâm Ngọc Linh thật, giả.

Một số đặc điểm nhận dạng “nằm lòng” mà Th.S Lê Thanh Sơn gợi ý dưới đây có thể phần nào giúp người dân bớt bỡ ngỡ và phân biệt được loại sâm quý hiếm này:

Đầu tiên, người mua nên quan tâm là về hình dáng củ. Th.S Lê Thanh Sơn cho biết: Trên thị trường hiện nay, để sâm Ngọc Linh có khối lượng lớn khoảng 1-2 lạng là rất khó, vì suốt từ khoảng những năm 1980, người dân đã săn lùng sâm chẳng khác gì đi tìm trầm, nguồn sâm đã cạn kiệt.

“Vì thế, mua được 1 củ sâm 1kg đó là một điều hoang tưởng”, Th.S Lê Thanh Sơn khẳng định.
Ngoài ra, nếu là sâm Vũ Diệp hoặc Tam thất hoang thì củ thường không tròn mà có hình dáng hơi dẹt, khi nếm vị đắng thường ít và có cảm giác hơi ngứa ở đầu lưỡi.

Còn loại 1A chưa biết tên(đã nêu ở trên – pv), vị đắng mạnh hơn cả sâm Ngọc Linh, xộc hẳn vào trong họng, có khi, khách vừa nhấm vào miệng đã phải nhè ra ngay. Ngược lại, sâm Ngọc Linh thật “tiền khổ, hậu khổ, hậu khổ khổ” tức là khi nếm có vị đắng, về sau cũng đắng nhưng vị đắng của nó dịu và thanh.

Sâm Ngọc Linh tươi có mùi, vị rất khó tả, nếu ai đã một lần nếm thử thì không thể nào quên”, Th.S Lê Thanh Sơn nói. 

Một cách phân biệt bằng trực quan đó là dựa vào mầu của đất bám trên rễ sâm, độ dầy (độ bì) của vỏ rễ củ.

Th.S Lê Thanh Sơn cho biết: Vỏ ngoài của củ sâm Ngọc Linh bao giờ cũng mỏng và nhẵn, không xù xì, trong khi các loại sâm giả thường rất dày, sờ vào thấy bì bì, nhìn xa giống như màu da tê giác. Vì mọc tự nhiên trên đỉnh núi Ngọc Linh nên sâm Ngọc Linh luôn có mùi nồng nồng của đất mùn trên núi đá. Còn các loại sâm giả mọc chủ yếu ở đất Feralit đỏ vàng hoặc nâu nên nếu khách mua để ý, hoàn toàn có thể cạy được những loại đất này bám trên ngóc ngách của củ sâm.

Cái nữa để phân biệt, đó là sâm Ngọc Linh thật mỗi năm rụng cuống đi, thành những mắt sạch sẽ, lõm sâu, còn sâm không thật thì rất khó rụng vì thân có nhiều xenlulo. Ngay cả những mắt rụng lâu rồi vẫn còn xenlulo.
Mặc dù, đối với người dân thường rất khó để phân biệt nhưng chúng tôi hy vọng trước khi bỏ ra một số tiền lớn để “đầu tư” mua loại sâm quý hiếm này, người tiêu dùng nên cẩn trọng để tránh trường hợp mua phải sâm Ngọc Linh giả để rồi “tiền mất tật mang”.

Tam thất hoang là một trong những loại được dân buôn lựa chọn để "giả", "nhái" sâm Ngọc Linh. 
Với kinh nghiệm của mình Lương y Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: "Sâm Ngọc Linh thật lá không xẻ thùy, trái khi chín đỏ thường xuất hiện bớt màu đen, các đốt mắt củ thường ngắn hơn, không nằm trên một đường thẳng (củ già thường có các u bướu). Khi cắt ngang củ, thấy có màu vàng ngà, nếm có vị đắng và dịu ngọt dần nơi đầu lưỡi. Ba loại sâm Ngọc Linh giả kể trên đều được các đầu nậu mua từ Sa Pa, Lai Châu đem vào Kon Tum bán. Mặc dù chúng đều có khả năng bồi bổ cơ thể nhưng giá trị thấp hơn nhiều so với sâm Ngọc Linh thật".

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét